"Cover" Bài Hát/Bản Nhạc dưới góc nhìn Luật Sở hữu trí tuệ

“Cover” Bài Hát/Bản Nhạc dưới góc nhìn Luật Sở hữu trí tuệ

Trong bối cảnh mở cửa hội nhập, giao lưu quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng, thị trường âm nhạc của Việt Nam đã trở nên sôi động với sự phát triển của hàng loạt nhạc sĩ trẻ, ca sĩ mới, công ty biểu diễn và các tổ chức biểu diễn. Việc làm mới một ca khúc đã nổi tiếng hoặc thực hiện lại (hay còn gọi là “cover”) một bài hát đang được yêu thích nhất cũng trở nên “thịnh hành”. Một bạn trẻ chỉ cần có chất giọng tốt, chọn một bài hát/ bản nhạc nổi tiếng một thời hoặc đương thời, phối mới và hát theo cách sáng tạo riêng của mình rồi đăng lên các trang dịch vụ âm nhạc, các trang mạng xã hội….., đây là một cách bước vào con đường ca hát “nhanh”. Không chỉ vậy, trước sự du nhập và yêu thích của các nền nhạc Hoa, nhạc Hàn, nhiều bản nhạc Hoa, nhạc Hàn tiếp tục được chuyển ngữ hoặc viết lời mới và trình bày lại. Trong lĩnh vực âm nhạc, nhiều người cùng biểu diễn một bài hát là điều không có gì xa lạ, việc “cover” một bản nhạc/ bát hát trong âm nhạc không phải điều xấu mà phần nào bài hát thêm lan tỏa rộng rãi trên thị trường âm nhạc. Tuy nhiên, “cover” không có nghĩa là tổ chức, cá nhân “cover” có thể làm bất cứ điều gì mình mong muốn, kể cả không nhằm mục đích thương mại, mà việc “cover” một bài hát/ bản nhạc cần phải tôn trọng bản quyền tác phẩm, tôn trọng quyền tác giả và thực hiện theo các quy định của pháp luật. 

Một bài hát/ bản nhạc được bảo hộ quyền tác giả khi nào?

Tác phẩm âm nhạc (hay một bài hát/ bản nhạc) là đối tượng đươc bảo hộ quyền tác giả. Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, tác phẩm âm nhạc là tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác hoặc được định hình trên bản ghi âm, ghi hình có hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn. Quyền tác giả của tác phẩm âm nhạc phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.

Như vậy một bài hát/ bản nhạc được bảo hộ quyền tác giả ngay khi tác giả sáng tác mà không cần đăng ký quyền tác giả. Theo đó, tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả sẽ có các quyền theo quy định pháp luật: quyền nhân thân (quyền đặt tên cho tác phẩm; đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;  bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả …) và quyền tài sản (làm tác phẩm phái sinh; biểu diễn tác phẩm trước công chúng; sao chép tác phẩm; phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm; truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác; cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính…).

Những lưu ý khi thực hiện lại hay còn gọi là “cover” một bài hát/ bản nhạc?

Theo thực tế diễn ra trên thị trường âm nhạc hiện nay, chúng ta có thể chia việc “cover” một bài hát/ bản nhạc thành hai dạng như sau (i) “Cover” một bài hát/ bản nhạc nhưng không làm thay đổi nội dung và giai điệu của tác phẩm gốc; (ii) “Cover” bài hát/ bản nhạc nhưng có sự thay đổi cơ bản giai điệu/ lời bài hát của tác phẩm gốc hoặc chuyển ngữ hoặc viết lời mới dựa trên các nền nhạc Hoa, Hàn. 

Hình thức “cover” lại một bài hát/bản nhạc nhưng không làm thay đổi nội dung và giai điệu của tác phẩm gốc là trình bày lại tác phẩm gốc và có thể sử dụng các loại nhạc cụ thay thế khác nhau như guitar, piano….sau đó đăng tải lên các trang dịch vụ âm nhạc hoặc các trang mạng xã hội. Đây là hành vi “biểu diễn tác phẩm trước công chúng” – một độc quyền thuộc quyền tài sản của tác phẩm được pháp luật trao cho chủ sở hữu quyền tác giả. Theo đó, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện biểu diễn tác phẩm một cách trực tiếp hoặc thông qua các bản ghi âm, ghi hình hay bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được. Khi các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng quyền này phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả. Do đó, khi thực hiện “cover” và tải những bản “cover” các trang dịch vụ âm nhạc hoặc các trang mạng xã hội, tổ chức, cá nhân “cover” phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả, đồng thời phải đảm bảo không gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

Đối với hình thức “cover” một bài hát/ bản nhạc nhưng có sự thay đổi cơ bản giai điệu/ lời bài hát của tác phẩm gốc hoặc chuyển ngữ hoặc viết lời mới dựa trên các nền nhạc Hoa, Hàn.  Đây có thể được xem là thực hiện “ tác phẩm phái sinh”, một hành vi được pháp luật cho phép. Tuy nhiên, khi làm tác phẩm phái sinh, người thực hiện cần đáp ứng một số điều kiện như sau:

  • Được sự cho phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả;
  • Không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm gốc;
  • Trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả. 

Bên cạnh đó, tác phẩm cover theo hình thức này sẽ được bảo hộ quyền tác giả dưới dạng tác phẩm phái sinh của tác phẩm được cover nếu tuân thủ đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân thực hiện “cover” bài hát/ bản nhạc không cần phải xin phép tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả và không phải trả tiền thù lao, nhuận bút.. cho chủ sở hữu quyền tác giả trong một số trường hợp như sau: 

  • Chuyển tác phẩm sang chữ nổi, hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị;
  • Sử dụng vào mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy cá nhân, hoặc biểu diễn  trong các buổi sinh hoạt văn hóa, tuyên truyền cổ động không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào;
  • Tác phẩm gốc đã trở thành tác phẩm của công chúng (sau khi hết thời hạn bảo hộ tác phẩm là 50 năm kể từ ngày tác giả chết).

Tuy nhiên, dù thực hiện “cover”, sử dụng trong bất kỳ trường hợp nào thì tổ chức, cá nhân thực hiện cần đảm bảo không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường bài hát/ bản nhạc của chủ sở quyền tác giả; không gây hại đến quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả và phải ghi đầy đủ tên tác giả, nguồn gốc, xuất xứ của bài hát/ bản nhạc. 

Âm nhạc là hoạt động nghệ thuật mang tính sáng tạo, mỗi bài hát/ bản nhạc sẽ mang phong cách riêng của nhạc sĩ, ca sĩ. Để âm nhạc Việt Nam có thể khẳng định vị thế và có những thành tựu vươn tầm trên thị trường âm nhạc thế giới, tôn trọng quyền tác giả, tôn trọng sự sáng tạo của tác giả là một trong những nhân tố quan trọng không thể thiếu. Trước khi thực hiện “cover”, sử dụng hoặc thưc hiện bất kỳ hành vi nào liên quan đến quyền tác giả nói riêng và các quyền sở hữu trí tuệ nói chung, chúng ta phải xem xét hành vi của mình có cần xin phép tác giả, có cần trả tiền nhuận bút cho chủ sở hữu quyền tác giả hoặc có vi phạm quyền sở hữu trí tuệ nào hay không. Từ đó thực hiện những hành vi hợp lý để đảm bảo tuân thủ, tôn trọng tinh thần sáng tạo của tác giả, công sức, tiền bạc của chủ sở hữu đã sáng tạo ra tác phẩm. 

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site. Switch to a production site key to remove this banner.