Tài sản theo thỏa thuận giữa vợ và chồng theo quy định của pháp luật Việt Nam

Sự phát triển của khoa học, công nghệ cùng hiện tượng toàn cầu hóa không chỉ ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, thương mại, kinh tế mà còn tác động đến khía cạnh hôn nhân, gia đình của mỗi cá nhân tại các quốc gia khác nhau trên thế giới. Tự do đi lại giữa các quốc gia cùng với sự ra đời của các ứng dụng hẹn hò, trò chuyện xuyên biên giới làm gia tăng số lượng các cuộc hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này khi ngày càng nhiều công dân Việt Nam lấy chồng/ vợ ở nước khác và nhiều cá nhân tại các quốc gia đến Việt Nam để kết hôn. 

Tuy nhiên, không phải bất kỳ cuộc hôn có yếu tố nước ngoài nào cũng đều êm đềm và hạnh phúc. Nhiều trường hợp cá nhân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài thông qua mai mối nhằm mục đích định cư, dẫn đến hôn nhân tan vỡ và ly hôn. Khi thực hiện thủ tục ly hôn, một trong các vấn đề được các bên đặt biệt lưu tâm là việc phân chia tài sản, đặc biệt trong trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài thì vấn đề này lại càng nan giải khi hầu hết cá nhân nước ngoài trong quan hệ kết hôn với người Việt Nam đều có tài sản cả trong và ngoài Việt Nam. Do đó, việc nắm rõ các quy định pháp luật về chế định tài sản của vợ chồng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam là rất quan trọng.

Tương tự như Bỉ, Trung Quốc, Pháp và Hoa Kỳ, pháp luật về hôn nhân và gia đình của Việt Nam cũng quy định cả hai chế định tài sản vợ chồng, bao gồm: chế định tài sản theo luật định và chế định tài sản theo thỏa thuận và cho phép vợ và chồng có thể lựa chọn áp dụng một trong hai chế độ tài sản này. Bài viết này sẽ đi sâu phân tích các vấn đề liên quan đến chế độ tài sản theo thỏa thuận theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Chế độ tài sản theo thỏa thuận của vợ chồng là thỏa thuận bằng văn bản được vợ chồng xác lập trên nguyên tắc tự do, tự nguyện trước khi kết hôn để quy định về chế độ tài sản của vợ chồng. Nội dung của thỏa thuận sẽ do vợ chồng cùng thảo luận, bàn bạc và thống nhất với nhau về các vấn đề xoay quanh tài sản của họ trong thời kỳ hôn nhân, bao gồm căn cứ xác lập tài sản; quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng; và các trường hợp cũng như nguyên tắc phân chia tài sản giữa vợ và chồng. Thỏa thuận này sau khi được xác lập sẽ là căn cứ pháp lý để điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của vợ và chồng đối với tài sản của họ trong suốt thời kỳ hôn nhân. 

  • Thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng

Việc lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận của vợ và chồng chỉ phát sinh hiệu lực pháp luật khi đảm bảo các điều kiện về hình thức và nội dung. Cụ thể:

  • Điều kiện về hình thức

Thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng tồn tại dưới nhiều tên gọi khác nhau, bao gồm: hợp đồng tiền hôn nhân, hôn ước hay thỏa thuận trước hôn nhân. Dù tồn tại dưới tên gọi nào thì chế độ tài sản theo thỏa thuận chỉ có hiệu lực và được áp dụng khi thỏa thuận này được xác lập trước khi kết hôn dưới hình thức văn bản được công chứng hoặc chứng thực. Thời điểm chế độ tài sản theo thỏa thuận của vợ chồng được xác lập là kể từ ngày đăng ký kết hôn

Việc quy định điều kiện về hình thức để có hiệu lực của Luật Hôn Nhân và Gia Đình Việt Nam 2014 mang nét tương đồng với hệ thống pháp luật của Pháp. Cụ thể, tại Điều 1394 BLDS Pháp quy định “Tất cả hợp đồng hôn nhân sẽ được soạn thảo bằng văn bản công chứng lập bởi Công chứng viên với sự hiện diện và sự đồng ý của tất cả các bên của hợp đồng hoặc người được ủy quyền của họ”. Bên cạnh đó, pháp luật của Pháp cũng quy định, khi thực hiện ký kết hợp đồng hôn nhân các bên sẽ được Công chứng viên cấp một giấy chứng nhận với nội dung nêu rõ thông tin về họ tên, nơi cư trú của đôi nam nữ sắp kết hôn, ngày hợp đồng hôn nhân được ký kết và thông tin của Công chứng viên thực hiện việc chứng nhận hợp đồng. Giấy chứng nhận này sẽ được đôi nam nữ sắp kết hôn đưa cho viên chức hộ tịch trước khi kết hôn để viên chức hộ tịch ghi nhận thông tin về việc lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận vào giấy chứng nhận đăng ký kết hôn

Như vậy, theo quy định của Luật Hôn Nhân và Gia Đình 2014 cũng như quy định của BLDS Pháp thì việc thỏa thuận xác lập chế độ tài sản chỉ được thể hiện dưới hình thức văn bản và có chữ ký của vợ và chồng vẫn chưa đủ để thỏa mãn điều kiện có hiệu lực của thỏa thuận này mà còn cần phải được công chứng hoặc chứng thực. Sở dĩ, pháp luật Việt Nam và Pháp đòi hỏi thực hiện thủ tục công chứng, chứng thực để đảm bảo hiệu lực đối với loại thỏa thuận này là để tránh trường hợp thỏa thuận bị vô hiệu, không thể thực hiện được trên thực tế do chứa các nội dung vi phạm điều cấm của luật và để tránh xảy ra các tranh chấp liên quan đến chế độ tài sản của vợ chồng. 

  • Điều kiện về nội dung

Luật Hôn Nhân và Gia Đình 2014 quy định khá chi tiết về những nội dung cơ bản phải được nêu trong thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng, cụ thể:

  • Những tài sản nào được xác định là tài sản chung và tài sản riêng;
  • Quyền và nghĩa vụ của mỗi người đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình;
  • Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản;
  • Và những nội dung liên quan khác tùy theo thỏa thuận của vợ và chồng.

Theo đó, thỏa thuận về tài sản của vợ và chồng có những điểm đáng lưu ý về nội dung như sau:

Thứ nhất, xác định quyền sở hữu đối với tài sản. Vợ chồng cần xác định rõ tài sản nào là tài sản riêng của mỗi bên, tài sản nào là tài sản chung của vợ chồng để xác định quyền và nghĩa vụ của mỗi người đối với tài sản đó. Vợ và chồng có thể thỏa thuận phương pháp xác định tài sản theo một trong những phương án sau:

  • Tài sản giữa vợ và chồng bao gồm tài sản chung và tài sản riêng của vợ, chồng;
  • Giữa vợ và chồng không có tài sản riêng của vợ, chồng mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn hoặc trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc tài sản chung;
  • Giữa vợ và chồng không có tài sản chung mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn và trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc sở hữu riêng của người có được tài sản đó; hoặc
  • Xác định theo thỏa thuận khác của vợ chồng.

Trong trường hợp vợ và chồng thỏa thuận các tài sản chung và riêng theo phương liệt kê thì cần lưu ý rằng nếu trong thỏa thuận không có đề cập đến quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ; tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác hoặc khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng; thì những tài sản này sẽ được xác định là tài sản riêng của vợ/ chồng.

Thứ hai, nội dung của thỏa thuận vợ chồng về tài sản cần đáp ứng các nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng, cụ thể:

  • Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập;
  • Vợ, chồng có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;
  • Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng mà xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng, gia đình và của người khác thì phải bồi thường.

Thứ ba, đối với tài sản là nhà ở duy nhất của vợ và chồng thì việc xác lập, thực hiện, chấm dứt các giao dịch liên quan đến loại tài sản này cần phải có sự thỏa thuận của vợ và chồng. Trong trường hợp nhà ở duy nhất này là tài sản riêng của vợ hoặc chồng thì người có quyền sở hữu tài sản này có quyền thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản nhưng phải đảm bảo chỗ ở cho người còn lại

Thứ tư, ngoài những nội dung chủ yếu nêu trên, vợ chồng còn có thể thỏa thuận những nội dung khác (vấn đề cấp dưỡng cho cha, mẹ, con…) liên quan đến chế độ tài sản của vợ chồng phù hợp với nhu cầu và hoàn cảnh của mỗi bên.

Thứ năm, đối với những nội dung chưa được ghi nhận trong thỏa thuận về tài sản của vợ chồng hoặc có quy định nhưng chưa rõ ràng thì sẽ được giải quyết theo nguyên tắc chung và quy định tương ứng của chế độ tài sản theo luật định.

Cuối cùng, nội dung của chế độ tài sản theo thỏa thuận của vợ chồng có thể được sửa đổi, bổ sung một phần hay toàn bộ bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Bên cạnh đó, pháp luật Việt Nam vẫn cho phép vợ, chồng thay đổi chế độ tài sản và áp dụng chế độ tài sản theo luật định trong thời kỳ hôn nhân mặc dù trước đó đã áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận. Quy định này của Luật Hôn Nhân Gia Đình Việt Nam khá khác biệt so với quy định về chế độ tài sản trong BLDS và Thương Mại Thái Lan. Theo quy định của BLDS và Thương Mại Thái Lan thì việc thay đổi thỏa thuận tiền hôn nhân sau khi kết hôn chỉ được thực hiện bởi Tòa án có thẩm quyền. Như vậy, có thể thấy quy định về việc thay đổi chế độ tài sản của pháp luật Việt Nam có sự linh hoạt và tào điều kiện thuận lợi hơn cho các cặp vợ chồng. 

Nhìn chung thì thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng là thỏa thuận dân sự nên cũng áp dụng nguyên tắc tự do thỏa thuận của đôi bên và không được trái với quy định của pháp luật như: quyền được cấp dưỡng, quyền thừa kế, quyền và lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và các thành viên khác của gia đình,…Nếu thỏa thuận chế độ tài sản vi phạm những điều cấm của pháp luật sẽ bị Toà án tuyên vô hiệu. 

  • Hiệu lực đối kháng với người thứ 3

Việc thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng dẫn đến sự thay đổi về quyền định đoạt tài sản của vợ và chồng, do đó để đảm bảo tính hiệu lực của các giao dịch dân sự đối với người thứ ba, luật cũng quy định nghĩa vụ cung cấp thông tin liên quan đến thỏa thuận về tài sản trong trường hợp có giao dịch với người thứ ba

Đây là nghĩa vụ bắt buộc của vợ, chồng khi thực hiện các giao dịch dân sự liên quan đến tài chung, tài sản riêng của mỗi bên khi áp dụng thỏa thuận chế độ tài sản. Nếu vợ hoặc chồng vi phạm nghĩa vụ này thì người thứ ba trong giao dịch sẽ được xem là ngay tình và được giải quyết theo quy định tại Bộ Luật Dân Sự 2015. Nhìn chung, quy định của pháp của pháp luật Việt Nam ưu tiên bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp phát sinh tranh chấp liên quan đến tài sản của vợ chồng.

Mặc dù có những quy định cụ thể tại Luật Hôn Nhân và Gia Đình 2014, việc áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận giữa vợ và chồng, bất kể có yếu tố nước ngoài hay không, cũng còn nhiều hạn chế. Các văn phòng công chứng thường cũng khá e ngại đối với việc chứng thực một văn bản thỏa thuận chế độ tài sản giữa vợ/ chồng nếu có tài sản ở nước ngoài, hoặc nếu có yêu cầu chứng thực thì văn phòng công chứng thường cũng yêu cầu các bên sử dụng các mẫu thỏa thuận đã được soạn sẵn với các nội dung cũng không thay đổi gì với quy định của luật để tránh rủi ro bị tuyên vô hiệu. Do đó, trong các trường hợp các bên có thỏa thuận đặc biệt về tài sản khi kết hôn, các bên cần lưu ý kỹ những điều kiện về hình thức cũng như nội dung khi thiết lập thỏa thuận về chế độ tài sản giữa vợ và chồng, để tránh những rủi ro về vô hiệu thỏa thuận khi phát sinh tranh chấp.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn

    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site.