Giải Quyết Tranh Chấp Bằng Trọng Tài (P1)

Trọng tài thương mại, với tư cách là một cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài tòa án, từ lâu đã trở thành một cơ chế giải quyết tranh chấp được ưa chuộng và được sử dụng phổ biến trên thế giới, đặc biệt là đối với các hoạt động thương mại quốc tế.

Mặc dù du nhập vào Việt Nam từ khá sớm (khoảng cuối thế kỷ XIX), chế định trọng tài mới chỉ thật sự được quan tâm đúng mực và ghi nhận với tư cách là một cơ quan tài phán từ sau Pháp lệnh trọng tài thương mại 2003. Tuy còn nhiều hạn chế về nội dung nhưng pháp lệnh trọng tài 2003 mang ý nghĩa quan trọng về mặt điều chỉnh pháp luật, là nền tảng pháp lý cho trọng tài Việt Nam tiếp cận, hoà nhập với xu hướng chung của nền tài phán trọng tài quốc tế. Đến Luật trọng tài thương mại 2010, các hạn chế về thẩm quyền trọng tài, thỏa thuận trọng tài vô hiệu… đã được khắc phục, giúp phương án giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại trở nên rõ ràng về mặt pháp lý, dễ áp dụng và cũng dần được áp dụng phổ biến hơn tại Việt Nam.

Tuy cùng là biện pháp tài phán để giải quyết tranh chấp, việc giải quyết tranh chấp tại Tòa Án và Trọng tài có nhiều điểm khác biệt, bài viết này sẽ đưa ra một số điểm cần lưu ý khi giải quyết tranh chấp bằng trọng tài để bạn đọc cùng xem xét:

1. Xem xét điều kiện có hiệu lực của Thỏa thuận trọng tài

  • Tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực Trọng tài có thẩm quyền giải quyết

Không phải tranh chấp nào cũng có thể được giải quyết bằng trọng tài. Trọng tài chỉ có thẩm quyền các tranh chấp quy định tại Điều 2 Luật TTTM, gồm:

  1. Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.
  2. Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.
  3. Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.
  • Có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài

Khác với thẩm quyền của Tòa án được quy định bởi luật và phát sinh một cách tự động, thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Trọng tài chỉ phát sinh nếu các bên có thoả thuận. Thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.

  • Không thuộc trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu 

Về hình thức: Theo quy định tại Điều 16 Luật Trọng tài thương mại 2010, thỏa thuận trọng tài có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng. Thoả thuận trọng tài phải được xác lập dưới dạng văn bản. 

Các hình thức thỏa thuận sau đây cũng được coi là xác lập dưới dạng văn bản:

  • Thoả thuận được xác lập qua trao đổi giữa các bên bằng telegram, fax, telex, thư điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật;
  • Thỏa thuận được xác lập thông qua trao đổi thông tin bằng văn bản giữa các bên;
  • Thỏa thuận được luật sư, công chứng viên hoặc tổ chức có thẩm quyền ghi chép lại bằng văn bản theo yêu cầu của các bên;
  • Trong giao dịch các bên có dẫn chiếu đến một văn bản có thể hiện thỏa thuận trọng tài như hợp đồng, chứng từ, điều lệ công ty và những tài liệu tương tự khác;
  • Qua trao đổi về đơn kiện và bản tự bảo vệ mà trong đó thể hiện sự tồn tại của thoả thuận do một bên đưa ra và bên kia không phủ nhận. 

Về các vấn đề khác: Nhìn chung, từ khi soạn thảo một điều khoản giải quyết tranh chấp bằng trọng tài hay bắt đầu giải quyết tranh chấp tại trọng tài, vấn đề hiệu lực của thỏa thuận trọng tài nên được đặt ra xem xét đầu tiên. Các bên nên tham khảo các trường hợp thỏa thuận trọng tài bị vô hiệu quy định tại Điều 18 Luật Trọng tài thương mại và được hướng dẫn bởi Điều 3 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP để thực hiện cho phù hợp.

2. Thực hiện thỏa thuận lại trong trường hợp thỏa thuận trọng tài không rõ ràng

Dù quy định về trọng tài đã được đổi mới và thuận lợi hơn rất nhiều từ sau Luật trọng tài thương mại 2010, nhưng thực tế, việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài mới chỉ thực sự phát triển trong khoảng 2-3 năm ở lại đây. Rất nhiều những tranh chấp được giải quyết tại trọng tài xuất phát từ những hợp đồng đã được soạn thảo và ký kết từ nhiều năm trước, do đó không tránh khỏi việc có những thiếu sót trong thỏa thuận trọng tài như không chỉ rõ hình thức trọng tài (quy chế hay vụ việc) hoặc không thể xác định được tổ chức trọng tài cụ thể.

Khi thuộc vào các trường hợp thỏa thuận trọng tài không chỉ rõ hình thức trọng tài hoặc không thể xác định được tổ chức trọng tài cụ thể như nêu trên, các bên cần lưu ý quy định tại khoản 5 Điều 43 Luật TTTM về việc phải thỏa thuận lại về hình thức trọng tài hoặc tổ chức trọng tài cụ thể để giải quyết tranh chấp. Nếu không thỏa thuận được thì việc lựa chọn hình thức, tổ chức trọng tài để giải quyết tranh chấp được thực hiện theo yêu cầu của nguyên đơn.

Mặc dù việc áp dụng quy định về thỏa thuận lại nêu trên trên thực tế có là một điều kiện bắt buộc để nguyên đơn có quyền lựa chọn tổ chức trọng tài hay không vẫn còn đang tranh cãi. Nhưng các bên với tư cách là bên đi kiện cũng nên lưu ý vấn đề thỏa thuận lại để đảm bảo hơn quyền lựa chọn trong tài của mình.

Xem thêm: Giải Quyết Tranh Chấp Bằng Trọng Tài (P2).

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn

    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site.