Q&A: Đăng kí nhãn hiệu tại Việt Nam (Phần 2)

1. Thời gian đăng ký nhãn hiệu ở Việt Nam là bao lâu?

Thời gian đăng ký bảo hộ nhãn hiệu theo quy định pháp luật diễn ra như sau:

  • Thẩm định hình thức: 01 tháng từ ngày nộp đơn. Kiểm tra việc tuân thủ các quy định về hình thức đối với đơn, từ đó đưa ra kết luận đơn có được coi là hợp lệ hay không.

  • Công bố đơn: trong thời hạn 02 tháng từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ. Sau khi có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ, đơn sẽ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp.

  • Thẩm định nội dung đơn: không quá 09 tháng kể từ ngày công bố đơn. Đánh giá khả năng được bảo hộ của đối tượng nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ, qua đó xác định phạm vi bảo hộ tương ứng.

2. Thời gian bảo hộ nhãn hiệu ở Việt Nam là bao lâu?

Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười năm.

3. Chủ sở hữu nhãn hiệu có các quyền gì?

Theo tinh thần của khoản 1 Điều 123 Luật SHTT sửa đổi bổ sung 2009, chủ sở hữu nhãn hiệu có các quyền sau:

  • Sử dụng, cho phép người khác sử dụng nhãn hiệu theo các quy định của pháp luật SHTT; Cụ thể:

Sử dụng nhãn hiệu là việc thực hiện các hành vi sau đây:

a) Gắn nhãn hiệu được bảo hộ lên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh;

b) Lưu thông, chào bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán hàng hóa mang nhãn hiệu được bảo hộ;

c) Nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ.

  • Ngăn cấm người khác sử dụng nhãn hiệu;
  • Định đoạt nhãn hiệu.

4. Thế nào bị xem là vi phạm quyền đối với nhãn hiệu của người khác?

Các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu:

a) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;

b) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ;

c) Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ;

d) Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hóa, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hóa, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.

5. Chủ sở hữu nhãn hiệu có thể làm gì nếu nhãn hiệu của mình bị xâm phạm?

Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền áp dụng các biện pháp sau đây để tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình:

a) Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;

b) Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;

c) Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

d) Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

6. Nhãn hiệu sau khi đăng ký có thể bị chấm dứt hiệu lực hoặc hủy bỏ hay không?

Có. Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu bị chấm dứt hiệu lực trong các trường hợp sau:

  • Chủ của văn bằng bảo hộ không nộp lệ phí để duy trì hiệu lực hoặc gia hạn hiệu lực theo quy định. Ở đây, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu phải nộp phí gia hạn hiệu lực sau khi kết thúc thời hạn bảo hộ;
  • Chủ văn bằng bảo hộ tuyên bố từ bỏ quyền sở hữu công nghiệp;
  • Chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu không còn hoạt động kinh doanh mà không có người kế thừa hợp pháp;
  • Nhãn hiệu không được chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu cho phép sử dụng trong thời hạn năm năm liên tục trước ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực mà không có lý do chính đáng, trừ trường hợp việc sử dụng được bắt đầu hoặc bắt đầu lại trước ít nhất ba tháng tính đến ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực;
  • Chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với nhãn hiệu tập thể không kiểm soát hoặc việc kiểm soát không có hiệu quả đối với việc thực hiện quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể đó;
  • Chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với nhãn hiệu chứng nhận vi phạm quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận hoặc không kiểm soát, kiểm soát không có hiệu quả việc thực hiện quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.

Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu bị hủy bỏ toàn bộ hiệu lực trong các trường hợp sau đây:

a) Người nộp đơn đăng ký không có quyền đăng ký và không được chuyển nhượng quyền đăng ký đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu;

b) Đối tượng sở hữu công nghiệp không đáp ứng các điều kiện bảo hộ tại thời điểm cấp văn bằng bảo hộ.

Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu bị hủy bỏ một phần hiệu lực trong trường hợp phần đó không đáp ứng điều kiện bảo hộ.

>> Q&A: Đăng kí nhãn hiệu tại Việt Nam (phần 1).

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site.