1. Đăng ký nhãn hiệu quốc tế theo hệ thống Madrid
Đăng ký nhãn hiệu quốc tế, hay còn được gọi thông dụng hơn là “Đăng ký quốc tế” (International Registration), là việc chủ sở hữu nhãn hiệu/chủ đơn nhãn hiệu (trademark owner/trademark applicant) tại một quốc gia thành viên của Thỏa ước Madrid/Nghị định thư Madrid (Office of Origin) để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của mình thông qua hệ thống Madrid tại một hoặc các quốc gia thành viên khác (Contracting Party) của Thỏa ước Madrid/Nghị định thư Madrid.
2. Tầm quan trọng của việc Đăng ký nhãn hiệu quốc tế
Một trong những nguyên tắc chung trong việc bảo hộ nhãn hiệu tại các quốc gia trên thế giới là nguyên tắc lãnh thổ (Territorial Principle) (trừ một số trường hợp ngoại lệ như nhãn hiệu Benelux, nhãn hiệu cộng đồng chung châu Âu…). Theo đó, một nhãn hiệu đăng ký bảo hộ tại quốc gia nào thì chỉ có hiệu lực bảo hộ tại quốc gia đó và trong phạm vi bảo hộ của luật nội địa quốc gia đó. Vì vậy, nhiều quốc gia trên thế giới đã cùng thiết lập Thỏa ước Madrid/Nghị định thư Madrid để giúp các chủ nhãn hiệu thực hiện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của mình tại nhiều quốc gia khác thông qua hệ thống Madrid mà không phải “trực tiếp” đăng ký nhãn hiệu tại các quốc gia đó.
Đăng ký nhãn hiệu quốc tế qua hệ thống Madrid giúp chủ đơn tiết kiệm được chi phí, công sức và không phải thuê đại diện tại quốc gia được chỉ định để có thể đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Cụ thể, các quốc gia thành viên tham gia hệ thống Madrid thì đều thống nhất về việc áp dụng thủ tục chung trong việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu theo Quy ước chung (Common Regulations). Theo đó, chủ đơn không phải tìm hiểu các quy định về thủ tục của từng quốc gia mà chỉ cần áp dụng theo thủ tục được quy định tại Quy ước chung của WIPO thì đã có thể hoàn tất việc nộp đơn (International Application) tại quốc gia thành viên khác. Dưới đây là một số lợi ích mà đăng ký quốc tế có thể mang lại:
(i) Đăng ký nhãn hiệu tại nhiều quốc gia cùng một lúc với thủ tục đơn giản
Hiện nay, chỉ riêng Nghị định thư Madrid đã có đến 112 thành viên, bao gồm 128 các quốc gia và vùng lãnh thổ, đại diện cho hơn 80% thương mại thế giới. Theo đó, chủ đơn có thể đăng ký nhãn hiệu tại nhiều quốc gia bằng một ngôn ngữ duy nhất (tiếng Anh, tiếng Pháp hoặc tiếng Tây Ban Nha) và phải chỉ trả một khoản phí duy nhất cho Văn phòng quốc tế (the International Bureau) mà không phải tốn chi phí, công sức để tìm hiểu từng quy định thủ tục của từng quốc gia hay phải thuê dịch thuật, đại diện để thực hiện thủ tục tại quốc gia đó.
(ii) Quyền ưu tiên
Trong trường hợp Đơn cơ sở (basic application) cho đăng ký nhãn hiệu quốc tế là đơn đăng ký nhãn hiệu sớm nhất (earliest filling) thì chủ đơn được hưởng quyền ưu tiên đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trong 06 tháng tiếp theo tại các quốc gia thành viên của Công ước Paris (Paris Convention). Ngược lại, Văn phòng quốc tế có quyền bỏ qua yêu cầu áp dụng ngày ưu tiên nào sớm hơn 06 tháng trước ngày Đăng ký quốc tế.
(iii) Đăng ký mở rộng nhanh chóng
Ngay cả khi nhãn hiệu đã được đăng ký thông qua hệ thống Madrid, chủ sở hữu Đăng ký nhãn hiệu quốc tế còn có thể tiếp tục mở rộng phạm vi bảo hộ nhãn hiệu của mình vào bất cứ lúc nào thông qua hệ thống trực tuyến của WIPO.
(iv) Gia hạn đơn giản
Khác với đăng ký nhãn hiệu trực tiếp tại nhiều quốc gia, Đăng ký quốc tế theo hệ thống Madrid chỉ có một ngày hết hạn áp dụng chung cho tất cả các quốc gia được chỉ định. Theo đó, chủ sở hữu Đăng ký quốc tế có thể gia hạn Đăng ký quốc tế cho tất cả hoặc một số quốc gia được chỉ định một cách đồng nhất, tiện lợi chỉ bằng việc nộp phí gia hạn.
3. Hình thức đăng ký nhãn hiệu quốc tế theo hệ thống Madrid
Trước đây, hệ thống Madrid gồm hai hình thức đăng ký là đăng ký quốc tế theo Thỏa ước Madrid và đăng ký quốc tế theo Nghị định thư Madrid. Tuy nhiên, kể từ khi sự gia nhập của Algeria đối với Nghị định thư Madrid vào ngày 31/10/2015, tất cả các thành viên của Thỏa ước Madrid đều là thành viên của Nghị định thư Madrid. Theo điều 9.6 của Thỏa ước Madrid (sửa đổi vào năm 2007), nếu nước xuất xứ (Office of Origin) của chủ đơn đăng ký quốc tế là thành viên của cả Thỏa ước và Nghị định thư Madrid mà các quốc gia chỉ định (nơi chủ đơn chỉ định đăng ký bảo hộ nhãn hiệu) cũng là thành viên của cả Thỏa ước và Nghị định Madrid thì ưu tiên áp dụng Nghị định thư Madrid. Mặt khác, nếu quốc gia được chỉ định hoặc nước xuất xứ chỉ là thành viên của Nghị định thư Madrid thì chỉ áp dụng Nghị định thư Madrid.
Hay nói cách khác, trong mọi trường hợp, đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế đều sẽ được đăng ký theo Nghị định thư Madrid kể từ ngày 31/10/2015. Điều này cũng được Hội đồng xác nhận và ra quyết định “đóng băng” (freeze) các điều khoản gia nhập tại Điều 14.1 và 14.2.a của Thỏa ước Madrid vào ngày 11/10/2016. Cụ thể, một vài điểm lưu ý kể từ khi có quyết định đóng băng như sau:
– Các thành viên mới không thể chỉ gia nhập Thỏa ước Madrid, mà phải đồng thời gia nhập cả Thỏa ước Madrid và Nghị định thư Madrid;
– Các quốc gia đang là thành viên của Nghị định thư Madrid vẫn có thể gia nhập Thỏa ước Madrid;
– Các đơn quốc tế không thể được nộp theo Thỏa ước Madrid;
– Không có hoạt động nào có thể được tiến hành theo Thỏa ước Madrid, bao gồm cả việc thực hiện các đơn chỉ định bổ sung (subsequent designations);
Như vậy, hình thức đăng ký quốc tế theo hệ thống Madrid hiện nay chỉ còn đăng ký theo Nghị định thư Madrid.
4. Hồ sơ và thủ tục đăng ký nhãn hiệu quốc tế
Thông thường, việc đăng ký nhãn hiệu quốc tế đối với đơn cơ sở có nguồn gốc tại Việt Nam gồm 05 giai đoạn sau đây:
(i) Tra cứu và chuẩn bị hồ sơ:
Tương tự như khi đăng ký nhãn hiệu theo thể thức đăng ký quốc gia, việc tra cứu và đối chứng nhãn hiệu cũng cần được thực hiện một cách cẩn trọng để tránh lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc của chủ đơn. Chủ đơn có thể tự mình hoặc sử dụng dịch vụ của công ty luật/đại diện sở hữu công nghiệp để tra cứu và đối chứng tại cơ sở dữ liệu online của WIPO theo đường link: https://www3.wipo.int/madrid/monitor/en/. Từ cơ sở tra cứu đó, chủ đơn có thể đưa ra những quyết định phù hợp và tiết kiệm với ngân sách và kế hoạch kinh doanh của mình.
Sau khi tra cứu và có quyết định phù hợp, chủ đơn chuẩn bị các hồ sơ sau:
(i) Đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế theo mẫu của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam;
(ii) Tờ khai Đăng ký nhãn hiệu quốc tế theo mẫu của Văn phòng quốc tế – Form MM2;
(iii) Bản sao Tờ khai yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cơ sở;
(iv) Mẫu nhãn hiệu;
(v) Giấy ủy quyền cho công ty luật/đại diện sở hữu công nghiệp thực hiện dịch vụ đăng ký nhãn hiệu quốc tế.
(vi) Các tài liệu khác tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, như Bản cam kết sẽ sử dụng Nhãn hiệu tại nước có yêu cầu đăng ký bảo hộ (nếu chỉ định vào các quốc gia có yêu cầu này, ví dụ Vương quốc Anh, Singapore,…)
(ii) Nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu quốc tế tại Cục Sở hữu trí tuệ và thực hiện thanh toán Phí đăng ký:
Hiện nay, vẫn còn một số quan niệm nhầm lẫn về đăng ký nhãn hiệu quốc tế theo hệ thống Madrid và vai trò của Văn phòng quốc tế trong Đăng ký quốc tế. Cụ thể, một số quan niệm nhầm lẫn rằng hồ sơ và thủ tục đăng ký sẽ thực hiện tại Văn phòng quốc tế; tuy nhiên, thực tế Văn phòng quốc tế chỉ đóng vai trò là trung gian để tiếp nhận, ghi nhận vào đăng bạ (International Register) và chuyển giao đơn Đăng ký quốc tế. Theo đó, Văn phòng quốc tế cũng không trực tiếp nhận Đơn Đăng ký quốc tế (International Application) từ chủ đơn mà sẽ nhận thông qua văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam nơi Chủ đơn nộp hồ sơ Đăng ký quốc tế.
Dưới đây là một số loại Phí đăng ký liên quan đến Đăng ký nhãn hiệu quốc tế:
(i) Phí đăng ký thanh toán cho Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam: Ngoài các khoản phí thanh toán cho Văn phòng quốc tế được liệt kê dưới đây, thì chủ đơn cũng phải thanh toán Phí thực hiện thủ tục đăng ký quốc tế nhãn hiệu có nguồn gốc Việt Nam trực tiếp cho Cục Sở hữu trí tuệ là 2.000.000 VNĐ.
(ii) Phí đăng ký thanh toán cho Văn phòng quốc tế: Hiện nay, chủ đơn có thể tham khảo phí đăng ký quốc tế tại đường link do WIPO công bố: https://madrid.wipo.int/feecalcapp/home.xhtml . Cụ thể, một số thông tin liên quan đến phí đăng ký như sau:
– Đồng tiền thanh toán: Đồng Thụy sĩ (Swiss francs);
– Màu sắc: Nhãn hiệu chỉ có màu trắng và đen: 653 đồng Thụy sĩ; Nhãn hiệu có màu khác: 903 Đồng Thụy sĩ;
– Phí chuyển đơn: 100 Đồng Thụy sĩ (Swiss francs) / một quốc gia chỉ định;
– Lệ phí đăng ký: Tùy thuộc vào quy định của từng quốc gia đó và số nhóm đăng ký bảo hộ nhãn hiệu;
– Phương thức thanh toán: Không thanh toán bằng tiền mặt hoặc check. Có thể thanh toán thông qua Tài khoản WIPO và chuyển khoản.
(iii) Thẩm định hình thức:
Sau khi nhận được đơn đăng ký quốc tế từ Văn phòng Sở hữu trí tuệ của chủ đơn, Văn phòng Quốc tế sẽ kiểm tra và thẩm định hình thức đối với Đơn Đăng ký quốc tế (ví dụ: đầy đủ các nội dung về thông tin liên lạc, các quốc gia được chỉ định là thành viên của hệ thống Madrid, chất lượng hình ảnh Mẫu nhãn hiệu, thanh toán phí,…).
Trong trường hợp đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế chưa đáp ứng điều kiện về hình thức theo quy định thì Văn phòng quốc tế sẽ gửi một thông báo về việc chưa đáp ứng điều kiện hình thức (an “irregularity notice”) đến chủ đơn và văn phòng Cục sở hữu trí tuệ của chủ đơn, trong đó giải thích cách khắc phục trong một thời hạn nhất định (thông thường là ba tháng).
Sau khi chủ đơn đã khắc phục các vấn đề về hình thức, Văn phòng Quốc tế sẽ ghi nhận nhãn hiệu của chủ đơn vào Đăng bạ quốc tế (International Register) và được đăng công bố trên Công báo nhãn hiệu của WIPO.
(iv) Thẩm định nội dung:
Như đã nói ở trên, Văn phòng quốc tế không có khả năng thẩm định hay có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ cho chủ đơn. Chỉ có các văn phòng sở hữu trí tuệ tại quốc gia thành viên nơi mà chủ đơn chỉ định mới có thẩm quyền thực hiện việc cấp văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu cho chủ đơn tại quốc gia đó.
Theo đó, Văn phòng sở hữu trí tuệ tại quốc gia được chỉ định sẽ thực hiện thẩm định nội dung đối với nhãn hiệu Đăng ký quốc tế trong một thời hạn nhất định nhưng không vượt quá 12 – 18 tháng.
(v) Kết quả: Sau thời gian nói trên, nếu quốc gia được chỉ định không phản hồi hay thông báo từ chối thì Đăng ký nhãn hiệu quốc tế được xem là đăng ký thành công tại quốc gia đó. Các quốc gia được chỉ định không bắt buộc phải cung cấp cho chủ đơn Giấy chứng nhận hay văn bằng bảo hộ nhãn hiệu. Việc bảo hộ đối với nhãn hiệu Đăng ký quốc tế sẽ tuân thủ pháp luật quốc gia đó.
Trên đây là các thông tin cơ bản có liên quan đến việc đăng ký theo hệ thống Madrid. Trong trường hợp có bất kỳ thắc mắc nào, hoặc có nhu cầu sử dụng dịch vụ tư vấn về Sở hữu trí tuệ, Quý đọc giả vui lòng liên hệ đến Apolat Legal theo địa chỉ mail info@apolatlegal.com để được tư vấn chi tiết.