1. Quy định hướng dẫn về tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao
Vào ngày 16 tháng 03 năm 2021, Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 10/2021/QĐ-TTg quy định tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao, cụ thể:
Để được xác định là doanh nghiệp công nghệ cao, bên cạnh việc phải đáp ứng các tiêu chí quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều 18 Luật Công Nghệ Cao số 21/2008/QH12 được sửa đổi, bổ sung tại Điều 75 của Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 và khoản 3 Điều 76 của Luật Đầu tư số 61/2020/QH14, doanh nghiệp còn cần phải thỏa mãn các tiêu chí sau:
- Doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao phải đạt ít nhất 70% trong tổng doanh thu thuần hằng năm của doanh nghiệp.
- Tỷ lệ tổng chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp (bao gồm khấu hao đầu tư cơ sở hạ tầng, tài sản cố định, chi thường xuyên hàng năm cho hoạt động nghiên cứu và phát triển; chi hoạt động đào tạo, hỗ trợ đào tạo cho lao động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp, các tổ chức khoa học và công nghệ, cơ sở đào tạo tại Việt Nam; phí bản quyền, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp phục vụ hoạt động nghiên cứu và phát triển; phí đăng ký công nhận hoặc bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích tại Việt Nam) trên giá trị của tổng doanh thu thuần trừ đi giá trị đầu vào (bao gồm giá trị nguyên vật liệu, linh kiện phục vụ sản xuất nhập khẩu và mua nội địa) hằng năm:
- Đối với doanh nghiệp có tổng nguồn vốn từ 6.000 tỷ đồng và tổng số lao động từ 3.000 người trở lên phải đạt ít nhất 0,5%;
- Đối với doanh nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều này, có tổng nguồn vốn từ 100 tỷ đồng và tổng số lao động từ 200 người trở lên phải đạt ít nhất 1%;
- Đối với doanh nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này phải đạt ít nhất 2%.
- Tỷ lệ lao động trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên của doanh nghiệp (là số lao động đã ký hợp đồng lao động có thời hạn từ 01 năm trở lên hoặc hợp đồng không xác định thời hạn, trong đó lao động có trình độ cao đẳng không vượt quá 30%) trên tổng số lao động:
- Đối với doanh nghiệp có tổng nguồn vốn từ 6.000 tỷ đồng và tổng số lao động từ 3.000 người trở lên phải đạt ít nhất 1%;
- Đối với doanh nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều này, có tổng nguồn vốn từ 100 tỷ đồng và tổng số lao động từ 200 người trở lên phải đạt ít nhất 2,5%;
- Đối với doanh nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 Điều này phải đạt ít nhất 5%.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 30 tháng 04 năm 2021 và thay thế Quyết định 19/2015/QĐ-TTg.
2. Hướng dẫn mới về thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh
Bộ Tài Chính đang thực hiện lấy ý kiến đối với dự thảo Thông tư hướng dẫn thuế và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Dự thảo đưa ra hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ kinh doanh là cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh; hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu trên lãnh thổ Việt Nam; cá nhân có tài sản cho thuê tại lãnh thổ Việt Nam; cá nhân chuyển nhượng tên miền internet quốc gia Việt Nam.
Biểu thuế tại dự thảo Thông tư này được xây dựng lại từ Biểu thuế Giá trị gia tăng (GTGT) và có bổ sung một số lĩnh vực ngành nghề chưa được quy định cụ thể trong Biểu thuế GTGT.
Theo đó, Biểu thuế trong dự thảo được quy định như sau:
- “Các khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền hoặc không bằng tiền cho cá nhân kinh doanh” có tỷ lệ % tính thuế GTGT là 1% và thuế suất TNCN là 0.5%.
- Đối với các dịch vụ tắm hơi, massage, karaoke, vũ trường, bi-a, internet, game; dịch vụ may đo, giặt là; cắt tóc, làm đầu, gội đầu; dịch vụ sửa chữa máy vi tính và các đồ dùng gia đình có mức thuế GTGT 5% và thuế TNCN 2%.
- Dịch vụ cho thuê tài sản như cho thuê cửa hàng, nhà xưởng, nhà đất,… có mức thuế GTGT và TNCN đều là 5%.
- Dịch vụ vận tải hàng hóa, vận tải hành khách; dịch vụ ăn uống; dịch vụ sửa chữa và bảo dưỡng máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, ô tô, mô tô, xe máy… có mức thuế GTGT 3% và thuế TNCN 1,5%…
Ngoài ra, Dự thảo cũng nêu rõ căn cứ tính thuế đối với cá nhân kinh doanh là doanh thu tính thuế và tỷ lệ thuế tính trên doanh thu. Đồng thời đưa ra định nghĩa và hướng dẫn đối với khái niệm “doanh thu tính thuế” và “tỷ lệ tính thuế trên doanh thu”.
3. Hai (02) thủ tục hành chính trong lĩnh vực lao động – tiền lương bị bãi bỏ
Ngày 17 tháng 03 năm 2021, Bộ Lao Động – Thương Binh và Xã Hội vừa ban hành Quyết định 338/QĐ-LĐTBXH về việc công bố các thủ tục hành chính mới ban hành, sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ trong lĩnh vực lao động, tiền lương thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Lao Động – Thương Binh Và Xã Hội (sau đây gọi tắt là “Quyết định 338/QĐ-LĐTBXH”).
Theo đó, nội dung đáng chú ý nhất của Quyết định 338/QĐ-LĐTBXH quy định bãi bỏ hai (02) thủ tục hành chính trong linh vực lao động – tiền lương. Cụ thể:
- Đối với thủ tục hành chính cấp tỉnh: người sử dụng lao động không còn cần thực hiện việc gửi thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ký kết.
- Đối với thủ tục hành chính cấp huyện: khi xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động, người sử dụng lao động chỉ phải thực hiện việc công bố công khai những tài liệu này tại nơi làm việc trước khi thực hiện mà không cần phải gửi về cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động.