1. Bổ sung quy định về tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 về xuất xứ hàng hóa.
Dự thảo Nghị định bổ sung Điều 25b (Tiêu chí tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa), Điều 25c (Cấp Văn bản chấp thuận), Điều 25d (Thu hồi Văn bản chấp thuận tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa), Điều 25đ (Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa), Điều 25e (Cho hưởng ưu đãi thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu có chứng từ tự chứng nhận xuất xứ).
Trong đó, về tiêu chí tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, dự thảo Nghị định nêu rõ, thương nhân được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa phải đáp ứng đủ các tiêu chí sau:
a. Là nhà sản xuất, nhà xuất khẩu hàng hóa. Trong trường hợp nhà xuất khẩu không phải là nhà sản xuất, nhà xuất khẩu phải có cam kết bằng văn bản của nhà sản xuất về xuất xứ của hàng hóa xuất khẩu và sẵn sàng hợp tác trong trường hợp kiểm tra hồ sơ, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa và kiểm tra, xác minh tại cơ sở sản xuất.
b. Không vi phạm quy định về xuất xứ trong 2 năm gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Văn bản chấp thuận Tự chứng nhận xuất xứ.
c. Có hệ thống lưu trữ hồ sơ (hồ sơ giấy và hồ sơ điện tử) đầy đủ để đảm bảo chứng minh tính xác thực của chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong thời hạn lưu trữ theo quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP.
d. Có cán bộ được đào tạo, được cấp chứng nhận hoặc chứng chỉ về xuất xứ hàng hóa do đơn vị đào tạo được Bộ Công Thương chỉ định cấp.
e. Đã được cấp ít nhất 30 bộ C/O ưu đãi/năm và thực hiện quy trình khai báo C/O điện tử qua Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử (www.ecosys.gov.vn) đối với hàng hóa cùng nhóm HS (4 số) trong 2 năm gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Văn bản chấp thuận.
2. Đề xuất thủ tục thí điểm chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác tại Khánh Hòa
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định thí điểm về trình tự, thủ tục quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa tại Nghị quyết số 55/2022/QH15.
Theo dự thảo, Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa thực hiện trình tự, thủ tục quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với rừng sản xuất từ 50 ha đến dưới 1.000 ha theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị quyết số 55/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội khoá XV về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.
Đối với việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác: thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Luật Lâm nghiệp, Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018.