Giá trị pháp lý của vận đơn đường biển (bill of lading)

Vận đơn đường biển (tên tiếng Anh là Bill of Lading) (“VĐĐB”) là một chứng từ vận chuyển quan trọng và phổ biến bậc nhất trong hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng đường biển quốc tế. Loại giấy tờ này lần đầu tiên được sử dụng ở thế kỷ XIV khi hoạt động giao thương giữa các quốc gia dọc bờ biển vùng Địa Trung Hải nở rộ. Hiện nay, quy định về VĐĐB được tìm thấy ở các Công ước quốc tế về vận tải hàng hóa bằng đường biển và pháp luật về hàng hải quốc gia. Theo đó, VĐĐB được hiểu là chứng từ chuyên chở hàng hóa bằng đường biển do người có chức năng ký phát cho người gửi hàng sau khi hàng hóa đã được bốc lên tàu hoặc được nhận để chở. Việc phát hành và sở hữu VĐĐB có ý nghĩa pháp lý khác nhau với các chủ thể có liên quan, tùy thuộc vào loại vận đơn và các thỏa thuận cụ thể của vận đơn. Để phòng tránh các tranh chấp trong hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng đường biển quốc tế, các bên cần nắm rõ bản chất của các quyền và nghĩa vụ của mình phát sinh từ vận đơn. Bài viết dưới đây tập trung phân tích một số giá trị pháp lý quan trọng của VĐĐB theo pháp luật Việt Nam. 

1. Vận đơn đường biển là gì? 

Theo Điều 148 Bộ Luật Hàng Hải Việt Nam 2015 (“Bộ Luật Hàng Hải”), vận đơn là một loại chứng từ vận chuyển có 03 ý nghĩa sau đây: 

  • Bằng chứng về việc người vận chuyển đã nhận hàng hóa với số lượng, chủng loại, tình trạng như được ghi trong vận đơn để vận chuyển đến nơi trả hàng. 
  • Bằng chứng về sở hữu hàng hóa dùng để định đoạt, nhận hàng. 
  • Bằng chứng của hợp đồng vận chuyển. 

Phân loại vận đơn 

Có nhiều tiêu chí để phân loại VĐĐB, ví dụ dựa trên đặc điểm hành trình vận chuyển, ghi chú trên vận đơn… Theo Bộ Luật Hàng Hải, căn cứ vào khả năng chuyển nhượng, vận đơn có thể được chia thành 03 loại [1]: 

(i) Vận đơn không chuyển nhượng được: hay còn gọi là vận đơn đích danh (straight B/L). Theo đó, thông tin người nhận hàng được ghi rõ và chỉ có người này có quyền nhận hàng hóa. 

(ii) Vận đơn chuyển nhượng được: hay còn gọi là vận đơn theo lệnh (order B/L). 

  • Thông tin người nhận hàng không được nêu rõ mà được ghi là “Theo lệnh của… (To order of…)”, tức là theo lệnh của người phát lệnh trả hàng. Người có quyền nhận hàng phải được chỉ định bởi người có quyền phát lệnh trả hàng.  
  • Vận đơn theo lệnh thường có 03 loại: (1) vận đơn theo lệnh của người giao hàng (To order of shipper); (2) vận đơn theo lệnh của người nhận hàng (To order of consignee); (3) vận đơn theo lệnh của ngân hàng (To order of bank). 

(iii) Vận đơn vô danh (bearer B/L): không ghi rõ thông tin người nhận hàng hoặc người phát lệnh trả hàng. Bất kỳ người nào cầm giữ và xuất trình vận đơn này sẽ có quyền nhận hàng hóa. Đây là loại vận đơn ít phổ biến nhất trong các giao dịch hiện nay. 

2. Những giá trị pháp lý quan trọng của vận đơn đường biển 

2.1 Vận đơn là bằng chứng của hợp đồng vận chuyển 

Hợp đồng vận chuyển theo vận đơn là gì? 

Căn cứ vào phương thức thuê tàu, hoạt động vận chuyển bằng đường biển được chia làm 02 loại chủ yếu: chuyên chở hàng hóa bằng tàu chợ và chuyên chở hàng hóa bằng tàu chuyến. Tương ứng với 02 phương thức vận chuyển này, pháp luật Việt Nam cũng phân loại hợp đồng vận chuyển đường biển thành: hợp đồng vận chuyển theo chứng từ vận chuyển (hay còn gọi là hợp đồng thuê tàu chợ) và hợp đồng vận chuyển theo chuyến [2]. 

Theo đó, hợp đồng vận chuyển theo chứng từ vận chuyển là hợp đồng được giao kết với điều kiện người vận chuyển không phải dành cho người thuê vận chuyển nguyên tàu hoặc một phần tàu cụ thể, mà chỉ căn cứ vào chủng loại, số lượng, kích thước hoặc trọng lượng của hàng hóa để vận chuyển. Hợp đồng vận chuyển theo chứng từ vận chuyển được giao kết theo hình thức do các bên thỏa thuận. Khi vận đơn được sử dụng là chứng từ vận chuyển, thông thường, các bên sẽ không tiến hành ký kết một hợp đồng vận chuyển riêng biệt mà sẽ thể hiện các thỏa thuận cơ bản của hợp đồng vận chuyển luôn tại vận đơn. 

Vận đơn bao gồm các nội dung nào?  

Nội dung của vận đơn là cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp xảy ra giữa người vận chuyển, người giao hàng, người cầm giữ vận đơn… Thông thường, một vận đơn sẽ có những thông tin cơ bản sau đây:  

  • Loại vận đơn: có thể là vận đơn gốc (original B/L), surrender B/L, seaway bill… 
  • Phí vận chuyển (freight and charge): có thể là trả trước (prepaid) hoặc thu sau (to collect). 
  • Thông tin của người giao hàng (shipper): tên công ty, địa chỉ, thông tin liên hệ… 
  • Thông tin của người nhận hàng (consignee): tên công ty, địa chỉ, thông tin liên hệ… 
  • Thông tin của người nhận thông báo khi hàng đến (notify party): trường hợp người nhận thông báo chính là người nhận hàng thì ghi “Same as consignee”. 
  • Mô tả hàng hóa (description of goods): tên mặt hàng, chủng loại, số lượng, trọng lượng kích thước, thể tích, dấu hiệu hàng hóa (shipping mark), tình trạng hàng hóa khi nhận hàng…  
  • Các thông tin khác: số đơn hàng (booking number), số tàu/tên tàu (vessel number/name), số container… 
  • Cảng nhận hàng (port of loading). 
  • Cảng trả hàng (port of discharge/port of delivery). 
  • Số bản vận đơn gốc đã ký phát cho người giao hàng.  

2.2 Vận đơn là bằng chứng về việc người vận chuyển đã nhận hàng hóa từ người giao hàng 

Vận đơn là biên lai xác nhận việc người vận chuyển đã nhận hàng hóa từ người giao hàng với số lượng, chủng loại, tình trạng như được ghi trong vận đơn. 

Việc xác nhận thông tin và tình trạng của hàng hóa tại vận đơn có ý nghĩa quan trọng, vì các xác nhận đó sẽ được dùng làm cơ sở để xác định tình trạng hàng hóa người vận chuyển phải giao cho người nhận hàng. Nhìn chung, người vận chuyển có trách nhiệm bàn giao cho người nhận hàng hàng hóa có số lượng, chủng loại và trong tình trạng như được ghi nhận tại vận đơn. 

Do đó, trong trường hợp người vận chuyển có nghi vấn về tình trạng hàng hóa khi nhận thì được quyền ghi chú nhận xét của mình vào vận đơn, hoặc từ chối ghi nhận trong vận đơn các mô tả về hàng hóa nếu có đủ căn cứ nghi ngờ tính chính xác về lời khai báo của người giao hàng ở thời điểm bốc hàng hoặc khi không có điều kiện xác minh. Nếu hàng hóa được đóng gói trước khi giao cho người vận chuyển, thì người vận chuyển có quyền ghi chú trong vận đơn là không biết rõ nội dung bên trong hàng hóa.   

Nếu người giao hàng đã cố tình khai gian về chủng loại, giá trị của hàng hóa khi bốc hàng và khai báo đó đã được ghi nhận vào vận đơn, thì người vận chuyển không phải chịu trách nhiệm bồi thường đối với mất mát, hư hỏng hàng hóa hoặc tổn thất liên quan đến hàng hóa trong mọi trường hợp.  

2.3 Vận đơn là bằng chứng sở hữu hàng hóa, được dùng để định đoạt và nhận hàng  

2.3.1 Quyền định đoạt đối với hàng hóa  

Người cầm giữ hợp pháp vận đơn sẽ có quyền định đoạt nhất định đối với hàng hóa. Thông thường, quyền định đoạt đối với hàng hóa được thể hiện qua các tình huống sau đây. 

  • Người giao hàng thực hiện quyền kiểm soát hàng hóa. 

Trường hợp người nhận hàng chưa thực hiện nghĩa vụ thanh toán với hàng hóa, thì người giao hàng có thể thực hiện quyền kiểm soát hàng hóa để ngưng việc giao hàng hóa cho người nhận hàng. Ngoài ra, người giao hàng có thể yêu cầu dỡ hàng trước khi tàu biển bắt đầu chuyến đi, thay đổi người nhận hàng hoặc cảng trả hàng sau khi chuyến đi đã bắt đầu, với điều kiện phải bồi thường mọi tổn phất và chi phí liên quan. 

  • Người cầm giữ vận đơn hợp pháp thực hiện quyền chuyển nhượng vận đơn. 

Đối với vận đơn theo lệnh của người giao hàng (to order of shipper): Trước khi vận đơn gốc được giao cho người nhận hàng hợp pháp, người giao hàng hóa có quyền chuyển nhượng vận đơn cho người khác. Loại vận đơn này rất hữu dụng khi người nhận hàng không thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho người giao hàng, thì người giao hàng có quyền bán hàng hóa đang trên đường vận chuyển cho người khác thông qua việc chuyển nhượng vận đơn cho người mua mới. 

Đối với vận đơn theo lệnh của người nhận hàng (to order of consignee): Sau khi vận đơn gốc được giao cho người nhận hàng hợp pháp, người nhận hàng có quyền chuyển nhượng vận đơn cho người mua khác. Loại vận đơn này thường được dùng khi người nhận hàng có ý định chuyển nhượng hàng hóa cho người khác trong quá trình hàng hóa đang di chuyển, hay còn gọi là mua bán qua tay.  

2.3.2 Quyền nhận hàng hóa 

Người sở hữu vận đơn hợp lệ có quyền yêu cầu người vận chuyển giao hàng hóa cho mình khi hàng hóa cập cảng trả hàng. Trong trường hợp vận đơn được chuyển nhượng như trình bày phía trên, người có quyền nhận hàng hóa có thể là người mua mới mà người giao hàng hoặc người nhận hàng theo vận đơn gốc chỉ định.  

Cần lưu ý rằng, sau khi hàng hóa đã được trả, các bản vận đơn gốc còn lại sẽ không còn giá trị để nhận hàng. 

[1] Điều 162 Bộ Luật Hàng Hải 

[2] Điều 146 Bộ Luật Hàng Hải 

 


Khuyến cáo:

Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.

Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.

Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Thương Mại Trong và Ngoài Nước. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site. Switch to a production site key to remove this banner.