1. Bồi thường hợp đồng là gì?
Bồi thường hợp đồng còn được hiểu là bồi thường thiệt hại trong hợp đồng, là hình thức trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng được quy định tại Mục 4 Chương XV Bộ luật Dân sự 2015 và Điều 302 Luật Thương mại 2005. Theo đó, bên vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng, gây ra thiệt hại phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền, bên có hành vi vi phạm phải bù đắp những tổn thất vật chất, tinh thần do mình gây ra.
2. Các trường hợp phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng
Các trường hợp phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng bao gồm:
Trách nhiệm do không thực hiện nghĩa vụ giao vật
Theo Điều 356 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về trách nhiệm do không thực hiện nghĩa vụ giao vật như sau:
- Trường hợp nghĩa vụ giao vật đặc định không được thực hiện thì bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm phải giao đúng vật đó; nếu vật không còn hoặc bị hư hỏng thì phải thanh toán giá trị của vật.
- Trường hợp nghĩa vụ giao vật cùng loại không được thực hiện thì bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm phải giao vật cùng loại khác; nếu không có vật cùng loại khác thay thế thì phải thanh toán giá trị của vật.
- Trường hợp việc vi phạm nghĩa vụ nêu trên mà gây thiệt hại cho bên bị vi phạm thì bên vi phạm phải bồi thường thiệt hại.
Trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền
Theo Điều 357 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền như sau:
- Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.
- Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự 2015; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự 2015.
Trách nhiệm do không thực hiện hoặc không được thực hiện một công việc
Theo Điều 358 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về trách nhiệm do không thực hiện hoặc không được thực hiện một công việc như sau:
- Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện một công việc mà mình phải thực hiện thì bên có quyền có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện hoặc tự mình thực hiện hoặc giao người khác thực hiện công việc đó và yêu cầu bên có nghĩa vụ thanh toán chi phí hợp lý, bồi thường thiệt hại.
- Khi bên có nghĩa vụ không được thực hiện một công việc mà lại thực hiện công việc đó thì bên có quyền được quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ phải chấm dứt việc thực hiện, khôi phục tình trạng ban đầu và bồi thường thiệt hại.
Trách nhiệm do chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ
Theo Điều 359 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về trách nhiệm do chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ như sau:
- Bên có quyền chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ làm phát sinh thiệt hại cho bên có nghĩa vụ thì phải bồi thường thiệt hại cho bên đó và phải chịu mọi rủi ro, chi phí phát sinh kể từ thời điểm chậm tiếp nhận, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ
Theo Điều 360 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ như sau:
- Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
3. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng
Nguyên tắc bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể:
- Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
- Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
- Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
- Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.
4. Xác định thiệt hại được bồi thường
Căn cứ mục 2 Chương XX Bộ luật Dân sự 2015 thì xác định thiệt hại được bồi thường thông qua tài sản; sức khỏe; tính mạng; danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.
Theo Điều 589 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:
- Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.
- Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.
- Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.
- Thiệt hại khác do luật quy định
Theo Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
- Thiệt hại khác do luật quy định.
Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định trên và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Theo Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:
- Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật Dân sự 2015;
- Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
- Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;
Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định trên và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Theo Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:
- Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
- Thiệt hại khác do luật quy định.
Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định trên và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
5. Phân biệt bồi thường thiệt hại trong hợp đồng và phạt vi phạm hợp đồng
Bồi thường thiệt hại trong hợp đồng và phạt vi phạm hợp đồng được phân biệt qua một số tiêu chí nổi bật sau:
Tiêu chí | Bồi thường thiệt hại | Phạt vi phạm |
Cơ sở Pháp lý | Mục 4 Chương XV Bộ luật Dân sự 2015 và Điều 302 và Điều 303 Luật Thương mại 2005 | Điều 418 Bộ luật Dân sự 2015 và Điều 300, Điều 301 Luật Thương mại 2005 |
Mục đích | Là chế tài nhằm bảo vệ quyền, lợi ích của bên bị vi phạm, nhằm khôi phục và bù đắp những tổn thất về tinh thần và vật chất của bên bị vi phạm. | Là chế tài nhằm bảo vệ quyền, lợi ích cả 2 bên chủ thể khi giao kết hợp đồng, là trách nhiệm pháp lý nhằm nâng cao ý thức thực hiện hợp đồng. |
Điều kiện áp dụng | Có hành vi vi phạm
Có thiệt hại thực tế Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại |
Khi có thỏa thuận áp dụng
|
Mức áp dụng | Bồi thường theo giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm. | Do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm. |
6. Phân biệt bồi thường thiệt hại theo hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Dựa vào các tiêu chí cơ bản sau để phân biệt bồi thường thiệt hại trong hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Tiêu chí | Bồi thường thiệt hại trong hợp đồng | Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng |
Căn cứ phát sinh | Vi phạm nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng;
Có thiệt hại thực tế ; Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại xảy ra. |
Vi phạm pháp luật dân sự
Cố ý hay vô ý gây thiệt hại cho người khác Giữa người gây thiệt hại và người bị thiệt hại không có liên quan bất cứ hợp đồng nào |
Căn cứ xác định trách nhiệm | Hành vi vi phạm những cam kết cụ thể, những nghĩa vụ mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng. | Hành vi vi phạm những quy định của pháp luật, do nhà nước ban hành. |
Phương thức thực hiện | Các bên thỏa thuận mức bồi thường hay phạt vi phạm khi giao kết hợp đồng | Bên gây thiệt hại phải bồi thường toàn bộ và kịp thời, thiệt hại trực tiếp hoặc gián tiếp.
Các bên không biết trước sự xảy ra làm phát sinh mối quan hệ dân sự nên không thỏa thuận được. Khi thiệt hại xảy ra thì các bên có thể thỏa thuận về mức và hình thức bồi thường, trừ trường hợp pháp luật quy định khác. |
Yếu tố lỗi | Phát sinh do lỗi cố ý hoặc vô ý của người không thực hiện hoặc thực hiện không đúng hợp đồng | Lỗi vô ý hay cố ý chỉ để xem xét mức độ chịu trách nhiệm vì người có hành vi vi phạm có thể chịu trách nhiệm ngay cả khi không có lỗi trong trường hợp pháp luật quy định. |
Thời điểm phát sinh | Kể từ khi hợp đồng có hiệu lực | Kể từ khi xảy ra hành vi gây thiệt hại |
Tính liên đới chịu trách nhiệm | Áp dụng với các bên tham gia hợp đồng, không thể áp dụng với bên thứ ba. | Áp dụng với người có hành vi trái pháp luật, hoặc người khác như cha, mẹ của người chưa thành niên, người giám hộ, pháp nhân, đối với người giám hộ của pháp nhân… |
Mức bồi thường | Có thể cao hơn hoặc thấp hơn thiệt hại xảy ra, tùy theo thỏa thuận của hợp đồng | Bồi thường toàn bộ thiệt hại sảy ra, mức bồi thường thiệt hại chỉ có thể được giảm trong những trường hợp đặc biệt. |
Trên đây là bài viết tham khảo về việc chế tài bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng, hy vọng sẽ giúp bạn có những kiến thức pháp lý hữu ích. Bạn còn vướng mắc, cần được giải đáp, đặc biệt các vấn đề về thương mại, đừng ngần ngại liên hệ ngay Apolat Legal để được tư vấn và hỗ trợ tốt nhất.
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Giải quyết tranh chấp. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Lao động và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.