Tại sao cần tra cứu nhãn hiệu trước khi đăng ký?

Cùng với sự gia tăng về số lượng các doanh nghiệp mới được thành lập, số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ cũng gia tăng đáng kể. Trong bối cảnh dữ liệu đăng ký nhãn hiệu của Cục SHTT tại Việt Nam có thể lên tới hàng triệu bản ghi thì việc sáng tạo ra một nhãn hiệu không trùng, tương tự gây nhầm để đăng ký thành công càng trở nên khó khăn. Vậy trước khi đăng ký nhãn hiệu, doanh nghiệp làm thế nào để xác định nhãn hiệu của mình có khả năng phân biệt hay không, có trùng, tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu nào đã đăng ký trước đó hay không? Tra cứu nhãn hiệu là một trong những bước quan trọng để tạo tiền đề cho việc đăng ký thành công nhãn hiệu.

nhãn hiệu

1. Tra cứu nhãn hiệu giúp đánh giá khả năng bảo hộ của nhãn hiệu trước khi đăng ký

Một trong những lý do quan trọng nhất của việc tra cứu nhãn hiệu là xem xét, đánh giá nhãn hiệu dự định đăng ký có trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu nào đã được đăng ký/bảo hộ cho nhóm hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự hay không. Dựa trên kết quả tra cứu, chủ đơn có thể đánh giá được khả năng bảo hộ của nhãn hiệu để có những điều chỉnh phù hợp nhằm đạt được khả năng bảo hộ cao nhất. Trong trường hợp tồn tại một hoặc một vài nhãn hiệu giống hoặc tương tự với nhãn hiệu dự định đăng ký trên Đăng bạ quốc gia Nhãn hiệu hàng hoá, chủ đơn sẽ phải có những điều chỉnh phù hợp để đảm bảo nhãn hiệu dự định đăng ký đạt được khả năng phân biệt so với nhãn hiệu đã đăng ký/ bảo hộ, từ đó nhãn hiệu dự định đăng ký có thể đạt được khả năng chấp thuận cao nhất.

Xem thêm: Q&A: Đăng kí nhãn hiệu tại Việt Nam (Phần 1)

2. Nhãn hiệu dự định đăng ký có xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tên thương mại, chỉ dẫn địa lý hoặc nhãn hiệu đã được bảo hộ không?

Bên cạnh việc đánh giá khả năng bảo hộ của nhãn hiệu dự định đăng ký, việc tra cứu nhãn hiệu cũng giúp chủ đơn nắm bắt, kiểm tra được thông tin về nhãn hiệu dự định đăng ký có xâm phạm đến quyền sở hữu trí tuệ của tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu đã được bảo hộ của chủ thể khác hay không. Tùy từng mức độ, tính chất của sự việc, chủ đơn có thể đưa ra những hành động hợp lí để bảo vệ quyền và lơi ích hợp pháp của mình tốt nhất. Bởi lẽ, việc truyền thông, phát triển một sản phẩm mang nhãn hiệu thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác hoàn toàn vô ích, có thể làm lợi cho đối thủ kinh doanh và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, bị khởi kiện hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

3. Tiết kiệm thời gian và chi phí

Theo quy định của pháp luật hiện hành, Đơn đăng ký nhãn hiệu sau khi nộp vào Cục SHTT sẽ được tiến hành thẩm định hình thức và nội dung. Việc thẩm định hình thức sẽ diễn ra trong thời gian từ một (01) tháng để đánh giá bộ hồ sơ đăng ký đã đáp ứng đủ các điều kiện về hình thức chưa. Sau khi kết thúc giai đoạn này, nếu bộ hồ sơ đăng ký không có thiếu sót gì, Cục SHTT sẽ ra Thông báo chấp nhận đơn hợp lệ. Đơn đăng ký nhãn hiệu sau đó sẽ được đăng trên Công báo Sở hữu công nghiệp quốc gia trong thời hạn hai (02) tháng kể từ ngày Cục SHTT ban hành Thông báo chấp nhận đơn hợp lệ. Không quá chín (09) tháng sau ngày đăng Công báo, đơn đăng ký nhãn hiệu sẽ được thẩm định nội dung để đánh giá khả năng đáp ứng các điều kiện bảo hộ của nhãn hiệu theo pháp luật Việt Nam. Như vậy trong trường hợp các thủ tục diễn ra thuận lợi, không có bất kỳ trở ngại nào, tổng thời gian dự kiến cho việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là từ mười (12) tháng kể từ ngày nộp đơn. Tuy nhiên, kinh nghiệm và thực tiễn tư vấn của chúng tôi, thời gian cần thiết để đơn đăng ký nhãn hiệu được thẩm định nội dung là từ mười sáu (16) tháng đến mười tám (18) tháng sau ngày đăng Công báo. Để thực hiện xây dựng, thiết kế một nhãn hiệu độc đáo, riêng biệt, doanh nghiệp phải đầu tư rất nhiều chi phí nhân lực và thời gian thiết kế. Việc tra cứu nhãn hiệu sẽ giúp chủ đơn xây dựng và định hình nhãn hiệu để đăng ký thành công, tránh nguy cơ nhãn hiệu bị từ chối bảo hộ sau một khoảng thời gian dài thẩm định. Từ đó doanh nghiệp có thể hạn chế chi phí, thời gian và tập trung phát triển cơ hội kinh doanh.

Tra cứu nhãn hiệu không phải là một thủ tục bắt buộc nhưng là một bước cần thiết để đảm bảo đăng ký bảo hộ thành công nhãn hiệu, đồng thời tiết kiệm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp cần cân nhắc tra cứu nhãn hiệu trước khi đăng ký để đảm bảo lợi ích kinh tế trong giai đoạn thời gian xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu rất dài như hiện nay.

Khuyến cáo: Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý nào. Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Sở hữu trí tuệ. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn

    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site.