Bảo hộ chương trình máy tính bằng cách nào?

Trong nền kinh tế số, ứng dụng của chương trình máy tính đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong tất cả các lĩnh vực. Nhận thức về yêu cầu và sự cần thiết phải xác lập quyền sở hữu đối với quyền tác giả của chương trình máy tính cũng không còn là một nhu cầu xa lạ của các doanh nghiệp. Theo quy định và thực tiễn xác lập quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, một chương trình máy tính có thể được bảo hộ dưới các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ gồm Quyền tác giả, Sáng chếBí mật kinh doanh. Việc lựa chọn đối tượng quyền sở hữu trí tuệ nào để bảo hộ cho chương trình máy tính vừa là quyết định pháp lý và vừa là quyết định kinh doanh. Quyết định này sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến khả năng bảo hộ, khai thác và thực thi quyền của công ty sở hữu chương trình máy tính. Sự cân nhắc này là phức tạp và thông thường sẽ đòi hỏi sự tư vấn của các đơn vị tư vấn pháp lý, kinh doanh và kỹ thuật. Do vậy, mục tiêu của bài viết này chỉ là cố gắng diễn giải một số khía cạnh cơ bản nhất của bức tranh phức tạp này. 

1. Các hình thức bảo hộ chương trình máy tính theo quy định pháp luật

Về định nghĩa pháp lý, Điều 22 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi 2009, 2019 quy định Chương trình máy tính là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng các lệnh, các mã, lược đồ hoặc bất kỳ dạng nào khác, khi gắn vào một phương tiện mà máy tính đọc được, có khả năng làm cho máy tính thực hiện được một công việc hoặc đạt được một kết quả cụ thể. 

Chương trình máy tính có thể được bảo hộ dưới 03 hình thức, gồm: Quyền tác giả, Sáng chế và Bí mật kinh doanh. Quyền tác giả và Bí mật kinh doanh là 02 hình thức mà ở cấp độ quốc tế hay quốc gia, kể cả Việt Nam, đều cho phép áp dụng để bảo hộ Chương trình máy tính. Với Sáng chế, doanh nghiệp sẽ cần cân nhắc nhiều yếu tố phức tạp hơn.  

1.1. Quyền tác giả 

Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi 2009, 2019 liệt kê Chương trình máy tính là một loại hình tác phẩm “văn học, nghệ thuật và khoa học” được bảo hộ quyền tác giả. Điều này cũng phù hợp với quy định của Hiệp định TRIPS của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Điều 10.1 của Hiệp định TRIPS quy định rằng các chương trình máy tính “dù dưới dạng mã nguồn hay mã máy, đều phải được bảo hộ như tác phẩm văn học theo Công ước Berne (1971).”. Theo đó, Chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học, dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy. Như vậy, có thể hiểu rằng Quyền tác giả sẽ chỉ bảo vệ những yếu tố chữ, ký tự của các Chương trình máy tính.  

Nhìn chung, một Chương trình máy tính sẽ được bảo hộ quyền tác giả nếu đảm bảo tính nguyên gốc, không sao chép của người khác. Tại Việt Nam và hầu hết các nước có thủ tục đăng ký quyền tác giả, thủ tục đăng ký quyền tác giả cho Chương trình máy tính cũng đơn giản hơn, nhanh chóng hơn và tiết kiệm chi phí hơn rất nhiều so với việc đăng ký Sáng chế. Thời gian đăng ký Sáng chế tại Việt Nam trong tình huống thuận lợi sẽ mất ít nhất là 31 tháng. Trong khi đăng ký quyền tác giả thực tế chỉ mất từ 20-40 ngày.  

Điều mà hầu hết các doanh nghiệp e ngại khi đăng ký quyền tác giả cho Chương trình máy tính là pháp luật hầu hết các nước đều yêu cầu người nộp đơn đăng ký quyền tác giả phải nộp bộ mã nguồn, mã máy của Chương trình máy tính đó. Yêu cầu này xuất phát từ việc quyền tác giả chỉ bảo hộ cho hình thức thể hiện của chữ, ký tự của Chương trình máy tính. Do đó, với các doanh nghiệp muốn giữ bảo mật các lệnh tạo nên Chương trình máy tính, thực hiện yêu cầu trên sẽ khá khó khăn và rủi ro.  

1.2. Sáng chế  

Câu chuyện sẽ phức tạp hơn khi lựa chọn hình thức Sáng chế. Một số quốc gia có thể đưa ra các quy định loại trừ cụ thể một hình thức mà Chương trình máy tính không thể bảo hộ, phổ biến nhất là Sáng chế. Các quốc gia có quy định loại trừ bảo hộ Chương trình máy tính dưới tư cách sáng chế gồm các quốc gia EU (Công Ước Sáng chế Châu Âu 2000), Anh (Đạo luật Sáng chế Anh 1977). Ngược lại, một số quốc gia không có quy định pháp luật loại trừ bảo hộ một Chương trình máy tính như một Sáng chế, ví dụ Canada, Mỹ và Australia.  

Tuy nhiên, Chương trình máy tính thực tế vẫn có khả năng được bảo hộ dưới tư cách một Sáng chế với các điều kiện cụ thể theo quy chế thẩm định hoặc bản án của tòa án. Đơn cử như Công ước Sáng chế châu Âu loại trừ việc cấp bằng sáng chế cho Chương trình máy tính, tuy nhiên, sáng chế liên quan đến Chương trình máy tính vẫn được công nhận theo Chỉ thị hướng dẫn cấp sáng chế liên quan đến Chương trình máy tính của Châu Âu để hài hòa giữa các quy định pháp luật và nhu cầu thực tiễn.  

Về thực tiễn, mấu chốt để cấp hay không cấp Sáng chế cho một Chương trình máy tính tồn tại ở đánh giá của Cơ quan sở hữu trí tuệ về việc chức năng của Chương trình máy tính có đặc tính kỹ thuật hay không và Chương trình máy tính, khi chạy trên máy tính, có tạo ra hiệu quả kỹ thuật khác ngoài các tương tác vật lý thông thường giữa chương trình và máy tính hay không (EU), hay liệu rằng Chương trình máy tính liên quan tới việc thực hiện một ý tưởng “trừu tượng” hay không (Mỹ), ví dụ như nguyên tắc kinh tế, phương pháp kinh doanh, khái niệm toán học. 

Tại Việt Nam, Điều 59 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi 2009, 2019 (Đối tượng không được bảo hộ với dang nghĩa sáng chế) loại trừ rõ ràng việc bảo hộ sáng chế cho một Chương trình máy tính. Tuy nhiên, theo Quy chế thẩm định đơn đăng ký sáng chế theo Quyết định số 487/QĐ-SHTT ngày 31/3/2010 do Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam ban hành và Hướng dẫn xác định đối tượng được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế liên quan đến chương trình máy tính ngày 31/12/2021 của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam thì nếu đối tượng yêu cầu bảo hộ là Chương trình máy tính có đặc tính kỹ thuật, thực sự là một giải pháp kỹ thuật và, khi chạy trên máy tính, có tạo ra hiệu quả kỹ thuật khác ngoài các tương tác vật lý thông thường giữa chương trình và máy tính thì nó có thể được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế. Về hình thức, các đối tượng được thể hiện bằng cụm từ như “chương trình máy tính”, “phần mềm máy tính” hoặc “tín hiệu mang chương trình” và các cụm từ tương đương khác sẽ không được chấp nhận để cấp bằng Sáng chế. 

1.3. Bí mật kinh doanh  

Pháp luật hầu hết các nước và Việt Nam đều không loại trừ khả năng bảo hộ Chương trình máy tính như là Bí mật kinh doanh. Điều này xuất phát từ bản chất của Bí mật kinh doanh là tất cả các thông tin mà doanh nghiệp có miễn là đáp ứng các điều kiện: 

– Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được; 

– Khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó; 

– Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được.  

Việc bảo hộ Chương trình máy tính như Bí mật kinh doanh không yêu cầu thực hiện thủ tục đăng ký. Tuy nhiên, Bí mật kinh doanh yêu cầu tốn kém chi phí và công sức cho các công việc ở khâu bảo vệ bí mật kinh doanh. Đây cũng chính là một yếu tố mà doanh nghiệp thường mắc lỗi dẫn đến thông tin bảo mật không còn được xem là Bí mật kinh doanh và không được bảo hộ theo quy chế bảo hộ của Bí mật kinh doanh. Một hạn chế khác của Bí mật kinh doanh là việc xử lý hành vi xâm phạm của bên khác tương đối khó khi so với Quyền tác giả hoặc Sáng chế. Do đó, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp thường lựa chọn bảo vệ Chương trình máy tính bằng biện pháp kết hợp giữa Quyền tác giả và Bí mật kinh doanh. 

2. Các câu hỏi mấu chốt 

Lựa chọn hình thức bảo hộ Chương trình máy tính vừa là các cân nhắc về mặt pháp lý, cũng vừa là quyết định trên các yếu tố kinh tế, thị trường, kỹ thuật. Phụ thuộc vào từng Chương trình máy tính cụ thể mà nó có thể đáp ứng khả năng bảo hộ cho một hoặc tất cả các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ. Chủ thể quyền có thể cân nhắc lựa chọn hình thức bảo hộ theo một số tiêu chí được đề xuất như sau: 

  • Chương trình máy tính có mang các đặc tính kỹ thuật, tạo nên các hiệu quả kỹ thuật để giải quyết một vấn đề kỹ thuật hay không. 
  • Chương trình máy tính có dễ bị bộc lộ bộ mã lệnh với các bên khác hay không. 
  • Khả năng Chương trình máy tính bị xâm phạm, sao chép bởi bên khác. 
  • Chương trình máy tính có thể vừa đăng ký bảo hộ quyền tác giả, vừa bảo hộ như bí mật kinh doanh được không. 
  • Các yếu tố về chi phí và thời gian cần đạt được trạng thái bảo hộ.  

Khuyến cáo: Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý nào. Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Sở hữu trí tuệ. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn

    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site.