Người Lao Động Nước Ngoài Tại Việt Nam và 3 điều cần lưu ý

Người lao động nước ngoài cần nắm rõ các vấn đề pháp lý cơ bản để có thể làm việc và sinh sống tại Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam là điểm đến lý tưởng của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Việc tăng các dự án đầu tư cũng kéo theo hàng loạt các vị trí quản lý, chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài vào Việt Nam để làm việc và sinh sống. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, tính đến ngày 20/6/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 14,03 tỷ USD, bằng 91,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong bài viết này, Apolat Legal đề cập đến 03 lưu ý cần thiết cho người lao động nước ngoài khi gia nhập vào thị trường Việt Nam. 

1. Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam cần đáp ứng các điều kiện sau

  • Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là người có quốc tịch nước ngoài và phải đáp ứng các điều kiện sau đây: 
    • Đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; 
    • Có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, kinh nghiệm làm việc; có đủ sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế; 
    • Không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc pháp luật Việt Nam; 
    • giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động. 
  • Thời hạn của hợp đồng lao động đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không được vượt quá thời hạn của Giấy phép lao động. Khi sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.
  • Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải tuân theo pháp luật lao động Việt Nam và được pháp luật Việt Nam bảo vệ, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác. 

2. Đối tượng lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc chủ yếu tập trung nhóm lao động giữ vị trí

  • Nhà quản lý: là người quản lý doanh nghiệp theo quy định tại khoản 24 Điều 4 Luật Doanh nghiệp hoặc là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu của cơ quan, tổ chức, ví dụ: chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác theo quy định tại Điều lệ công ty. 
  • Giám đốc điều hành: là người đứng đầu và trực tiếp điều hành đơn vị trực thuộc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
  • Chuyên gia: là người lao động nước ngoài thuộc một trong các trường hợp sau đây:
    • Có bằng đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam; 
    • Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm và có chứng chỉ hành nghề phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam. 
  • Lao động kỹ thuật: là người lao động nước ngoài thuộc một trong các trường hợp sau đây: 
    • Được đào tạo chuyên ngành kỹ thuật hoặc chuyên ngành khác ít nhất 01 năm và làm việc ít nhất 03 năm trong chuyên ngành được đào tạo; 
    • Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm làm công việc phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam. 

3. Quy trình để người lao động nước ngoài được vào Việt Nam làm việc như sau

Bước 1: Xin chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài 

Bước 2: Xin Giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động 

Bước 3: Xin visa để Người lao động nước ngoài vào Việt Nam 

Bước 4: Xin cấp thẻ tạm trú để Người Lao Động Nước Ngoài có thể sinh sống ổn định tại Việt Nam. 

Trong đó, thẻ tạm trú đối với người lao động nước ngoài được cấp có thời hạn không quá 2 năm. 

Lưu ý: Điều 7 Nghị định 152/2020/NĐ-CP có quy định các trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động. Tuy nhiên các đối tượng này nếu kiêm nhiệm các chức vụ khác mà theo quy định pháp luật phải xin giấy phép lao động thì Công ty phải thực hiện xin cấp giấy phép lao động. 

Ví dụ: Ông A vừa là thành viên góp vốn trong công ty TNHH có giá trị góp vốn từ 3 tỷ đồng trở lên và vừa là Giám Đốc công ty và làm việc tại Việt Nam thì Công ty phải thực hiện xin giấy phép lao động cho ông A với vị trí chuyên gia trước khi bổ nhiệm ông A làm Giám Đốc công ty và phải xin thẻ tạm trú cho ông A để ông A có thể sinh sống và làm việc ổn định tại Việt Nam. 

Khuyến cáo: Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý nào. Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Lao động. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site. Switch to a production site key to remove this banner.