Quy định pháp luật về tập trung kinh tế tại Việt Nam

Tập trung kinh tế là hoạt động tập trung nguồn lực và sức mạnh kinh tế giữa các doanh nghiệp trong một ngành nghề hoặc thị trường cụ thể. Theo đó, tập trung kinh tế có thể mang lại tác động tích cực nhưng đồng thời cũng gây ra các rủi ro tiềm tàng đối với xã hội, kinh tế và cả chính trị nếu không có các biện pháp can thiệp phù hợp từ chính quyền. Chính vì vậy, các chính phủ trên thế giới đều đang nỗ lực xây dựng các khung pháp lý để kiểm soát tình trạng tập trung kinh tế, nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực có thể gây ra cho xã hội và thị trường kinh tế, đảm bảo sự công bằng và cạnh tranh lành mạnh trong nền kinh tế. 

Tại Việt Nam, tùy thuộc vào một số tiêu chí kinh tế được quy định cụ thể, các tổ chức, cá nhân tham gia tập trung kinh tế có thể phải thực hiện thông báo tập trung kinh tế đến Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Viet Nam Competition Commission – VCC) để được đánh giá khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh. Trường hợp xét thấy có tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh, việc tập trung kinh tế có thể được thực hiện kèm theo điều kiện hoặc bị cấm, tùy thuộc vào quyết định của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.  

Bài viết này nhằm mục đích cung cấp cho đọc giả không chỉ góc nhìn tổng quan về khung pháp lý liên quan đến tập trung kinh tế theo quy định pháp luật Việt Nam, mà còn chia sẻ các kinh nghiệm thực tế trong quá trình thực hiện thông báo tập trung kinh tế cho các giao dịch mua bán và sáp nhập doanh nghiệp. 

Tập trung kinh tế tại Việt Nam là gì?
Tập trung kinh tế tại Việt Nam là gì?

PHẦN I – TỔNG QUAN VỀ TẬP TRUNG KINH TẾ  

1. Hiểu về Tập trung kinh tế

Tập trung kinh tế (Economic concentration) là cụm từ sử dụng chung cho các hoạt động mang tính tập trung nguồn lực, sức mạnh kinh tế của các doanh nghiệp lại với nhau, như sáp nhập, hợp nhất, cùng liên doanh hay thâu tóm, mua lại doanh nghiệp.  

Mục đích của tập trung kinh tế có thể bao gồm tăng hiệu quả, thúc đẩy đổi mới và gia tăng khả năng cạnh tranh toàn cầu của doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế. Cụ thể, một doanh nghiệp được tập trung kinh tế có thể có khả năng sản xuất tốt hơn do nguồn lực được tập trung và dẫn đến chi phí trung bình trên mỗi đơn vị sản xuất thấp hơn, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và xã hội.  

Tuy nhiên, việc tập trung kinh tế cũng có thể dẫn đến tác động tiêu cực cho xã hội. Cụ thể, do tính chất tập trung nguồn lực như vậy, tập trung kinh tế cũng có thể dẫn đến tình trạng thống lĩnh thị trường hoặc độc quyền của một hoặc một nhóm doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trong thị trường hoặc một ngành, nghề cụ thể. Theo đó, các doanh nghiệp có thị phần thống lĩnh thị trường với nguồn lực kinh tế vững mạnh sẽ là rào cản rất lớn đối với các doanh nghiệp nhỏ hơn tham gia thị trường, kiềm hãm sự đa dạng tổng thể trong nền kinh tế. Mặt khác, quyền lực kinh tế được tập trung trong nền kinh tế cũng có thể chuyển thành ảnh hưởng chính trị đáng kể (như các chaebol của Hàn Quốc) và có thể tác động lên các chính sách công làm gia tăng khoảng cách giàu, nghèo và giảm sự công bằng, bình đẳng trong xã hội trước pháp luật. Do đó, ở hầu hết các quốc gia, các chính phủ đều ban hành các đạo luật, chính sách nhằm kiểm soát việc tập trung kinh tế và tác động của chúng đối với xã hội. 

Một trong số vụ tập trung kinh tế nổi tiếng trong các năm vừa qua có lẽ là vụ “sáp nhập thị phần” giữa Grab và Uber tại Việt Nam nói riêng và thị trường Đông Nam Á nói chung vào năm 2018. Theo đó, thương vụ M&A Grab-Uber đã giúp Grab gia tăng thêm sức mạnh cạnh tranh, có khả năng đạt được vị trí thông lĩnh thị trường và theo đó được đánh giá là gây tác động hạn chế cạnh tranh đáng kể tại một số quốc gia Đông Nam Á như Singapore và Philippines. Cụ thể, Cơ quan quản lý cạnh tranh của Singapore (Competition and Consumer Commission of Singapore-CCCS) và Philippines (PCC – the Philippine Competition Commission) đều cho rằng thương vụ M&A Grab-Uber là anti-competitive (gây tác động hạn chế cạnh tranh) và lần lượt ấn định mức phạt là gần 9,5 triệu USD và 300 ngàn USD tương ứng.  

2. Khung pháp lý về Tập trung kinh tế tại Việt Nam

Các quy định pháp luật về Tập trung kinh tế (Economic concentration) chủ yếu được quy định tập trung tại các văn bản pháp luật dưới đây: 

  • Luật Cạnh Tranh 2018 (Chương V);
  • Nghị định 35/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Cạnh Tranh;
  • Nghị định 75/2019/NĐ-CP (Mục 3 Chương II) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh;

Lưu ý rằng các văn bản pháp luật về cạnh tranh nêu trên không ngăn cấm các luật chuyên ngành khác quy định chi tiết về hình thức tập trung kinh tế. Cụ thể, Điều 4 Luật Cạnh Tranh 2018 quy định rõ rằng: “Trường hợp luật khác có quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, hình thức tập trung kinh tế, hành vi cạnh tranh không lành mạnh và việc xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của luật đó”. Theo đó, một số văn bản pháp luật chuyên ngành đã có quy định, điều kiện cho hoạt động tập trung kinh tế, cụ thể như: 

  • Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (Điều 74) yêu cầu phải được sự chấp thuận của Bộ Tài Chính bằng văn bản trước khi Doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện (i) chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp dẫn đến có cổ đông, thành viên góp vốn sở hữu từ 10% vốn điều lệ trở lên hoặc giảm xuống dưới 10% vốn điều lệ hoặc (ii) chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, chuyển đổi hình thức doanh nghiệp;
  • Luật các Tổ chức Tín dụng 2010 (Điều 153.1) (tương đương với Điều 201 Dự thảo Luật các Tổ chức Tín dụng 2024) yêu cầu phải có chấp thuận bằng văn bản của Ngân Hàng Nhà Nước khi thực hiện tổ chức lại tổ chức tín dụng (bao gồm chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức pháp lý, loại hình tổ chức tín dụng phi ngân hàng); và
  • Luật Viễn thông 2009 (Điều 19) yêu cầu doanh nghiệp viễn thông khi tập trung kinh tế có thị phần kết hợp từ 30% đến 50% trên thị trường dịch vụ liên quan phải thông báo cho cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông. Quy định nêu đây không còn được đề cập tương ứng tại dự thảo Luật Viễn Thông 2024 (hiệu lực ngày 01/07/2024).

Cơ quan chuyên trách: Trước đây, việc kiểm soát và áp dụng các quy định về pháp luật cạnh tranh được Cục Cạnh tranh và Người tiêu dùng (Vietnam Competition and Consumer Authority – VCCA) kết hợp với Hội Đồng Cạnh Tranh (Vietnam Competition Council) phụ trách đảm nhiệm. Kể từ ngày 01 tháng 04 năm 2023, cơ quan chuyên trách về tập trung kinh tế hay các hoạt động cạnh tranh khác là Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Viet Nam Competition Commission – VCC) thuộc Bộ Công Thương được thành lập theo Nghị định 03/2023/NĐ-CP. 

3. Các hình thức của Tập Trung Kinh Tế

Theo quy định của Luật Cạnh Tranh, tập trung kinh tế chủ yếu bao gồm các hình thức sau đây: 

  • Sáp nhập doanh nghiệp: – là việc một hoặc một số doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình sang một doanh nghiệp khác, đồng thời chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc sự tồn tại của doanh nghiệp bị sáp nhập;
  • Hợp nhất doanh nghiệp: – là việc hai hoặc nhiều doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình để hình thành một doanh nghiệp mới, đồng thời chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc sự tồn tại của các doanh nghiệp bị hợp nhất;
  • Mua lại doanh nghiệp: – là việc một doanh nghiệp trực tiếp hoặc gián tiếp mua toàn bộ hoặc một phần vốn góp, tài sản của doanh nghiệp khác đủ để kiểm soát, chi phối doanh nghiệp hoặc một ngành, nghề của doanh nghiệp bị mua lại;
  • Liên doanh giữa các doanh nghiệp: – là việc hai hoặc nhiều doanh nghiệp cùng nhau góp một phần tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình để hình thành một doanh nghiệp mới.

Ngoài các hình thức tập trung kinh tế nêu trên, Luật Cạnh Tranh cũng để mở các hình thức tập trung kinh tế khác có thể được quy định bởi pháp luật.  

Lưu ý: Đối với hoạt động mua lại doanh nghiệp, việc mua lại doanh nghiệp chỉ được xem là một hình thức tập trung kinh tế nếu đạt được mức độ “kiểm soát, chi phối” doanh nghiệp hoặc một ngành, nghề của doanh nghiệp bị mua lại. Theo đó, nếu việc mua lại doanh nghiệp không đạt đến mức độ được xem là kiểm soát, chi phối thì sẽ không được gọi là tập trung kinh tế và không bị ràng buộc bởi các quy định pháp luật về tập trung kinh tế. 

Theo quy định pháp luật, việc kiểm soát, chi phối doanh nghiệp hoặc một ngành, nghề của doanh nghiệp khác là khi việc kiểm soát, chi phối thuộc một trong các trường hợp sau: 

(i) Kiểm soát, chi phối theo vốn, cổ phần: Doanh nghiệp mua lại giành được quyền sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc trên 50% cổ phần có quyền biểu quyết của doanh nghiệp mua lại; 

(ii) Kiểm soát, chi phối theo tài sản: Doanh nghiệp mua lại giành được quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng trên 50% tài sản của doanh nghiệp bị mua lại trong toàn bộ hoặc một ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp bị mua lại đó; 

(iii) Kiểm soát, chi phối theo quyền điều hành: Doanh nghiệp mua lại có một trong các quyền sau: 

– Trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm hoặc bãi nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên, giám đốc hoặc tổng giám đốc của doanh nghiệp bị mua lại; 

– Quyết định sửa đổi, bổ sung điều lệ của doanh nghiệp bị mua lại; 

– Quyết định các vấn đề quan trọng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị mua lại bao gồm việc lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; lựa chọn điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh; lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn kinh doanh của doanh nghiệp đó. 

Theo đó, việc mua lại doanh nghiệp nếu đạt đến mức độ kiểm soát, chi phối nêu trên sẽ được coi là một hình thức tập trung kinh tế theo quy định pháp luật Việt Nam và phải tuân thủ theo quy định pháp luật về tập trung kinh tế. 

4. Phạm vi áp dụng bao quát  

Theo quy định của Luật Cạnh Tranh, phạm vi áp dụng của pháp luật về cạnh tranh sẽ bao gồm tất cả các hoạt động tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường Việt Nam. Theo đó, ngay cả khi việc tập trung kinh tế được diễn ra ngoài lãnh thổ Việt Nam (foreign-to-foreign mergers), việc tập trung kinh tế đó cũng phải tuân thủ theo quy định pháp luật Việt Nam và phải chịu những ràng buộc nhất định nếu được đánh giá có tác động hoặc có khả năng gây ra tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường trên thị trường Việt Nam. 

Ngoài ra, cũng cần phải lưu ý rằng Luật Cạnh Tranh không đưa ra bất kỳ ngoại lệ nào cho các hoạt động tập trung kinh tế. Do đó, kể cả các trường hợp tập trung kinh tế được diễn ra trên sàn chứng khoán (Public offer) hay cả khi cơ cấu lại nội bộ bên trong một tập đoàn (intra-group merger) hoặc mua lại cổ phần của cổ đông thiểu số trong doanh nghiệp (acquisition of minority shareholding) hoặc hoán đổi cổ phần (share swap), tất cả đều phải tuân thủ theo quy định pháp luật về tập trung kinh tế và đều được đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đối với nền kinh tế để thực hiện các hành động kiểm soát tập trung kinh tế tương ứng như tập trung kinh tế có điều kiện hoặc cấm thực hiện tập trung kinh tế. 

PHẦN 2 – THÔNG BÁO TẬP TRUNG KINH TẾ VÀ CÁC LƯU Ý  

5. Ngưỡng thông báo Tập Trung Kinh Tế

Theo quy định của Nghị Định 35, ngưỡng thông báo tập trung kinh tế sẽ được chia thành hai ngưỡng. Trong đó, một ngưỡng dành riêng cho các giao dịch liên quan đến tổ chức tín dụng, doanh nghiệp bảo hiểm và công ty chứng khoán; và một ngưỡng còn lại dành cho các cá nhân, tổ chức trong các ngành, nghề còn lại. Chi tiết các ngưỡng thông báo tập trung kinh tế cụ thể như sau: 

  • Dành cho Tổ chức tín dụng, doanh nghiệp bảo hiểm và công ty chứng khoán: Các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp bảo hiểm và công ty chứng khoán dự định tham gia tập trung kinh tế mà thuộc một trong các trường hợp dưới đây thì phải thông báo cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (VCC) trước khi thực hiện tập trung kinh tế, cụ thể:
TIÊU CHÍ 

 

GIÁ TRỊ 

(xét trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế) 

Tổ chức tín dụng 

(TCTD) 

Doanh nghiệp bảo hiểm 

(DNBH) 

Công ty chứng khoán 

(CTCK) 

Tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của bất kỳ TCTD, DNBH hoặc CTCK tham gia giao dịch hoặc nhóm doanh nghiệp liên kết nào mà TCTD, DNBH hoặc CTCK đó là thành viên 

 

20% trở lên trên tổng tài sản của hệ thống các tổ chức tín dụng trên thị trường Việt Nam  15.000 tỷ đồng trở lên 
Tổng doanh thu bán ra hoặc doanh số mua vào trên thị trường Việt Nam của bất kỳ TCTD, DNBH hoặc CTCK tham gia giao dịch hoặc nhóm doanh nghiệp liên kết nào mà TCTD, DNBH hoặc CTCK đó là thành viên   Từ 20% trở lên trên tổng doanh thu của hệ thống các tổ chức tín dụng   10.000 tỷ đồng trở lên   3.000 tỷ đồng trở lên 
Giá trị giao dịch   từ 20% trở lên trên tổng vốn điều lệ của hệ thống các tổ chức tín dụng  Từ 3.000 tỷ đồng trở lên 
Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp dự định tham gia tập trung kinh tế trên thị trường liên quan  Từ 20% trở lên 

 

  • Dành cho các tổ chức, cá nhân khác: Cá nhân, tổ chức dự định tham gia tập trung kinh tế mà thuộc một trong các trường hợp dưới đây thì phải thông báo cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (VCC) trước khi thực hiện tập trung kinh tế:
TIÊU CHÍ  GIÁ TRỊ 

(xét trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế) 

Tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của bất kỳ tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch hoặc nhóm doanh nghiệp liên kết nào mà tổ chức, cá nhân đó là thành viên 

 

3.000 tỷ đồng trở lên 
Tổng doanh thu bán ra hoặc doanh số mua vào trên thị trường Việt Nam của bất kỳ tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch hoặc nhóm doanh nghiệp liên kết nào mà tổ chức, cá nhân đó là thành viên 
Giá trị giao dịch  Từ 1.000 tỷ đồng trở lên 
Thị phần kết hợp của các tổ chức, cá nhân dự định tham gia tập trung kinh tế trên thị trường liên quan  Từ 20% trở lên 

 

“Nhóm doanh nghiệp liên kết” được đề cập ở trên được hiểu là nhóm các doanh nghiệp cùng chịu sự kiểm soát, chi phối của một hoặc nhiều doanh nghiệp trong nhóm hoặc có bộ phận điều hành chung. Trong đó, “sự kiểm soát, chi phối” có thể được định nghĩa theo khía cạnh kiểm soát, chi phối về quyền sở hữu vốn/cổ phần (ownership >50%), quyền sở hữu/sử dụng tài sản (>50%) hoặc quyền điều hành doanh nghiệp bị mua lại (Vui lòng xem định nghĩa chi tiết ở phần I – Tổng quan về Tập trung kinh tế)   

6. Thủ tục thông báo Tập Trung Kinh Tế

  • Quy trình thực hiện: Thủ tục thông báo tập trung kinh tế theo quy định pháp luật được chia thành các giai đoạn chính sau đây, cụ thể:

(i) Giai đoạn 1: Nộp và tiếp nhận hồ sơ (Filling) 

Trước khi tiến hành tập trung kinh tế, nếu các bên xét thấy thuộc các trường hợp phải thông báo tập trung kinh tế thì thực hiện nộp hồ sơ thông báo tập trung kinh tế cho VCC. Trong vòng 07 ngày sau khi tiếp nhận hồ sơ thông báo tập trung kinh tế, VCC sẽ phát hành thông báo bằng văn bản cho bên nộp hồ sơ về tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ. 

Theo đó, nếu hồ sơ chưa đầy đủ và hợp lệ, VCC có trách nhiệm thông báo bằng văn bản các nội dung cụ thể cần sửa đổi, bổ sung để các bên sửa đổi bổ sung trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ra thông báo. Khi kết thúc thời hạn này mà các bên không tiến hành sửa đổi, bổ sung hoặc sửa đổi, bổ sung không đầy đủ theo yêu cầu thì VCC trả lại hồ sơ thông báo tập trung kinh tế. 

(ii) Giai đoạn 2: Thẩm định sơ bộ  (Preliminary Appraisal) 

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hồ sơ thông báo tập trung kinh tế đã đầy đủ và hợp lệ, VCC sẽ thẩm định sơ bộ việc tập trung kinh tế về các nội dung sau đây: 

Thị phần kết hợp của các doanh nghiệm tham gia tập trung kinh tế trên thị trường liên quan.  

– Mức độ tập trung trên thị trường liên quan trước và sau khi tập trung kinh tế; 

– Mối quan hệ của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trong chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đối với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định hoặc ngành, nghề kinh doanh của các doanh nghiệp tập trung kinh tế là đầu vào của nhau hoặc bổ trợ cho nhau. 

Khi kết thúc thời hạn nêu trên, VCC phải ban hành thông báo kết quả thẩm định sơ bộ việc tập trung kinh tế, bao gồm: 

– Tập trung kinh tế được thực hiện; hoặc 

– Tập trung kinh tế phải thẩm định chính thức (Giai đoạn 3). 

Trường hợp kết thúc thời hạn thẩm định sơ bộ mà VCC không ban hành thông báo kết quả thẩm định sơ bộ việc tập trung kinh tế như nêu trên, các bên được tiến hành thực hiện việc tập trung kinh tế mà không phải chịu bất kỳ điều kiện nào từ VCC. 

Lưu ý: Nếu thuộc một trong các trường hợp dưới đây, tập trung kinh tế sẽ được thực hiện mà không cần thẩm định chính thức, cụ thể: 

(i) Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp dự định tham gia tập trung kinh tế ít hơn 20% trên thị trường liên quan; 

(ii) Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp dự định tham gia tập trung kinh tế từ 20% trở lên trên thị trường liên quan và tổng bình phương mức thị phần của các doanh nghiệp sau tập trung kinh tế trên thị trường liên quan thấp hơn 1.800; 

(iii) Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế từ 20% trở lên trên thị trường liên quan, tổng bình phương mức thị phần của các doanh nghiệp sau tập trung kinh tế trên thị trường liên quan trên 1.800 và biên độ tăng tổng bình phương mức thị phần của các doanh nghiệp trên thị trường liên quan trước và sau tập trung kinh tế thấp hơn 100; 

(iv) Các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế có quan hệ với nhau trong chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đối với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định hoặc ngành, nghề kinh doanh của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế là đầu vào của nhau hoặc bổ trợ cho nhau có thị phần thấp hơn 20% trên từng thị trường liên quan. 

Giải thích: Tổng bình phương mức thị phần = S12 + S22 + …S(n)2. Trong đó: S1,…S(n) là mức thị phần tương ứng của doanh nghiệp thứ 1 đến doanh nghiệp thứ n. 

(iii) Giai đoạn 3: Thẩm định chính thức (Official Appraisal) 

Trong trường hợp kết thúc Giai đoạn 2 – Thẩm định sơ bộ và VCC ban hành thông báo tập trung kinh tế phải được thẩm định chính thức, VCC sẽ có thêm 90 ngày (được gia hạn thêm 60 ngày) để tiến hành thẩm định chính thức với các nội dung chính sau đây: 

– Đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của việc tập trung kinh tế theo quy định pháp luật và các biện pháp khắc phục tác động hạn chế cạnh tranh.  

Trong đó, VCC sẽ chủ yếu đánh giá các yếu tố làm tăng khả năng và nguy cơ sau đây: 

+ nguy cơ tạo ra hoặc củng cố sức mạnh thị trường của doanh nghiệp sau khi tập trung kinh tế; 

+ khả năng gia tăng phối hợp, thông đồng giữa các doanh nghiệp trên thị trường liên quan; 

+ khả năng các bên sau tập trung kinh tế tạo ra ưu thế cạnh tranh vượt trội so với các doanh nghiệp đối thủ cạnh tranh khác nhằm ngăn cản hoặc loại bỏ cạnh tranh gia nhập thị trường; 

+ khả năng doanh nghiệp tăng giá hoặc tăng tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu sau khi tập trung kinh tế; 

+ khả năng doanh nghiệp sau tập trung kinh tế loại bỏ hoặc ngăn cản doanh nghiệp khác gia nhập, mở rộng thị trường; 

+ các yếu tố đặc thù trong ngành, lĩnh vực mà các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế có liên quan gia tăng các khả năng và nguy cơ nêu trên.  

– Đánh giá tác động tích cực của việc tập trung kinh tế theo quy định pháp luật và các biện pháp tăng cường tác động tích cực của việc tập trung kinh tế, bao gồm các khía cạnh sau đây: 

+ Tác động tích cực đến phát triển của ngành, lĩnh vực và khoa học, công nghệ theo chiến lược, quy hoạch của Nhà nước; 

+ Tác động tích cực đến việc phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, bao gồm đánh giá các cơ hội và điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khi gia nhập, mở rộng thị trường hoặc tham gia vào chuỗi sản xuất, mạng lưới phân phối hàng hóa, dịch vụ do tập trung kinh tế dự kiến mang lại; 

+ Tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế. 

– Đánh giá tổng hợp khả năng tác động hạn chế cạnh tranh và khả năng tác động tích cực của tập trung kinh tế để làm cơ sở xem xét, quyết định về tập trung kinh tế. 

Trong giai đoạn này, VCC có thể yêu cầu các bên liên quan bổ úng thông tin, tài liệu nhưng không quá 02 lần. Thời gian VCC đợi các bên bổ sung thông tin, tài liệu sẽ không được tính vào thời hạn thẩm định chính thức nêu trên. 

(iv) Giai đoạn 4: Ban hành Quyết định về tập trung kinh tế 

Sau khi kết thúc thẩm định chính thức việc tập trung kinh tế (Giai đoạn 3), VCC sẽ phải ra quyết định về một trong các nội dung sau đây: 

– Tập trung kinh tế được thực hiện không có điều kiện kèm theo (unconditional); 

– Tập trung kinh tế được thực hiện nhưng có kèm theo điều kiện (conditional); 

– Tập trung kinh tế bị cấm (blocked). 

Quyết định nêu trên sẽ được gửi đến các bên liên quan trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định và sẽ được công bố, đăng tải trên trang thông tin điện tử của VCC trong thời gian 90 ngày liên tục kể từ ngày quyết định có hiệu lực. 

  • Hồ sơ: Hồ sơ thông báo tập trung kinh tế sẽ bao gồm các tài liệu sau đây:

(i) Thông báo tập trung kinh tế theo mẫu do VCC ban hành; 

(ii) Dự thảo nội dung thỏa thuận tập trung kinh tế hoặc dự thảo hợp đồng, biên bản ghi nhớ việc tập trung kinh tế giữa các doanh nghiệp; 

(iii) Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc văn bản tương đương của từng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế; 

(iv) Báo cáo tài chính của từng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trong 02 năm liên tiếp liền kề trước năm thông báo tập trung kinh tế hoặc báo cáo tài chính từ thời điểm thành lập đến thời điểm thông báo tập trung kinh tế đối với doanh nghiệp mới thành lập có xác nhận của tổ chức kiểm toán theo quy định của pháp luật; 

(v) Danh sách các công ty mẹ, công ty con, công ty thành viên, chi nhánh, văn phòng đại diện và các đơn vị phụ thuộc khác của từng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế (nếu có); 

(vi) Danh sách các loại hàng hóa, dịch vụ mà từng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế đang kinh doanh; 

(vii) Thông tin về thị phần trong lĩnh vực dự định tập trung kinh tế của từng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trong 02 năm liên tiếp liền kề trước năm thông báo tập trung kinh tế; 

(viii) Phương án khắc phục khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh của việc tập trung kinh tế; 

(ix) Báo cáo đánh giá tác động tích cực của việc tập trung kinh tế và các biện pháp tăng cường tác động tích cực của việc tập trung kinh tế. 

  • Hình thức hồ sơ: Tất cả các tài liệu bằng tiếng nước ngoài đều phải kèm theo bản dịch tiếng Việt. Đối với các tài liệu nước ngoài như Giấy chứng nhận thành lập (Certificates of Incorporation) thì phải được hợp pháp hóa lãnh sự bởi cơ quan đại diện ngoại giao (như đại sứ quán Việt Nam ở nước sở tại), dịch thuật và công chứng bản dịch thuật bở cơ quan/tổ chức có thẩm quyền tại Việt Nam (như văn phòng công chứng hoặc Sở Tư pháp).
  • Lệ phí: Không có.

7. Các vấn đề cần lưu ý liên quan đến Tập Trung Kinh Tế 

  • Áp dụng với cá nhân: Theo quy định của Luật Cạnh tranh, không chỉ tổ chức, mà cá nhân kinh doanh cũng là đối tượng của tập trung kinh tế. Theo đó, trường hợp các bên tham gia giao dịch tập trung kinh tế đều là cá nhân nhưng đáp ứng các tiêu chí về ngưỡng thông báo tập trung kinh tế thì vẫn phải thực hiện thủ tục thông báo tập trung kinh tế theo quy định pháp luật. Trong năm 2023, VCC cũng đã ban hành một quyết định tập trung kinh tế có điều kiện đối với giao dịch mà trong đó có bên tham gia là cá nhân kinh doanh.
  • Bên thực hiện: Hiện nay, pháp luật không quy định cụ thể bên nào sẽ là bên thực hiện thủ tục Thông báo Tập trung kinh tế. Theo đó, Nghị Định 35 quy định đây là nghĩa vụ chung của các doanh nghiệp dự định tham gia tập trung kinh tế. Do đó, một trong các bên tham gia giao dịch sẽ đại diện để thực hiện thủ tục thông báo Tập trung Kinh tế cho cả giao dịch tập trung kinh tế.
  • Thời điểm thực hiện Thủ tục Thông báo tập trung kinh tế: Luật Cạnh tranh và Nghị định 35 đều không đưa ra thời điểm cụ thể cần phải thực hiện thủ tục thông báo tập trung kinh tế mà chỉ yêu cầu phải thực hiện thủ tục này trước khi các bên tiến hành thực hiện tập trung kinh tế. Mặc dù không có quy định cụ thể về thế nào được xem là trước khi thực hiện tập trung kinh tế, nhưng căn cứ trên hồ sơ thông báo tập trung kinh tế, có thể thấy thời điểm các bên cần thực hiện thủ tục là trước khi các bên tiến hành giao kết hợp đồng chuyển nhượng cổ phần (cụ thể là yêu cầu nộp hợp đồng giao dịch ở dạng dự thảo).

Tuy nhiên, kinh nghiệm thực tế cho thấy VCC vẫn có thể chấp nhận hồ sơ thông báo tập trung kinh tế được nộp sau thời điểm ký kết miễn là việc tập trung kinh tế vẫn chưa được hoàn tất. 

  • Giao dịch theo giai đoạn (multi-stage merger): Hiện nay, Luật Cạnh tranh và Nghị định 35 không đưa ra bất kỳ quy định cụ thể cho trường hợp này. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, trong trường hợp giao dịch M&A được chia thành nhiều giai đoạn thực hiện, các bên sẽ phải tiến hành thực hiện tại giai đoạn mà khiến cho giao dịch đáp ứng điều kiện của một giao dịch tập trung kinh tế đạt ngưỡng thông báo tập trung kinh tế.

Ví dụ, nếu một giao dịch mua bán sáp nhập chia thành 02 đợt mua chính, ví dụ: Đợt 01: 40% cổ phần sẽ được mua và Đợt 02: 60% cổ phần còn lại sẽ được mua. Giả sử giao dịch đạt ngưỡng thông báo tập trung kinh tế thì các bên sẽ phải tiến hành thực hiện thông báo tập trung kinh tế trước khi thực hiện Đợt 2, do Đợt 01 với 40% cổ phần không đáp ứng được tiêu chí “kiểm soát, chi phối” theo quy định pháp luật và không được xem là giao dịch tập trung kinh tế. 

  • Thủ tục Khiếu nại (Appeal): Luật Cạnh tranh không đưa ra bất kỳ thủ tục kháng cáo hay khiếu nại nào cho các bên đối với các Quyết định về tập trung kinh tế. Theo quan điểm của chúng tôi, các bên có thể thực hiện khiếu nại quyết định hành chính theo quy định và trình tự thủ tục của Luật Khiếu nại 2011. Theo đó, thủ tục khiếu nại có thể được thực hiện hai lần, với lần đầu (first-instance complaint) là gửi đến cơ quan đã ra quyết định hành chính đó (VCC) và lần hai là gửi đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp (tức là Bộ trưởng Bộ Công Thương). Ngoài ra, các bên cũng có thể thực hiện thủ tục khởi kiện quyết định hành chính tại tòa án theo thủ tục và trình tự quy định tại Luật Tố tụng hành chính 2015.
  • Nghĩa vụ bảo mật: Theo quy định của Luật Cạnh tranh, VCC có trách nhiệm bảo mật thông tin, tài liệu được cung cấp. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, các bên khi tiến hành thủ tục thông báo tập trung kinh tế cần thông báo rõ với VCC về các nội dung, tài liệu và thông tin cần bảo mật để thuận tiện cho VCC nhận biết khi tiến hành thẩm định hồ sơ thông báo tập trung kinh tế.
  • Bảo đảm thông tin cung cấp chính xác: Theo quy định pháp luật, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về tính trung thực và chính xác của hồ sơ và các thông tin, chứng cứ. Đây cũng là một nội dung tại Quyết định về tập trung kinh tế được ban hành đến doanh nghiệp.
  • Biện pháp khắc phục hành chính: Tương tự như nhiều quốc gia khác, biện pháp khắc phục hành chính chủ yếu áp dụng cho Tập trung kinh tế là phạt tiền. Tại Việt Nam, việc phạt tiền từ 01% đến 05% tổng doanh thu trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm của từng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế. Tuy nhiên, trường hợp doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế bị cấm, cơ quan có thẩm quyền có quyền buộc các bên trở về trạng thái trước khi thực hiện tập trung kinh tế, như: Buộc bán lại đối với việc mua lại doanh nghiệp, buộc chia, tách doanh nghiệp đối với hợp nhất hoặc sáp nhập doanh nghiệp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với hành vi liên doanh giữa các doanh nghiệp. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các bên tham gia tập trung kinh tế cần thực hiện tham khảo và tư vấn với tổ chức luật sư có chuyên môn để giảm thiểu các rủi ro này.

 

Khuyến cáo:

Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.

Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.

Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Cạnh tranh. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site. Switch to a production site key to remove this banner.