Thẩm định dự án chăn nuôi trang trại quy mô lớn (p1)

Dự án đầu tư kinh doanh trang trại chăn nuôi quy mô lớn là một trong các dự án được các nhà đầu tư trong nước quan tâm và tìm kiếm cơ hội đầu tư. Một trong những phương thức giúp các nhà đầu tư sở hữu dự án là thông qua việc nhận chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp thực hiện dự án. Đây là một phương thức giao dịch nhanh chóng và không quá phức tạp về mặt thủ tục, nhưng có thể để lại rủi ro cho nhà đầu tư liên quan đến vi phạm của doanh nghiệp thực hiện dự án trước khi các bên thực hiện giao dịch chuyển nhượng vốn. Bài viết này nêu lên và phân tích một số vấn đề liên quan đến pháp lý đầu tư mà nhà đầu tư cần lưu ý trước khi quyết định nhận chuyển nhượng vốn từ doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư trang trại chăn nuôi quy mô lớn mà không thuộc trường hợp đấu giá, đấu thầu. 

Xem phần 2 tại đây: Thẩm định dự án chăn nuôi trang trại quy mô lớn (p2)

1. Ký quỹ đầu tư  

Căn cứ Điều 43.1 Luật Đầu Tư 2020, chủ đầu tư dự án đầu tư phải ký quỹ hoặc phải có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án trong các trường hợp dự án có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, trừ một số trường hợp đặc biệt được liệt kê tại Điều 43.1 Luật Đầu Tư 2020(1).  

Mức ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư từ 01% đến 03% vốn đầu tư của dự án đầu tư, tùy vào quy mô, tính chất và tiến độ thực hiện của từng dự án đầu tư(2). Cụ thể:  

  • Đối với phần vốn đến 300 tỷ đồng, mức bảo đảm là 3%; 
  • Đối với phần vốn trên 300 tỷ đồng đến 1.000 tỷ đồng, mức bảo đảm là 2%; 
  • Đối với phần vốn trên 1.000 tỷ đồng, mức bảo đảm là 1%. 

Thời hạn để hoàn tất nghĩa vụ ký quỹ là:  

  • sau khi được cấp Quyết định chấp thuận nhà đầu tư, Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư hoặc Quyết định chấp thuận nhà đầu tư (sau đây gọi chung là “Chấp Thuận Chủ Trương Đầu Tư”) và 
  • trước khi tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (đối với trường hợp nhà đầu tư không tạm ứng tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư) hoặc trước thời điểm ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (đối với trường hợp nhà đầu tư đã tạm ứng tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư)(3). 

Trong trường hợp chủ đầu tư không hoàn thành nghĩa vụ ký quỹ đúng thời hạn, dự án có rủi ro bị buộc chấm dứt theo Điều 48.2.đ Luật Đầu Tư 2020. Do đó, các nhà đầu tư cần kiểm tra kỹ vấn đề này trước khi tham gia vào giao dịch chuyển nhượng. 

2. Tiến độ thực hiện dự án 

Hiện nay, không ít các dự án đầu tư trang trại chăn nuôi gặp phải các vấn đề khó khăn khi triển khai dự án sau khi đã được chấp thuận đầu tư, dẫn đến dự án không được triển khi đúng tiến độ như quy định tại văn bản Chấp Thuận Chủ Trương Đầu Tư. Đây là một rủi ro đáng lưu ý, vì việc chậm tiến độ có thể là cơ sở dẫn đến dự án bị áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính hoặc thậm chí là buộc phải chấm dứt dự án. Cụ thể:  

  • Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện thủ tục xin chấp thuận điều chỉnh văn bản Chấp Thuận Chủ Trương Đầu Tư đối với các trường hợp phải điều chỉnh theo quy định pháp luật. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện thủ tục chấp thuận điều chỉnh  trên.(4)
  • Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi Ngừng hoạt động của dự án đầu tư với tổng thời gian quá 12 tháng. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiếp tục thực hiện dự án đầu tư theo tiến độ quy định tại văn bản Chấp Thuận Chủ Trương Đầu Tư.(5) 

Ngoài ra, cần lưu ý rằng pháp luật hiện nay chỉ cho phép gia hạn tiến độ thực hiện dự án không quá 24 tháng so với tiến độ đã được chấp thuận tại Chấp Thuận Chủ Trương Đầu Tư, trừ trường hợp Dự Án bị chậm tiến độ một số trường hợp đặc biệt tại Điều 41.4 Luật Đầu Tư 2020 

Tóm lại, việc mua lại vốn trong các dự án trang trại chăn nuôi quy mô lớn mang lại các cơ hội hấp dẫn cho các nhà đầu tư nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro liên quan đến việc tuân thủ quy định pháp luật, đặc biệt là về nghĩa vụ ký quỹ và tuân thủ tiến độ thực hiện dự án. Do đó, nhà đầu tư cần lưu ý các điểm này trong quá trình thẩm định dự án. 

(1) Tham khảo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại: Nhà đầu tư phải ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án (baochinhphu.vn) 

(2) Điều 43.2 Luật Đầu Tư 2020 và Điều 26.2 Nghị định 31/2021/NĐ-CP 

(3) Điều 26.5 Nghị định 31/2021/NĐ-CP 

(4) Điều 17.2.c, Điều 17.3.c, Điều 4.2 Nghị định 122/2021/NĐ-CP 

(5) Điều 19.2.c, Điều 19.4.d, Điều 4.2 Nghị định 122/2021/NĐ-CP, Điều 48.2.c Luật Đầu Tư 2020 

Bài viết liên quan:

1/ Những điều cần biết khi thẩm định thiết kế xây dựng

2/ Phương pháp xác định giá trị tài sản vô hình khi tiến hành thẩm định

3/ Những điều cần lưu ý khi thẩm định xin cấp giấy phép môi trường


Khuyến cáo:

Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.

Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ liên của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.

Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Doanh nghiệp và đầu tư. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Doanh nghiệp và đầu tư và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo