1. Thông tư quy định về điều kiện vay nước ngoài ngắn hạn
Hiện nay, Thông tư 12/2014/TT-NHNN (“Thông tư 12”) là thông tư đang có hiệu lực quy định về điều kiện vay nước ngoài (trong đó bao gồm khoản vay nước ngoài ngắn hạn) của doanh nghiệp không được chính phủ bảo lãnh, trong đó quy định rõ các điều kiện đối với Bên đi vay không phải là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Trong tình hình hiện tại khi vay nước ngoài của khu vực doanh nghiệp chiếm phần lớn dư nợ vay, nhằm đảm bảo hạn chế vay nước ngoài cho các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, từ giữa năm 2022, Ngân hàng Nhà Nước đã bắt đầu lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 12 (“Dự Thảo”), trong đó thắt chặt hơn các điều kiện về mục đích đối với khoản vay nước ngoài ngắn hạn mà khối doanh nghiệp không phải là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cần lưu ý.
Theo quy định hiện hành, Điều 5 của Thông tư 12 không phân tách mà quy định chung về mục đích vay của cả khoản vay ngắn hạn và vay trung dài hạn. Đối với khoản vay nước ngoài ngắn hạn, doanh nghiệp được phép vay nhằm phục vụ các phương án sản xuất kinh doanh (của chính bên đi vay hoặc công ty con của bên đi vay) hoặc cơ cấu lại khoản nợ. Quy định này dường như vẫn khá chung chung, thêm vào đó, việc vay ngắn hạn không phải thực hiện đăng kỳ, điều này trong thời gian qua tạo điều kiện khá thuận lợi cho các doanh nghiệp trong thời gian qua để huy động vốn ngắn hạn từ nước ngoài, gia tăng tiềm lực của doanh nghiệp trong hoạt động. Tuy nhiên, đi kèm với đó, việc sử dụng vốn vay ngắn hạn cho nhiều mục đích không phải đăng ký và khó kiểm soát vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho chính nền kinh tế.
2. Dự thảo điều chỉnh quy định liên quan đến mục đích khoản vay nước ngoài ngắn hạn
Nhận thấy nhiều rủi ro trong hoạt động vay nước ngoài ngắn hạn, Dự Thảo đang được thảo luận điều chỉnh quy định liên quan để mục đích của khoản vay này. Cụ thể, tại Điều 15 Dự Thảo, mục đích của khoản vay nước ngoài ngắn hạn chỉ được nhằm để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn có nghĩa vụ phải trả trong vòng 12 tháng kể từ thời điểm ký thỏa thuận vay nước ngoài. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà Nước đồng thời cũng đưa ra các khoản nợ không được sử dụng khoản vay nước ngoài ngắn hạn để trả, trong đó liệt kê rõ bao gồm các khoản nợ phát sinh từ hợp đồng vay với người cư trú và khoản nợ phát sinh từ giao dịch chi mua chứng khoán kinh doanh; mua phần vốn góp, cổ phần của đơn vị khác; mua bất động sản đầu tư và nhận chuyển nhượng dự án. Với điều chỉnh này, có thể thấy Ngân hàng Nhà Nước đang đưa ra các giải pháp để kiểm soát chặt chẽ hơn các khoản vay nước ngoài ngắn hạn của khối doanh nghiệp ngay từ giai đoạn hình thành mục đích khoản vay, đảm bảo việc vay nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh thực tế và trực tiếp:
- Đối với khoản nợ phát sinh từ giao dịch chi mua chứng khoán kinh doanh, mua bất động sản đầu tư, đây là hoạt động kinh doanh tiềm ẩn rủi ro cao đến nền kinh tế, dễ gây ra hiện tượng bong bóng tài sản nếu không kiểm soát chặt dòng vốn. Do đó, Ngân hàng Nhà Nước đang loại trừ mục đích này tại Dự Thảo;
- Đối với khoản nợ hoạt động mua phần vốn góp, cổ phần của đơn vị khác; mua bất động sản đầu tư và nhận chuyển nhượng dự án, trên thực tế đây là các hoạt động nhằm đầu tư, mua bán, sáp nhập hay thâu tóm các doanh nghiệp khác, đòi hỏi bên thực hiện phải có tầm nhìn và định hướng phát triển dài hạn, tập trung phát triển sản xuất kinh doanh. Việc sử dụng vốn vay ngắn hạn, không những không đảm bảo đúng bản chất, còn dễ dẫn đến hiện tượng các nhà đầu tư tạo thanh khoản trong thời gian ngắn để mua đi, bán lại các dự án chứ không thực hiện đầu tư thực tế, mô hình trung cũng dẫn đến việc các doanh nghiệp bị đẩy giá “sang tay”, tạo bong bóng giá.
Để khẳng định hơn cho xu hướng điều chỉnh để tập trung nguồn vốn cho hoạt động sản xuất thực tế, khoản 3 Điều 15 Dự Thảo còn quy định thêm rằng Bên đi vay chỉ được sử dụng vốn vay nước ngoài để thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với phạm vi ngành nghề đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, phạm vi Giấy phép thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc Giấy phép có giá trị tương đương theo quy định của pháp luật, hoặc phạm vi hoạt động hợp pháp khác quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định về điều lệ tổ chức và hoạt động của Bên đi vay.
Đến thời điểm hiện tại, Dự Thảo vẫn chưa được Ngân hàng Nhà Nước ban hành và Thông tư 12 vẫn còn có hiệu lực pháp luật điều chỉnh hoạt động vay ngắn hạn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhìn từ thực tế của Dự Thảo và các ý kiến của Ngân hàng Nhà Nước liên quan đến Dự Thảo, có thể thấy rằng, dù các quy định thực tế lúc ban hành có thể vẫn còn thay đổi, nhưng xu hướng điều chỉnh của Ngân hàng Nhà Nước đang dần nghiêm ngặt hơn trong việc kiểm soát các khoản vay, đặc biệt là các khoản vay ngắn hạn khi các khoản vay này không thực hiện thủ tục đăng ký tại thời điểm ban đầu. Do đó, doanh nghiệp cần dần đưa ra các kế hoạch liên quan đến vốn lưu động để có thể dễ dàng thích ứng với các điều chỉnh trong quy định pháp luật có thể xảy ra trong tương lai.
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Tài chính. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Tài chính và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Việt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.