Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ

Mặc dù được ban hành cách đây không lâu, tuy nhiên Nghị định 65/2022/NĐ-CP đã thể hiện sự bất cập trong bối cảnh thị trường trái phiếu trong nước và quốc tế như hiện nay. Chính vì vậy, ngày 12/3/2023, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 65/2022/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế. Trong bản dự thảo, nhiều chính sách thay đổi mới được đưa ra theo hướng có lợi hơn cho các nhà đầu tư và các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, cụ thể như sau:

1. Ngưng hiệu lực thi hành đối với quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đến ngày 01/01/2024

Nghị định 65/2022/NĐ-CP đã quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải đảm bảo danh mục nắm giữ có giá trị trung bình 02 tỷ đồng tối thiểu trong 180 ngày, không bao gồm tiền đi vay.

Tuy nhiên, trong tờ trình Chính phủ Dự thảo nghị định mới, Bộ Tài Chính báo cáo thị trường đang gặp khó khăn về thanh khoản và thanh toán các trái phiếu đến hạn năm 2023-2024. Do đó, tại khoản 1 Điều 1 của Dự thảo đề xuất giãn thời gian thực hiện thêm một năm đối với quy định về xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP, từ ngày 01/01/2023 sang ngày 01/01/2024. Đề xuất này cũng hoàn toàn phù hợp với khoản 1 Điều 3 Nghị định 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 05/03/2023 quy định về việc ngưng hiệu lực thi hành đối với việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo Nghị định 65/2022/NĐ-CP đến hết ngày 31/12/2023.

Việc giãn thời gian thực hiện quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong vòng 01 năm sẽ giúp thị trường có thêm thời gian điều chỉnh và có thể duy trì cầu đầu tư trái phiếu của nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân.

2. Hoãn thực hiện quy định về yêu cầu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm trong vòng 01 năm

Cũng tại khoản 1 Điều 1 Dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất cho phép hoãn thực hiện quy định về yêu cầu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm trong vòng 01 năm, thay vì áp dụng xếp hạng tín nhiệm từ ngày 01/01/2023 như quy định của Nghị định 65 thì sẽ bắt đầu thực hiện từ ngày 01/01/2024. Đề xuất này cũng hoàn toàn phù hợp với khoản 3 Điều 3 Nghị định 08/2023/NĐ-CP.

Quy định này giúp giảm các điều kiện phát hành, đặc biệt các doanh nghiệp có vay nợ trái phiếu nhiều, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản. Ngoài ra, thị trường cũng có thời gian đáp ứng các chỉ tiêu về dư nợ trái phiếu và phát triển thị trường xếp hạng tín nhiệm.

3. Cho phép kéo dài kỳ hạn trái phiếu không quá 02 năm

Đáng chú ý, Bộ Tài chính cũng đề xuất cho phép doanh nghiệp được thay đổi kỳ hạn, hoán đổi trái phiếu đã phát hành theo quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu; việc kéo dài kỳ hạn của trái phiếu tối đa không quá 02 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, trong trường hợp trái chủ không chấp nhận thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu, doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm đàm phán bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư. Nếu trái chủ vẫn không chấp nhận phương án đàm phán, doanh nghiệp phải trả đầy đủ gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn và thực hiện các quyền kèm theo (nếu có) cho trái chủ theo đúng phương án phát hành đã công bố.

Ngoài ra, trong Dự thảo cũng có quy định trong trường hợp doanh nghiệp không thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tiền thì có thể đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán bằng tài sản khác.

Những thay đổi này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thị trường trái phiếu của nước ta hiện nay.

Tải Bản tin pháp lý tại đây.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site. Switch to a production site key to remove this banner.