Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Châu Âu

Liên minh Châu Âu là cộng đồng chung về kinh tế, chính trị, tiền tệ bao gồm 27 quốc gia thành viên tại thời điểm của bài viết này. Đặc biệt sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 01/8/2020, việc đăng ký nhãn hiệu tại Châu Âu trở thành nhu cầu tất yếu của các doanh nghiệp Việt Nam khi muốn hoạt động đầu tư tại thị trường này. Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến hồ sơ, thủ tục và một số quy định, lưu ý khi thực hiện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu theo quy định pháp luật Châu Âu.

đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Châu Âu
Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Châu Âu

1. Đăng ký nhãn hiệu tại Châu Âu

Hiện nay, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Châu Âu đó có thể được thực hiện thông qua các cách sau: (i) Chỉ định bảo hộ nhãn hiệu thông qua hệ thống Madrid; (ii) nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cơ quan sở hữu trí tuệ Liên minh Châu âu (European Union Intellectual Property Office -EUIPO); và (iii) nộp đơn đăng ký riêng lẻ tại một số quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu theo hình thức đăng ký quốc gia.

Đăng ký thông qua Hệ thống Madrid: Bạn có thể sử dụng đơn cơ sở tại Việt Nam để đăng ký nhãn hiệu tại Liên minh Châu Au thông qua Hệ thống Madrid – một hệ thống quốc tế về nhãn hiệu và chịu sự quản lý của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (viết tắt là WIPO). Theo nguyên tắc hoạt động của hệ thống này, Văn phòng quốc tế (International Bureau) sẽ chỉ chịu trách nhiệm kiểm tra tính phù hợp về hình thức của đơn đăng ký. Thẩm quyền xem xét nội dung đơn đăng ký (kiểm tra tính phù hợp với quy định pháp luật quốc gia (khu vực) về đăng ký nhãn hiệu) và cấp Văn bằng bảo hộ vẫn thuộc về Văn phòng Sở hữu Trí tuệ của quốc gia (khu vực) đó. Như vậy, trong trường hợp người nộp đơn mong muốn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại nhiều quốc gia thì hệ thống Madrid sẽ là hệ thống mang lại hiệu quả về chi phí và thống nhất thủ tục.

Đăng ký trực tiếp tại EUIPO: Người nộp đơn có thể gửi đơn đăng ký nhãn hiệu của Liên minh nhãn hiệu Châu Âu (EUTM) tại văn phòng EUIPO có trụ sở tại thành phố Alicante, Tây Ban Nha. Nhãn hiệu của Liên minh Châu Âu (European Union Trade Mark – EUTM) giúp nhãn hiệu của bạn được bảo hộ ở tất cả các quốc gia thuộc khối Liên minh Châu Âu.

Tuy nhiên, lưu ý rằng nhãn hiệu của Liên minh nhãn hiệu Châu Âu (EUTM) sẽ được cấp dựa trên nguyên tắc “tất cả hoặc không có gì” (all or nothing). Theo đó, khi đăng ký EUTM, việc tra cứu nhãn hiệu sẽ được thực hiện đồng thời tại tất cả 27 quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu. Trong trường hợp nhãn hiệu dự định đăng ký được xem là không có tính phân biệt hoặc đang mô tả loại hàng hóa/dịch vụ dự định đăng ký (hay nói cách khác, không đáp ứng điều kiện để đăng ký) tại một trong bất kỳ các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu, nhãn hiệu dự định đăng ký đó sẽ bị từ chối tại toàn bộ các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu. Ngược lại, nếu nhãn hiệu dự định đăng ký đáp ứng các điều kiện để đăng ký tại tất cả các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu, thì nhãn hiệu đó được cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và bảo hộ tại toàn bộ các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu. 

Đăng ký tại từng quốc gia hoặc khu vực thuộc khối Liên minh Châu Âu: Trong trường hợp việc đăng ký EUTM là không thành công hoặc người nộp đơn chỉ kinh doanh và có nhu cầu đăng ký nhãn hiệu tại một số nước trong Liên minh Châu Âu, người nộp đơn có thể đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở từng quốc gia theo thể thức đăng ký quốc gia và chịu sự điều chỉnh hoàn toàn bởi luật quốc gia của nước đó. Trong trường hợp các quốc gia dự định đăng ký có Bỉ, Hà Lan và Luxembourg (liên minh Benelux), người nộp đơn có thể cân nhắc đăng ký khu vực cho ba nước này đồng thời tại Văn phòng Sở hữu trí tuệ Benelux (BOIP).

Trong phạm vi bài viết này, chúng ta sẽ bàn sâu hơn về Đăng ký nhãn hiệu của Liên minh nhãn hiệu Châu Âu (EUTM).

2. Điều kiện đăng ký nhãn hiệu tại Liên minh Châu Âu

Nhãn hiệu EUTM có thể thể hiện bằng cứ hình thức nào thông qua việc sử dụng những công nghệ hiện hành; miễn sự thể hiện là rõ ràng và chính xác, có thể bao gồm bất kỳ dấu hiệu nào, cụ thể là các từ (bao gồm cả tên riêng), hoặc thiết kế, chữ cái, chữ số, màu sắc, hình dạng của hàng hóa hoặc bao bì của hàng hóa hoặc âm thanh. Nhìn chung, điều kiện bảo hộ nhãn hiệu EUTM cũng tương tự như các điều kiện bảo hộ theo Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam, đó là nhãn hiệu:

(i)        phải có khả năng phân biệt;

(ii)       không mang tính mô tả hàng hóa/dịch vụ dự định đăng ký (bao gồm mô tả chủng loại, chất lượng, tính chất, số lượng, giá trị, nguồn gốc địa lý…);

(iii)      không phải là tên gọi thông thường của hàng hóa/dịch vụ;

(iv)      không được trái với đạo đức xã hội hoặc các nguyên tắc đạo lý thông thường;

(v)       không nhằm lừa dối người tiêu dùng về bản chất, chất lượng hay nguồn gốc xuất xứ.

EUIPO có thể từ chối đơn đăng ký nhãn hiệu nhãn hiệu đó không đáp ứng được một trong các yêu cầu nói trên. Ngoài ra, bất kỳ thể nhân hoặc pháp nhân nào từ bất kỳ quốc gia nào trên thế giới đều có thể nộp đơn đăng ký nhãn hiệu EUTM. Tuy nhiên, giống như hầu hết các quy trình đăng ký nhãn hiệu trên thế giới, bạn phải đăng ký thông qua một đại diện sở hữu trí tuệ (ở trường hợp này là đại diện sở hữu trí tuệ được thành lập tại Liên minh Châu Âu)

3. Tra cứu nhãn hiệu

Việc tra cứu nhãn hiệu trước khi thực hiện đăng ký nhãn hiệu gần như là bước vô cùng quan trọng và không thể thiếu của một quy trình đăng ký nhãn hiệu tại bất kỳ đâu trên thế giới. Đặc biệt là khi đăng ký nhãn hiệu EUTM, người nộp đơn có thể bị từ chối toàn bộ các quốc gia tại Liên minh Châu Âu nếu một trong các quốc gia tuyên bố từ chối nhãn hiệu. Vì vậy, việc tra cứu càng trở nên cần thiết và quan trọng để giảm thiểu tối đa rủi ro có thể gặp trong quá trình đăng ký. Hiện nay, việc tra cứu nhãn hiệu tại Liên minh Châu Âu có thể được thực hiện:

(i) tự tra cứu trực tuyến (online) thông qua các công cụ trực tuyến của EUIPO, bao gồm 02 databases lớn là eSearch Plus và TMview;

(ii) yêu cầu EUIPO thực hiện việc tra cứu nhãn hiệu (tại thời điểm nộp đơn đăng ký). Báo cáo tra cứu (search report) sẽ tổng hợp các nhãn hiệu có thể ảnh hưởng đến đơn đăng ký của bạn và sẽ được gửi cho bạn trước khi nhãn hiệu của bạn được công bố. Tuy nhiên, báo cáo tra cứu của EUIPO chỉ mang tính chất thông tin và người nộp đơn phải tự cân nhắc về khả năng đăng ký thành công của nhãn hiệu của mình.

(iii) sử dụng dịch vụ tra cứu nhãn hiệu của một đại diện sở hữu trí tuệ tại Liên minh Châu Âu. Chúng tôi khuyến nghị bạn nên sử dụng dịch vụ tra cứu và đăng ký nhãn hiệu của một đại diện sở hữu trí tuệ tại Liên minh Châu Âu để đảm bảo kết quả tra cứu được đúng nhất.

Hiện nay, Apolat Legal tự hào là một trong những đơn vị tại Việt Nam có khả năng cung cấp dịch vụ tra cứu và đăng ký nhãn hiệu tại Liên minh Châu Âu thông qua mạng lưới đối tác (các đại diện sở hữu trí tuệ) uy tín tại Liên Minh Châu Âu.

4. Quy trình đăng ký nhãn hiệu tại Liên minh Châu Âu

Cách thức thực hiện: Đơn đăng ký nhãn hiệu EUTM phải được nộp đến EUIPO theo một trong các cách thức sau:

(i)        Trực tuyến (online) tại Website của EUIPO;

(ii)       Nộp trực tiếp hoặc bằng bưu điện hoặc dịch vụ vận chuyển.

Hồ sơ đăng ký: Thông thường, bộ hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tại Liên minh Châu Âu sẽ bao gồm các tài liệu sau:

(i)        Đơn đăng ký nhãn hiệu EUTM;

(ii)       Thông tin, giấy tờ pháp lý có công chứng của người nộp đơn;

(iii)      Danh sách mô tả về nhãn hiệu và danh sách hàng hóa hoặc dịch vụ được yêu cầu đăng ký;

(iv)      Mẫu nhãn hiệu dự định đăng ký;

(v)       Bản sao có chứng thực của tài liệu xác nhận quyền ưu tiên (nếu có);

(vi)      Biên lai thanh toán lệ phí;

(vii)     Giấy ủy quyền cho đại diện sở hữu trí tuệ tại Liên minh Châu Âu – đối tác của Apolat Legal.

Thanh toán lệ phí đăng ký nhãn hiệu:

Mỗi đơn đăng ký nhãn hiệu EUTM phải trả một khoản phí cơ bản và khoản phí bổ sung tùy thuộc vào số lượng hàng hóa/dịch vụ dự định đăng ký. Trong trường hợp người nộp đơn có yêu cầu EUIPO thực hiện việc tra cứu nhãn hiệu, người nộp đơn cũng phải nộp lệ phí tương ứng cho dịch vụ tra cứu này. Việc thanh toán phí không nhất thiết phải được thực hiện ngay tại thời điểm nộp đơn mà có thể được thực hiện trong vòng 01 tháng kể từ ngày nộp đơn. Lưu ý rằng, các lệ phí nói trên khi đăng ký nhãn hiệu EUTM sẽ không được hoàn lại.

Để tham khảo thêm chi phí, bạn có thể tham khảo trực tiếp tại Website của EUIPO công bố và cập nhật tại từng thời điểm hoặc có thể sử dụng dịch vụ tra cứu và đăng ký nhãn hiệu tại Liên minh Châu Âu của Apolat Legal.

Thẩm định nhãn hiệu:

Ngay khi đơn đăng ký được tiếp nhận bởi EUIPO, EUIPO sẽ cấp ngay cho người nộp đơn một biên nhận để xác nhận. Biện nhận đó có thể được phát hành bằng phương tiện điện tử.

(i) Thẩm định hình thức: Việc thẩm định hình thức sẽ do EUIPO trực tiếp thực hiện, bao gồm xem xét về chữ ký, ngôn ngữ, thông tin về chủ sở hữu và/hoặc đại diện, quyền ưu tiên và tất cả các chi tiết có trong đơn đăng ký nhãn hiệu.

(ii) Thẩm định nội dung: Nếu đơn đăng ký nhãn hiệu của bạn đã đáp ứng đầy đủ về hình thức, việc thẩm định nội dung sẽ được thực hiện. Tuy nhiên, lưu ý rằng việc thẩm định nội dung sẽ chỉ thực hiện trên cơ sở xem xét tuyệt đối (absolute grounds), tức là đánh giá về khả năng phân biệt của nhãn hiệu và tính mô tả của nhãn hiệu (non-descriptive) đối với hàng hóa, dịch vụ đăng ký.

Việc thẩm định nội dung sẽ không bao gồm thẩm định về việc nhãn hiệu có trùng lặp hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã đăng ký trước đó hay không (relative grounds for refusal).

Sau khi hoàn tất thẩm định nêu trên, EUIPO sẽ gửi một thư giám sát (Surveillance letters) đến các chủ sở hữu nhãn hiệu đã đăng ký trước đó (chủ nhãn hiệu đối chứng) về việc đăng ký nhãn hiệu EUTM của bạn có khả năng trùng lập hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của họ để các chủ nhãn hiệu đối chứng có thể tiến hành phản đối ngay sau khi EUIPO công bố đơn đăng ký nhãn hiệu của bạn.

Công bố nhãn hiệu và phản đối:

Sau khi hoàn tất thẩm định, EUIPO cũng sẽ công bố nhãn hiệu của bạn bằng 23 ngôn ngữ và bất kỳ bên thứ ba nào cũng có thể phản đối đơn đăng ký của bạn trong vòng 03 tháng kể từ ngày công bố.

Trong trường hợp có đơn phản đối đơn đăng ký của bạn, EUIPO sẽ yêu cầu bên phản đối đó gửi thêm thông tin, củng cố hồ sơ và bằng chứng trong vòng 02 tháng. Sau đó, EUIPO cũng sẽ cho bạn thời hạn là 02 tháng để phản hồi trước hồ sơ phản đối của bên phản đối. Trong trường hợp cần thiết, EUIPO có thể cho phép thêm vòng phản hồi để làm rõ vụ việc.

Nếu không có phản đối nào được đưa ra trong khoảng thời gian công bố hoặc đơn phản đối không được chấp nhận, nhãn hiệu của bạn sẽ đương nhiên được đăng ký. Theo đó, bạn sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (a certificate of registration).

5. Phạm vi áp dụng và thời hạn bảo hộ 

Phạm vi bảo hộ nhãn hiệu EUTM sẽ được áp dụng trên tất cả các quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu.

Tương tự với các hệ thống pháp luật khác, nhãn hiệu của Liên minh Châu Âu (EUTM) cũng chỉ có giá trị trong 10 năm và có thể được gia hạn vô thời hạn với từng lần 10 năm tiếp theo.

6. Một số lưu ý khi đăng ký nhãn hiệu tại Liên minh Châu Âu 

Dưới đây là một số lưu ý khi đăng ký nhãn hiệu tại Liên minh Châu Âu (EUTM):

  1. Đơn đăng ký nhãn hiệu EUTM có thể sử dụng một trong 23 ngôn ngữ của Liên minh Châu Âu làm ngôn ngữ ưu tiên. Tuy nhiên, người nộp đơn phải chọn một trong năm ngôn ngữ sau đây để làm ngôn ngữ thứ hai, bao gồm tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Ý và tiếng Tây Ban Nha. Ngôn ngữ thứ hai sẽ được sử dụng làm ngôn ngữ cho các thủ tục phản đối và/hoặc hủy bỏ có thể xảy ra.
  2. Mặc dù việc đăng ký nhãn hiệu EUTM có rất nhiều lợi ích so với việc đăng ký riêng lẻ tại từng quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu, điển hình là chi phí sẽ được tối ưu hơn và thủ tục đơn giản hơn so với việc đăng ký tại từng quốc gia. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý về rủi ro việc đơn đăng ký nhãn hiệu của bạn bị từ chối hoặc bị phản đối cao hơn theo nguyên tắc “tất cả hoặc không có gì” (all or nothing).
  3. Trong trường hợp bạn gặp rủi ro nêu trên, bạn được phép chuyển đổi đơn đăng ký nhãn hiệu EUTM thành đơn quốc gia đối với những quốc gia mà không có phản đối về đơn đăng ký của bạn. Việc chuyển đổi thành từng quốc gia cũng có thể áp dụng tương tự cho trường hợp bạn đăng ký nhãn hiệu EUTM thông qua đơn đăng ký quốc tế (international registration) theo hệ thống Madrid.
  4. Khác với đơn đăng ký quốc tế (international registration) theo hệ thống Madrid, đơn đăng ký nhãn hiệu EUTM không cần bất kỳ đơn cơ sở nào. Hay nói cách khác, bạn không cần phải đăng ký nhãn hiệu tại quốc gia của bạn hoặc tại bất kỳ đâu trước khi đăng ký nhãn hiệu EUTM.
  5. Lưu ý nếu bạn đang quan tâm đăng ký nhãn hiệu tại Vương Quốc Anh: Như là kết quả tất yếu của Brexit, Vương Quốc Anh đã không còn là quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu từ 2020. Vì vậy, đơn đăng ký nhãn hiệu EUTM của bạn sẽ không được bảo hộ tại Vương Quốc Anh. Theo đó, để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Vương Quốc Anh, bạn phải đăng ký trực tiếp theo thể thức quốc gia tại nước Anh hoặc đăng ký quốc tế theo hệ thống Madrid.

Trên đây là những thông tin cơ bản liên quan đến việc Đăng ký Nhãn hiệu tại Châu Âu. Trường hợp có bất kỳ thắc mắc nào hoặc có nhu cầu tư vấn về Sở hữu Trí tuệ, Quý đọc giả vui lòng liên hệ Apolat Legal thông qua địa chỉ info@apolatlegal.com để được tư vấn chi tiết.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site.