Giấy phép lao động là một trong những điều kiện quan trọng để người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, có không ít người lao động nước ngoài giao kết và thực hiện hợp đồng lao động với người sử dụng lao động dù không có giấy phép lao động. Khi tranh chấp xảy ra, đặc biệt là trường hợp người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng lao động đã giao kết vốn dĩ vô hiệu nên người lao động không thể bảo vệ được quyền lợi của chính mình.
1. Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam bắt buộc phải có giấy phép lao động
Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 (BLLĐ năm 2019), người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải đáp ứng điều kiện có giấy phép lao động do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định tại Điều 154 Bộ luật Lao động năm 2019.1 Căn cứ vào giấy phép lao động được cấp, người lao động nước sẽ có đủ điều kiện để ký kết hợp đồng lao động có thời hạn phù hợp với thời hạn trong giấy phép lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 151 BLLĐ 2019. Do đó, có thể thấy rằng, trừ những người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động, người lao động nước ngoài bắt buộc phải có giấy phép lao động khi làm việc tại Việt Nam.
Sau khi được cấp giấy phép lao động, người lao động nước ngoài có nghĩa vụ xuất trình giấy phép lao động khi có yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp làm việc không có giấy phép lao động, người lao động nước ngoài sẽ bị buộc xuất cảnh hoặc trục xuất theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.2
2. Hợp đồng lao động của người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động bị vô hiệu
Mặc dù Điều 49 BLLĐ năm 2019 không trực tiếp quy định hợp đồng lao động vô hiệu trong trường hợp người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà không có giấy phép lao động, hợp đồng lao động trong trường hợp này có thể được xác định là vô hiệu toàn bộ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 49 BLLĐ năm 2019. Cụ thể, điểm a khoản 1 Điều 49 BLLĐ năm 2019 quy định hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ trong trường toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động vi phạm pháp luật.
Lý giải cho việc hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ trong trường hợp này, có thể thấy rằng, căn cứ quy định của Điều 151 BLLĐ 2019 nêu trên, pháp luật lao động quy định bắt buộc người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải có giấy phép lao động. Vậy trường hợp người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam giao kết hợp đồng lao động khi không có giấy phép lao động thì hợp đồng này đã vi phạm pháp luật. Do đó, hợp đồng lao động này có thể bị vô hiệu theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 49 BLLĐ năm 2019.
Trên thực tế, các Tòa án tại Việt Nam đã có những phán quyết tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu trong trường hợp này. Theo các Quyết định giám đốc thẩm số 12/2006/LĐ- GĐT ngày 04/7/2006 của Tòa án nhân dân tối cao, bản án số 06/2023/LĐ-PT ngày 07/6/2023 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, bản án số 20/2019/LĐ-ST ngày 22/10/2019 của Tòa án nhân dân Quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh, hợp đồng lao động do người lao động nước ngoài giao kết để làm việc tại Việt Nam nhưng không có giấy phép lao động đều bị xác định là vô hiệu.
Trên thực tế giải quyết tranh chấp, không ít người lao động nước ngoài tranh luận về việc người lao động làm việc không có giấy phép là do lỗi của người sử dụng lao động vì người sử dụng lao động có nghĩa vụ thực hiện thủ tục xin giấy phép lao động cho người lao động. Tuy nhiên, dù về mặt thủ tục, giấy phép lao động sẽ do người sử dụng lao động thực hiện thủ tục đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cấp cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam3, người lao động nước ngoài vẫn phải phối hợp với những sử dụng lao động trong việc cung cấp các hồ sơ xin cấp giấy phép lao động. Do đó, trường hợp người lao động cho rằng việc người lao động làm việc không có giấy phép lao động đến từ việc vi phạm nghĩa vụ của người sử dụng lao động là chưa thật sự hợp lý. Bởi lẽ khoản 3 Điều 151 BLLĐ năm 2019 đã quy định rõ người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải tuân theo pháp luật lao động Việt Nam nên lập luận này của người lao động sẽ không được Tòa án chấp nhận.4 Trường hợp người sử dụng lao động sử dụng người lao động nước ngoài làm việc cho mình mà không có giấy phép lao động thì đã bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
3. Hậu quả pháp lý của hợp đồng lao động vô hiệu do người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động
Điều 11 Nghị định 2020/NĐ-CP đã hướng dẫn xử lý hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động vi phạm pháp luật. Theo đó, khi hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ, người lao động và người sử dụng lao động giao kết hợp đồng lao động mới theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp hai bên không giao kết hợp đồng lao động mới thì thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động. Trong trường hợp này, quyền, nghĩa vụ, lợi ích của người lao động kể từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu cho đến khi chấm dứt hợp đồng lao động được thực hiện theo hướng:
- Nếu quyền, lợi ích của mỗi bên trong hợp đồng lao động không thấp hơn quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng thì quyền, nghĩa vụ, lợi ích của người lao động được thực hiện theo nội dung hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu;
- Nếu hợp đồng lao động có nội dung về quyền, nghĩa vụ, lợi ích của mỗi bên vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến phần nội dung khác của hợp đồng lao động thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động thực hiện theo quy định về việc xử lý hợp đồng lao động vô hiệu từng phần.
Có thể thấy rằng, theo quy định nêu trên của Nghị định 2020/NĐ-CP, quyền lợi của người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam trong trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu do không có giấy phép lao động vẫn được giải quyết theo hợp đồng đã bị tuyên bố hiệu đến khi chấm dứt hợp đồng lao động vô hiệu. Điều này có thể hiểu người lao động vẫn được nhận các quyền lợi như tiền lương cho những ngày đã làm việc cho người sử dụng lao động. Bởi lẽ hợp đồng lao động vốn dĩ là hình thức pháp lý của quá trình trao đổi, mua bán một loại hàng hoá đặc biệt – hàng hoá sức lao động5 nên việc giải quyết hậu quả pháp lý khi hợp đồng lao động vô hiệu cũng có sự khác biệt so với việc giải quyết hậu quả pháp lý đối với giao dịch dân sự vô hiệu là các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.6 Quy định này được đặt ra nhằm để bảo vệ quyền lợi của người lao động khi sức lao động không thể hoàn trả lại hay khôi phục lại tình trạng ban đầu.
Bên cạnh đó, người sử dụng lao động còn có nghĩa vụ trả cho người lao động một khoản tiền do hai bên thỏa thuận nhưng cứ mỗi năm làm việc ít nhất bằng một tháng lương tối thiểu vùng theo tháng áp dụng đối với địa bàn người lao động làm việc do Chính phủ quy định tại thời điểm quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu. Thời gian làm việc của người lao động để tính trợ cấp là thời gian làm việc thực tế theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu. Ngoài ra, chế độ trợ cấp thôi việc đối với các hợp đồng lao động trước hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu vẫn được giải quyết nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Giấy phép lao động là nội dung đặc biệt quan trọng mà người lao động nước ngoài cần phải lưu ý khi làm việc tại Việt Nam để đảm bảo hợp đồng lao động mà mình giao kết không trái quy định pháp luật, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chính người lao động.
(1) Điểm d, khoản 2 Điều 151 BLLĐ 2019.
(2) Khoản 2, 3 Điều 153 BLLĐ 2019.
(3) Mục 3 Chương II Nghị định 152/2020/NĐ-CP.
(4) Bản án số 102/2019/LĐ-ST ngày 29/01/2019 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
(5) Nguyễn Hữu Trí, Đặc trưng của hợp đồng lao động, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 10, tháng 10, năm 2002.
(6) Khoản 2 Điều 131 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Lao động. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.