Trong quá trình hoạt động kinh doanh, nhiều doanh nghiệp lựa chọn tiếp cận các khoản vay từ các nguồn khác nhau để mở rộng hoạt động kinh doanh. Bên cạnh các khoản vay từ ngân hàng thương mại, doanh nghiệp cũng ưu tiên thực hiện phương thức huy động vốn từ những khoản vay từ chủ sở hữu, cổ động hiện tại hoặc từ các cá nhân, tổ chức khác bởi lẽ các khoản này thường có thể thương lượng về lãi suất, phương thức trả nợ và các điều khoản khác có lợi hơn so với việc vay vốn từ ngân hàng thương mại. Một trong những phương thức trả nợ được các Công Ty Việt Nam (là 100% vốn Việt Nam được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam) hay bên vay thường thương lượng là sẽ thực hiện chuyển đổi toàn bộ khoản vay, lãi vay (tùy thuộc vào thỏa thuận của các bên) thành vốn góp, cổ phần của bên cho vay vào Công Ty Việt Nam sau khi hết thời hạn vay để giảm bớt áp lực tài chính trả nợ vay. Theo đó, để thực hiện vay và chuyển đổi khoản vay thành vốn góp đúng quy định pháp luật, doanh nghiệp cần nắm rõ quy định vay và chuyển đổi khoản vay thành vốn góp, cổ phần.
1. Các quy định cần tuân thủ đối với khoản vay
Theo quy định của Bộ luật dân sự hiện hành, hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Theo đó, Công Ty Việt Nam thực hiện vay vốn từ các cá nhân, tổ chức là không trái quy định pháp luật Việt Nam.
1.1. Đối với các khoản vay với bên cho vay là các nhân, tổ chức trong nước
Đây sẽ được xem là khoản vay trong nước. Công Ty Việt Nam cần lưu ý rằng khoản vay phải được thực hiện bằng việc chuyển khoản thông qua tài khoản ngân hàng của các bên theo quy định của Chính phủ về việc thanh toán trong giao dịch tài chính của doanh nghiệp.
1.2. Đối với các khoản vay với bên cho vay là Nhà Đầu Tư Nước Ngoài
Đây sẽ được xem là khoản vay nước ngoài vì đây là quan hệ cho vay giữa người cư trú và người không cư trú. Theo đó, Công Ty Việt Nam và Nhà Đầu Tư Nước Ngoài cần lưu ý tuân thủ các quy định sau đây khi thực hiện vay nước ngoài:
– Đăng ký khoản vay: Công Ty Việt Nam sẽ không phải thực hiện thủ tục đăng ký khoản vay nước ngoài nếu khoản vay ngắn hạn có thời hạn vay dưới một (01) năm. Công Ty Việt Nam có nghĩa vụ phải thực hiện đăng ký khoản vay với Ngân hàng nhà nước trong trường hợp (i) khoản vay trung, dài hạn (có thời hạn trên một (01) năm); hoặc (ii) khoản vay ngắn hạn được gia hạn mà tổng thời hạn của khoản vay là trên 01 (một) năm; hoặc (iii) khoản vay ngắn hạn không có hợp đồng gia hạn nhưng còn dư nợ gốc tại thời điểm tròn 01 (một) năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên, trừ trường hợp Bên đi vay hoàn thành việc trả nợ khoản vay trong thời gian 10 (mười) ngày kể từ thời điểm tròn 01 (một) năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên.
– Mở và sử dụng tài khoản vay: Công Ty Việt Nam không phải là Doanh Nghiệp Có Vốn Đầu Tư Nước Ngoài nên phải mở tài khoản vay, trả nợ nước ngoài ở một ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản để thực hiện các giao dịch chuyển tiền liên quan đến khoản vay nước ngoài (rút vốn, trả nợ gốc, nợ lãi). Mỗi khoản vay nước ngoài chỉ được thực hiện qua 01 (một) ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản. Công Ty Việt Nam có thể dùng một (01) tài khoản cho một (01) hoặc nhiều khoản vay nước ngoài. Tuy nhiên, trong trường hợp bên đi vay là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, bên đi vay có thể sử dụng tài khoản vốn đầu tư trực tiếp để nhận khoản vay nước ngoài.
– Báo cáo tình hình thực hiện khoản vay: Định kỳ hàng tháng, chậm nhất vào ngày 05 của tháng tiếp theo kỳ báo cáo, Công Ty Việt Nam phải báo cáo trực tuyến tình hình thực hiện các khoản vay ngắn, trung và dài hạn tại Trang điện tử. Trường hợp Trang điện tử gặp lỗi kỹ thuật không thể gửi được báo cáo, bên đi vay gửi báo cáo đến Chi nhánh Ngân hàng nhà nước nơi Công Ty Việt Nam đặt trụ sở để báo cáo về tình hình thực hiện các khoản vay ngắn, trung và dài hạn.
2. Quy định về việc chuyển đổi khoản vay thành vốn góp
Giao dịch vay là quan hệ vay giữa bên đi vay và Công Ty Việt Nam. Do đó, giao dịch chuyển khoản vay thành vốn góp, cổ phần thực chất là việc Công Ty Việt Nam thực hiện tăng vốn điều lệ, phát hành thêm cổ phần mới để chi trả cho khoản vay từ bên đi vay, không phải nhận chuyển nhượng phần vốn góp,cổ phần từ thành viên, cổ đông hiện tại (sau đây gọi là “Chuyển Đổi Khoản Vay Thành Vốn Góp Truyền Thống”). Giao dịch chuyển đổi khoản vay thành vốn góp, cổ phần này sẽ không ảnh hưởng đến các khoản vốn góp, cổ phần hiện tại của các thành viên, cổ đông hiện tại.
Việc trả nợ khoản vay bằng cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp được quy định tại khoản 2 Điều 34 Thông tư 12/2022/TT-NHNN:
– Trả nợ dưới hình thức cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho bên cho vay;
– Trả nợ thông qua việc bên cho vay và bên đi vay thỏa thuận chuyển đổi dư nợ thành cổ phần hoặc phần vốn góp trong bên đi vay;
– Trả nợ thông qua việc bên cho vay và bên đi vay thỏa thuận hoán đổi dư nợ vay thành cổ phần hoặc phần vốn góp thuộc sở hữu của bên đi vay;
– Trả nợ các khoản vay nước ngoài trung, dài hạn thông qua thanh toán bù trừ các khoản phải thu trực tiếp với bên cho vay;
– Trả nợ thông qua tài khoản của bên đi vay mở tại nước ngoài (trong trường hợp bên đi vay được phép mở tài khoản ở nước ngoài để thực hiện khoản vay nước ngoài).
Thông qua việc cấn trừ khoản vay bằng khoản thanh toán mua phần vốn góp, cổ phần phát hành thêm tại Công Ty Việt Nam, trên thực tế sẽ không có sự xuất hiện của dòng tiền mua phần vốn góp, cổ phần được chuyển cho Công Ty Việt Nam từ thành viên, cổ đông là chủ sở hữu mới (bên cho vay). Vì vậy, cần lưu ý rằng Cơ Quan Đăng Ký Kinh Doanh và cơ quan thuế có thẩm quyền có thể yêu cầu thành viên, cổ đông là chủ sở hữu mới (bên cho vay) và Công Ty Việt Nam giải trình rõ về dòng tiền mua phần vốn góp, cổ phần, trong đó quan trọng nhất là Hợp đồng vay và Hợp đồng chuyển đổi khoản vay thành cổ phần.
Tuy nhiên, mở rộng phương thức chuyển đổi khoản vay thành vốn góp truyền thông, để chuyển đổi từ khoản vay của bên cho vay thành vốn góp, cổ phần của Công Ty Việt Nam có nguồn gốc từ vốn góp, cổ phần hiện tại cho các thành viên, cổ đông hiện hữu, các bên cần chuyển nghĩa vụ trả nợ vay từ Công Ty Việt Nam sang các thành viên, cổ đông hiện hữu (sau đây gọi là “Chuyển Đổi Khoản Vay Thành Vốn Góp Mở Rộng”). Phục vụ mục đích này, các bên cần ký kết 02 thỏa thuận cơ bản sau:
– Thỏa thuân ba bên về việc chuyển nghĩa vụ trả khoản vay từ Công Ty Việt Nam sang cho các thành viên, cổ đông hiện hữu, trong đó ghi nhận là các thành viên, cổ đông hiện hữu sẽ dùng phần vốn góp, cổ phần của mình tại Công Ty Việt Nam để trả khoản vay mà bên cho vay đã cấp cho Công Ty Việt Nam.
– Thỏa thuận chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần từ các thành viên, cổ đông hiện hữu cho bên cho vay, trong đó, các thành viên, cổ đông hiện hữu sẽ dùng chính phần vốn góp, cổ phần của mình để trả cho khoản vay nhận từ Công Ty Việt Nam.
Theo đó, tùy thuộc vào phương thức chuyển đổi, loại hình của Công Ty Việt Nam và bên cho vay là nhà đầu tư nước ngoài hay trong nước, quy trình thực hiện chuyển đổi thành vốn góp có thể khác nhau. Nhìn chung, việc thực hiện chuyển đổi khoản vay thành vốn góp gồm những giai đoạn như sau:
STT | Nội dung thực hiện |
Giai đoạn 1 | Đàm phán, thương lượng và soạn thảo thoả thuận để chuyển đổi khoản vay thành vốn góp (bao gồm nội dung thỏa thuận về tỷ lệ sở hữu cổ phẩn khi thực hiện chuyển đổi).
Đối với phương thức Chuyển Đổi Khoản Vay Thành Vốn Góp Mở Rộng. Sau khi hoàn tất bước trên, Các Bên có thể bắt đầu ký kết thoả thuận về việc chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần của thành viên, cổ đông hiện hữu. |
Giai đoạn 2 |
Đăng ký xin cấp chấp thuận cho Nhà Đầu Tư Nước Ngoài mua lại phần vốn góp/ góp thêm vốn vào Công Ty Việt Nam. Đây là thủ tục tiên quyết để Nhà Đầu Tư Nước Ngoài có thể tiến hành đầu tư tại Việt Nam. Tại thủ tục này, cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành thẩm định các điều kiện liên quan đến ngành nghề sản xuất kinh doanh áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài. Lưu ý: Nếu bên cho vay là cá nhân, tổ chức Việt Nam thì không cần thực hiện giai đoạn này. |
Giai đoạn 3 | Đăng ký thay đổi vốn điều lệ (nếu có) và cập nhật thành viên, cổ đông là bên cho vay trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Đối với phương thức Chuyển Đổi Khoản Vay Thành Vốn Góp Mở Rộng, việc xác định thời điểm hoàn tất chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần do các bên thoả thuận. |
Giai đoạn 4 | Thông báo về việc chuyển đổi khoản vay thành vốn góp với Ngân Hàng Nhà Nước. |
Việc chuyển đổi khoản vay thành vốn góp của doanh nghiệp là quyền được pháp luật cho phép thực hiện. Tuy nhiên, với đặc thù mỗi giao dịch khác nhau có thể có những nội dung khác nhau, phương thức chuyển đổi khoản vay thành vốn có thể chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định pháp luật trong và ngoài nước khác nhau. Khi thực hiện chuyển đổi khoản vay thành vốn góp, doanh nghiệp nên tham vấn thêm ý kiến từ luật sư, kế toán, ngân hàng những để đảm bảo giao dịch được thực hiện phù hợp theo quy định pháp luật.
Xem thêm bài viết: Quy định chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong công ty TNHH 2 thành viên trở lên
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ liên của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Doanh nghiệp và đầu tư. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Doanh nghiệp và đầu tư và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.