1. Quy định về quyền tác giả
Khái niệm quyền tác giả đã ra đời cách đây từ vài trăm năm ở phương Tây và quyền tác giả lần đầu tiên được ghi nhận bởi Đạo luật Anne tại Anh vào năm 1710. Sau đó, quyền tác giả được phát triển ở nhiều quốc gia châu Âu khác, đặc biệt là ở Pháp (năm 1777), nơi quyền tác giả được coi là một quyền “thiêng liêng”. Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO định nghĩa quyền tác giả là phần cốt lõi của pháp luật nhằm trao cho tác giả, nghệ sĩ và các nhà sáng tạo khác sự bảo hộ cho những sáng tạo văn học và nghệ thuật của họ – gọi chung là tác phẩm. Khái niệm quyền tác giả tại Việt Nam tương tự như WIPO, theo đó quyền tác giả là quyền đối với tác phẩm được hình thành thông qua các hoạt động sáng tạo của chính tác giả.
Theo quy định tại Điều 18 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi năm 2009, 2019 quy định: “Quyền tác giả đối với tác phẩm quy định tại Luật này bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản.”
Quyền nhân thân bao gồm:
- Đặt tên cho tác phẩm;
- Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;
- Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;
- Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
Quyền tài sản bao gồm:
- Làm tác phẩm phái sinh;
- Biểu diễn tác phẩm trước công chúng trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các bản ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào tại địa điểm mà công chúng có thể tiếp cận được nhưng công chúng không thể tự do lựa chọn thời gian và từng phần tác phẩm;
- Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều này;
- Phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng thông qua bán hoặc hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác đối với bản gốc, bản sao tác phẩm dưới dạng hữu hình, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;
- Phát sóng, truyền đạt đến công chúng tác phẩm bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác, bao gồm cả việc cung cấp tác phẩm đến công chúng theo cách mà công chúng có thể tiếp cận được tại địa điểm và thời gian do họ lựa chọn;
- Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính, trừ trường hợp chương trình máy tính đó không phải là đối tượng chính của việc cho thuê.
2. Hành vi vi phạm quyền tác giả
Nếu một hành vi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi năm 2009, 2019 thì được xem là hành vi xâm phạm quyền tác giả, cụ thể:
- Chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học.
- Mạo danh tác giả.
- Công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả.
- Công bố, phân phối tác phẩm có đồng tác giả mà không được phép của đồng tác giả đó.
- Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
- Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 25 của Luật này.
- Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 của Luật này.
- Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 25 của Luật này.
- Cho thuê tác phẩm mà không trả tiền nhuận bút, thù lao và quyền lợi vật chất khác cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả.
- Nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
- Xuất bản tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
- Cố ý huỷ bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.
- Cố ý xoá, thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử có trong tác phẩm.
- Sản xuất, lắp ráp, biến đổi, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, bán hoặc cho thuê thiết bị khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị đó làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.
- Làm và bán tác phẩm mà chữ ký của tác giả bị giả mạo.
- Xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối bản sao tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
Như vậy, những hành vi vi phạm quyền tác giả tại Điều 28 được thể hiện dưới dạng liệt kê. Điều này có nghĩa là, khi một cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi nêu trên sẽ bị coi là xâm phạm đến quyền tác giả và các cơ quan có thẩm quyền xử phạt sẽ căn cứ vào mức độ vi phạm mà đưa ra những chế tài phù hợp với từng hành vi.
3. Thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả của Quản lý thị trường
Điều 200 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi năm 2009, 2019 liệt kê các cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm: Tòa án, Thanh tra, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, Uỷ ban nhân dân các cấp. Trong đó, Quản lý thị trường có quyền áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Theo quy định tại Khoản 6 Điều 1 Nghị định 28/2017/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả quyền liên quan: “Những người có thẩm quyền xử phạt của Quản lý thị trường có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại các Điều 8, 14, 15, 18, 19, hành vi sản xuất, lắp ráp, biến đổi, phân phối, bán hoặc cho thuê tại khoản 3 Điều 20; các Điều 24, 26, 27, 28, 29, 31, 33 và 34; hành vi phân phối quy định tại khoản 3 và hành vi sản xuất, lắp ráp, biến đổi, phân phối, bán hoặc cho thuê tại khoản 4, khoản 5 Điều 35 Nghị định này theo quy định tại Điều 40d Nghị định này và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.” So với quy định trước đây, Nghị định mới đã thiết lập một danh sách các hành vi vi phạm cụ thể thuộc thẩm quyền của Quản lý thị trường, từ đó có thể nhận thấy các lĩnh vực mà Quản lý thị trường có thẩm quyền xử lý cũng trở nên rộng hơn.
Trước đây theo quy định của Điều 40 Nghị định 131/2013/NĐ-CP, chủ thể có thẩm quyền xử phạt của Quản lý thị trường được dẫn chiếu đến quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên Điều này đã được sửa đổi bởi Khoản 6 Điều 1 Nghị định 28/2017/NĐ-CP và quy định mới có sự phân định rõ ràng thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm của các chủ thể thuộc Quản lý thị trường, cụ thể là Đội trưởng Đội Quản lý thị trường; Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương, Trưởng phòng chống buôn lậu, Trưởng phòng chống hàng giả, Trưởng phòng kiểm soát chất lượng hàng hóa thuộc Cục Quản lý thị trường; Cục trưởng Cục Quản lý thị trường. Nghị định 129/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch; thể thao; quyền tác giả; quyền liên quan; văn hóa và quảng cáo vừa chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 đã sửa đổi thẩm quyền của Quản lý thị trường như sau:
“Đội trưởng Đội Quản lý thị trường, Trưởng phòng Nghiệp vụ thuộc Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường có quyền:
- Phạt tiền đến 25.000.000 đồng;
- Tịch thu tang vật vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 50.000.000 đồng;
- Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm đ, e và g khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính và các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 3 Nghị định này.
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường thuộc Tổng cục Quản lý thị trường có quyền:
- Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;
- Tịch thu tang vật vi phạm hành chính;
- Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 3 Nghị định này.
Tổng cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường có quyền:
- Phạt tiền đến 250.000.000 đồng;
- Tịch thu tang vật vi phạm hành chính;
- Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 3 Nghị định này.”
Sự tăng lên về số lượng chủ thể có thẩm quyền, quyền hạn của chủ thể có thẩm quyền đã phản ánh được sự can thiệp sâu và rộng hơn của Quản lý thị trường đối với hành vi vi phạm quyền tác giả. Một nguyên nhân giải thích cho hiện tượng “mở rộng” của Quản lý thị trường có thể được kể đến là sự gia tăng chóng mặt của hành vi vi phạm quyền tác giả. Trong bối cảnh xã hội phát triển, hành vi vi phạm quyền tác giải được thể hiện dưới nhiều hình thức và ngày càng tinh vi hơn. Vì vậy, việc mở rộng thẩm quyền Quản lý thị trường góp phần củng cố lực lượng kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm và kịp thời ngăn chặn nguy cơ tiềm ẩn gây tổn hại đối với quyền tác giả.
4. Một số lưu ý trong quy định mới về thẩm quyền của Quản lý thị trường
Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ, Quản lý thị trường có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính hành vi vi phạm quyền tác giả. Mặc dù Luật liệt kê rất nhiều hành vi xâm phạm quyền tác giả nhưng Quản lý thị trường chỉ có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi nhất định quy định tại Khoản 6 Điều 1 Nghị định 28/2017/NĐ-CP. Hơn nữa, cần phải lưu ý chỉ có một số chủ thể thuộc Quản lý thị trường mới có thẩm quyền xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quyền tác giả.
Quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan được sửa đổi, bổ sung nhiều lần, lần gần nhất là vào năm 2021 góp phần phản ánh thực trạng gia tăng nhanh chóng và phức tạp của hành vi xâm phạm quyền tác giả. Vì vậy, việc điều chỉnh, bổ sung các quy định như thẩm quyền của Quản lý thị trường, tăng mức phạt hành chính góp phần đảm bảo việc xử lý hành vi vi phạm có thể diễn ra kịp thời và giúp giảm thiểu số lượng hành vi vi phạm. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại một nhược điểm là quy định về xử phạt hành chính hành vi vi phạm quyền tác được sửa đổi, bổ sung nhiều lần mặt khác dễ gây nhầm lẫn cho người đọc, việc tra cứu cũng trở nên khó khăn hơn khi phải đối chiếu nhiều văn bản cùng một lúc.
Tác giả: Triệu Vy