1| Khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có thể được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ tại các tổ chức tín dụng
Thông tư số 01/2020/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 13/3/2020 quy định về việc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid–19. Trong đó:
a. Các trường hợp được thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi, bao gồm:
- Số dư nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 10 ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, đến thời hạn trả nợ theo hợp đồng, theo thỏa thuận cho vay hoặc cho thuê tài chính đã ký;
- Số dư nợ đã quá hạn (trừ trường hợp quá hạn đề cập ở trên) trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền kề sau 15 ngày kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.
b. Theo đó, số dư nợ gốc và/hoặc lãi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ phải đáp ứng các điều kiện như sau:
- Phát sinh từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính;
- Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền kề sau 03 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính Phủ công bố hết dịch Covid-19;
- Khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn theo hợp đồng, theo thỏa thuận cho vay, cho thuê tài chính đã ký do doanh thu, thu nhập sụt giảm từ ảnh hưởng của dịch Covid-19.
c. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ phát sinh từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) đối với:
- Nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền kề sau 03 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính Phủ công bố hết dịch Covid-19;
- Khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn theo hợp đồng, theo thỏa thuận đã ký do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.
d. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giữ nguyên nhóm nợ (đã phân loại theo quy định) tại thời điểm gần nhất trước ngày 23/01/2020 đối với:
- Số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ;
- Số dư nợ được miễn, giảm lãi;
- Số dư nợ đối với hai loại nêu trên và cả phần dư nợ đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, điều chỉnh nhóm nợ theo quy định trong thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền kề sau 15 ngày kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.
Thông tư 01/2020/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 13/03/2020.
2| Một số điểm mới nổi bật về chứng thực bản sao từ bản chính; chứng thực chữ ký; chứng thực hợp đồng, giao dịch
Vào ngày 03/03/2020, Bộ Tư Pháp ban hành Thông tư số 01/2020/TT-BTP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính Phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch.
Theo đó, một số điểm mới nổi bật như sau:
a. Một số giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp cho cá nhân như hộ chiếu, thẻ căn cước, thẻ thường trú, thẻ cư trú, giấy phép lái xe, bằng tốt nghiệp, các chứng chỉ và bảng điểm kèm theo bằng tốt nghiệp, chứng chỉ thì khi chứng thực bản sao từ bản chính hoặc chứng thực chữ ký người dịch trên bản dịch các giấy tờ này cũng không phải hợp pháp hóa lãnh sự.
b. Chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền được thực hiện trong các trường hợp sau:
- Ủy quyền về việc nộp hộ, nhận hộ hồ sơ, giấy tờ, trừ trường hợp pháp luật quy định không được ủy quyền;
- Ủy quyền nhận hộ lương hưu, bưu phẩm, trợ cấp, phụ cấp;
- Ủy quyền nhờ trông nom nhà cửa;
- Ủy quyền của thành viên hộ gia đình để vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội.
Lưu ý: Việc ủy quyền nêu trên phải đáp ứng các điều kiện: ủy quyền không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền, không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản và quyền sử dụng bất động sản.
Thông tư 01/2020/TT-BTP có hiệu lực từ ngày 20/04/2020.
3| Áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19
Nghị quyết số 20/NQ-CP của Chính Phủ ban hành ngày 28/02/2020 quy định về việc áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19.
Những nội dung cơ bản được Nghị quyết thông qua bao gồm:
- Bộ Y tế áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19;
- Chỉ cho phép xuất khẩu mặt hàng khẩu trang y tế với mục đích viện trợ, hỗ trợ quốc tế do Chính phủ Việt Nam thực hiện (tối đa 25% sản lượng cho xuất khẩu, 75% sản lượng dành cho công tác phòng, chống dịch bệnh trong nước);
- Không áp dụng quy định trên đối với hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp chế xuất đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, và doanh nghiệp gia công khẩu trang y tế cho thương nhân nước ngoài đã ký hợp đồng gia công trước ngày 01/03/2020;
- Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy phép xuất khẩu và tiêu chuẩn đối với mặt hàng khẩu trang y tế do Bộ Y tế, Bộ Công thương và Bộ Tài chính phối hợp thực hiện;
-
Các cơ sở sản xuất mặt hàng khẩu trang y tế có trách nhiệm báo cáo về năng lực sản xuất theo yêu cầu của Bộ Y tế.
Tải Cập nhật pháp lý tại đây.