Trong quá trình phân phối hàng hoá, các nhà cung cấp thường ban hành chính sách bán hàng trong đó bao gồm chính sách giá áp dụng thống nhất trong hệ thống phân phối của mình. Việc quản lý giá cả hàng hóa và dịch vụ là một yếu tố quan trọng không chỉ đối với các doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến sự công bằng và minh bạch của thị trường. Tuy nhiên, một số trường hợp thỏa thuận giữa nhà cung cấp và nhà phân phối về giá lại gây ra những tác động xấu đến giá cả thị trường và quyền lợi của người tiêu dùng do đó có thể vi phạm các quy định pháp luật về cạnh tranh. Bài viết này sẽ phân tích các quy định pháp luật liên quan đến hành vi thỏa thuận ấn định giá hàng hóa và dịch vụ giữa nhà cung cấp và nhà phân phối cũng như các chế tài xử phạt tương ứng.
1. Điều kiện để thoả thuận ấn định giá bán lại hàng hoá giữa nhà cung cấp và nhà phân phối là thoả thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định pháp luật
Đối với trường hợp các doanh nghiệp kinh doanh ở các công đoạn khác nhau trong cùng một chuỗi sản xuất, phân phối hàng hoá như nhà cung cấp và nhà phân phối thì một thoả thuận có thể bị cấm nếu đáp ứng một thoả thuận giữa các điều kiện sau đây:
(i) Thoả thuận giữa nhà cung cấp và nhà phân phối là thoả thuận hạn chế cạnh tranh;
(ii) Thỏa thuận gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường.
Theo đó, thoả thuận ấn định giá bán lại hàng hoá giữa nhà cung cấp và nhà phân phối, dù trực tiếp hay gián tiệp, được xác định là thoả thuận hạn chế cạnh tranh theo Điều 11.1 Luật cạnh tranh 2018. Tuy nhiên, xét về biểu hiện cụ thể của thoả thuận ấn định giá bán hàng hoá thì hiện nay pháp luật cạnh tranh chưa có quy định hoặc hướng dẫn cụ thể.
Dựa trên thực tiễn áp dụng pháp luật cạnh tranh trên thế giới và thông lệ của Việt Nam, thỏa thuận ấn định giá một cách trực tiếp hoặc gián tiếp có thể thể hiện qua các hành vi sau đây:
- Thoả thuận ấn định giá trực tiếp:
-
- Thỏa thuận áp dụng các mức giá cụ thể đối với hàng hóa, dịch vụ;
-
- Thỏa thuận tăng giá ở một mức cụ thể hoặc thống nhất về tỉ lệ tăng giá;
-
- Thỏa thuận không giảm giá hoặc chỉ giảm giá ở một mức cụ thẻ hoặc thống nhất về tỉ lệ giảm giá;
-
- Thỏa thuận áp dụng công thức tính giá hoặc các yếu tố cấu thành giá;
-
- Thỏa thuận về mức giá tối thiểu của hàng hóa, dịch vụ;
-
- Thỏa thuận về xác định hoặc duy trì giá trong một khoảng nhất định;
-
- Thỏa thuận về việc phải thông tin, tham vấn lẫn nhau mỗi khi tăng hoặc giảm giá bán hàng hóa, dịch vụ;
-
- Thỏa thuận về các mức giá của hàng hóa, dịch vụ để đàm phán ký kết hợp đồng với một bên thứ ba bất kỳ.
- Thỏa thuận ấn định giá hàng hóa gián tiếp:
-
- Các hành vi thỏa thuận trên đây nhưng áp dụng đối với các hàng hóa, dịch vụ khác có liên quan;
-
- Thỏa thuận không chiết khấu, không khuyến mại, không cấp tín dụng hoặc không thực hiện các chương trình hậu mãi, chăm sóc khách hàng hoặc các điều kiện thương mại có liên quan trực tiếp đến giá khác;
-
- Thỏa thuận giữa nhà cung cấp với các đại lý, nhà phân phối về giá bán lại tối thiểu hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng;
-
- Trao đổi thông tin về giá và các chương trình khuyến mại, giảm giá, chiết khấu.
Về hệ quả của thoả thuận hạn chế cạnh tranh, đây là một điều kiện tiên quyết để xác định thoả thuận ấn định giá bán hàng hoá của nhà cung cấp và nhà phân phối có vi phạm pháp luật cạnh tranh hay không. Theo Điều 11.3 Nghị định 35/2020/NĐ-CP, thoả thuận hạn chế cạnh tranh không gây tác động hoặc không có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường khi thị phần của từng doanh nghiệp tham gia thoả thuận nhỏ hơn 15%.
2. Xử phạt vi phạm hành chính do vi phạm pháp luật cạnh tranh
Theo quy đinh tại Điều 4 và Điều 7 Nghị định 75/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh do Chính Phủ ban hành ngày 26/09/2019, nhà cung cấp và nhà phân phối có thể bị xử phạt theo các hình thức sau:
- Hình thức xử phạt chính: phạt tiền từ 1% đến 5% tổng doanh thu trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kê trước năm thực hiện hành vi vi phạm. Trường hợp tổng doanh thu trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm được xác định bằng 0 (không) thì áp dụng mức phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng.
- Hình thức xử phạt bổ sung: tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.
- Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc loại bỏ những điều khoản vi phạm pháp luật ra khỏi hợp đồng, thỏa thuận hoặc giao dịch kinh doanh.
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến [@lĩnh vực]. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.