Dù chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập dựa trên sự thỏa thuận của các bên nhưng sự thỏa thuận này phải nằm trong khuôn khổ của pháp luật. Do đó, thực tế sẽ có những trường hợp thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu. Bài viết sau đây trình bày các trường hợp thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu và hậu pháp lý của nó theo quy định của pháp luật Việt Nam.
1. Các trường hợp thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu
Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng suy cho cùng chính là một giao dịch dân sự và giao dịch dân sự này không chỉ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia thỏa thuận mà còn là bên thứ ba. Do đó, nếu thỏa thuận không đáp ứng các điều kiện do pháp luật đặt ra hoặc xâm phạm đến quyền lợi của bên thứ ba, thỏa thuận có thể bị tuyên bố vô hiệu một phần hay toàn bộ. Các trường hợp thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu đã được quy định tại Điều 50 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:
- Trường hợp 1: Không tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch được quy định tại Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan
Như đã trình bày, thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng là một giao dịch dân sự nên phải tuân thủ các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự. Điều kiện trước tiên có thể ngay lập tức được đề cập chính là điều kiện để một giao dịch dân sự theo quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015. Cụ thể, giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây: (i) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; (ii) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện; (iii) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Đối với các luật khác có liên quan, do các bên xác lập thỏa thuận dựa trên quan hệ hôn nhân, do đó, nếu các bên không đáp ứng điều kiện kết hôn quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì thỏa thuận sẽ bị vô hiệu. Trong đó nổi bật nhất là điều kiện về chủ thể thực hiện việc kết hôn phải là một người nam và từ đủ 20 tuổi trở lên kết hôn với một người nữ và từ đủ 18 tuổi trở lên.
Theo thống kê của tổ chức Human Rights Campaign, hiện nay có khoảng 34 quốc gia và vùng lãnh thổ đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới.1 Do đó, tại một số quốc gia và vùng lãnh thổ, bên cạnh chủ thể truyền thống là nam và nữ thì còn có trường hợp chủ thể của hợp đồng tiền hôn nhân là những người đồng giới.2 Tuy nhiên, tại Việt Nam, khoản 2 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định rõ việc Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính. Do đó, chủ thể giao kết thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng theo pháp luật Việt Nam phải đáp ứng điều kiện là một người nam và một người nữ. Đồng thời, người nam và người nữ này phải đáp ứng điều kiện về độ tuổi kết hôn, tức nam từ đủ 20 tuổi trở lên và nữ từ đủ 18 tuổi trở lên.
- Trường hợp 2: Vi phạm một trong các quy định tại các điều 29, 30, 31 và 32 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014
Các quy định tại Điều 29, 30, 31, 32 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 tạo thành một chế độ tài sản cơ sở mà dù là chế độ tài sản thỏa thuận hay chế độ tài sản theo luật định cũng phải tuân thủ.3 Do đó, nếu thỏa thuận vi phạm các quy định về nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng, quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng trong việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình, giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng, giao dịch với người thứ ba ngay tình liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán và động sản khác mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng sẽ bị vô hiệu.
Để giải thích rõ hơn về trường hợp này, Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP quy định thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu do vi phạm quyền được bảo đảm chỗ ở của vợ, chồng quy định tại Điều 31 và điểm b khoản 1 Điều 50 của Luật hôn nhân và gia đình là trường hợp thỏa thuận đó cho phép một bên được quyền định đoạt nhà ở là nơi ở duy nhất của vợ chồng dẫn đến vợ, chồng không có chỗ ở hoặc không bảo đảm chỗ ở tối thiểu về diện tích, điều kiện sinh hoạt, an toàn, vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật về nhà ở.4
- Trường hợp 3: Nội dung của thỏa thuận vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình
Như đã nêu, thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng không chỉ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia thỏa thuận mà còn là bên thứ ba, đặc biệt là các thành viên trong gia đình. Do đó, các thỏa thuận vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và các thành viên khác của gia đình sẽ bị vô hiệu.
Theo hướng dẫn tại điểm b khoản 2 Điều 6 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP, nội dung của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu do vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và các thành viên khác của gia đình quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 của Luật hôn nhân và gia đình là trường hợp thỏa thuận đó nhằm trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng quy định từ Điều 110 đến Điều 115 của Luật hôn nhân và gia đình hoặc để tước bỏ quyền thừa kế của những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc theo quy định của Bộ luật dân sự hoặc vi phạm các quyền, lợi ích hợp pháp của cha, mẹ, con và các thành viên khác của gia đình đã được Luật hôn nhân và gia đình và pháp luật khác có liên quan quy định.
Cụ thể hơn, Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP đã đưa ra hai ví dụ về trường hợp thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu như sau:
Ví dụ 1: Ông A đang có nghĩa vụ cấp dưỡng cho anh B. Sau đó ông A kết hôn với bà C và thỏa thuận chuyển giao toàn bộ tài sản của mình cho bà C, do đó, không còn tài sản để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho anh B. Trong trường hợp này thỏa thuận về tài sản giữa ông A và bà C bị vô hiệu.
Ví dụ 2: Anh A có con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động. Sau đó, anh A kết hôn với chị B. Anh A và chị B đã thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng, trong đó có nội dung toàn bộ tài sản của anh A sẽ do chị B thừa hưởng khi anh A chết. Trong trường hợp này, nội dung thỏa thuận về chế độ tài sản giữa anh A và chị B bị vô hiệu đối với phần tài sản của anh A mà người con bị mất năng lực hành vi dân sự được thừa kế theo quy định của pháp luật.
2. Chủ thể có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu
Chủ thể có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu do thỏa thuận thuộc một trong các trường hợp nêu trên bao gồm: (i) Vợ, chồng hoặc vợ chồng đã thỏa thuận về chế độ tài sản; (ii) Người bị xâm phạm, người giám hộ của người bị xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp do có thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng. Lúc này, trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu Tòa án tuyên bố thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.5
3. Hậu quả pháp lý của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu
Về việc giải quyết hậu quả pháp lý của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu, Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP quy định rõ trường hợp thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được áp dụng. Đối với trường hợp thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị tuyên bố vô hiệu một phần thì các nội dung không bị vô hiệu vẫn được áp dụng; đối với phần nội dung bị vô hiệu thì các quy định tương ứng về chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được áp dụng.6
Thông qua việc tìm hiểu về các trường hợp thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu, các bên tham gia thỏa thuận cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật về điều kiện và nội dung để thỏa thuận có hiệu lực pháp luật, bảo vệ ý chí và mong muốn của các bên khi tham gia loại thỏa thuận này.
(1) https://www.hrc.org/resources/marriage-equality-around-the-world.
(2) Ngô Văn Hiệp (2022), Hợp đồng tiền hôn nhân – Lý luận và thực tiễn, Tạp chí Luật sư Việt Nam.
(3) Trần Thị Nhung, Võ Văn Tuấn Khanh (2022), Bàn về chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận quy định trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử.
(4) Điểm a khoản 2 Điều 6 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP.
(5) Điều 5 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP.
(6) Khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP.
(7) Human Rights Campaign Foundation. (2023). Marriage Equality Around the World. Accessed on 01/03/2024,https://www.hrc.org/resources/marriage-equality-around-the-world.
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Giải quyết tranh chấp. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.