1. Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 122/2020/NĐ-CP vào ngày 15/10/2020 quy định phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp
Vào ngày 15/10/2020, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 122/2020/NĐ-CP quy định phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp.
Nghị định này áp dụng đối với người thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh, cơ quan quản lý nhà nước về lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội, cơ quan thuế.
Cơ quan đăng ký kinh doanh là cơ quan đầu mối tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết các thủ tục được quy định trong nghị định này. Các cơ quan có liên quan phối hợp, liên thông xử lý các thủ tục thông qua phương thức kết nối, chia sẻ dữ liệu số giữa các hệ thống công nghệ thông tin.
Nghị định cũng ban hành và áp dụng các mẫu mới giấy đề nghị trong thủ tục đăng ký doanh nghiệp, và thông báo việc đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện kể từ ngày có hiệu lực.
Cụ thể các quy trình liên thông giữa các cơ quan liên quan như sau:
(i) Cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan bảo hiểm xã hội:
Sau khi cấp đăng ký thành lập hoặc có sự thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, cơ quan đăng ký kinh doanh chia sẻ thông tin về Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện và thông tin về tổng số lao động dự kiến, ngành nghề kinh doanh và phương thức đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Mã số doanh nghiệp, mã số chi nhánh, văn phòng đại diện được sử dụng làm mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội.
(ii) Cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý nhà nước về lao động:
Cơ quan đăng ký kinh doanh chia sẻ thông tin về tên, mã số, địa chỉ, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện, ngành nghề kinh doanh chính và tổng số lao động dự kiến cho Phòng Lao động – Thương binh – Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh – Xã hội (đối với doanh nghiệp trong khu công nghiệp).
(iii) Cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế:
Trường hợp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện đã hợp lệ, cơ quan đăng ký kinh doanh chia sẻ thông tin đăng ký thành lập và thông tin đăng ký sử dụng hóa đơn cho cơ quan thuế.
Cơ quan thuế chia sẻ thông tin về mã số doanh nghiệp, mã số chi nhánh, văn phòng đại diện, phân cấp cơ quan thuế quản lý trực tiếp cho cơ quan đăng ký kinh doanh.
Trên cơ sở thông tin do cơ quan thuế phản hồi, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và Thông báo về cơ quan thuế quản lý cho doanh nghiệp.
(iv) Cơ quan quản lý nhà nước về lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội:
Bảo hiểm xã hội Việt Nam chia sẻ thông tin về tình hình thay đổi và tăng, giảm lao động của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện cho Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Nghị định 122/2020/NĐ-CP sẽ có hiệu lực kể từ ngày 15/10/2020.
2. Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 119/2020/NĐ-CP vào ngày 07/10/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản
Vào ngày 07/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 119/2020NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.
Nghị định quy định về đối tượng áp dụng, hành vi vi phạm hành chính, hình thức và mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.
Phạm vi áp dụng của Nghị định này đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo đó, đối với hoạt động báo chí nổi bật về các quy định vi phạm về giấy phép; vi phạm quy định về đăng, phát nội dung thông tin trên báo chí, bản tin, đặc san; vi phạm quy định về xuất khẩu, nhập khẩu báo chí in; vi phạm quy định về thu tín hiệu truyền hình nước ngoài trực tiếp từ về tinh không thuộc dịch vụ phát thanh, truyền hình; vi phạm quy định về trang thông tin điện tử tổng hợp có thể bị phạt tiền lên đến 200.000.000 đồng, tịch thu tang vật vi phạm, tước quyền sử dụng giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như cải chính, xin lỗi, gỡ bỏ thông tin sai sự thật, thông tin vi phạm quy định pháp luật, buộc gỡ bỏ tin, bài trên báo điện tử, tạp chí điện tử, báo nói, báo hình có nội dung không đúng tôn chỉ, mục đích trong giấy phép, buộc tiêu hủy sản phẩm báo chí, nộp lại số lợi bất hợp pháp,…
Đối với hoạt động xuất bản, các hành vi vi phạm cần phải lưu ý là vi phạm quy định về giấy phép, điều kiện hoạt động xuất bản; vi phạm quy định về nội dung xuất bản phẩm; quy định về hoạt động in xuất bản phẩm; quy định về điều kiện hoạt động xuất bản điện tử và phát hành xuất bản phẩm điện tử; có thể bị phạt tiền lên đến 200.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn và áp dụng một số các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc thu hồi xuất bản, tiêu hủy xuất bản phẩm, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp, buộc xin lỗi công khai,…
Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng ½ mức phạt tiền đối với tổ chức.
Nghị định 119/2020/NĐ-CP sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/12/2020.
Tải Cập nhật pháp lý tại đây.