Ngày 01 tháng 11 năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95/2021/NĐ-CP (sau đây gọi là “Nghị định 95”) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng, dầu. Theo đó, một số điểm mới đáng chú ý của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP có thể kể đến như sau:
a. Bổ sung đối tượng có quyền quyết định giá bán buôn xăng dầu
Nghị định 95/2021/NĐ-CP đã bổ sung thêm đối tượng có quyền quyết định giá bán buôn xăng dầu đó chính là thương nhân phân phối xăng dầu. Tuy nhiên, khi điều chỉnh tăng hoặc giảm giá bán xăng dầu, các chủ thể này vẫn phải tuân theo nguyên tắc chung về quản lý giá bán xăng dầu đó là giá bán được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước.
Căn cứ vào tình hình thực tế tại doanh nghiệp, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu quyết định giá bán lẻ xăng dầu (riêng dầu madút là giá bán buôn) trong hệ thống phân phối của mình phù hợp với chi phí phát sinh thực tế tại doanh nghiệp và không cao hơn giá điều hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố.
Đối với các địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, xa cơ sở sản xuất xăng dầu, nếu có chi phí thực tế phát sinh hợp lý, hợp lệ (đã được kiểm toán) tăng cao dẫn đến giá bán cao hơn giá điều hành, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu được quyết định giá bán thực tế tại địa bàn đó (đã được thông báo với Bộ Công Thương) để bù đắp chi phí phát sinh nhưng không vượt quá 2% giá điều hành công bố cùng thời điểm. Các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu có trách nhiệm thông báo giá bán với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính ngay sau khi quyết định giá bán xăng dầu của doanh nghiệp.
Riêng trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế – xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thời gian điều hành giá xăng dầu cho phù hợp.
b. Ngừng bán hàng vì lý do bất khả kháng
Trước đây, theo quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP thương nhân kinh doanh xăng dầu đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu chỉ ngừng bán hàng sau khi được Sở Công Thương chấp thuận bằng văn bản. Điều này có nghĩa là thương nhân kinh doanh xăng dầu đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu ngừng bán hàng cần phải được Sở Công Thương chấp nhận trong mọi trường hợp.
Tuy nhiên, Nghị định 95/2021/NĐ-CP đã bổ sung thêm trường hợp cho phép thương nhân kinh doanh xăng dầu đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu được ngừng bán hàng mà không cần phải được Sở Công Thương chấp nhận trong trường hợp lý do bất khả kháng.
c. Kỳ điều hành giá xăng, dầu
Theo Nghị định 95/2021/NĐ-CP, thời gian điều hành giá xăng dầu được quy định vào các ngày mùng 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng. Đối với các kỳ điều hành trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ theo quy định của nhà nước, thời gian điều hành được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ. Đối với kỳ điều hành trùng vào dịp Tết Nguyên đán, thời gian điều hành được lùi sang kỳ điều hành tiếp theo.
Nghị định 95/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 02 tháng 01 năm 2022.