Các vấn đề pháp lý khi thành lập công ty hoạt động dịch vụ việc làm có vốn nước ngoài

Theo định nghĩa của Bộ Luật Lao Động 2012, tổ chức dịch vụ việc làm bao gồm trung tâm dịch vụ việc làm và doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm. Trong đó, trung tâm dịch vụ việc làm được thành lập và hoạt động theo quy định của Chính phủ, còn doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật doanh nghiệp. Mặc dù một bên là đơn vị sự nghiệp công lập và một bên là doanh nghiêp, nhưng cả hai đều có chức năng tư vấn, giới thiệu việc làm và dạy nghề cho người lao động; cung ứng và tuyển lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động; thu thập, cung cấp thông tin về thị trường lao động và thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật. Có thể nói các tổ chức dịch vụ việc làm chính là cầu nối giữa người lao động và người sử dụng lao động trong bối cảnh nhu cầu về việc làm ngày một tăng cao, người lao động đi tìm việc làm phù hợp với bản thân trong khi người sử dụng lao động tìm kiếm các ứng viên phù hợp với văn hóa của mình. Chính điều này giúp thúc đẩy cho các doanh nghiệp dịch vụ việc làm phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây và là thị trường tiềm năng đối với các nhà đầu tư.

Để một nhà đầu tư nước ngoài tiến hành đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, trước tiên cần xác định ngành nghề đầu tư kinh doanh đã được Việt Nam mở cửa thị trường trong các cam kết quốc tế hoặc các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hay chưa? Thông thường, Biểu cam kết cụ thể về dịch vụ của Việt Nam đối với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ được áp dụng để xem xét ngành nghề đã được mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài hay không. Trong trường hợp này, Việt Nam chưa cam kết mở cửa đối với hoạt động kinh doanh “dịch vụ việc làm”. Tuy nhiên, pháp luật của Việt Nam không đưa ra bất kỳ hạn chế nào đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư đối với “dịch vụ việc làm”, và trên thực tế, đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập công ty có 100% vốn nước ngoài để kinh doanh dịch vụ việc làm. Do đó, căn cứ trên nguyên tắc tối huệ quốc mà khả năng Chính phủ Việt Nam cấp phép cho các nhà đầu tư nước ngoài được thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ việc làm là rất cao. Đặc biệt đối với các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc, hai quốc gia là đối tác chiến lược của Việt Nam trong phát triển kinh tế và xã hội.

Bên cạnh việc phải đảm bảo các điều kiện cần được đáp ứng khi đầu tư vào Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài phải xin cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm và đáp ứng các điều kiện bao gồm:

  • Địa điểm đặt trụ sở, chi nhánh phải ổn định và có thời hạn từ 03 năm (36 tháng) trở lên; nếu là nhà thuộc sở hữu của người đứng tên đăng ký doanh nghiệp thì trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép phải có giấy tờ hợp lệ, nếu là nhà thuê thì phải có hợp đồng thuê nhà có thời hạn thuê từ 03 năm (36 tháng) trở lên.
  • Thực hiện ký quỹ 300.000.000 đồng (ba trăm triệu đồng) tại ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp mở tài khoản giao dịch chính nhắm mục đích sử dụng để giải quyết các rủi ro và các khoản phải đền bù có thể xảy ra trong quá trình hoạt động dịch vụ việc làm của doanh nghiệp. Đối với số tiền ký quỹ này, công ty vẫn được hưởng lãi suất từ tiền ký quỹ theo thỏa thuận với ngân hàng.

Đối với khoản ký quỹ, sau khi thực hiện hết các nghĩa vụ tài chính liên quan đến hoạt động dịch vụ việc làm của doanh nghiệp, doanh nghiệp được hoàn trả tiền ký quỹ trong các trường hợp: (i) Có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm về việc doanh nghiệp không được cấp, cấp lại, gia hạn giấy phép; hoặc (ii) Có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm về việc doanh nghiệp nộp lại, bị thu hồi giấy phép.

Trước đây, ngoài các điều kiện về trụ sở của công ty và ký quỹ, pháp luật yêu cầu doanh nghiệp phải có bộ máy chuyên trách hoạt động dịch vụ việc làm. Tuy nhiên, điều kiện này đã bị bãi bỏ do khi áp dụng trên thực tế không đảm bảo được hiệu quả trong vấn đề thẩm định cấp phép nhưng lại tạo ra nhiều thủ tục cho doanh nghiệp.

Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp dịch vụ việc làm cần đảm bảo việc thực hiện báo cáo định kỳ đến Sở Lao Động Thương Bình và Xã Hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở. Trong trường hợp chuyển địa điểm đặt trụ sở, chi nhánh, người đứng đầu doanh nghiệp phải có văn bản gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm về địa điểm mới  trong thời hạn 10 ngày làm việc, trước ngày thực hiện việc chuyển địa điểm.

Do đó, có thể kết luận rằng dịch vụ việc làm là hoạt động kinh doanh đầy tiềm năng đối với các nhà đầu tư và sẽ đóng góp rất nhiều cho xã hội trong thời gian sắp tới. Tùy nhiên, trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp sẽ cần tuân thủ chặt chẽ các điều kiện theo quy định của pháp luật và thực hiện báo cáo với cơ quan cấp phép.

Xem thêm: Những điều cần lưu ý trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn

    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site.