Các lỗi phổ biến khi soạn thảo thỏa thuận trọng tài - Apolat Legal

Các lỗi phổ biến khi soạn thảo thỏa thuận trọng tài

Việc lựa chọn trọng tài làm cơ quan giải quyết tranh chấp trong các giao dịch thương mại ngày càng phổ biến. Điều này phát xuất từ những ưu điểm của trọng tài so với tòa án như tính chuyên nghiệp, tính bảo mật cao, tiết giảm thời gian, thủ tục ngắn gọn. Để một tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài, điều kiện tiên quyết là phải có thỏa thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài thường được xem là một điều khoản tiêu chuẩn và ít được chú ý rà soát kỹ lưỡng trong giai đoạn soạn thảo hợp đồng. Trong thực tiễn hành nghề, người viết đã gặp không ít các trường hợp các thỏa thuận trọng tài bị lỗi dẫn đến mục đích lựa chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp không đạt được, thậm chí còn gây ra thiệt hại về chi phí và thời gian. Một số lỗi phổ biến thường gặp như sau: 

1. Lựa chọn trung tâm trọng tài này nhưng lại áp dụng quy tắc tố tụng của trung tâm trọng tài khác 

Các trung tâm trọng tài đều ban hành cho mình một bộ quy tắc tố tụng riêng để áp dụng khi giải quyết các tranh chấp mà trung tâm mình được lựa chọn. Thực tiễn, rất ít quy tắc tố tụng, điều lệ của các trung tâm trọng tài chấp thuận việc áp dụng quy tắc tố tụng của trung tâm trọng tài khác để giải quyết tranh chấp. Khi đó, thỏa thuận trọng tài sẽ thuộc trường hợp không thể thực hiện được và vụ án sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. 

2. Chỉ lựa chọn quy tắc tố tụng trọng tài mà quên không lựa chọn trung tâm trọng tài 

Chẳng hạn, trong một hợp đồng vay các bên thỏa thuận như sau: 

“Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến Hợp Đồng này sẽ được giải quyết theo quy tắc tố tụng của Trung Tâm Trọng Tài Quốc Tế Việt Nam (VIAC). 

Với thỏa thuận ở trên, có 02 quan điểm như sau: 

Quan điểm 1: 

Thỏa thuận nêu trên các bên không có nội dung lựa chọn trọng tài làm cơ quan giải quyết tranh chấp. Việc lựa chọn áp dụng quy tắc tố tụng của VIAC không thể được giải thích đồng nghĩa với việc lựa chọn VIAC là cơ quan giải quyết tranh chấp. Do đó, không có thỏa thuận trọng tài. Vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. 

Quan điểm 2: 

Theo nội dung thỏa thuận, mặc dù các bên không có thỏa thuận cụ thể lựa chọn VIAC là cơ quan giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, việc lựa chọn quy tắc tố tụng của VIAC thể hiện ý chí của các bên là đã lựa chọn trọng tài làm cơ quan giải quyết tranh chấp. Do đó, nếu nguyên đơn muốn khởi kiện tại VIAC, nguyên đơn có thể thương lượng lại với bị đơn. Nếu thương lượng không thành, nguyên đơn được quyền tự mình lựa chọn VIAC để giải quyết.

Luật Trọng Tại Thương Mại 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có quy định minh thị cho trường hợp này. Về mặt quan điểm, người viết đồng ý với cách hiểu của Quan điểm 1 là không có thỏa thuận trọng tài. Việc lựa chọn quy tắc tố tụng của một trung tâm trọng tài không thể được giải thích là trung tâm trọng tài đó được lựa chọn để giải quyết tranh chấp. 

3. Gọi sai tên tổ chức trọng tài hoặc không nêu rõ hình thức, tên tổ chức trọng tài   

Việc gọi sai tên trọng tài hoặc không nêu rõ hình thức, tên tổ chức trọng tài cũng thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên, với lỗi này, nội dung của thỏa thuận trọng tài có thể được giải thích theo hướng, về mặt ý chí, các bên đã thống nhất tranh chấp sẽ được giải quyết bởi trọng tài, vấn đề chỉ là chưa lựa chọn hình thức, tổ chức trọng tài nào sẽ giải quyết. Với tình huống này, Luật Trọng Tài Thương Mại 2010 cho phép các bên được quyền thỏa thuận lại lựa chọn lại hình thức, tổ chức trọng tài. Nếu không thỏa thuận được thì việc lựa chọn hình thức, tổ chức trọng tài để giải quyết tranh chấp được thực hiện theo yêu cầu của nguyên đơn.   

4. Làm sao để soạn thỏa thuận trọng tài cho đúng 

Lỗi trong quá trình soạn thảo thỏa thuận trọng tài ngoài việc làm cho mục đích lựa chọn trọng tài không đạt được, trong một vài trường hợp, có thể dẫn đến thiệt hại về thời gian và chi phí đã bỏ ra cho cả một quá trình tố tụng trọng tài kéo dài. Rủi ro thiệt hại xảy ra với những thỏa thuận trọng tài không rõ nghĩa và cần giải thích. Khi trọng tài thì cho rằng vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài nhưng tòa án lại có quan điểm ngược lại. Hệ quả là phán quyết của trọng tài bị hủy và vụ án sẽ phải được giải quyết lại từ đầu theo thủ tục tố tụng của tòa án. 

Do vậy, để soạn thảo một thỏa thuận trọng tài hợp lệ, người viết khuyến nghị khi soạn thảo đến điều khoản trọng tài, người soạn nên tham khảo điểu khoản mẫu của các trung tâm trọng tài mà mình lựa chọn. Điều khoản mẫu này được công khai trên website của tất cả các trung tâm trọng tài với nhiều ngôn ngữ khác nhau. Người soạn chỉ cần sao chép các thỏa thuận mẫu này và điều chỉnh một vài thông tin cho phù hợp với hoàn cảnh giao dịch của mình. 

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site. Switch to a production site key to remove this banner.