Với mỗi doanh nghiệp, thương hiệu không chỉ mang vai trò đại diện, đem hình ảnh doanh nghiệp đến người tiêu dùng, mà đây còn là công cụ để doanh nghiệp mở rộng kinh doanh thông qua nhượng quyền thương hiệu. Hiện nay, việc tiến hành hoạt động nhượng quyền thương hiệu để mở rộng kinh doanh đang rất được các doanh nghiệp hướng tới. Hãy cùng Apolat Legal theo dõi bài viết dưới đây để nắm rõ hơn về Quy trình tiến hành nhượng quyền thương hiệu.
1. Nhượng quyền thương hiệu là gì?
Hiện nay, theo quy định pháp luật, vẫn chưa có khái niệm cụ thể về nhượng quyền thương hiệu là gì. Tuy nhiên, có thể hiểu, nhượng quyền thương hiệu chính là để nói về một hình thức kinh doanh của cá nhân hay tổ chức nào đó được phép dùng thương hiệu của một sản phẩm, dịch vụ của bên nhượng quyền để kinh doanh trong một khoảng thời gian nhất định.
Với khái niệm trên, theo quy định tại Luật Thương mại 2005, khái niệm nhượng quyền thương hiệu được coi là đồng nghĩa với nhượng quyền thương mại. Theo đó, căn cứ Điều 284 Luật Thương mại 2005, khái niệm nhượng quyền thương mại (được coi là đồng nghĩa với nhượng quyền thương hiệu) chính là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:
– Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
– Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.
2. Các hình thức nhượng quyền thương hiệu
Theo quy định tại Luật Thương mại và Nghị định số 35/2006/NĐ-CP ngày 31/03/2006 của Chính Phủ, hiện nay hoạt động nhượng quyền thương hiệu bao gồm các hình thức sau:
– Nhượng quyền thương hiệu giữa các doanh nghiệp tại Việt Nam: đối với hình thức nhượng quyền thương hiệu này, bên nhượng quyền và bên nhận quyền đều sẽ là các doanh nghiệp tại Việt Nam. Trong đó, các bên khi tiến hành việc nhượng quyền thương hiệu sẽ tiến hành thủ tục đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại với cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
– Nhượng quyền thương mại từ nước ngoài vào Việt Nam: đây là hình thức nhượng quyền thương hiệu bao gồm cả hoạt động nhượng quyền thương mại từ Khu chế xuất, Khu phi thuế quan hoặc các khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật Việt Nam vào lãnh thổ Việt Nam.
Các bên tiến hành hoạt động nhượng quyền thương hiệu từ nước ngoài về Việt Nam sẽ phải đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại với cơ quan có thẩm quyền theo quy định pháp luật.
3. Quy trình nhượng quyền thương hiệu
3.1. Đánh giá điều kiện đối với các bên trong hoạt động nhượng quyền thương hiệu
3.1.1. Điều kiện đối với bên nhượng quyền
Theo quy định tại Pháp luật nói chung và Luật Thương mại nói riêng, khi tiến hành hoạt động nhượng quyền thương hiệu, phía bên nhượng quyền sẽ cần phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định pháp luật thì mới tiến hành thủ tục nhượng quyền thương hiệu được.
Theo căn cứ tại Điều 5 Nghị định số 35/2006/NĐ-CP ngày 31/03/2006 của Chính Phủ, đối với hoạt động nhượng quyền thương hiệu, thương nhân được phép cấp quyền thương mại khi hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã được hoạt động ít nhất 01 năm.
3.1.2. Điều kiện đối với bên nhận nhượng quyền
Đối với điều kiện của bên nhận nhượng quyền trong hoạt động nhượng quyền thương hiệu, trước đây, theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 35/2006/NĐ-CP ngày 31/03/2006 của Chính Phủ, thương nhân được phép nhận quyền thương mại khi có đăng ký kinh doanh ngành nghề phù hợp với đối tượng của quyền thương mại.
Tuy nhiên, kể từ khi Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 của Chính Phủ có hiệu lực, quy định này đã được bãi bỏ. Từ đó, các doanh nghiệp là bên nhận quyền trong hoạt động nhượng quyền thương hiệu sẽ không cần phải đáp ứng điều kiện riêng biệt nào cả.
3.2. Đàm phán và ký kết hợp đồng nhượng quyền thương hiệu
3.2.1. Các điều khoản chính của hợp đồng nhượng quyền thương hiệu
Hiện nay, khi tiến hành hoạt động nhượng quyền thương hiệu, bên nhượng quyền và bên nhận quyền thương hiệu sẽ cần phải ký kết hợp đồng nhượng quyền thương hiệu với nhau. Theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 35/2006/NĐ-CP ngày 31/03/2006 của Chính Phủ,trong trường hợp các bên lựa chọn áp dụng luật Việt Nam, hợp đồng nhượng quyền thương hiệu có thể có các nội dung chủ yếu sau đây:
- Nội dung của quyền thương mại.
- Quyền, nghĩa vụ của Bên nhượng quyền.
- Quyền, nghĩa vụ của Bên nhận quyền.
- Giá cả, phí nhượng quyền định kỳ và phương thức thanh toán.
- Thời hạn hiệu lực của hợp đồng.
- Gia hạn, chấm dứt hợp đồng và giải quyết tranh chấp.
3.2.2. Ngôn ngữ của hợp đồng nhượng quyền thương hiệu
Hiện nay, khi tiến hành hoạt động nhượng quyền thương hiệu, các bên cần phải tuân thủ quy định của pháp luật về ngôn ngữ của hợp đồng nhượng quyền thương hiệu. Cụ thể, theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 35/2006/NĐ-CP ngày 31/03/2006 của Chính Phủ, hợp đồng nhượng quyền thương hiệu phải được lập bằng tiếng Việt.
Trường hợp nhượng quyền từ Việt Nam ra nước ngoài, ngôn ngữ của hợp đồng nhượng quyền thương mại do các bên thỏa thuận.
3.3. Đăng ký/báo cáo hoạt động nhượng quyền thương hiệu
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 35/2006/NĐ-CP ngày 31/03/2006 của Chính Phủ, trước khi tiến hành thủ tục nhượng quyền thương hiệu, thương nhân nước ngoài dự kiến nhượng quyền phải đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại với cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
Theo đó, Bộ Công thương chính là cơ quan đăng ký hoạt động nhượng quyền thương hiệu theo quy định pháp luật.
Sau khi đã xác định được cơ quan đăng ký hoạt động nhượng quyền thương hiệu, bên dự kiến nhượng quyền thương hiệu sẽ tiến hành quy trình nhượng quyền thương hiệu thông qua các bước sau:
Bước 1: Gửi hồ sơ đề nghị đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Bộ Thương mại.
Hồ sơ đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại tại Bộ Thương mại bao gồm:
a) Đơn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại theo mẫu MĐ-1 tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 09/2006/TT-BTM;
b) Bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại theo mẫu tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư số 09/2006/TT-BTM;
c) bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền nơi thương nhân nước ngoài thành lập xác nhận trong trường hợp nhượng quyền thương mại từ nước ngoài vào Việt nam;
d) Bản sao có công chứng văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam hoặc tại nước ngoài trong trường hợp có chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp đã được cấp văn bằng bảo hộ;
đ) Giấy tờ chứng minh sự chấp thuận về việc cho phép nhượng quyền lại của bên nhượng quyền ban đầu trong trường hợp thương nhân đăng ký hoạt động nhượng quyền là bên nhượng quyền thứ cấp.
Ngoài ra, cần phải lưu ý, trong trường hợp giấy tờ tại điểm b, điểm d, điểm đ Mục này được thể hiện bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt và được công chứng bởi cơ quan công chứng trong nước.
Trường hợp bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài tại điểm c Mục này được thể hiện bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt và được cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài chứng nhận và thực hiện việc hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại:
a) Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại cơ quan đăng ký phải ghi giấy biên nhận. Giấy biên nhận hồ sơ được lập thành 03 liên theo mẫu TB-1A, TB-1B tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 09/2006/TT-BTM, 01 liên giao cho thương nhân đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại và 02 liên lưu tại cơ quan đăng ký;
b) Đối với hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, trong thời gian tối đa 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký phải thông báo bằng văn bản, theo mẫu TB-2A, TB-2B tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 09/2006/TT-BTM, cho thương nhân nộp hồ sơ để yêu cầu bổ sung và hoàn chỉnh hồ sơ.
Thời hạn xử lý hồ sơ được tính từ thời điểm thương nhân đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại bổ sung hồ sơ đầy đủ;
c) Thương nhân đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại có quyền đề nghị cơ quan đăng ký giải thích rõ những yêu cầu cần bổ sung và hoàn chỉnh hồ sơ. Cơ quan đăng ký có trách nhiệm trả lời đề nghị đó của thương nhân.
Bước 3: Đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại vào Sổ đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại
a) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký có trách nhiệm đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại của thương nhân vào Sổ đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại theo mẫu S1, S2 và thông báo cho thương nhân biết bằng văn bản theo mẫu TB-3A, TB-3B tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 09/2006/TT-BTM;
b) Trường hợp từ chối đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký phải thông báo bằng văn bản trong đó nêu rõ lý do từ chối theo mẫu TB-4A, TB-4B tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 09/2006/TT-BTM;
c) Cơ quan đăng ký ghi mã số đăng ký trong Sổ đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại theo hướng dẫn như sau:
+ Mã số hình thức nhượng quyền: NQR là nhượng quyền từ Việt Nam ra nước ngoài, NQV là nhượng quyền từ nước ngoài vào Việt Nam, NQTN là nhượng quyền trong nước.
+ Mã số tỉnh: 2 ký tự theo hướng dẫn tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
+ Mã số thứ tự của doanh nghiệp: 6 ký tự, từ 000001 đến 999999.
+ Các mã số được viết cách nhau bằng dấu gạch ngang.
Ví dụ về ghi Sổ đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại:
+ Công ty A (đăng ký kinh doanh tại Hà Nội) là thương nhân thứ 3 đăng ký hoạt động nhượng quyền trong nước được ghi mã số đăng ký như sau: NQTN-01-000003.
+ Công ty B (đăng ký kinh doanh tại tỉnh Bình Dương) là thương nhân đầu tiên đăng ký hoạt động nhượng quyền ra nước ngoài được ghi mã số đăng ký như sau: NQR-46-000001.
Bước 4: Thu lệ phí đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại
Khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại của thương nhân, cơ quan đăng ký thu lệ phí đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Trên đây là những tư vấn của Apolat Legal đến với quý độc giả về câu hỏi nhượng quyền thương hiệu là gì cũng như là về quy trình nhượng quyền thương hiệu (hay còn gọi là nhượng quyền thương mại theo quy định pháp luật).
Hiện nay, hoạt động nhượng quyền thương hiệu đang là một hoạt động, thủ tục quan trọng đang rất được các doanh nghiệp quan tâm đến trong lĩnh vực Tư vấn nhượng quyền thương mại.
Bên cạnh đó, quý độc giả có thể tìm hiểu thêm về Hoạt động nhượng quyền thương mại tại Việt Nam tại đây. Nếu gặp bất kỳ khó khăn, vướng mắc nào về hoạt động nhượng quyền thương hiệu, hãy liên hệ ngay với Apolat Legal để được sự hỗ trợ và tư vấn tốt nhất.
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Tư vấn nhượng quyền thương mại . Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.