Theo báo cáo của Google, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đứng thứ 3 Đông Nam Á về quy mô, đạt 7 tỷ USD vào năm 2020, theo sau Indonesia (32 tỷ USD) và Thái Lan (9 tỷ USD). Dự kiến vào năm 2025, Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng cao nhất khu vực là 34%. Như vậy, tiềm năng phát triển đối với thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam là rất lớn và đây cũng là thị trường thu hút được nguồn vốn đầu tư ngoại. Tuy nhiên, để có thể tiếp cận thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam, các nhà đầu tư ngoại sẽ phải vượt qua rất nhiều rào cản pháp lý.
Theo định nghĩa tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP thì hoạt động thương mại điện tử là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác. Cũng theo Nghị định này, hoạt động thương mại điện tử được phân làm 02 loại bao gồm:
- Website thương mại điện tử bán hàng là website thương mại điện tử do các thương nhân, tổ chức, cá nhân tự thiết lập để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình.
- Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử là website thương mại điện tử do thương nhân, tổ chức thiết lập để cung cấp môi trường cho các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động thương mại. Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử bao gồm các loại sau: (i) Sàn giao dịch thương mại điện tử; (ii) Website đấu giá trực tuyến; (iii) Website khuyến mại trực tuyến; (iv) Các loại website khác do Bộ Công Thương quy định.
Đối với hoạt động website thương mại điện tử bán hàng, do đặc thù chỉ phục vụ cho mục đích giới thiệu hàng hóa, dịch vụ của chính thương nhân sở hữu website đó nên thông thường sẽ không yêu cầu thêm giấy phép con để hoạt động trừ việc phải thông báo với Bộ Công Thương về việc thiết lập website thương mại điện tử bán hàng. Trong trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện hoạt động bán lẻ hàng hóa thông qua website thương mại điện tử bán hàng, ngoài việc thực hiện thông báo website đến Bộ Công thương như đã đề cập, sẽ cần thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh cho hoạt động bán lẻ hàng hóa vì đây là hoạt động phân phối bán lẻ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Nghị định 09/2018/NĐ-CP.
Đối với hoạt động website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, về bản chất đây là hoạt động mà thương nhân cung cấp nền tảng cho các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động thương mại. Theo quy định tại Nghị định 09/2018/NĐ-CP, việc cung cấp dịch vụ thương mại điện tử là hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa. Đây là hoạt động có điều kiện đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, vì để có thể hoạt động thương mại điện tử, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bắt buộc phải được cấp giấy phép kinh doanh.
Điều kiện để cấp giấy phép kinh doanh theo quy định tại Nghị định 09/2018/NĐ-CP bao gồm:
- Đáp ứng điều kiện về tiếp cận thị trường tại Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
- Có kế hoạch về tài chính để thực hiện hoạt động đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh;
- Không còn nợ thuế quá hạn trong trường hợp đã thành lập tại Việt Nam từ 01 năm trở lên.
Tuy nhiên, do hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử là dịch vụ kinh doanh chưa được cam kết mở cửa thị trường trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Vì vậy, ngoài việc đáp ứng các điều kiện được nêu, các tiêu chí phụ sau đây sẽ được áp dụng để xem xét cấp phép trong trường hợp hợp cung cấp dịch vụ thương mại điện tử gồm:
- Phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành;
- Phù hợp với mức độ cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước trong cùng lĩnh vực hoạt động;
- Khả năng tạo việc làm cho lao động trong nước;
- Khả năng và mức độ đóng góp cho ngân sách nhà nước.
Trường hợp này, việc cấp giấy phép kinh doanh sẽ phụ thuộc vào năng lực của nhà đầu tư cũng như việc thẩm định của cơ quan có thẩm quyền là Bộ Công thương.
Sau khi đã được cấp giấy phép kinh doanh để thực hiện hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải thực hiện đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Bộ Công thương theo quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP. Đây là điều kiện áp dụng chung cho cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp có 100% vốn Việt Nam. Trong trường hợp không thực hiện việc đăng ký, doanh nghiệp có thể bị phạt tiền từ 40.000.000VNĐ đến 60.000.000VNĐ.
Trên đây là những điều kiên cơ bản nhất để doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thể thực hiện hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử. Bên cạnh các điều kiện tiếp cận thị trường đã nếu, trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp sẽ cần tuân thủ các quy định về lưu trữ thông tin theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP cũng như các quy định về bảo đảm an toàn thông tin theo quy định tại Luật An Toàn Thông Tin Mạng.