Đầu tư nợ xấu tại Việt Nam-Nhà đầu tư nước ngoài cần lưu ý những gì?

Bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, “nợ xấu” đã trở thành vấn đề chung cho hệ thống tín dụng toàn cầu nói riêng và nền kinh tế nói chung. Không có một định nghĩa thống nhất về “nợ xấu”, mỗi quốc gia có một định nghĩa riêng về nợ xấu và thực tế đã chứng minh rằng, định nghĩa về nợ xấu có thể phù hợp với tình hình của quốc gia này, nhưng lại không phù hợp với quốc gia khác. Tuy nhiên, theo quan điểm của Tổ chức tiền tệ thế giới (IMF) thì “một khoản vay nợ được xem là nợ xấu khi việc thanh toán lãi và/hoặc tiền gốc đã quá hạn từ 90 ngày trở lên, hoặc việc thanh toán lãi từ 90 ngày trở lên đã được vốn hóa, được tái cấp vốn, hoặc được trì hoãn theo thỏa thuận, hoặc các khoản thanh toán dưới 90 ngày quá hạn, nhưng có cơ sở để cho rằng khoản nợ sẽ không được hoàn trả đầy đủ – ví dụ như con nợ nộp hồ sơ phá sản”.[1]

Tại Việt Nam, theo quy định của Ngân Hàng Nhà Nước, “nợ” bao gồm:[2]

  • Các khoản cho vay, ứng trước, thấu chi và cho thuê tài chính;
  • Các khoản chiết khấu, tái chiết khấu thương phiếu và giấy tờ có giá khác;
  • Các khoản bao thanh toán; và
  • Các hình thức tín dụng khác.

Các khoản nợ này, sẽ được các tổ chức tín dụng phân loại thành 05 nhóm, gồm:[3]

Nhóm 1: Nợ đủ tiêu chuẩn;

Nhóm 2: Nợ cần chú ý;

Nhóm 3: Nợ dưới tiêu chuẩn;

Nhóm 4: Nợ nghi ngờ; và

Nhóm 5: Nợ có khả năng mất vốn.

Trong đó, “nợ xấu” (NPL) là các khoản nợ thuộc các nhóm 3, 4 và 5 nêu trên. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ là tỷ lệ để đánh giá chất lượng tín dụng của tổ chức tín dụng.

Ở Việt Nam, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng từ cuối năm 2007 và trở nên trầm trọng hơn từ cuối năm 2011. Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, đến 31/5/2012, nợ xấu của hệ thống là 117.723 tỷ đồng, chiếm 4,47%. Tuy nhiên, Ngân Hàng Nhà Nước đã công bố tỷ lệ nợ xấu tới 8,82% (2012), vượt xa số liệu các ngân hàng thươn mại công bố. Thậm chí, tới thời điểm tháng 5/2015, khi đánh giá lại toàn diện các nguồn nợ xấu, Ngân Hàng Nhà nước đưa ra một tỷ lệ nợ xấu gấp đôi tới 17,21% tại thời điểm 30/9/2012 tương đương 465.000 tỷ đồng cho vay không có khả năng thu hồi.[4] Trong khi, theo thông lệ quốc tế, tỷ lệ an toàn cho phép của nợ xấu là dưới 3%.

Để giải quyết tình trạng nợ xấu nêu trên, vào giữa năm 2013, Chính Phủ và Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam đã đưa ra nhiều hướng xử lý cho các khoản nợ xấu, bao gồm các biện pháp sau:

  1. Hỗ trợ trực tiếp từ Chính Phủ, cấp thêm vốn cho các định chế tài chính để nâng cao năng lực tài chính;
  1. Điều chỉnh các quy định liên quan đến phân loại và quản lý nợ xấu hoặc cho phép các tổ chức tín dụng và bên đi vay thương lượng phương án xử lý nợ dưới nhiều hình thức như thanh lý tài sản, cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất;
  1. Thành lập Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) theo quy định tại Nghị định số 53/2013/NĐ-CP nhằm quản lý nợ xấu, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế. VAMC được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên do Nhà Nước Việt Nam là chủ sở hữu 100% vốn điều lệ;
  1. Cho phép và đưa ra hướng dẫn cụ thể đối với hoạt động mua, bán nợ của Tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài bởi Thông tư 09/2015/TT-NHNN;
  1. Tổ chức thí điểm chính sách về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng theo Nghị Quyết số 42/2017/QH14 được Quốc Hội khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 21 tháng 6 năm 2017.

Trừ các biện pháp số (1), (2) là những biện pháp cá biệt, được áp dụng cho một số đơn vị cụ thể, các quy định về mua bán, quản lý nợ xấu thường xuyên được điều chỉnh và cập nhật cho phù hợp với tình hình mới, và cũng đồng thời là những phương án mà nhà đầu tư có thể xem xét khi muốn đầu tư vào nợ xấu tại Việt Nam. Cụ thể:

1. Đối với của các tổ chức tín dụng và ngân hàng Việt Nam

Theo các quy định hiện hành, bên cạnh việc điều chỉnh quy định liên quan đến phân loại và quản lý nợ xấu hoặc thương lượng phương án xử lý nợ với bên vay, các tổ chức tín dụng, ngân hàng Việt Nam chỉ có thể bán lại nợ xấu cho VAMC theo (i) giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành; hoặc (ii) theo giá trị trường bằng nguồn vốn không phải trái phiếu đặc biệt. Do đó, đối với các khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, ngân hàng Việt Nam, Nhà đầu tư sẽ phải việc trực tiếp với VAMC để mua lại các khoản nợ này.

Tuy nhiên, để bán nợ xấu cho VAMC, các khoản nợ xấu phải có đủ các điều kiện sau:[5]

  • Khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, bao gồm nợ xấu trong các hoạt động cấp tín dụng, mua trái phiếu doanh nghiệp, ủy thác mua trái phiếu doanh nghiệp, ủy thác cấp tín dụng và hoạt động khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; 
  • Khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm; 
  • Khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm phải hợp pháp và có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ; 
  • Khách hàng vay còn tồn tại; 
  • Số dư của khoản nợ xấu hoặc dư nợ xấu của khách hàng vay không thấp hơn mức quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Trong đó, để được bán nợ xấu cho VAMC theo giá thị trường, bên cạnh các điều kiện tối thiểu trên, khoản nợ xấu còn phải đáp ứng được:

  • Được đánh giá có khả năng thu hồi đầy đủ số tiền mua nợ xấu; 
  • Tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có khả năng phát mại; 
  • Khách hàng vay có triển vọng phục hồi khả năng trả nợ. 

Chỉ tính trong năm 2017, VAMC đã mua 31.831 tỷ đồng nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt, 3.141 tỷ đồng nợ theo giá thị trường, và thu về 30.700 tỷ đồng nợ xấu bán qua VAMC.[6]

Bên cạnh việc tái cơ cấu, bán lại nợ xấu, cũng có rất nhiều tổ chức tín dụng đã thực hiện việc kêu gọi vốn đầu tư trong và ngoài nước để củng cố thêm năng lực tài chính để xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, tại Việt Nam, để bảo hộ nền kinh tế nội địa, một số ngành nghề kinh doanh quan trọng sẽ bị hạn chế tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài, và tài chính – ngân hàng cũng không phải là một lĩnh vực ngoại lệ. Mặc dù từ đầu năm 2014, Việt Nam đã cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu vốn tại các tổ chức tín dụng Việt Nam dưới hình thức mua cổ phần của các tổ chức tín dụng Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay, tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài vẫn bị hạn chế như sau:[7]

  • Tỷ lệ sở hữu cổ phần của một cá nhân nước ngoài không được vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam.
  • Tỷ lệ sở hữu cổ phần của một tổ chức nước ngoài không được vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều này.
  • Tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam.
  • Tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan của nhà đầu tư nước ngoài đó không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam.
  • Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam. Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng phi ngân hàng Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật đối với công ty đại chúng, công ty niêm yết.

2. Đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam

Theo quy định tại Thông tư 09/2015/TT-NHNH, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam được quyền thỏa thuận bằng văn bản về việc chuyển giao quyền đòi nợ đối với khoản nợ phát sinh từ nghiệp vụ cho vay, khoản trả thay trong nghiệp vụ bảo lãnh, theo đó bên bán nợ chuyển giao quyền sở hữu khoản nợ cho bên mua nợ và nhận tiền thanh toán từ bên mua nợ. Và việc thỏa thuận mua bán nợ này phải được Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam chấp thuận, và phải đáp ứng các điều kiện:

Về khoản nợ, các khoản nợ được mua bán phải đáp ứng các điều kiện sau:[8]

  1. Hồ sơ, chứng từ và các tài liệu có liên quan của khoản nợ được mua, bán, hợp đồng bảo đảm (nếu có) do bên bán nợ cung cấp phải phản ánh đầy đủ, chính xác thực trạng khoản nợ theo đúng quy định của pháp luật.
  1. Không có thỏa thuận bằng văn bản về việc không được mua, bán khoản nợ.
  1. Khoản nợ không được sử dụng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự tại thời điểm mua, bán nợ trừ trường hợp bên nhận bảo đảm đồng ý bằng văn bản về việc bán nợ.

Về bên mua nợ, bên mua nợ có thể là:[9]

a) Tổ chức, cá nhân là người không cư trú; hoặc

b) Tổ chức, cá nhân là người cư trú sau:

  • Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được Ngân hàng nước chấp thuận hoạt động mua nợ;
  • Tổ chức kinh doanh dịch vụ mua, bán nợ (không phải tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ mua, bán nợ theo quy định của pháp luật;
  • Tổ chức khác, cá nhân không kinh doanh dịch vụ mua, bán nợ.

Và các điều kiện khác về đồng tiền thanh toán, phương thức mua bán nợ, định giá khoản nợ… theo quy định tại Thông tư 09/2015/TT-NHNN.

Ngoài việc mua bán nợ xấu trong hệ thống tín dụng, luật chứng khoán cũng cho phép phát hành hoặc chào bán cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi với các khoản nợ của tổ chức phát hành đối với chủ nợ. Tuy nhiên, để thực hiện việc hoán đổi cổ phần với các khoản nợ này, bên phát hành sẽ phải đáp ứng các điều kiện về chấp thuận nội bộ, chủ thể phát hành… theo quy định của pháp luật chứng khoán.

Cơ cấu mua nợ từ các tổ chức tín dụng hiện vẫn còn nhiều bất cập trên thực tế. Chính Phủ đã tổ chức thí điểm việc bán lại nợ xấu của tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu theo quy định của Nghị Quyết 42/2017/QH14, tuy nhiên hiện vẫn chưa có quy định áp dụng chính thức chung. Do đó, các nhà đầu tư muốn đầu tư vào nợ xấu nên lưu ý về mục đích mua lại nợ xấu để lựa chọn ra phương án để tiến hành mua nợ và xử lý nợ phù hợp.

>> Cập nhật một số điểm mới bổ sung trong quy định về đăng ký đầu tư theo Luật đầu tư 2020.

[1] Page 9 of the Treatment on Nonperforming loans https://www.imf.org/external/pubs/ft/bop/2005/05-29.pdf

[2] Khoản 4 Điều 2 Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN của Ngân Hàng Nhà Nước

[3] Điều 6, điều 7 Quyết định Số: 493/2005/QĐ-NHNN của Ngân Hàng Nhà Nước.

[4] Tạp chí ngân hàng số 21/2018 https://tapchinganhang.gov.vn/tinh-hinh-xu-ly-no-xau-tai-viet-nam-qua-cac-giai-doan-cac-van-de-can-quan-tam-va-khuyen-nghi.htm

[5] Điều 7,8 Nghị Định 53/2013

[6] https://sbvamc.vn/bai-viet/nhin-lai-5-nam-phat-trien-cua-vamc-86

[7] Điều 7 Nghị định 01/2014

[8] Điều 4 Thông tư 09/2015/TT-NHNN

[9] Khoản 4 Điều 3 Thông tư 09/2015/TT-NHNN


Khuyến cáo:

Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.

Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ liên của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.

Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Doanh nghiệp và đầu tư. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Doanh nghiệp và đầu tư và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn

    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site.