1. Đề xuất bổ sung thẩm quyền chấp thuận hoạt động ngoại hối
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 21/2014/TT-NHNN ngày 14/8/2014 hướng dẫn về phạm vi hoạt động ngoại hối, điều kiện, trình tự, thủ tục chấp thuận hoạt động ngoại hối của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Dự thảo bổ sung quy định về thẩm quyền cấp phép để thực thi phương án phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính từ NHNN xuống NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố nhóm thủ tục chấp thuận hoạt động ngoại hối đối với các đối tượng là chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quy mô nhỏ, cụ thể:
(i) Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận hoạt động ngoại hối đối với các đối tượng sau:
- Ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, ngân hàng Chính sách Xã hội, ngân hàng Phát triển Việt Nam, công ty tài chính tổng hợp, công ty tài chính bao thanh toán, công ty tài chính tín dụng tiêu dùng, công ty cho thuê tài chính;
- Các chi nhánh ngân hàng nước ngoài là đối tượng thanh tra, giám sát an toàn vi mô của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.
(ii) Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền chấp thuận hoạt động ngoại hối cho chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trụ sở đặt tại địa bàn tỉnh, thành phố, trừ các chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định tại mục trên.
2. Quy định mới về biện pháp yêu cầu xóa bỏ thông tin trên mạng có nội dung làm nhục, vu khống, bịa đặt, sai sự thật
Nghị định số 53/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2022. Nghị định quy định trình tự, thủ tục thực hiện biện pháp yêu cầu xóa bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Cụ thể, trường hợp áp dụng biện pháp xóa bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật, gồm:
(i) Khi thông tin trên không gian mạng được cơ quan có thẩm quyền xác định là có nội dung xâm phạm an ninh quốc gia, kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng theo quy định của pháp luật.
(ii) Khi có căn cứ pháp luật xác định thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; bịa đặt, sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại nghiêm trọng cho hoạt động kinh tế – xã hội đến mức phải yêu cầu xóa bỏ thông tin.
(iii) Các thông tin được quy định tại điểm c, điểm đ, điểm e khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng, gồm:
+ Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc.
+ Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
+ Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 10 năm 2022.