ESOP – Trào lưu có đang bị lợi dụng và rủi ro tranh chấp cổ đông tiềm ẩn?

Xuất hiện lần đầu tại San Francisco vào năm 1956 như một công cụ được tạo ra để chuyển quyền sở hữu của hai nhà sáng lập Công ty Peninsula Newspaper Inc (lúc đó đều đang ở độ tuổi 80) cho những người kế nhiệm mà họ đã lựa chọn – là những nhà quản lý và người lao động đã có nhiều cống hiến cho công ty,[1] ESOP (employee stock ownership plan – tạm dịch là “kế hoạch phát hành cổ phần thuộc sở hữu của người lao động” hay “kế hoạch phát hành cổ phần thưởng cho người lao động”) đã dần trở thành một công cụ hữu hiệu được sử dụng trong hoạt động kinh doanh để khuyến khích người lao động gắn bó hơn, cũng như “cống hiến” nhiều hơn cho công ty mà họ làm việc khi thay đổi tâm thế làm việc từ “làm thuê cho người khác” sang “làm cho chính mình”.

Riêng ở Việt Nam, xét về mặt pháp lý, việc dùng cổ phiếu để thưởng hoặc bán lại cho người lao động (kể cả ban quản lý doanh nghiệp) với giá ưu đãi (ESOP) đã được quy định trong các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Doanh Nghiệp năm 1999, cụ thể là Thông tư 19/2003/TT-BTC thông qua việc mua lại cổ phần phổ thông đã phát hành (không quá 30%) để làm cổ phiếu quỹ của công ty cổ phần.[2] Tiếp theo đó, các lần sửa đổi, bổ sung luật doanh nghiệp, luật chứng khoán được ban hành sau đó cũng đã có những quy định chặt chẽ hơn đối với việc áp dụng cổ phiếu quỹ để thưởng cho người lao động, cụ thể như: hạn chế về chủ thể được quyền thực hiện (công ty đại chúng), về trình tự thực hiện, về nguồn vốn…  Tuy nhiên, chỉ từ giai đoạn sau năm 2014 – 2015, đặc biệt là sau khi hàng loạt các doanh nghiệp niêm yết (như SSI, PAN, HBC, MGW,…) dần tiếp cận và bắt đầu thực hiện việc phát hành ESOP, việc áp dụng chế định ESOP mới thật sự được các doanh nghiệp Việt quan tâm. Với các lợi ích về tài chính cả đối với doanh nghiệp và người lao động, và tính khích lệ đối với người lao động, ESOP ngày nay đã không còn là khái niệm xa lạ trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, thậm chí, đối với nhiều doanh nghiệp niêm yết, việc phát hành ESOP đã dần trở thành một kế hoạch, hoạt động thường niên.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, đi cùng với những lợi ích tích cực dẫn đến việc được áp dụng ngày càng phổ biến, những vấn đề tiêu cực liên quan đến việc phát hành ESOP phát sinh trong những năm gần đây cũng không phải là hiếm. Xuất phát từ tình hình thực tiễn, đặc biệt là trong giai đoạn từ 2018 đến nay, các tranh chấp về lợi ích của các cổ đông trong công ty nói chung và có liên quan đến ESOP nói riêng cũng phát sinh ngày một nhiều, cả từ phía các cổ đông góp vốn và từ những người lao động được thưởng ESOP với công ty, cả về mặt pháp lý lẫn truyền thông, liệu rằng ESOP đang có xu hướng bị sử dụng như một công cụ để trục lợi bởi một bộ phận cổ đông kiêm nhà quản lý của công ty? Nguyên nhân là do đâu?

Theo quan điểm của tác giả, việc lợi dụng ESOP để trục lợi là điều hoàn toàn có thể, thậm chí ESOP, nếu không được sử dụng một cách hợp lý và khách quan, hoàn toàn sẽ trở thành nguyên nhân tranh chấp giữa các cổ đông trong công ty, xuất phát từ những lý do sau:

1| Ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của cổ đông, đặc biệt các cổ đông thiểu số

Mặc dù pháp luật hiện hành quy định rất nhiều điều kiện mà một công ty đại chúng phải đáp ứng để ban hành ESOP. Nhưng trên thực tế, việc một bộ phận cổ đông kiêm nhà quản lý công ty lơi dụng ESOP để trục lợi không phải là một vấn đề quá khó khăn. Theo quy định của luật doanh nghiệp hiện hành, nếu điều lệ công ty không có quy định khác, các nghị quyết liên quan đến việc phát hành ESOP hoàn toàn có thể được thông qua với tỷ lệ ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành.[3]

Với mức tỷ lệ này, các cổ đông thiểu số sẽ khó mà phản đối, dù rằng với việc phát hành thêm cổ phần ESOP, họ sẽ là những người bị ảnh hưởng đầu tiên bởi việc pha loãng tỷ lệ sở hữu cổ phần trong công ty, đồng nghĩa với việc giảm quyền biểu quyết, quyền ưu tiên mua cổ phần… theo quy định của pháp luật doanh nghiệp. Để làm rõ hơn cho những bạn đọc chưa tiếp xúc nhiều với loại hình công ty cổ phần, pha loãng tỷ lệ sở hữu cổ phần ở đây tức là việc cổ đông bị giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần trong công ty khi công ty phát hành cổ phần mới mặc dù số lượng cổ phần mà họ nắm giữ vẫn không đổi, từ đó giảm sức nặng trong quyền biểu quyết các vấn đề của công ty và ảnh hưởng đến các quyền lợi khác của cổ đông có liên quan đến tỷ lệ sở hữu cổ phần (ưu tiên mua cổ phần phát hành mới, đề cử người vào Hội đồng quản trị, ban kiểm soát, yêu cầu triệu tập họp đại hội đồng cổ đông…).Một ví dụ đơn giản để làm rõ việc pha loãng cổ phần do phát hành ESOP như sau: Công ty cổ phần ABC mới được thành lập với vốn điều lệ là 100.000.000 đồng, tương ứng với 10.000 cổ phần phổ thông. Ông X là cổ đông sáng lập nắm giữ 1.000 cổ phần, chiếm 10% cổ phần của Công ty, tương ứng phần vốn góp 10.000.000 đồng. Sau 5 năm hoạt động, Công ty ABC quyết định phát hành thêm 2.000 cổ phần ESOP cho người lao động và tăng vốn điều lệ của công ty lên 120.000.000 đồng. Vì ông X không phải là người lao động của công ty nên không được nhận ESOP, nên sau khi công ty ABC phát hành ESOP xong, mặc dù ông X vẫn sở hữu 1.000 cổ phần trong công ty ABC, nhưng tỷ lệ sở hữu cổ phần của ông X sẽ bị giảm từ 10% ban đầu xuống còn 8.33%, và càng nhiều đợt ESOP, tỷ lệ sở hữu cổ phần của ông X sẽ ngày càng thấp.

Bên cạnh việc bị giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, việc tăng thêm số cổ phần lưu hành trên thị trường với mức giá phát hành thấp hơn giá bán trên thị trường, nếu không có những hạn chế phù hợp sẽ gây ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Năm 2019 vừa qua có thể xem là một thời kỳ phản kháng mạnh mẽ của thị trường khi hàng loạt các công ty niêm yết như PAN (công ty cổ phần tập đoàn PAN), Novaland,… công bố việc thực hiện chào bán cổ phần ESOP theo chương trình lựa chọn cho người lao động rồi lại phải tạm ngừng, hủy bỏ vì giá cổ phiếu sụt giảm quá nhiều.[4]

2| Dễ bị các nhà quản lý công ty lợi dụng để trục lợi.

Theo quy định của pháp luật doanh nghiệp hiện hành, bản chất của ESOP là người lao động đáp ứng đủ điều kiện sẽ được quyền mua một lượng cổ phiếu nhất định do công ty đại chúng phát hành thêm với giá bán thấp hơn giá thị trường tại thời điểm phát hành hoặc người lao động được tặng cho một lượng cổ phiếu nhất định, và phần chênh lệch giữa số tiền thực thu được từ người lao động và giá trị cổ phần chào bán sẽ được các công ty đại chúng bù đắp từ các khoản thu hợp lệ của công ty đã được kiểm toán.[5] Đối tượng được hưởng ESOP sẽ được lựa chọn tùy thuộc vào quy định nội bộ công ty, có thể là người lao động, trong đó, tất nhiên có cả những chức danh quản lý.

Về bản chất, khoản tiền được sử dụng để bù đắp phần chênh lệch giữa việc tăng vốn điều lệ khi phát hành cổ phần ESOP sẽ do công ty chi trả bằng lợi nhuận kinh doanh – do vậy, thực chất ở đây là các cổ đông công ty gián tiếp chi trả bằng các khoản lợi nhuận đáng lẽ mình được hưởng.

Tuy nhiên, thẩm quyền để đưa ra tiêu chuẩn và danh sách người lao động được lựa chọn để phát hành ESOP lại thuộc về Hội đồng quản trị. Trong khi đó, trừ trường hợp điều lệ công ty có quy định khác, với việc lựa chọn thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát thông qua phương thức bầu dồn phiếu theo quy định của luật doanh nghiệp hiện hành, hầu hết các chức danh trong Hội đồng quản trị trên thực tế cũng đồng thời do các cổ đông lớn nắm giữ. Do đó, các cổ đông lớn muốn tăng tỷ lệ sở hữu trong công ty thì việc “sắp xếp” những người lao động nắm giữ vai trò quản lý được chỉ định hưởng ESOP cũng không phải là điều khó khăn. Để ý trong những lần phát hành ESOP của các doanh nghiệp niêm yết, ta hoàn toàn có thể thấy được, không ít trường hợp, phần lớn cổ phần ESOP được chào bán sẽ do các cá nhân nắm vai trò quản lý công ty (đồng thời là cổ đông công ty) đăng ký mua hoặc được thưởng.[6] Trong khi đó, ở chiều ngược lại, cổ đông bị ảnh hưởng rất khó mà chứng minh được việc Hội đồng quản trị không minh bạch trong việc lựa chọn người lao động để áp dụng cơ chế thưởng ESOP.

3| Tranh chấp thỏa thuận cổ đông.

Theo kinh nghiệm của tác giả, khi thực hiện đầu tư, các nhà đầu tư chuyên nghiệp thường yêu cầu các cổ đông công ty ký thêm văn bản thỏa thuận cổ đông, trong đó, các điều khoản “right of first refusal” (quyền ưu tiên mua) hay “anti-diluted right” (quyền chống pha loãng tỷ lệ sở hữu cổ phần) – thường là những điều khoản rất thường xuyên được đưa vào thỏa thuận này. Nhưng thông thường, ESOP lại là một trường hợp được miễn trừ bởi các điều khoản này và nhà đầu tư thường không mấy chú tâm.

Hệ quả ở đây là ESOP hoàn toàn có thể trở thành công cụ để gây ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư. Trên thực tế, đã từng có trường hợp một cổ đông ban đầu nắm giữ đến gần 20% cổ phần của một công ty kinh doanh trò chơi điện tử liên hệ đến tác giả để được tư vấn vì các cổ đông lớn của công ty đang tìm cách đẩy họ ra ngoài trong khi công ty đang làm ăn ngày càng phát triển và được một số nhà đầu tư lớn để mắt đến. Nội dung thỏa thuận cổ đông ban đầu tuy rằng có điều khoản chống pha loãng (anti-diluted clause), nhưng lại có một điểm loại trừ duy nhất là điều khoản chống pha loãng này không được áp dụng đối với ESOP. Chính vì điểm này mà các cổ đông còn lại của công ty đã sử dụng ESOP để pha loãng tỷ lệ nắm giữ cổ phần của cổ đông này bị giảm xuống đáng kể sau từng đợt áp dụng ESOP của công ty, dẫn đến việc bất lực phải cân nhắc rút vốn đầu tư của mình. Như đã đề cập tại mục 1, việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần sẽ ảnh hưởng đáng kể đến quyền lợi của cổ đông như: giảm tỷ lệ cổ phần phát hành mới mà cổ đông được quyền ưu tiên mua, giảm sức nặng của phiếu biểu quyết nghị quyết đại hội đồng cổ đông, khi tỷ lệ sở hữu cổ giảm xuống dưới 10% cổ đông có thể mất quyền triệu tập họp đại hội đồng cổ đông, kiểm tra ghi chép, sổ sách giao dịch của công ty…[7]

Tỷ lệ sở hữu cổ phần bị pha loãng, đi kèm với nguy cơ giá cổ phiếu sụt giảm, cùng cơ chế lựa chọn người lao động được hưởng ESOP không minh bạch là những nguyên nhân hàng đầu khiến không ít cổ đông của các công ty niêm yết không mấy vui vẻ khi thực hiện ESOP. Thậm chí, qua thời gian, các tranh chấp phát sinh liên quan đến ESOP ngày càng phổ biến và phức tạp hơn, đồng thời cũng mở rộng cả về đối tượng bị thiệt hại (người lao động, công ty, cổ đông/nhà đầu tư) và tính chất của vụ việc. Điều này cũng một phần nào minh chứng được việc trào lưu này đã bị lợi dụng để trở thành một công cụ thu lợi kém minh bạch như thế nào.

Với các lợi ích cả về tài chính đối với doanh nghiệp và tính khuyến khích đối với người lao động, ESOP là một công cụ hỗ trợ đắc lực để phục vụ cho hoat động kinh doanh. Nhưng suy cho cùng, ESOP cũng chỉ là một công cụ của nhà quản trị kinh doanh, còn tác động của nó đến doanh nghiệp ra sao lại phụ thuộc vào cách ESOP được sử dụng, người có tâm, có tầm sẽ vận dụng và nhìn vào lợi ích khích lệ mà ESOP mang lại để đạt được hiệu quả tốt nhất cho công ty, cổ đông và người lao động, trong khi kẻ có dã tâm thì lại chỉ khư khư lợi dụng và tìm cách dùng nó để áp đặt và đưa tiền vào túi mình.

[1] Tham khảo: The Origin and History of the ESOP and Its Future Role as a Business Succession Tool – https://www.menke.com/esop-archives/the-origin-and-history-of-the-esop-and-its-future-role-as-a-business-succession-tool/#:~:text=The%20First%20ESOP%20(1956),successors%2C%20the%20managers%20and%20employees.

[2] Điểm 1 Phần III Thông tư 19/2003/TT-BTC về Cổ phiếu quỹ

[3] Khoản 1 Điều 144 Luật Doanh Nghiệp 2014.

[4] Tham khảo tại https://enternews.vn/esop-co-phai-la-toi-do-khien-thi-gia-co-phieu-giam-manh-162009.html

[5] Điều 35 Thông tư 162/2015/TT-BTC của Bộ Tài Chính

[6] Tham khảo thêm tại https://s.cafef.vn/vpb-329974/vpbank-phat-hanh-31-trieu-co-phieu-esop-voi-gia-10000-dongcp-mot-nua-danh-cho-ceo-nguyen-duc-vinh.chn

[7] Khoản 8 Điều 50 Luật Doanh Nghiệp.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site.