Phương án nào cho hoạt động mua bán, sáp nhập khách sạn?

 

Du lịch đến các quốc gia Đông Nam á, trong đó có Việt Nam, đang ngày càng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, điều này dẫn đến sự thu hút nhiều tập đoàn nước ngoài đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực khách sạn hạng sang tại Việt Nam thông qua các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A). Xuất phát từ việc chủ thể sở hữu khách sạn mục tiêu (sau đây gọi tắt là “Khách Sạn”) có thể là một (một số) cá nhân hay một (một số) công ty có loại hình doanh nghiệp như công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần,… Để thuận tiên hơn cho việc trình bày, sau đây xin giả định rằng Khách Sạn thuộc sở hữu của một pháp nhân với loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (sau đây gọi tắt là “Công Ty”) do một cá nhân Việt Nam làm chủ (sau đây gọi tắt là “Chủ Sở Hữu”). Vậy các quá trình thâu tóm đó diễn ra như thế nào? Cùng điểm qua một số phương án có thể được chọn để thực hiện các thương vụ M&A:

1| Cấu Trúc Chuyển Nhượng Vốn Trực Tiếp

Chủ Sở Hữu chuyển nhượng toàn bộ vốn góp của mình trong Công Ty cho nhà đầu tư bằng các hợp đồng chuyển nhượng vốn. Kết thúc quá trình này, nhà đầu sẽ sở hữu toàn bộ vốn điều lệ của Chủ Sở Hữu. Do đó, thông qua việc sở hữu Công Ty, nhà đầu tư sẽ sở hữu gián tiếp Khách Sạn.

Nhìn chung cấu trúc trên được đánh giá là dễ thực hiện nhất vì thực chất các bên không tốn quá nhiều thời gian để làm các thủ tục thay đổi bởi lẽ chỉ bao gồm 02 bước chính là ký Hợp đồng chuyển nhượng và thủ tục thay đổi chủ sở hữu trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, nghĩa vụ thuế trong trường hợp sử dụng cấu trúc Chuyển Nhượng Vốn Trực tiếp là khá cao, mức thuế thu nhập cá nhân mà Chủ Sở Hữu phải chịu là 20% và thông thường được tính trên khoảng chênh lệch giữa giá chuyển nhượng và vốn điều lệ. Ngoài ra, việc tiến hành thẩm định pháp lý các tài liệu của Công Ty phức tạp hay đơn giản phụ thuộc vào thời gian và quy mô hoạt động của Công Ty.

2| Cấu Trúc Chuyển Nhượng Vốn Gián Tiếp

(a) Nhà Đầu Tư và Công Ty thành lập một công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên (“Newco”)

Nhà Đầu Tư và Công ty góp vốn thành lập NewCo dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên với số vốn điều lệ tương đương với giá trị của Khách Sạn được góp bởi Công ty cộng với N* đồng do Nhà Đầu Tư góp bằng tiền mặt. (N* có thể là một số tiền không cao, ví dụ 1 tỷ đồng). Theo đó vốn điều lệ của Newco là tổng của giá trị của Khách Sạn và 1 tỷ đồng. Sau khi hoàn tất việc góp vốn, Newco sẽ là chủ sở hữu mới của Khách Sạn.

TTD chuyển nhượng toàn bộ vốn góp của mình tại NewCo cho the Investor thông qua một (các) Hợp Đồng Chuyển Nhượng Vốn (“Hợp Đồng Chuyển Nhượng Vốn”). Giá chuyển nhượng bằng với giá trị phần vốn góp ban đầu của Công ty vào NewC.. Kết thúc quá trình này, Nhà Đầu Tư sẽ sở hữu toàn bộ vốn điều lệ của NewCo. NewCo đang là chủ sở hữu của Khách Sạn, do đó, thông qua việc sở hữu NewCo, Nhà Đầu Tư sẽ sở hữu gián tiếp Khách Sạn. Sau khi hoàn tất giao dịch, Nhà Đầu Tư sẽ sở hữu toàn bộ NewCo, NewCo sẽ chuyển loại hình công ty thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

Nếu các bên chọn phương án này, nghĩa vụ thuế trong giao dịch sẽ thấp do giá trị chênh lệch tối thiểu giữa giá chuyển nhượng và định giá góp vốn bằng Khách Sạn và quá trình thẩm định pháp lý là khá đơn giản vì Newco là một công ty chỉ vừa được thành lập. Tuy nhiên, quá trình này diễn ra sẽ tốn khá nhiều thơi gian do việc thực hiện các thủ tục thành lập Newco, góp vốn, chuyển nhượng tài sản và cập nhật lại các loại giấy phép liên quan đến hoạt động của Khách Sạn mà trước đó Công ty là chủ sở hữu sang cho Newco. Ngoài ra, việc định giá của Khách Sạn để góp vào Newco còn phải dựa trên các chứng từ hợp lệ để chứng minh giá trị của Khách Sạn.

Ngoài ra, các bên cũng có thể lựa chọn loại hình công ty cổ phần thay vì thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên. Trường hợp này, cần có thêm một cá nhân tham gia góp vốn (số vốn góp vào thấp) để phù hợp với quy định của luật doanh nghiệp. Nhìn chung các bước thực hiện cũng tương tự như việc thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, có đôi chút khác biệt về nghĩa vụ thuế khi mà mức thuế áp dụng là 0,1% theo giá giá chuyển nhượng của hợp đồng chuyển nhượng.

(b) Công ty được chuyển đổi từ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sang công ty cổ phần và các cổ đông của Công ty sẽ chuyển nhượng cổ phần cho Nhà Đầu Tư

Đầu tiên, Công ty chuyển đổi loại hình từ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sang công ty cổ phần với ba cổ đông cá nhân gồm: Chủ Sở Hữu và hai cá nhân bất kỳ. Sau đó, các cổ đông sẽ chuyển nhượng cổ phần của mình trong Công ty cho Nhà Đầu Tư. Kết thúc quá trình này, Nhà Đầu Tư sẽ sở hữu toàn bộ vốn điều lệ của Công ty. Cân nhắc rằng Công ty đang là chủ sở hữu của Khách Sạn, thông qua việc sở hữu Công ty, the Investor do đó sẽ sở hữu gián tiếp Khách Sạn.

Nếu phương án trên là sự lựa chọn của các bên, nghĩa vụ thuế mà các bên chuyển nhượng phải chịu sẽ tương đối thấp do mức thuế thu nhập cá nhân áp dụng trong trường hợp này chỉ là 0,1% theo giá chuyển nhượng của hợp đồng chuyển nhượng. Các bước thực hiện thì không quá phức tạp bởi lẽ chỉ gồm hai bước chính là chuyển đổi loại hình Công ty từ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sang công ty cổ phần và chuyển nhượng vốn, các giấy phép con liên quan đến Khách Sạn vẫn giữ nguyên do không làm thay đổi chủ sở hữu của Khách Sạn là Công ty.

Tóm lại, một thương vụ M&A thật sự không phải đơn giản như những gì đã trình bày, để đưa ra được nhận định cụ thể hơn cần phải biết tình hình thực tế và nhu cầu của các bên. Các phương án đề cập ở trên là những phương án căn bản có thể áp dụng khi tiến hành các thương vụ mua bán, sáp nhập Khách Sạn. Việc đưa ra được một phương án tối ưu nhất còn phụ thuộc rất lớn vào sự thống nhất và nhu cầu của các bên tham gia giao dịch.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site. Switch to a production site key to remove this banner.