Sáp nhập các công ty vốn đầu tư nước ngoài có cùng chủ sở hữu

Một số Nhà Đầu Tư Nước Ngoài thành lập nhiều công ty tại Việt Nam để hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực khác nhau, mỗi công ty có thể sở hữu một hoặc vài nhà máy sản xuất riêng biệt trong các khu công nghiệp. Sau một thời gian hoạt động, Nhà Đầu Tư Nước Ngoài nhận thấy việc tồn tại song song nhiều công ty sẽ làm hao tổn nguồn nhân lực, phát sinh thêm chi phí để duy trì và quản lý hoạt động kinh doanh. Do đó, các Nhà Đầu Tư Nước Ngoài có xu hướng tái cấu trúc, thực hiện hợp nhất hoặc sáp nhập để tồn tại và vận hành duy nhất một công ty cho toàn bộ hoạt động kinh doanh ở Việt Nam.  

Đây là việc tái cấu trúc nội bộ các công ty thuộc sở hữu của một Nhà Đầu Tư Nước Ngoài nên phương án sáp nhập được ưu tiên hơn so với phương án hợp nhất. Nhà Đầu Tư Nước Ngoài được quyền lựa chọn một công ty của mình là Công Ty Nhận Sáp Nhập để tiếp tục hoạt động kinh doanh và Công Ty Bị Sáp Nhập sẽ bị chấm dứt hoạt động. Công Ty Nhận Sáp Nhập được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ, các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của Công Ty Bị Sáp Nhập. Công Ty Nhận Sáp Nhập đương nhiên kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ, và lợi ích hợp pháp của các Công Ty Bị Sáp Nhập theo Hợp Đồng Sáp Nhập. 

Mặc dù quyết định sáp nhập có thể được thông qua một cách dễ dàng do cùng chủ sở hữu, nhưng các công ty có vốn đầu tư nước ngoài vẫn phải tuân thủ quy định của pháp luật và thực hiện các thủ tục hành chính phức tạp để sáp nhập công ty.

1. Thông qua Hợp Đồng Sáp Nhập và Điều Lệ của Công Ty Nhận Sáp Nhập

Điều 201.2.a Luật Doanh Nghiệp 2020 quy định các công ty tham gia sáp nhập chuẩn bị Hợp Đồng Sáp Nhập và dự thảo Điều Lệ của Công Ty Nhận Sáp Nhập. Mặc dù, đây là giao dịch sáp nhập các công ty có cùng chủ sở hữu nhưng Hợp Đồng Sáp Nhập vẫn phải được ký kết và có đầy đủ các nội dung sau:  

(i) thủ tục và điều kiện sáp nhập;  

(ii) phương án sử dụng lao động;  

(iii) cách thức, thủ tục, thời hạn và điều kiện chuyển đổi tài sản, chuyển đổi phần vốn góp của Công Ty Bị Sáp Nhập thành phần vốn góp của Công Ty Nhận Sáp Nhập;  

(iv) thời hạn thực hiện sáp nhập. 

Nhà Đầu Tư Nước Ngoài là chủ sở hữu của các công ty phải thông qua Hợp Đồng Sáp Nhập và Điều Lệ của Công Ty Nhận Sáp Nhập. Sau đó, các công ty phải gửi Hợp Đồng Sáp Nhập đến tất cả chủ nợ và thông báo cho Người Lao Động biết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thông qua.

2. Công Ty Nhận Sáp nhập đăng ký sáp nhập và Công Ty Bị Sáp Nhập quyết toán, chuyển giao nghĩa vụ thuế

Công Ty Nhận Sáp Nhập chịu trách nhiệm thực hiện thủ tục đăng ký sáp nhập tại Sở Kế Hoạch và Đầu Tư nơi Công Ty Nhận Sáp Nhập có trụ sở chính, theo đó: 

(i) Trường hợp sau khi sáp nhập mà nội dung đăng ký doanh nghiệp của Công Ty Nhận Sáp Nhập có thay đổi, trong vòng 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc sáp nhập, Công Ty Nhận Sáp Nhập nộp hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Điều 61.2 Nghị Định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký kinh doanh. 

(ii) Trường hợp sau khi sáp nhập mà nội dung đăng ký doanh nghiệp của Công Ty Nhận Sáp Nhập không thay đổi (Giấy Chứng Nhận Đăng Ký Doanh Nghiệp của Công Ty Nhận Sáp Nhập không bị thay đổi bất kỳ thông tin nào), trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc sáp nhập, Công Ty Nhận Sáp Nhập gửi thông báo bằng văn bản đến Sở Kế Hoạch và Đầu Tư nơi Công Ty Nhận Sáp Nhập có trụ sở chính để thực hiện chấm dứt tồn tại của Công Ty Bị Sáp Nhập (Điều 73.4 Nghị Định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký kinh doanh). 

Sau khi Công Ty Nhận Sáp Nhập được cấp Giấy Chứng Nhận Đăng Ký Doanh Nghiệp trong trường hợp (i) hoặc sau khi Công Ty Nhận Sáp Nhập gửi thông báo về việc sáp nhập trong trường hợp (ii) ở trên, Công Ty Bị Sáp Nhập chuyển sang tình trạng pháp lý đã bị sáp nhập. Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi Công Ty Bị Sáp Nhập đặt trụ sở chính gửi thông tin cho Cơ quan thuế. Cơ quan thuế có trách nhiệm gửi thông tin cho Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc Công Ty Bị Sáp Nhập đã hoàn thành việc quyết toán và chuyển giao nghĩa vụ thuế.  

Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin của Cơ quan thuế về việc Công Ty Bị Sáp Nhập hoàn thành việc quyết toán và chuyển giao nghĩa vụ thuế, Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi Công Ty Bị Sáp Nhập đặt trụ sở chính thực hiện cập nhật tình trạng pháp lý chấm dứt tồn tại đối với Công Ty Bị Sáp Nhập trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện việc chấm dứt tồn tại chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của Công Ty Bị Sáp Nhập trước khi chấm dứt tồn tại của các công ty này trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. 

3. Điều chỉnh Dự Án Đầu Tư và xin cấp các giấy phép, giấy chứng nhận sau khi hoàn tất sáp nhập

Đối với các Dự Án Đầu Tư của Công Ty Nhận Sáp Nhập: Công Ty Nhận Sáp Nhập vẫn tiếp tục thực hiện như thời điểm trước sáp nhập. Trường hợp Công Ty Nhận Sáp Nhập đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp và có thông tin khác so với thông tin trong Giấy Chứng Nhận Đăng Ký Đầu Tư, ví dụ như thay đổi tên công ty, thì phải thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy Chứng Nhận Đăng Ký Đầu Tư. 

Đối với các Dự Án Đầu Tư của Công Ty Bị Sáp Nhập: Công Ty Nhận Sáp Nhập được kế thừa và tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Công Ty Bị Sáp Nhập đối với Dự Án Đầu Tư của Công Ty Bị Sáp Nhập. Theo đó, Công Ty Nhận Sáp Nhập được kế thừa các ưu đãi đầu tư áp dụng đối với Dự Án Đầu Tư (nếu có) trước khi sáp nhập nếu vẫn đáp ứng các điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư. Sau khi hoàn tất việc sáp nhập, Công Ty Nhận Sáp Nhập thực hiện thủ tục điều chỉnh Dự Án Đầu Tư của Công Ty Bị Sáp Nhập theo quy định tại Điều 51 của Nghị Định 31/2021/NĐ-CP. Mặc dù cơ quan đăng ký đầu tư sẽ thẩm định lại chủ sở hữu là Nhà Đầu Tư Nước Ngoài có đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 24.2 của Luật Đầu Tư 2020, để có cơ sở cho phép tiếp tục thực hiện Dự Án Đầu Tư của Công Ty Bị Sáp Nhập, nhưng do cùng chủ sở hữu nên Nhà Đầu Tư Nước Ngoài đương nhiên đã đáp ứng được điều kiện này. 

Đối với các giấy phép, giấy chứng nhận khác: Công Ty Nhận Sáp Nhập phải thành lập chi nhánh hoặc địa điểm kinh doanh theo quy định của pháp luật doanh nghiệp đối với mỗi Dự Án Đầu Tư của Công Ty Bị Sáp Nhập. Đồng thời, Công Ty Nhận Sáp Nhập phải xin cấp lại các giấy phép con, giấy chứng nhận mà Công Ty Bị Sáp Nhập đã có để tiếp tục kinh doanh các ngành nghề có điều kiện (ví dụ như Giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy…). 

4. Đăng ký thay đổi chủ sở hữu tài sản từ Công Ty Bị Sáp Nhập sang Công Ty Nhận Sáp Nhập

Đối với các tài sản phải đăng ký như bất động sản, phương tiện giao thông … hay các tài sản đã đăng ký như nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, bao bì …, Công Ty Nhận Sáp Nhập cần phải thực hiện các thủ tục hành chính để thay đổi thông tin chủ sở hữu tài sản theo quy định của pháp luật có liên quan. 

Bài viết liên quan:

1/ Các vấn đề thẩm định pháp lý trước khi thực hiện giao dịch M&A

2/ Bảo vệ cổ đông thiểu số trong thỏa thuận cổ đông

3/ Các Phương Thức Rút Vốn Của Nhà Đầu Tư Nước Ngoài Ra Khỏi Công Ty

 


Khuyến cáo:

Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.

Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.

Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Tư vấn M&A. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo