Mẫu đơn ly hôn thuận tình bản chuẩn và hướng dẫn cách viết chi tiết

Thuận tình ly hôn là khi cả hai vợ chồng đồng ý ly hôn và đã đạt được sự thỏa thuận về tất cả các vấn đề liên quan đến quan hệ hôn nhân, quyền nuôi con, hỗ trợ tài chính và phân chia tài sản một cách tự nguyện. Mẫu đơn xin ly hôn thuận tình chỉ được công nhận chỉ khi cả hai đều đã thống nhất với nhau về phân chia tài sản, quyền nuôi dưỡng và giáo dục con cái. 

Thực tế, mẫu đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn có thể viết tay hoặc đánh máy, miễn sao đảm bảo có đầy đủ các nội dung cần thiết và trình bày về các vấn đề cần giải quyết một cách chuẩn nhất. Trong bài viết này, Apolat sẽ cung cấp mẫu đơn ly hôn thuận tình mới nhất và hướng dẫn cách viết đơn chi tiết để giúp quý đọc giả có thể làm thủ tục ly hôn thuận tình một cách đơn giản và thuận lợi.

Đơn thỏa thuận ly hôn
Mẫu đơn xin ly hôn thuận tình ly hôn mới nhất 2023

1. Mẫu đơn ly hôn thuận tình chuẩn mới nhất – Tải file word 

Đơn xin ly hôn thuận tình là mẫu đơn được sử dụng trong trường hợp vợ chồng tự nguyện ly hônđã thống nhất với nhau về việc chấm dứt hôn nhân, phân chia tài sản chung, giành quyền nuôi con,…. Mẫu đơn xin ly hôn thuận tình được gọi tên chính xác về mặt pháp lý tại Toàn án là “Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn.

Trên thực tế, mẫu đơn thuận tình ly hôn chính là mẫu đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự được ban hành theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP (sửa đổi bởi Nghị quyết 04/2018/NQ-HĐTP). Về nguyên tắc, mẫu đơn thuận tình ly hôn có thể viết tay hoặc đánh máy, tuy nhiên đơn cần đảm bảo đầy đủ các thông tin cần thiết để tòa án giải quyết.

Mẫu đơn yêu cầu thuận tình ly hôn gồm những nội dung sau:

  • Quốc hiệu, tiêu ngữ Việt Nam, tên đơn khởi kiện về việc ly hôn thuận tình;
  • Ngày/ tháng. năm thực hiện đơn;
  • Kính gửi: Tên cơ quan giải quyết ly hôn;
  • Thông tin cá nhân của cả 2 vợ chồng;
  • Nguyên nhân dẫn đến hôn nhân;
  • Nội dung yêu cầu Tòa giải quyết gồm:
    • Về quan hệ hôn nhân;
    • Về con cái;
    • Về tài sản;
    • Về công nợ.
  • Kính đề nghị Tòa xem xét và giải quyết;
  • Ký và ghi rõ họ tên cả 2 vợ chồng vào đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn.

MẪU ĐƠN THUẬN TÌNH LY HÔN: Tải tại đây

2. Hướng dẫn cách viết đơn ly hôn thuận tình [kèm mẫu]

Dưới đây là ví dụ cách viết cụ thể trên mẫu đơn thuận tình ly hôn đạt chuẩn theo quy định của pháp luật:

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

…….., ngày ….. tháng …. năm ………

ĐƠN YÊU CẦU GIẢI QUYẾT VIỆC DÂN SỰ

(V/v: Công nhận thuận tình ly hôn và thỏa thuận về con cái, tài sản)

Kính gửi: Tòa án nhân dân huyện A, tỉnh B

Họ tên người yêu cầu:

  1. Tên chồng: Nguyễn Văn Nam Sinh năm: 1990

Địa chỉ: Xã A, huyện B, tỉnh C

Số điện thoại: …………….……(nếu có); số fax: ………………….(nếu có)

Địa chỉ thư điện tử: ………………………………………………………….. (nếu có)

  1. Tên vợ: Nguyễn Thị Tuyền Sinh năm: 1990

Địa chỉ: Xã A, huyện B, tỉnh C

Số điện thoại: …………………(nếu có); số fax: ………….……….(nếu có)

Địa chỉ thư điện tử: ………………………………………………………….. (nếu có)

Chúng tôi xin trình bày với Tòa án nhân dân huyện A, tỉnh B việc như sau:

  1. Những vấn đề yêu cầu Tòa án giải quyết:

– Về quan hệ hôn nhân: Năm 2018, chúng tôi kết hôn với nhau trên cơ sở tự nguyện, có tổ chức lễ cưới theo phong tục truyền thống và đăng ký kết hôn tại UBND xã A, huyện B tỉnh C.

Thời gian đầu cuộc sống vợ chồng hòa thuận hạnh phúc, nhưng thời gian sau đó chúng tôi phát sinh mâu thuẫn do sự khác biệt giữa quan điểm sống và lối sống.

Mặc dù cả hai đều đã rất cố gắng và hai gia đình cũng đã can thiệp nhưng chúng tôi vẫn không thể kiềm chế được nỗi bức xúc khi cùng chung sống trong cùng một mái nhà.

Nay, chúng tôi xét thấy tình cảm vợ chồng đã không còn, đời sống chung cũng đã mất, mục đích hôn nhân không đạt được. Nên chúng tôi đề nghị Tòa án giải quyết cho chúng tôi được thuận tình ly hôn.

– Về con chung: Trong quá trình chung sống, chúng tôi có một con chung là cháu: Nguyễn Văn Cường, sinh ngày 2021. Do cháu vẫn còn nhỏ, nay ly hôn, chúng tôi đề nghị Tòa án giao cho Nguyễn Thị Tuyền được trực tiếp nuôi con, anh Nguyễn Văn Nam có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con đến khi cháu trưởng thành.

– Về tài sản: Chúng tôi không có tài sản chung, nay ly hôn không yêu cầu tòa án giải quyết.

– Về công nợ: Chúng tôi không có công nợ chung, nay ly hôn không yêu cầu tòa án giải quyết.

  1. Lý do, mục đích yêu cầu Tòa án giải quyết những vấn đề nêu trên: ………….
  2. Căn cứ của việc yêu cầu Tòa án giải quyết những vấn đề nêu trên: …………..
  3. Tên và địa chỉ của những người có liên quan đến những vấn đề yêu cầu Tòa án giải quyết:………….……………………………………………
  4. Thông tin khác:……………………………………………………………

Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn gồm có:

  1. Chứng minh nhân dân (bản chứng thực)
  2. Sổ hộ khẩu (Bản chứng thực)
  3. Giấy khai sinh (Bản chứng thực)
  4. Đăng ký kết hôn
  5. Một số giấy tờ khác có liên quan

Tôi cam kết những lời khai trong đơn là hoàn toàn đúng sự thực.

NGƯỜI YÊU CẦU

Vợ                                                    Chồng

Một tờ đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn đạt chuẩn là mẫu đơn phải có đầy đủ nội dung cần thiết. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết từ chuyên gia Apolat Legal về cách viết đơn thuận tình ly hôn, tên tòa án có thẩm quyền giải quyết cũng như vấn đề yêu cầu tòa giải quyết một cách chuẩn nhất.

2.1. Hướng dẫn viết tên toà án có thẩm quyền giải quyết ly hôn

Về cách viết tên tòa án có thẩm quyền giải quyết thỏa thuận ly hôn thuận tình, người làm đơn cần ghi rõ địa điểm của Tòa án nhân thuộc huyện, tỉnh hay thành phố trực thuộc Trung ương nào.

Ví dụ: Người làm đơn thường trú tại Quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh thì tên tòa án ghi rõ như sau: “Tòa án nhân dân quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh”.

Căn cứ theo quy định hiện hành tại Điều 35 và Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, cả vợ và chồng có thể tiến hành thỏa thuận và đệ đơn thỏa thuận ly hôn. Vì thế, Tòa án có thẩm quyền giải quyết ly hôn thuận tình chính là Tòa án nơi vợ hoặc chồng cư trú, làm việc theo thỏa thuận.

2.2. Hướng dẫn viết các vấn đề yêu cầu tòa án giải quyết

Về quan hệ hôn nhân 

Căn cứ vào Mục 1 Chương II Luật Hôn nhân và gia đình 2014, một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến ly hôn:

  • Khác biệt trong quan điểm sống đã khiến tình cảm giữa hai vợ chồng phai nhạt và không thể duy trì cuộc sống hôn nhân.
  • Mâu thuẫn kéo dài gây ra sự thất bại trong mục tiêu của hôn nhân đồng thời tạo ra sự căng thẳng không thể kiểm soát mỗi khi phải sống chung một mái nhà.
  • Vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ trong hôn nhân, như việc ngoại tình hoặc bạo lực gia đình, đã làm cho cả hai phải đối diện với mệt mỏi và không thể tiếp tục cuộc sống hôn nhân.

Tham khảo một số cách viết  nguyên nhân ly hôn để yêu cầu tòa án giải quyết trong đơn xin ly hôn thuận tình:

  • “Sau nhiều mâu thuẫn kéo dài, chúng tôi thấy quan điểm cuộc sống khác nhau, tình cảm hôn nhân không còn, không thể duy trì cuộc sống hôn nhân.”
  • “Các mâu thuẫn và xung đột liên tục đã gây ra những trở ngại không thể vượt qua, khiến mục đích ban đầu của cuộc hôn nhân không thể thực hiện được. Chúng tôi không thể kiềm chế được những xung đột này và điều đó làm chúng tôi không thể tiếp tục sống chung dưới một mái nhà.”
  • “Một trong hai chúng tôi đã vi phạm một cách nghiêm trọng những quyền và nghĩa vụ hôn nhân như trung thành và sự kính trọng, điều này đã tạo ra một môi trường không thể tiếp tục cuộc sống hôn nhân và đã đặt chúng tôi vào tình trạng căng thẳng và mệt mỏi.”

Về con chung

Khi viết đơn yêu cầu Tòa án giải quyết về con chung sau ly hôn, cần lưu ý một số nội dung sau:

  • Nêu rõ thông tin cá nhân của con: họ tên, ngày tháng năm sinh,…
  • Mô tả rõ hoàn cảnh hiện tại của con, ví dụ như còn nhỏ tuổi, đang học lớp mấy…
  • Nêu rõ quan điểm của cha mẹ về việc ai sẽ trực tiếp nuôi dưỡng con sau ly hôn.
  • Lý giải vì sao cho rằng bên nào nuôi con sẽ đảm bảo tốt nhất quyền lợi của con.
  • Nêu rõ trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con của bên kia cho đến khi con trưởng thành.

Đối với quyền nuôi con, vợ và chồng có thể thỏa thuận về người trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục cũng như quyền và nghĩa vụ của đôi bên với con cái hậu ly hôn. Trường hợp không thể thỏa thuận, Tòa án sẽ đưa ra phán quyết dựa trên những căn cứ sau:

  • Quyền lợi chính đáng của con;
  • Xét theo nguyện vọng của con trường hợp trẻ từ 07 tuổi trở lên;
  • Trường hợp con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ nuôi dưỡng. Nếu như người mẹ không đủ điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con hoặc vợ và chồng có thỏa thuận khác nhưng vẫn đảm bảo lợi ích của con. 

Trong mẫu đơn yêu cầu công nhận ly hôn thuận tình, cả hai cần trình bày rõ các thông tin, nội dung liên quan đến con chung trong đơn ly hôn bao gồm: có mấy người con, yêu cầu được nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục với từng con, nguyện vọng và quyết định của con (trường hợp trẻ từ 07 tuổi trở lên).

Sau khi ly hôn, cha, mẹ vẫn có quyền và nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động hoặc không có tài sản tự nuôi mình.

  • Người trực tiếp nuôi con được quyền yêu cầu đối phương thực hiện các nghĩa vụ với con. Đồng thời, không được lợi dụng điều này cản trở đến việc thăm nom, chăm sóc của người còn lại.
  • Người không trực tiếp nuôi con phải có nghĩa vụ cấp dưỡng và thăm nom con mà không bị cản trở. Tuy nhiên, không được lợi dụng quyền này cản trở, ảnh hưởng xấu đến quyền nuôi con của người trực tiếp chăm sóc.

Về tài sản chung

Căn cứ theo quy định tại Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, tài sản chung của vợ và chồng gồm có chế độ tài sản theo thỏa thuận và chế độ tài sản theo luật pháp.

Khi đệ đơn yêu cầu ly hôn thuận tình, vợ chồng có toàn quyền thỏa thuận với nhau về phần tài sản chung. Tòa án nhân dân có thẩm quyền sẽ ưu tiên giải quyết các bản án ly hôn trên cơ sở cả hai đều đã thống nhất về việc phân chia tài sản chung. Theo đó, trong mẫu đơn đệ tòa cần đính kèm thông tin cụ thể về vấn đề này.

Lưu ý: phần tải sản riêng của từng cá nhân sẽ không thuộc phạm vi phân chia tài sản khi ly hôn, trừ khi đã nhập phần tài sản riêng thành tài sản chung.

Về công nợ

Cuối cùng, vợ và chồng cần làm rõ các nghĩa vụ về tài sản với người thứ ba khi đệ đơn ly hôn. Pháp luật hiện nay quy định nghĩa vụ tài sản của cả hai với người thứ ba vẫn có hiệu lực sau khi ly hôn, trừ khi có thỏa thuận khác.

Khi nộp đơn yêu cầu công nhận ly hôn thuận tình, tức cả hai đều đã thống nhất về nghĩa vụ công nợ với người thứ ba thì cần thể hiện rõ trong đơn. Trường hợp không có, cũng cần ghi rõ thông tin đính kèm và không yêu cầu Tòa án phân chia.

Đồng thời, bên cạnh mẫu đơn yêu cầu thỏa thuận ly hôn thuận tình, vợ chồng cần chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ cần thiết như:

  • Bản sao chứng thực căn cước công dân;
  • Giấy xác nhận thông tin cư trú;
  • Giấy khai sinh (trường hợp có con chung và yêu cầu về quyền nuôi con);
  • Bản chính giấy đăng ký kết hôn;
  • Tài liệu về tài sản, công nợ (nếu có).

2.3. Hướng dẫn đính kèm danh mục tài liệu, chứng cứ

Theo quy định của pháp luật, ngoài mẫu đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, các bên cần chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ kèm theo để nộp cho Tòa án:

  • Chứng minh nhân dân (bản chứng thực);
  • Sổ hộ khẩu (Bản chứng thực);
  • Giấy khai sinh (Bản chứng thực);
  • Đăng ký kết hôn;
  • Một số giấy tờ khác có liên quan.

3. Thủ tục thuận tình ly hôn được thực hiện như thế nào?

Theo quy định của pháp luật hiện nay, thủ tục thuận tình ly hôn của vợ chồng sẽ được tiến hành theo trình tự 04 bước như sau: Chuẩn bị hồ sơ,  Nộp hồ sơ thuận tình ly hôn, Nộp lệ phí và giải quyết, Tòa án ra quyết định.

Thủ tục viết đơn yêu cầu công nhận thỏa thuận ly hôn thuận tình
Thủ tục viết đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Hồ sơ đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn bao gồm:

  •  Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn bản chính
  • Giấy chứng nhận kết hôn bản chính (nếu không còn thì có thể xin cấp bản sao hoặc đăng ký lại);
  • CMND/ CCCD/ giấy xác nhận nơi cư trú.
  • Giấy khai sinh của con (nếu có);
  • Giấy tờ về tài sản ( nếu có) và có yêu cầu Tòa án giải quyết.

Xem thêm: Mẫu đơn xin ly hôn mới nhất theo quy định hiện nay

Bước 2: Nộp hồ sơ

Thẩm quyền giải quyết việc ly hôn thuận tình được quy định tại Điểm h khoản 2 Điều 39 và Điều 35 của Bộ luật Tố tụng dân sự, thuộc về Tòa án nhân dân cấp huyện nơi vợ hoặc chồng cư trú.

Vì vậy, hai bên có thể thỏa thuận nộp đơn ly hôn tại Tòa án cấp huyện nơi vợ hoặc chồng (tạm trú hoặc thường trú) cư trú.

Hình thức nộp hồ sơ ly hôn có thể là nộp trực tiếp hoặc qua bưu điện.

Bước 3: Nộp lệ phí và giải quyết

Tòa án sẽ phân công Thẩm phán đảm nhận sau khi đầy đủ hồ sơ và thông báo nộp lệ phí. Sau khi nộp lệ phí, hai bên sẽ nhận được thông báo về giải quyết đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn. Việc giải quyết yêu cầu này có thể kéo dài từ 2 đến 3 tháng, trong đó Tòa án sẽ tiến hành xét đơn yêu cầu và hòa giải.

Bước 4: Tòa án ra quyết định

Sau khi giải quyết hòa giải và xem xét, tòa án sẽ đưa ra những quyết định sau:

  • Nếu cả 2 bên muốn ly hôn thì tòa sẽ công nhận thuận tình ly hôn.
  • Nếu cả 2 bên muốn đoàn tụ thì đơn yêu cầu ly hôn sẽ được đình chỉ giải quyết.

Xem chi tiết: Quy trình giải quyết ly hôn theo quy định mới nhất

4. Những thông tin cần biết khi giải quyết thuận tình ly hôn?

4.1. Nộp đơn thuận tình ly hôn tại đâu?

Điểm h Khoản 2 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có quy định tòa án nơi sinh sống của 1 trong 2 bên ly hôn có thẩm quyền giải quyết đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, chia tài sản khi ly hôn, thỏa thuận nuôi con.

Điều 11 Luật Cư trú năm 2020 quy định rằng nơi cư trú của công dân bao gồm nơi tạm trú, nơi thường trú hoặc nơi ở hiện tại được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 19.

4.2. Thời hạn giải quyết thuận tình ly hôn bao lâu?

Khi vợ hoặc chồng gửi đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thời gian giải quyết được tính từ khi đơn yêu cầu được gửi đến Toà án. Tòa án sẽ tiếp nhận và thông báo về việc nộp tiền tạm ứng án phí trong vòng 5 ngày.

Sau khi nộp tiền, người nộp đơn cần cung cấp biên lai tạm ứng để tiếp tục thủ tục. Nếu thủ tục hòa giải không thành và các bên đồng ý ly hôn, đồng ý về phân chia tài sản, chăm sóc con cái, thì Tòa án sẽ công nhận ly hôn với các thỏa thuận đó.

Trường hợp không thỏa thuận hoặc thỏa thuận nhưng không mang lại quyền và lợi ích của vợ và con thì Tòa án sẽ tham gia quyết định. Thời gian giải quyết vụ ly hôn thuận tình thường khoảng từ 2-3 tháng, nhanh nhất là khoảng 1 tháng.

Tuy nhiên, thời gian có thể chênh lệch tùy từng vụ ly hôn.

4.3. Lệ phí thuận tình ly hôn là bao nhiêu?

Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức lệ phí ly hôn thuận tình là 300.000 đồng, dựa theo quản lý và sử dụng án phí và lệ phí của tòa án, được ban hành bởi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Để tiết kiệm thời gian, tiền bạc cũng như tránh những sai sót và tranh chấp sau này. Vợ và chồng nên sử dụng các dịch vụ tư vấn ly hôn từ các đơn vị uy tín.

4.4. Căn cứ ly hôn theo quy định pháp hiện hành?

Có ba căn cứ ly hôn như sau:

  • Hành vi bạo lực gia đình hoặc hành vi gây ảnh hưởng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng. Đời sống chung không thể kéo dài do ảnh hưởng đến tinh thần và thể xác của bên còn lại.
  • Hành vi bạo lực gia đình ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần, tính mạng, sức khỏe của vợ hoặc chồng.
  • Vợ hoặc chồng mất tích và có yêu cầu ly hôn.

4.5. Điều kiện để ly hôn thuận tình là gì?

Điều kiện để ly hôn thuận tình bao gồm:

  • Sự tự nguyện ly hôn của hai bên;
  • Có sự thỏa thuận về việc chia tài sản giữa hai bên;
  • Có thỏa thuận về việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con.

4.6. Thời hạn Tòa án đưa ra quyết định công nhận ly hôn bao lâu? Tòa án có thể gửi qua bưu điện hay không?

Ly hôn thuận tình thường mất 02-03 tháng để hoàn tất theo quy định pháp luật, nhưng nếu có vấn đề khác thì thời gian có thể kéo dài.

Sau khi được công nhận, bên nào muốn nhận bản gốc quyết định công nhận ly hôn phải liên hệ trực tiếp với Tòa án. Còn việc chuyển qua bưu điện hay không phụ thuộc vào Tòa án nơi vợ hoặc chồng gửi đơn ly hôn.

Trên đây là những thông tin chi tiết về mẫu đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn mới nhất năm 2023. Nếu bạn cần tư vấn thêm về vấn đề này, hãy liên hệ ngay đến dịch vụ tư vấn ly hôn chuyên nghiệp, uy tín tại Apolat Legal.

Thông tin liên hệ

  • Địa chỉ:
    • HCM: Tầng 5, 99-101 Nguyễn Đình Chiểu, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Hồ Chí Minh.
    • HN: Tầng 10, số 5 Điện Biên Phủ, Phường Điện Biên, Quận Ba Đình, Hà Nội.
  • Điện thoại: 0911 357 447
  • Email: info@apolatlegal.com
  • Website: apolatlegal.com

Khuyến cáo:

Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.

Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ liên của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.

Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Giải quyết tranh chấp. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Giải quyết tranh chấp và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site. Switch to a production site key to remove this banner.