1. Thế nào là lợi nhuận chưa phân phối
Lợi nhuận chưa phân phối hay lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là thuật ngữ phản ánh kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của một doanh nghiệp. Chủ sở hữu/các thành viên góp vốn/ cổ đông hoặc bên thứ ba có thể đánh giá được doanh nghiệp kinh doanh lãi hay lỗ trong năm tài chính tương ứng.
Điều kiện phân chia lợi nhuận: Lợi nhuận được dùng để phân chia cho chủ sở hữu/các thành viên góp vốn/cổ đông của công ty sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản đến hạn trả khác sau khi chia lợi nhuận.
Thời điểm chia lợi nhuận: theo quy định tại Điều lệ của Công ty.
2. Quy định pháp luật về hình thức tăng vốn góp dựa trên lợi nhuận chưa phân phối
(i) Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư Việt Nam
Doanh nghiệp có thể tăng vốn điều lệ trong các trường hợp sau:
- Tăng vốn góp của thành viên: Khoản 1 Điều 68 Luật Doanh Nghiệp;
- Chủ sở hữu công ty góp thêm vốn. Chủ sở hữu công ty quyết định hình thức tăng và mức tăng vốn điều lệ: Khoản 1, 2 Điều 87 Luật Doanh Nghiệp;
- Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu – khoản 1 Điều 124 Luật Doanh Nghiệp.
Về hình thức tăng vốn, pháp luật không quy định cụ thể hay giới hạn các hình thức góp vốn cụ thể. Do đó, các chủ sở hữu/thành viên góp vốn/cổ đông góp vốn thông qua hình thức chuyển đổi lợi nhuận chưa phân phối thì không trái với quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, việc chuyển lợi nhuận chưa phân phối thành khoản vốn, pháp luật về thuế có quy định như sau:
- Thu nhập chịu thuế TNCN: Thu nhập từ lợi tức ghi tăng vốn hay nhận cổ tức từ cổ phiếu là một khoản thu nhập từ đầu tư vốn và chịu thuế TNCN (Điều 2.3.g Thông tư 111/2013/ TT – BTC);
- Thời điểm xác định thu nhập tính thuế: Thời điểm xác định thu nhập từ đầu tư vốn là thời điểm cá nhân chuyển nhượng vốn, rút vốn hoặc từ thời điểm cá nhân chuyển nhượng cổ phiếu. (Điều 10.3.a,b Thông tư 111/2013/TT – BTC);
- Đối tượng thực hiện kê khai thuế, nộp thuế: Cá nhân nhận cổ tức bằng cổ phiếu, lợi tức ghi tăng vốn chưa phải khai và nộp thuế từ đầu tư vốn khi nhận. Khi chuyển nhượng vốn, rút vốn, giải thể doanh nghiệp cá nhân khai và nộp thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn và thu nhập từ đầu tư vốn. (Điều 26.9 Thông tư 111/2013/TT – BTC). Tổ chức nơi cá nhân có vốn góp/ nơi cá nhân là cổ đông nhận thưởng từ chứng khoán có trách nhiệm khai thuế thay, nộp thuế thay đối với thu nhập từ đầu tư vốn khi cá nhân chuyển nhượng vốn/chuyển nhượng chứng khoán, rút vốn (Điều 7.5.d Nghị định 126/2020/NĐ-CP).
Như vậy, có thể thấy rằng, Luật Doanh Nghiệp không quy định cụ thể về hình thức góp vốn bằng lợi nhuận nhưng pháp luật về thuế thì có quy định về hình thức này thông qua việc quy định về nghĩa vụ thuế và thời điểm kê khai thuế TNCN.
(ii) Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
Đối với chủ sở hữu/ thành viên góp vốn/ cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài, việc góp vốn vào công ty được thực hiện theo quy định Điều 24 Luật Đầu Tư. Các hình thức góp vốn, mua cổ phần gồm:
a) Mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần;
b) Góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh;
c) Góp vốn vào tổ chức kinh tế khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này.
Đối với việc góp vốn đối với Nhà đầu tư nước ngoài, việc góp vốn phải thông qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp hoặc tài khoản vốn đầu tư gián tiếp (“Tài Khoản Vốn”). Do đó trường hợp Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn thì cần chuyển lợi nhuận vào Tài Khoản Vốn tương ứng.
Tuy nhiên, các giao dịch thu chi liên quan đến tài Tài Khoản Vốn về việc nhận lợi nhuận và ghi nhận về việc góp vốn của nhà đầu tư thì không được quy định cụ thể. Do đó, việc chuyển lợi nhuận từ tài khoản thanh toán vào Tài Khoản Vốn và ghi nhận việc góp vốn của Nhà đầu tư, Doanh Nghiệp cần liên hệ ngân hàng nơi mở Tài Khoản Vốn để xin ý kiến và thực hiện theo quy định của ngân hàng trước khi thực hiện thủ tục tăng vốn tại Sở Kế Hoạch và Đầu Tư.
3. Thời điểm đăng ký tăng vốn
Căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 30 và khoản 4 Điều 28 Luật Doanh Nghiệp, Doanh Nghiệp phải đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh khi thay đổi vốn điều lệ với công ty trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi. Cụ thể:
- Doanh nghiệp phải đăng ký với Cơ quan đăng ký kinh doanh khi thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp quy định tại Điều 28 của Luật này.
- Doanh nghiệp chịu trách nhiệm đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi.
Xem thêm: Thời hạn góp vốn khi tăng vốn điều lệ hiện nay
Như vậy, chủ sở hữu/thành viên góp vốn/cổ đông phải đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh để điều chỉnh Giấy Chứng Nhận Đăng Ký Doanh Nghiệp trong vòng 10 ngày kể từ ngày hoàn tất việc dùng lợi nhuận chưa phân phối để tăng vốn.
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ liên của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Doanh nghiệp và đầu tư. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Doanh nghiệp và đầu tư và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.