Thừa kế tài sản của người nước ngoài tại Việt Nam

Chính sách mở cửa đối với đầu tư nước ngoài đã và đang thu hút rất nhiều người nước ngoài đến Việt Nam sinh sống, làm việc. Không ít người đã tạo lập tài sản tại Việt Nam với giá trị không hề nhỏ. Khi người nước ngoài chết, việc khai nhận, phân chia tài sản tại Việt Nam của người chết được đặt ra và đôi lúc trở nên khá phức tạp, thậm chí không giải quyết được bởi sự xung đột pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật giữa hai quốc gia. Bài viết này nhằm chia sẻ đến người đọc các vấn đề pháp lý và thực tế xử lý các vụ việc thừa kế tài sản của người nước ngoài tại Việt Nam. 

Áp dụng pháp luật  

Khi người chết là người nước ngoài, có hai hệ thống pháp luật sẽ được xem xét áp dụng: một là pháp luật của người chết mang quốc tịch, hai là pháp luật nơi có tài sản. Pháp luật Việt Nam quy định nguyên tắc áp dụng tại Điều 680 Bộ Luật Dân Sự 2015 như sau: 

Điều 680. Thừa kế

1. Thừa kế được xác định theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch ngay trước khi chết.

2. Việc thực hiện quyền thừa kế đối với bất động sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.

Theo quy định ở trên là một quy định dẫn chiếu và giải quyết 2 vấn đề: 

Vấn đề 1: Xác định ai là người thừa kế, ai bị truất quyền thừa kế và mỗi người thừa kế được chia bao nhiêu phần của di sản sẽ được xác định theo pháp luật của nước nơi người để lại di sản mang quốc tịch. 

Vấn đề 2: Việc thực hiện quyền thừa kế đối với bất động sản sẽ được xác định theo pháp luật của nơi có bất động sản đó. Việc thực hiện quyền thừa kế đối với động sản (tiền trong tài khoản, cổ phiếu, phần vốn góp, xe ô tô…) không quy định rõ ràng sẽ áp dụng luật nào. Tuy nhiên, với quy định trên, có thể giải thích pháp luật của nước nơi người chết mang quốc tịch sẽ được áp dụng. 

Quy định trên là không khó hiểu. Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện lại gặp phải các vướng mắc như sau. 

Vướng mắc trên thực tiễn 

Một ví dụ như sau: 

Ông Mike là người có quốc tịch Trung Quốc. Ông làm việc và có mở một tài khoản tại một ngân hàng tại Việt Nam, trong tài khoản có 500.000 USD. Ông Mike chết không để lại di chúc. Ông có vợ, 01 người con trai, cha, mẹ ruột còn sống. Tất cả những người thừa kế của Ông đều là người Trung Quốc và không có tranh chấp.  

Làm sao để những người thừa kế có thể rút số tiền của ông Mike ra khỏi ngân hàng và phân chia? 

Thông thường khi những người thừa kế đến làm việc với ngân hàng, ngân hàng sẽ yêu cầu những người thừa kế cung cấp một trong hai loại tài liệu sau: (i) Văn bản khai nhận và phân chia di sản thừa kế có công chứng; (ii) Bản án của tòa án xác định ai là người thừa kế của ông Mike và thừa kế bao nhiêu? 

Thực tế, không dễ để những người thừa kế của ông Mike có thể có được một trong hai tài liệu trên. Các vướng mắc sau cần phải được giải quyết: 

(1) Đối với giải pháp khai nhận và phân chia di sản tại phòng công chứng 

Công chứng viên tại Việt Nam sẽ không thể xác định được, theo pháp luật Trung Quốc, ai là người thừa kế hợp pháp của ông Mike và mỗi người thừa kế được chia bao nhiêu phần. Do đó, công chứng viên sẽ yêu cầu những người thừa kế cung cấp một tài liệu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Trung Quốc (chẳng hạn tòa án) có nội dung xác định ai là người được quyền thừa kế tiền trong tài khoản của ông Mike tại Việt Nam và mỗi người được thừa kế bao nhiêu. Tài liệu này phải được hợp pháp hóa lãnh sự trước khi cung cấp cho công chứng viên. 

Tuy nhiên, khi những người thừa kế về Trung Quốc và yêu cầu tòa án/cơ quan Nhà nước của Trung Quốc phát hành tài liệu như vậy thì lại không được chấp nhận. Lý do là vì tài khoản của ông Mike được mở tại ngân hàng nằm ngoài lãnh thổ Trung Quốc, tòa án/cơ quan Nhà nước Trung Quốc không thể xác định được tính có thật và tính hợp pháp của tài khoản này theo pháp luật Trung Quốc.  

Như vậy, câu chuyện con gà, quả trứng lại được đưa ra và không có câu trả lời. 

(2) Đối với việc yêu cầu tòa án tại Việt Nam phân chia tài sản 

Việc yêu cầu tòa án tại Việt Nam phân chia số tiền trong tài khoản của ông Mike cũng là một giải pháp. Theo quy định tại Điều 667 Bộ Luật Dân sự năm 2015, pháp luật nước ngoài có thể được tòa án tại Việt Nam xem xét áp dụng. Có nghĩa rằng, theo quy định, tòa án Việt Nam có thể xem xét và áp dụng pháp luật của Trung Quốc để xác định ai là người được thừa kế và thừa kế bao nhiêu đối với tài khoản của ông Mike. Tuy nhiên, theo hiểu biết của người viết, việc tòa án Việt Nam viện dẫn và áp dụng pháp luật nước ngoài là chưa có tiền lệ. Yêu cầu này của những người thừa kế có thể sẽ bị kéo dài rất lâu mới có câu trả lời. 

Giải pháp nào là khả thi? 

Trong thực tiễn hành nghề, người viết đã vận dụng các quy định của pháp luật Việt Nam để đưa ra một giải pháp khả thi, được cả công chứng viên và ngân hàng chấp nhận. Xin chia sẻ như sau: 

Căn cứ pháp lý: 

Căn cứ Khoản 1, Điều 616 Bộ Luật Dân Sự 2015, những người thừa kế có quyền thỏa thuận cử người quản lý di sản. 

Điểm a, Khoản 1, Điều 618 Bộ Luật Dân Sự 2015 quy định, người quản lý di sản được quyền đại diện cho những người thừa kế trong quan hệ với người thứ ba liên quan đến di sản thừa kế. 

Như vậy, chỉ cần cử được người quản lý di sản, người này sẽ có thẩm quyền thực hiện giao dịch với ngân hàng để rút tiền từ tài khoản của ông Mike. 

Trình tự thực hiện: 

Để xác định ai là người thừa kế của ông Mike, cần có một bản án/quyết định của tòa án Trung Quốc cho việc phân chia một tài sản nào đó của ông Mike tại Trung Quốc. Nội dung bản án sẽ xác định ai là người thừa kế theo pháp luật của ông Mike. 

Những người thừa kế của ông Mike (theo nội dung bản án) sẽ cùng đến phòng công chứng tại Việt Nam để lập một thỏa thuận cử người quản lý di sản. Thỏa thuận này sẽ được công chứng viên tại Việt Nam chứng nhận. 

Người được cử quản lý di sản sẽ sử dụng văn bản được công chứng viên tại Việt Nam chứng nhận để làm việc với ngân hàng. Các ngân hàng sẽ chấp nhận tư cách của người được cử quản lý di sản và cho phép thực hiện giao dịch. 

Sau khi nhận được tài sản, những người thừa kế sẽ tự phân chia cho nhau hoặc yêu cầu tòa án của Trung Quốc phân chia. 

Xin lưu ý rằng, cách thức xử lý nêu trên có thể áp dụng đối với các tài sản khác. Điều kiện thực hiện là những người được thừa kế không có tranh chấp. 

Khuyến cáo:

Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.

Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ liên của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.

Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Giải quyết tranh chấp. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Giải quyết tranh chấp và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site. Switch to a production site key to remove this banner.