Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, việc tận dụng nguồn vốn vay từ nước ngoài đã trở thành một trong những giải pháp quan trọng giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực tài chính và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đặc biệt, các công ty con tại Việt Nam thường tìm đến các khoản vay ngắn hạn nước ngoài từ công ty mẹ hoặc các công ty khác trong cùng tập đoàn như một phương án linh hoạt để bổ sung nguồn vốn, giải quyết khó khăn trong phân bổ tài chính, hoặc hỗ trợ phát triển dự án kinh doanh. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích về tài chính, hình thức vay vốn này cũng đặt ra nhiều vấn đề pháp lý phức tạp cần được lưu ý nhằm đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn. Bài viết này sẽ đưa ra một số vấn đề pháp lý cơ bản mà doanh nghiệp Việt Nam cần nắm và tuân thủ.
1. Quy định pháp luật về khoản vay ngắn hạn nước ngoài
Theo quy định pháp luật hiện hành, vay nước ngoài được hiểu là “việc Bên đi vay nhận khoản tín dụng từ Người không cư trú thông qua việc ký kết và thực hiện các thỏa thuận vay nước ngoài dưới hình thức hợp đồng vay, hợp đồng mua bán hàng trả chậm, hợp đồng ủy thác cho vay, hợp đồng cho thuê tài chính hoặc phát hành công cụ nợ của Bên đi vay”.(1)
Vậy, đối tượng nào được xem là “Người không cư trú”? Căn cứ theo Điều 4.3 Pháp lệnh ngoại hối 2005 (sửa đổi 2013), “Người không cư trú” là các đối tượng không thuộc trường hợp được xem “Người cư trú” quy định tại Điều 4.2 của Pháp lệnh này.(2) Theo đó, các công ty thành lập tại nước ngoài, bao gồm công ty mẹ hoặc các công ty khác trong cùng tập đoàn ở nước ngoài, không thuộc các trường hợp được xem là Người cư trú. Vì vậy, các khoản vay mà doanh nghiệp Việt Nam nhận từ các đối tượng này thông qua các hợp đồng vay được xem là vay nước ngoài.
Theo định nghĩa tại Thông tư số 12/2014/TT-NHNN (“Thông Tư 12/2014”), khoản vay ngắn hạn nước ngoài là khoản vay nước ngoài có thời hạn vay đến 01 năm,(3) định nghĩa này được giữ nguyên tại Thông tư số 08/2023/TT-NHNN có hiệu lực kể từ ngày 15/8/2023 (“Thông Tư 08/2023”). Cho nên, trên thực tế, doanh nghiệp Việt Nam thường lựa chọn thời hạn vay tại các hợp đồng vay không vượt quá 365 ngày để đáp ứng điều kiện về khoản vay ngắn hạn nước ngoài.(4)
Tuy nhiên, việc vay nước ngoài không chỉ dừng lại ở việc đáp ứng thời hạn vay. Doanh nghiệp Việt Nam còn phải tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật liên quan, bao gồm: mục đích sử dụng vốn vay, điều kiện vay và trả nợ vay, quy định về đăng ký, báo cáo và các vấn đề pháp lý khác,…
2. Mục đích sử dụng khoản vay ngắn hạn nước ngoài
Về nguyên tắc, bên đi vay có trách nhiệm sử dụng vốn vay nước ngoài đúng mục đích hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. (5) Sau đây là chi tiết các mục đích sử dụng được phép theo quy định pháp luật từng thời kỳ:
a. Mục đích sử dụng khoản vay theo quy định tại Thông Tư 12/2014(6):
Bên đi vay được phép sử dụng khoản vay ngắn hạn nước ngoài để thực hiện các mục đích sau: (7)
(i) thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh, dự án đầu tư sử dụng vốn vay nước ngoài của Bên đi vay. Theo đó, các phương án sản xuất kinh doanh, dự án đầu tư sử dụng vốn vay nước ngoài phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định có liên quan của pháp luật Việt Nam và phù hợp với phạm vi giấy phép thành lập, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư,…
(ii) cơ cấu lại khoản nợ của bên đi vay mà không làm tăng chi phí vay.
b. Mục đích sử dụng khoản vay theo quy định tại Thông Tư 08/2023(8):
Bên đi vay không được sử dụng khoản vay ngắn hạn nước ngoài để thực hiện kế hoạch kinh doanh hoặc dự án đầu tư như quy định tại Thông Tư 12/2014. Bên đi vay chỉ được phép sử dụng các khoản vay ngắn hạn vào các mục đích sau:(9)
(i) cơ cấu lại các khoản nợ nước ngoài của bên đi vay;
(ii) thanh toán các khoản nợ ngắn hạn phải trả bằng tiền của bên đi vay (không bao gồm các khoản nợ gốc của khoản vay trong nước). Các khoản nợ ngắn hạn phải trả này là các khoản nợ phát sinh trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, kế hoạch sản xuất kinh doanh, dự án khác của bên đi vay. Các khoản nợ ngắn hạn phải trả sẽ được xác định căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành hướng dẫn về chế độ kế toán doanh nghiệp. Việc sử dụng khoản vay nước ngoài phải phù hợp với phạm vi giấy phép thành lập, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư,…
Vui lòng lưu ý rằng bên đi vay có trách nhiệm lưu trữ đầy đủ chứng từ, tài liệu, minh chứng việc sử dụng vốn vay nước ngoài phù hợp với mục đích vay nước ngoài nêu trên, chứng từ tài liệu liên quan đến việc thay đổi bảng kê nhu cầu sử dụng vốn (nếu có) theo quy định Thông Tư 08/2023. Bên đi vay phải xuất trình đầy đủ các tài liệu nêu trên để phục vụ việc thanh tra, kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay nước ngoài của cơ quan có thẩm quyền.(10)
Như vậy, doanh nghiệp Việt Nam khi vay ngắn hạn nước ngoài từ công ty mẹ cần phải lưu ý tuân thủ mục đích sử dụng khoản vay theo quy định tại Thông Tư 08/2023 nêu trên và lưu trữ đầy đủ chứng từ, tài liệu, minh chứng việc sử dụng vốn vay nước ngoài phù hợp với mục đích luật định.
3. Chế tài xử phạt đối với việc sử dụng khoản vay ngắn hạn nước ngoài không đúng mục đích
Hiện nay, các chế tài về xử phạt vi phạm hành chính vi phạm liên quan đến sử dụng khoản vay nước ngoài và hoạt động ngoại hối được quy định tại Nghị định số 88/2019/NĐ-CP (“Nghị Định 88/2019”). Tuy nhiên, Nghị Định 88/2019 chưa quy định một cách rõ ràng và chi tiết về chế tài xử phạt đối với việc sử dụng khoản vay nước ngoài không đúng mục đích.
Xét về bản chất, việc sử dụng khoản vay nước ngoài không đúng mục đích là một trong các hành vi không tuân thủ các quy định về vay, trả nợ nước ngoài được quy định tại Thông Tư 12/2014 và Thông Tư 08/2023. Căn cứ Điều 3.3 (b) và Điều 23.7 (a) Nghị Định 88/2019, đối với hành vi không chấp hành các quy định của pháp luật về vay, trả nợ nước ngoài, ngoại trừ các hành vi vi phạm liệt kê bên dưới, mức xử phạt vi phạm hành chính áp dụng đối với cá nhân vi phạm là 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng và đối với tổ chức vi phạm là 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng:
(i) Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về thủ tục hành chính việc đăng ký khoản vay nước ngoài, đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài;
(ii) Không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về việc mở, đóng, sử dụng tài khoản tại Việt Nam để thực hiện vay, trả nợ nước ngoài;
(iii) Thực hiện việc rút vốn, trả nợ đối với các khoản vay nước ngoài không đúng quy định của pháp luật;
Như vậy, doanh nghiệp Việt Nam có thể bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành các quy định của pháp luật về vay, trả nợ nước ngoài, bao gồm hành vi sử dụng khoản vay nước ngoài không đúng mục đích.
Trên đây là một số lưu ý liên quan đến sử dụng khoản vay nước ngoài ngắn han đúng mục đích. Trong các bài viết tiếp theo, chúng tôi sẽ đề cập thêm một số vấn đề khác liên quan đến khoản vay ngắn hạn nước ngoài cần lưu ý tuân thủ và chế tài xử phạt.
(1) Điều 3.1 Nghị Định 219/2013
(2) Điều 4.2 Pháp lệnh ngoại hối 2005 (sửa đổi 2013)
(3) Điều 2.1 Thông tư 12/2014
(4) Điều 146.1 (a) Bộ luật Dân sự 2015
(5) Điều 6.1 Thông Tư 08/2023
(6) Thông Tư 12/2014 có hiệu lực từ ngày 15/5/2014 đến hết ngày 14/8/2023
(7) Điều 5 Thông Tư 12/2014
(8) Thông Tư 08/2023 có hiệu lực từ ngày 15/8/2023
(9) Điều 17.1 Thông Tư 08/2023
(10) Điều 19.4 Thông Tư 08/2023
Bài viết liên quan:
1/ Doanh nghiệp tại Việt Nam vay ngắn hạn nước ngoài
2/ Xu hướng thắt chặt kiểm soát đối với mục đích khoản vay nước ngoài ngắn hạn
3/ Một Số Vấn Đề Về Vay Vốn Nước Ngoài Và phương thức Chuyển Tiền (Phần 2)
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ liên của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Doanh nghiệp và đầu tư. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Doanh nghiệp và đầu tư và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.