Doanh Nghiệp Cần Lưu Ý Khi Chuyển Đổi Khoản Vay Thành Vốn Góp

Trong nững năm gần đây tại Việt Nam, để có nguồn vốn phục vụ cho quá trình hoạt động kinh doanh, mở rộng dự án đầu tư, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn phương thức huy động vốn bằng cách vay vốn từ nhiều nguồn khác nhau. Bên cạnh nguồn vốn vay từ trong nước, các doanh nghiệp đã tìm cách tiếp cận và vay vốn từ nước ngoài thông qua các khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh. Một trong nguồn vốn vay từ nước ngoài mà doanh nghiệp thường tiếp cận và áp dụng để huy động vốn là từ công ty mẹ hoặc nhà đầu tư đang là cổ đông/thành viên/chủ sở hữu hiện hữu của công ty hoặc bên cho vay không là cổ đông/thành viên/chủ sở hữu của công ty (“Bên Cho Vay”). Đây được xem là một trong những hình thức huy động vốn hiệu quả về cả mặt thủ tục và chi phí hiện nay. Đối với khoản vay mà Công Ty Việt Nam (“Bên Đi Vay” hoặc “Công Ty”) vay từ Bên Cho Vay ở nước ngoài thường có những phương án trả nợ khi đến hạn như sau: 

  1. Bên Đi Vay trả cho Bên Cho Vay cả gốc và lãi như đã thỏa thuận tại Hợp Đồng Vay; 
  2. Nếu Bên Đi Vay chưa có khả năng để trả nợ mà các bên đồng thuận thì Bên Đi Vay sẽ gia hạn thời gian trả nợ cho Bên Cho Vay; hoặc 
  3. Bên Cho Vay sẽ chuyển đổi khoản vay này thành vốn góp trong công ty để tăng vốn điều lệ, nếu các bên thống nhất được phương án chuyển đổi khoản vay thành vốn góp.

Trong bài viết lần này, chúng tôi sẽ đề cập và đi sâu phân tích về phương án (3) – Chuyển đổi khoản vay nước ngoài thành vốn góp và nêu ra một số vấn đề lưu ý cần tuân thủ. Trên thực tế, việc xử lý nợ bằng biện pháp chuyển đổi thành góp vốn đã một phần giúp các công ty giảm bớt gánh nặng về tài chính, giải quyết khó khăn đứng trước bờ vực phá sản và khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu biểu là các trường hợp sau: Sadico Cần Thơ, Công ty CP Mía đường Kon Tum, Công ty CP Thủy sản Bình An…

Khái niệm chuyển khoản vay thành vốn góp?

Chuyển khoản vay thành vốn góp là việc Bên Cho Vay thay vì thu hồi tiền nợ đã cho Công Ty vay bằng tiền, Bên Cho Vay sẽ lấy khoản nợ phải thu đó để “mua” chính cổ phần/phần vốn góp của Công Ty. Khi đó, Bên Cho Vay sẽ trở thành chủ sở hữu/cổ đông/thành viên của Công Ty.

Hiện nay, quy định pháp luật hiện hành không có bất kỳ quy định nào cấm việc chuyển đổi khoản vay thành vốn góp cũng như không có hướng dẫn cụ thể nào về quy trình chuyển đổi này. Về bản chất, việc chuyển đổi khoản vay thành vốn góp là một cách thức để tăng vốn điều lệ của công ty lên bằng với vốn điều lệ cũ cộng với khoản vay được chuyển đổi, điểm khác biệt là việc chuyển tiền đã được thực hiện xong trước khi Công Ty ra quyết định tăng vốn. Đồng thời, trong trường hợp Bên Cho Vay không phải là cổ đông/thành viên góp vốn hiện tại của Công Ty thì việc chuyển đổi này sẽ làm Công Ty có thêm cổ đông/thành viên góp vốn mới và tỷ lệ vốn của các cổ đông/thành viên góp vốn hiện hữu có thể bị thay đổi. Do đó, tuỳ theo loại hình doanh nghiệp đang hoạt động mà Công Ty cần phải có sự chấp thuận/phê duyệt của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên, Chủ sở hữu trước khi tiến hành chuyển đổi.

Mặc khác, việc trả nợ bằng cổ phần/phần vốn góp được quy định rõ tại Khoản 2 Điều 34 Thông tư 03/2016/TT-NHNN, một trong số các hình thức trả nợ không thông qua tài Khoản vay, trả nợ nước ngoài là “Trả nợ bằng cổ phần hoặc phần vốn góp của bên đi vay phù hợp với quy định của pháp luật”. Quy định này đã xác nhận một cách rõ ràng và tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc chuyển đổi khoản vay nợ nước ngoài thành cổ phần/phần vốn góp. Do đó, Bên Cho Vay là nhà đầu tư tư nước ngoài hoàn toàn có thể chuyển khoản nợ đã vay thành phần vốn góp trong Công Ty. 

Điều kiện để chuyển đổi khoản vay nước ngoài thành vốn góp

Một số điều kiện cơ bản mà Bên Đi Vay và Bên Cho Vay cần lưu ý bao gồm:

  • Chứng minh tính hợp pháp của Hợp Đồng Vay mà các đã ký kết;
  • Nếu khoản vay nước ngoài là khoản vay trung, dài hạn thì Bên Đi Vay phải đăng ký khoản vay với Ngân hàng nhà nước (“NHNN”). Nếu khoản vay ngắn hạn phải báo cáo với NHNN;
  • Khoản vay được chuyển đúng vào Tài Khoản Vốn Đầu Tư Trực Tiếp (“DICA”) hoặc Tài Khoản Vay của Công Ty theo quy định của pháp luật;
  • Sau khi chuyển đổi, tỷ lệ góp vốn của Bên Cho Vay phải tuân theo giới hạn pháp luật quy định.

Cần làm gì để chuyển khoản vay nước ngoài thành vốn góp?

Công Ty cần thực hiện các thủ tục liên quan đến pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp và các thủ tục liên quan đến ngoại hối để chuyển khoản vay nước ngoài thành vốn góp. Trình tự thực hiện chuyển khoản vay nước ngoài thành vốn góp của Công Ty như sau:

Thứ nhất, các bên cần lập văn bản thỏa thuận hay hợp đồng về việc chuyển đổi khoản vay này thành vốn góp. Các văn bản này cần ghi nhận rõ thời điểm chuyển đổi, số tiền chuyển đổi, phương án xử lý tiền lãi và tiền gốc hay lãi phạt trả chậm, tỷ lệ phần trăm vốn mà Bên Cho Vay sẽ sở hữu trong Công Ty sau khi hoàn tất thủ tục chuyển đổi,…

Thứ hai, các bên cần thông qua các thủ tục nội bộ của Công Ty để thông qua, phê chuẩn về việc chuyển đổi khoản vay thành vốn góp, tăng vốn điều lệ, bổ sung thành viên/cổ đông mới (nếu có), thay đổi tỷ lệ nắm giữ phần vốn góp/cổ phần,… 

Thứ ba, các bên cần thực hiện các thủ tục hành chính tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để tăng vốn điều lệ, ghi nhận cổ đông/thành viên góp vốn mới (nếu có):

  • Bước 1: Thực hiện thủ tục xin chấp thuận góp vốn/mua cổ phần/phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài tại Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi Công Ty đặt trụ sở

Sau khi nhận và xem xét hồ sơ, nếu Công Ty và Bên Cho Vay đảm ứng đủ các điều kiện theo quy định pháp luật, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ cấp Văn bản về việc đáp ứng đủ điều kiện góp vốn/mua cổ phần/phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài ghi rõ vốn điều lệ dự kiến sau khi tăng, phần vốn góp và tỷ lệ góp vốn của Bên Cho Vay.

  • Bước 2: Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp của Công Ty gồm thay đổi vốn điều lệ, tỷ lệ góp vốn, thông tin của thành viên/cổ đông nhà đầu tư nước ngoài.

Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày hoàn tất việc chuyển đổi khoản vay thành vốn góp và tăng vốn điều lệ, Công Ty phải thực hiện thủ tục thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi công ty đặt trụ sở. 

Trên thực tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư thường không quan tâm và cũng không có nghĩa vụ phải xem xét nguồn gốc của khoản vốn điều lệ tăng thêm này từ đâu. Do vậy, việc một Công Ty đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã điều chỉnh và ghi nhận vốn điều lệ mới không đồng nghĩa với việc góp thêm vốn/chuyển đổi khoản vay thành vốn trên hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.

  • Bước 3: Thông báo thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của Công Ty (nếu có) gồm thay đổi vốn đầu tư thực hiện dự án, thông tin của nhà đầu tư nước ngoài.

Xin lưu ý rằng, việc thực hiện thủ tục tăng vốn đầu tư thực hiện dự án và thay đổi thông tin nhà đầu tư nước ngoài trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có thể được thực hiện trước khi thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ở trên.

  • Bước 4: Thông báo về việc trả nợ bằng cổ phần/ phần vốn góp với NHNN

Đối với khoản vay nước ngoài ngắn hạn: Công Ty cần thực hiện báo cáo với NHNN về việc chuyển khoản vay thành vốn đầu tư thông qua hình thức truyền thống hoặc điện tử theo quy định.

Đối với khoản vay nước ngoài trung và dài hạn: Công Ty cần thông báo bằng văn bản cho ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản thực hiện trả nợ theo kế hoạch thay đổi – chuyển khoản vay thành góp vốn, mà không phải đăng ký thay đổi khoản vay với NHNN.

Thứ tư, đối với Công Ty tiếp nhận nguồn vốn có yếu tố nước ngoài, cần lưu ý thêm về các điều kiện đầu tư và điều kiện kinh doanh quy định pháp luật để đảm bảo nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định cũng như Công Ty đáp ứng đủ điều kiện để hoạt động kinh doanh.

Trên đây là một số quy định về trình tự thủ tục và những vấn đề cần lưu ý liên quan đến chuyển khoản vay thành vốn góp, nhưng trên thực tế các cơ quan nhà nước có thể yêu cầu khác hơn tùy thuộc vào mỗi tỉnh, thành khác nhau. Ngoài ra, hoạt động chuyển đổi khoản vay thành vốn góp cũng chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định pháp luật trong lĩnh vực chuyên ngành. Do đó, trong quá trình đàm phán và thực hiện thủ tục chuyển đổi, doanh nghiệp nên tìm kiếm sự hỗ trợ và tư vấn từ những công ty luật am hiểu về lĩnh vực này để tư vấn và giảm thiểu rủi ro.


Khuyến cáo:

Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.

Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ liên của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.

Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Doanh nghiệp và đầu tư. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Doanh nghiệp và đầu tư và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site. Switch to a production site key to remove this banner.