Xác định tai nạn lao động khi làm việc tại nhà

Khi bị tai nạn lao động, tùy thuộc vào mức độ suy giảm khả năng lao động, người lao động có tham gia bảo hiểm tai nạn lao động sẽ được hưởng chế độ tai nạn lao động. Tuy nhiên, việc xác định tai nạn mà người lao động gặp phải có phải là tai nạn lao động để được hưởng chế độ tai nạn lao động hay không thì phải dựa trên một số điều kiện nhất định, đặc biệt là khi người lao động làm việc tại nhà. Đối với hình thức làm việc tại nhà, một số quốc gia trên thế giới đã có những điều kiện để xác định tai nạn lao động riêng biệt cho hình thức làm việc này. Đối với Việt Nam, điều kiện để xác định tai nạn lao động khi làm việc tại nhà không được tách biệt ra mà được quy định chung tại Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.  

Xác định tai nạn lao động khi làm việc tại nhà
Xác định tai nạn lao động khi làm việc tại nhà

1. Xác định tai nạn lao động khi làm việc tại nhà tại một số quốc gia trên thế giới  

Tại Canada, Act respecting industrial accidents and occupational diseases (CQLR c A-3.001) không đưa ra sự phân biệt, điều kiện hay yêu cầu nào đối với địa điểm xảy một tai nạn để được hưởng các quyền lợi theo quy định của pháp luật, ngoại trừ phạm vi lãnh thổ của nó theo các mục 7 đến 8.1 của Đạo luật.1 Theo đó, Điều 1 của Đạo luật chỉ quy định tai nạn lao động là một sự kiện bất ngờ và không lường trước được, do bất kỳ nguyên nhân nào, xảy ra với người lao động và phát sinh từ hoặc trong quá trình làm việc của người lao động, dẫn đến thương tích khi làm việc cho người lao động.2

Điển hình cho việc xác định tai nạn khi người lao động làm việc tại nhà được xem là tai nạn lao động là vụ tranh chấp giữa Alexandria Gentile-Patti và người sử dụng lao động của cô ấy là Air Canada vào năm 2021. Cụ thể, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, bà Alexandria Gentile-Patti, một nhân viên dịch vụ khách hàng đã phải làm việc tại nhà theo yêu cầu của Air Canada. Ngày 25/9/2020, trong thời gian nghỉ trưa của mình, bà Alexandria Gentile-Patti đã bị ngã cầu thang khi rời khỏi khu vực làm việc trên lầu hai để ăn trưa. Do đó, bà đã yêu cầu Air Canada bồi thường. Mặc dù Air Canada lập luận rằng cú ngã của bà không liên quan gì đến việc làm của bà ấy vì bà ấy đang ở nhà và không làm việc khi bị ngã. Tuy nhiên, Québec Administrative Labour Tribunal (Tribunal Administratif Du Travail) đã ra phán quyết rằng bà Alexandria Gentile-Patti có quyền được nhận bồi thường do tai nạn lao động.3

Cụ thể, Tòa án đã đưa ra các tiêu chí để xác định liệu tai nạn lao động có xảy ra trong quá trình thực hiện công việc hay không, bao gồm địa điểm, thời gian diễn ra sự kiện, thù lao cho người lao động thực hiện vào thời điểm xảy ra tai nạn, sự tồn tại và mức độ quyền hạn của người sử dụng lao động đối với người lao động, mục đích của hoạt động được thực hiện tại thời điểm xảy ra sự kiện dù là ngẫu nhiên hay tùy ý, mối liên hệ hoặc tính hữu ích tương đối của hoạt động mà người lao động thực hiện với việc hoàn thành công việc. Các tiêu chí này luôn được đánh giá và xem xét trong mối quan hệ với nhau. Tuy nhiên, Tòa án đặc biệt chú trọng đến tiêu chí về mối liên hệ phụ thuộc, mục đích của hoạt động và mối liên hệ của nó với việc thực hiện công việc. Vì vậy, Tòa án phải tìm hiểu mục đích của hoạt động do người lao động thực hiện vào thời điểm xảy ra sự kiện. Nếu mục đích thực hiện hoạt động không nằm trong khuôn khổ các hoạt động, kỳ vọng, mối quan tâm hoặc mục tiêu của người sử dụng lao động thì đó sẽ là một phần thuộc phạm vi cá nhân của người lao động và không thể được coi là đã xảy ra trong quá trình làm việc.  

Trong trường hợp của bà Gentile-Patti, mặc dù bà bị tai nạn trong thời gian nghỉ nhưng đó là một phần không thể thiếu trong công việc của bà khi làm việc tại nhà theo yêu cầu của người sử dụng lao động. Theo lịch trình làm việc do người sử dụng lao động đưa ra, bà Gentile-Patti được quyền nghỉ giải lao và có một khoảng thời gian để ăn trưa. Do đó, những giờ nghỉ này là một phần của công việc do người sử dụng lao động xác định. Mặt khác, Tòa án cho rằng trường hợp này không cần phải đặt câu hỏi liệu hoạt động đi ăn của bà có thuộc phạm vi nghề nghiệp hay cá nhân hay không và liệu người sử dụng lao động có thu được lợi ích nhất định hay không bởi mức độ chính xác cao về hoạt động cụ thể tại thời điểm xảy ra tai nạn (tức là đi ăn) sẽ không nhất thiết có tính chất quyết định như phán quyết Savard et Centres Jeunesse Montérégie 2021 QCTAT 2659. Do đó, Tòa án kết luận rằng việc bà Gentile-Patti ngã xuống cầu thang tại nhà riêng của bà khi đang thực hiện một hoạt động cá nhân, trong thời gian nghỉ làm dù sao cũng là một tai nạn tại nơi làm việc nên được bồi thường.4

Tại Đức, phán quyết ngày 08/12/2021 của Germany’s Federal Social Court (Aktenzeichen B 2 U 4/21 R) đã làm rõ rằng việc một người lao động bị ngã khi đang đi cầu thang trên đường đi bộ buổi sáng từ nơi ngủ đến nơi làm việc tại nhà và bị thương ở cột sống là một tai nạn lao động nên được hưởng bảo hiểm tai nạn theo luật định.5 Phán quyết của Tòa án Đức đưa ra cũng dựa trên sự lập luận về mối quan hệ giữa hành vi mà người lao động thực hiện đối với công việc của mình. Do trong trường hợp này, người lao động sử dụng cầu thang chỉ với mục đích bắt đầu công việc tại nhà của mình nên việc này là vì lợi ích trực tiếp của người sử dụng lao động, cụ thể là khi thực hiện việc đi xuống cầu thang – hoạt động dẫn đến tai nạn, người lao động đang thực hiện một hoạt động phục vụ người sử dụng lao động (tức là bắt đầu làm việc). Các phán quyết tương tự cũng được tìm thấy các ở quốc gia khác như Chile, Italy.6 

2. Tai nạn lao động và điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động theo quy định của pháp luật Việt Nam 

Theo quy định tại khoản 8 Điều 8 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015, tai nạn lao động được hiểu là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động. Với quy định này, một tai nạn được xem là tai nạn lao động khi thỏa mãn ba điều kiện: (i) người lao động bị tổn hại sức khỏe hoặc tính mạng; (ii) tai nạn phải xảy ra trong quá trình lao động; (iii) tai nạn phải gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ của người lao động.  

Để xác định điều kiện cho người lao động có tham gia bảo hiểm tai nạn lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động, Điều 45 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 quy định phải đáp ứng đủ các điều kiện bao gồm: 

Thứ nhất, người lao động phải bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp: (i) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh; (ii) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động; (iii) Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý; 

Thứ hai, người lao động phải bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp nêu trên; 

Thứ ba, người lao động không thuộc trường hợp không được hưởng chế độ từ người sử dụng lao động khi bị tai nạn lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 40 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 như bị tai nạn do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động; người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân; sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật. 

Căn cứ vào quy định nêu trên, pháp luật về an toàn vệ sinh lao động không quy định phân biệt rõ trường hợp người lao động bị tai nạn khi làm việc tại nhà hay làm việc trực tiếp tại địa điểm làm việc của người sử dụng lao động hoặc địa điểm do người sử dụng lao động chỉ định mà chỉ cần đáp ứng các điều kiện nêu trên thì sẽ được hưởng chế độ tai nạn lao động. 

(1) https://www.canlii.org/en/qc/laws/stat/cqlr-c-a-3.001/latest/cqlr-c-a-3.001.html#document  

(2) “industrial accident” means a sudden and unforeseen event, attributable to any cause, which happens to a person, arising out of or in the course of his work and resulting in an employment injury to him. 

(3) https://www.canlii.org/fr/qc/qctat/doc/2021/2021qctat5829/2021qctat5829.pdf  

(4) Marty Rabinovitch and David Heppenstall (2022), Employees Injured While Working from Home Could be Entitled to Workers’ Compensation, Devry Smith Frank LLP, https://devrylaw.ca/employees-injured-while-working-from-home-could-be-entitled-to-workers-compensation/  

(5) https://www.bsg.bund.de/SharedDocs/Pressemitteilungen/DE/2021/2021_37.html  

(6) Industrial Relations and Labour Law (2022), Germany: a case of occupational accident while working from home, https://industrialrelationsnews.ioe-emp.org/industrial-relations-and-labour-law-march-2022/news/article/germany-a-case-of-occupational-accident-while-working-from-home  

 


Khuyến cáo:

Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.

Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.

Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Lao động. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site. Switch to a production site key to remove this banner.