Những khó khăn khi ly hôn có yếu tố nước ngoài

Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng trên cơ sở pháp luật bằng bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của toà án. Qua đó, việc ly hôn giúp cho cặp vợ chồng thoát khỏi sự ràng buộc về mặt pháp lý và mỗi người trở về trạng thái như một công dân “độc thân”. Tại Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền duy nhất giải quyết việc ly hôn nói chung là Toà án nhân dân các cấp, và giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài nói riêng thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân cấp tỉnh. Trừ trường hợp Toà án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết ly hôn giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới. 

Theo pháp luật Việt Nam, có thể hiểu ly hôn có yếu tố nước ngoài là trường hợp ly hôn (i) giữa một bên là công dân Việt Nam và một bên là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; (ii) giữa các bên là người nước ngoài nhưng thường trú tại Việt Nam; (iii) giữa người Việt Nam với nhau nhưng không thường trú ở Việt Nam tại thời điểm yêu cầu ly hôn và pháp luật điều chỉnh quan hệ này là pháp luật nước ngoài; (iv) việc ly hôn có liên quan đến tài sản ở nước ngoài. Về nguyên tắc, quyền yêu cầu ly hôn là quyền nhân thân, gắn liền với mỗi chủ thể nên vợ chồng chỉ có thể tự mình thực hiện mà không thể chuyển giao hay uỷ quyền cho người khác. 

Tại bài viết này, Apolat Legal sẽ làm rõ các vấn đề pháp lý liên quan đến việc đơn phương ly hôn giữa một bên là công dân Việt Nam và một bên là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. 

Thông thường, trong vụ án ly hôn, toà án theo lãnh thổ có thẩm quyền thụ lý giải quyết vụ án là Toà án nơi bị đơn cư trú. Tuy nhiên, trường hợp đơn phương ly hôn có bị đơn là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì nguyên đơn (người khởi kiện yêu cầu giải quyết ly hôn) có quyền lựa chọn Toà án nơi mình cư trú, làm việc để giải quyết. Trong trường hợp này, trên thực tế nhiều người cho rằng nơi nguyên đơn cư trú đơn thuần là nơi thường trú. Tuy nhiên, theo Luật Cư trú thì nơi cư trú bao gồm nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. Do đó, nguyên đơn có thể lựa chọn Toà án nơi có điều kiện thuận lợi hơn để giải quyết ly hôn. Xin đề cập thêm rằng, việc tạm trú hợp pháp được Toà án công nhận phải đáp ứng các thủ tục pháp luật quy định, có sổ tạm trú hoặc có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền tại địa phương. 

Trong nhiều trường hợp, dù đã xác định đúng thẩm quyền của Toà án nhưng Toà án vẫn không thể thụ lý giải quyết vụ án ly hôn do ngoài địa chỉ của Bị đơn theo Giấy chứng nhận kết hôn thì người khởi kiện không thể cung cấp thêm bất kỳ thông tin nào khác cho Toà án. Với một số Toà án khó khăn hơn thì việc không tiếp nhận hồ sơ khởi kiện hoặc nhận hồ sơ nhưng ra thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện hay cung cấp thêm các tài liệu, chứng cứ là thường xuyên gặp phải. Điều này sẽ làm cho quá trình ly hôn bị kéo dài và khó khăn ngay từ những giai đoạn đầu tiên. Do đó, người có nhu cầu ly hôn tại Việt Nam phải yêu cầu Bị đơn  hỗ trợ cung cấp địa chỉ thường trú hoặc địa chỉ liên lạc hiện tại có thể liên lạc được và các tài liệu chứng minh địa chỉ đó như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ hộ khẩu, giấy phép kinh doanh do Bị đơn là chủ sở hữu, … Tuy nhiên, do mâu thuẫn trong cuộc sống hôn nhân nên không phải khi nào Bị đơn cũng hỗ trợ cung cấp địa chỉ hoặc có điều kiện gửi các tài liệu chứng minh địa chỉ cư trú về Việt Nam cho người khởi kiện. Khi đó, người khởi kiện có thể làm đơn với nội dung cam kết tính chính xác về địa chỉ của bị đơn và đề cập lý do không thu thập được các tài liệu này để gửi cho Toà án và nộp kèm với hồ sơ khởi kiện ban đầu để việc tiếp nhận và thụ lý vụ án tại Toà án được thuận lợi hơn. 

Khi vụ án được thụ lý, để thúc đẩy quá trình giải quyết vụ án, Nguyên đơn phải yêu cầu Bị đơn phối hợp thực hiện các công việc cần thiết theo luật định tại Toà án như cung cấp các bản tự khai thể hiện ý chí, ý kiến của mình về việc ly hôn, liên quan đến tài sản, quyền nuôi con, nợ chung, các chứng nhận địa chỉ cư trú và một số tài liệu khác nếu được Toà án yêu cầu. Nếu Nguyên đơn thuyết phục Bị đơn hỗ trợ cung cấp các tài liệu trên không thành công, Toà án sẽ phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nơi Bị đơn cư trú để hỗ trợ thực hiện các công việc như ghi lời khai, tống đạt giấy tờ, thu thập chứng cứ, xác minh địa chỉ. Việc uỷ thác tư pháp là quan trọng và có tính chất quyết định đến kết quả giải quyết của vụ án ly hôn. Tuy nhiên, hiện nay việc uỷ thác tư pháp còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo quy định pháp luật, Nguyên đơn là người có trách nhiệm đối với các chi phí phát sinh từ việc uỷ thác tư pháp ra nước ngoài và phải nộp tiền tạm ứng chi phí cho Toà án trước khi Toà án tiến hành thủ tục này. Ngoài ra, việc uỷ thác tư pháp sẽ gặp một số trở ngại đối với các nước tuyên bố phản đối nước khác tống đạt văn bản, ví dụ Hung-ga-ri tuyên bố phản đối nước khác tống đạt văn bản theo quy định của Điều 10 (a) của Công ước tống đạt giấy tờ. Bên cạnh đó, kể cả khi việc hỗ trợ tư pháp thành công và được các cơ quan tại nước ngoài tương trợ thì việc giải quyết vụ án cũng sẽ bị kéo dài thời gian do nhiều thủ tục hành chính, trở ngại về địa lý và dẫn đến việc tốn kém về mặt chi phí. Hơn nữa, việc vụ án kéo dài được xem là vi phạm thủ tục tố tụng và có thể bị kháng cáo, kháng nghị bởi các đương sự hoặc cơ quan có thẩm quyền. Từ những khó khăn trên, Nguyên đơn nên chủ động liên hệ, làm việc và thúc đẩy Bị đơn hỗ trợ để việc ly hôn được giải quyết nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí của các bên. 

Xin lưu ý thêm rằng, mọi tài liệu được gửi về Việt Nam từ nước ngoài phải được hợp pháp hoá lãnh sự tại cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam đặt tại nước sở tại nơi bị đơn cư trú. Khi về đến Việt Nam, các tài liệu này phải được dịch thuật kèm theo hồ sơ được hợp pháp hoá lãnh sự nêu trên và nộp cho Toà án.  Khi đó, hồ sơ từ nước ngoài gửi về mới được xem là hợp pháp, hợp lệ và được Toà án công nhận.

Một số vấn đề về ly hôn có yếu tố nước ngoài, đặc biệt là ly hôn giữa một bên là công dân Việt Nam và một bên là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoà được đề cập tại đây góp phần cung cấp thông tin, đề cập đến một số lưu ý và đưa ra giải pháp về vấn đề này cho bạn đọc. Nếu cần hỗ trỗ từ Apolat Legal, đừng ngần ngại cho chúng tôi được biết.  

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn

    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site.