Thỏa thuận cổ đông trong giao dịch M&A (phần 1)

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, Điều Lệ Công Ty được xem là văn bản thoả thuận giữa các Cổ Đông về việc quản lý và điều hành Công Ty, bao gồm những nội dung chính như cơ cấu tổ chức quản lý, quyền và nghĩa vụ của các Cổ Đông, nguyên tắc phân chia lợi nhuận và xử lý lỗ trong kinh doanh, thể thức thông qua quyết định của công ty…. Pháp luật Việt Nam cũng không yêu cầu phải ký kết thêm bất kỳ thoả thuận, văn bản nào để điều chỉnh mối quan hệ giữa các Công Đông trong Công Ty. 

Tuy nhiên, trong các giao dịch M&A, Nhà Đầu Tư và Cổ Đông Hiện Hữu thường thương lượng những điều khoản riêng biệt, mang tính chất đặc thù của từng giao dịch và nhiều điều khoản nằm ngoài phạm vi Điều Lệ Công ty. Do đó, các bên ký kết thêm Thoả Thuận Cổ Đông (“Shareholders Agreement”) và đồng thời điều chỉnh lại Điều Lệ Công Ty cho phù hợp với các nội dung trong Thoả Thuận Cổ Đông.   

Sau đây là một số điều khoản về Cơ cấu tổ chức quản lý mà Nhà Đầu Tư và Cổ Đông Hiện Hữu thường thương lượng: 

1. Đại hội đồng cổ đông 

Đại hội đồng cổ đông gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết, là cơ quan quyết định cao nhất của Công Ty. Theo quy định của Luật Doanh Nghiệp, cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được tiến hành khi: 

  • Cuộc họp lần thứ nhất có số cổ đông dự họp đại diện trên 50% tổng số phiếu biểu quyết. 
  • Trường hợp cuộc họp lần thứ nhất không đủ điều kiện tiến hành, cuộc họp lần thứ hai được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện từ 33% tổng số phiếu biểu quyết trở lên. 
  • Trường hợp cuộc họp lần thứ hai không đủ điều kiện tiến hành, cuộc họp lần thứ ba được tiến hành không phụ thuộc vào tổng số phiếu biểu quyết của các cổ đông dự họp. 

Tuỳ thuộc vào tỷ lệ sở hữu trong Công Ty, Nhà Đầu Tư có thể xem xét và thương lượng thay đổi tỷ lệ ở trên theo hướng tăng lên. Ví dụ như tỷ lệ sở hữu cổ phần biểu quyết của Nhà Đầu Tư trong Công Ty là 40%, Nhà Đầu Tư sẽ yêu cầu cuộc họp lần thứ nhất phải có từ 75% tổng số phiếu biểu quyết và cuộc họp lần thứ hai phải có từ 65%, nhằm đảm bảo các quyết định của Đại hội đồng cổ đông sẽ không được thông qua nếu thiếu Nhà Đầu Tư sở hữu 40%. 

Trừ trường hợp cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thông qua nội dung làm thay đổi bất lợi quyền và nghĩa vụ của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi, hoặc bầu thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát phải thực hiện theo phương thức bầu dồn phiếu…, các nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông được thông qua khi: 

  • Nếu được số cổ đông đại diện từ 65% tổng số phiếu biểu quyết trở lên của tất cả cổ đông tham dự và biểu quyết tại cuộc họp tán thành đối với các vấn đề: Loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại; Thay đổi ngành, nghề và lĩnh vực kinh doanh; Thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý công ty; Dự án đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty; Tổ chức lại, giải thể công ty (“Vấn Đề Đặc Biệt Quan Trọng”). 
  • Nếu được số cổ đông đại diện từ 50% tổng số phiếu biểu quyết trở lên của tất cả cổ đông tham dự và biểu quyết tại cuộc họp tán thành đối với các vấn đề khác không thuộc những trường hợp trên (“Vấn Đề Quan Trọng”). 

Tuỳ thuộc vào tỷ lệ sở hữu, Nhà Đầu Tư có thể xem xét và thương lượng thay đổi tỷ lệ ở trên theo hướng tăng lên. Với cùng ví dụ Nhà Đầu Tư sở hữu 40% cổ phần biểu quyết, Nhà Đầu Tư có thể thương lượng thay đổi từ 75% để thông qua các Vấn Đề Đặc Biệt Quan Trọng và từ 65% để thông qua các Vấn Đề Quan Trọng. 

Ngoài ra, Nhà Đầu Tư có thể liệt kê thêm các vấn đề được xem là đặc biệt quan trọng và lập thành một phụ lục trong Thoả Thuận Cổ Đông. Để thông qua các vấn đề này, bắt buộc phải có sự tham gia của Nhà Đầu Tư trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (bất kể cuộc họp được triệu tập lần thứ mấy) và/hoặc phải có sự chấp thuận của Nhà Đầu Tư.  

Xem thêm: Quy định mới trong luật đầu tư, luật doanh nghiệp ảnh hưởng đến hoạt động M&A tại Việt Nam.

2. Hội đồng quản trị  

Hội đồng quản trị là cơ quan quản lý công ty, có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định, thực hiện quyền và nghĩa vụ của công ty, trừ các quyền và nghĩa vụ thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông. Sau đây là một số điều khoản về Hội đồng quản trị thường được các Cổ Đông thoả thuận:  

  • Các Cổ Đông được quyền thoả thuận số lượng thành viên Hội đồng quản trị từ 03 đến 11 người và nghị quyết của Hội đồng quản trị được thông qua khi có đa số thành viên dự họp tán thành. Nhằm hạn chế trường hợp số phiếu ngang nhau thì quyết định cuối cùng thuộc về phía có ý kiến của Chủ tịch Hội đồng quản trị, số lượng thành viên Hội đồng quản trị thường được lựa chọn là số lẻ.  
  • Tuỳ theo tỷ lệ sở hữu và số lượng thành viên Hội đồng quản trị, Nhà Đầu Tư sẽ yêu cầu được chỉ định một hoặc một số thành viên Hội đồng quản trị nhằm mục đích tham gia, quyết định các vấn đề quan trọng của công ty. Mặc dù Hội đồng quản trị do Đại hội đồng cổ đông bầu theo hình thức bầu dồn phiếu, nhưng nếu ký thoả thuận này, các Cổ Đông phải sắp xếp để đáp ứng việc chỉ định thành viên Hội đồng quản trị như đã thoả thuận.   

Bên cạnh đó, Nhà Đầu Tư có thể liệt kê thêm các vấn đề được xem là quan trọng và lập thành một phụ lục trong Thoả Thuận Cổ Đông. Để thông qua các vấn đề này, bắt buộc phải có sự tham gia của các thành viên Hội đồng quản trị do Nhà Đầu Tư chỉ định trong cuộc họp Hội đồng quản trị và/hoặc phải có sự chấp thuận của của các thành viên Hội đồng quản trị do Nhà Đầu Tư chỉ định. 

3. Ban kiểm soát 

Ban kiểm soát là cơ quan thực hiện giám sát Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc trong việc quản lý và điều hành công ty. Đồng thời kiểm tra, thẩm định các báo cáo tình hình kinh doanh, báo cáo tài chính hằng năm; Rà soát hợp đồng, giao dịch với người có liên quan thuộc thẩm quyền phê duyệt của Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông …. Sau đây là một số điều khoản về Ban kiểm soát thường được các Cổ Đông thoả thuận: 

  • Các Cổ Đông được quyền thoả thuận số lượng thành viên Ban kiểm soát từ 03 đến 05 người, số lượng thành viên Ban kiểm soát thường được xác định dự theo quy mô, lĩnh vực kinh doanh của công ty.  
  • Tuỳ theo đánh giá hoạt động của Công Ty, Nhà Đầu Tư sẽ yêu cầu được chỉ định một hoặc một số thành viên Ban kiểm soát nhằm kiểm tra, giám sát mọi hoạt động của Công Ty. Mặc dù Ban kiểm soát do Đại hội đồng cổ đông bầu theo hình thức bầu dồn phiếu, nhưng nếu ký thoả thuận này, các Cổ Đông phải sắp xếp để đáp ứng việc chỉ định thành viên Ban kiểm soát như đã thoả thuận.  

4. Giám đốc  

Trong nhiều giao dịch M&A, Nhà Đầu Tư thường yêu cầu Giám đốc (đồng thời cũng là Cổ Đông Hiện Hữu) phải tiếp tục làm việc tại Công Ty trong một khoảng thời gian nhất định kể từ ngày tiếp nhận vốn đầu tư (3 năm hay 5 năm), nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh của Công Ty được thực hiện theo đúng kế hoạch. Hoặc trong một số trường hợp, Nhà Đầu Tư sẽ đồng ý cho các Cổ Đông Hiện Hữu, những người đã quản lý và điều hành Công Ty trong thời gian dài, được phép chỉ định Giám Đốc hoặc thay thế nếu thấy có lợi cho Công Ty. 

Ngoài ra, theo quy định của pháp luật Việt Nam, Người đại diện theo pháp luật giữ vai trò quan trọng trong việc đại diện Công Ty tham gia các giao dịch và ký kết các hợp đồng kinh doanh. Tuỳ thuộc vào Điều Lệ Công Ty, Người đại diện theo pháp luật có thể là Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc, số lượng Người đại diện theo pháp luật có thể nhiều hơn 01 người. Thông thường, Giám Đốc sẽ là người đại diện theo pháp luật của Công Ty.  

5. Kế toán trưởng 

Kế toán trưởng giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xét duyệt các chi phí và thường là người ký xác nhận lên các lệnh thanh toán của Công Ty. Kế toán trưởng chịu trách nhiệm đánh giá sự hợp lý và hợp lệ của các khoản chi, bảo đảm duy trì được hoạt động và không bị lãng phí, bảo toàn vốn và lợi nhuận của Nhà Đầu Tư. Do đó, Nhà Đầu Tư thường yêu cầu được quyền bổ nhiệm Kế toán trưởng của Công Ty. Khi nhận được thông báo chỉ định Kế toán trưởng của Nhà Đầu Tư, Hội Đồng Quản Trị hoặc Giám Đốc phải ký các văn bản, tài liệu để bổ nhiệm Kế toán trưởng một cách hợp pháp. 

Tuỳ thuộc vào kế hoạch đầu tư của Nhà Đầu Tư vào trong Công Ty, thoả thuận giữa Nhà Đầu Tư và Cổ Đông Hiện Hữu mà những nội dung trên sẽ có nhiều thay đổi. Các bên cần phải xem xét các điều khoản pháp lý, sắp xếp cơ cấu tổ chức và bổ nhiệm người vào từng vị trí một cách thận trọng, đặc biệt là kết nối các điều khoản với nhau tạo thành một thể thống nhất nhằm bảo vệ quyền lợi của mình. 

Xem thêm: Giá trị của Thỏa thuận cổ đông so với Điều lệ doanh nghiệp

Khuyến cáo: Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý nào. Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Dịch Vụ Tư Vấn M&A, Doanh Nghiệp và Đầu Tư, Thương Mại Trong và Ngoài Nước. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site. Switch to a production site key to remove this banner.