Pháp luật Việt Nam cho phép cá nhân được quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình nhằm chuyển tài sản cho người khác sau khi chết. Thông qua di chúc, người để lại di sản có thể chỉ định người thừa kế, truất quyền hưởng di sản của người thừa kế, phân định di sản cho từng người thừa kế. Đây là quyền cơ bản của người có tài sản và được pháp luật bảo vệ. Do đó, ý chí của người để lại di chúc luôn được pháp luật tôn trọng nếu phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp, toàn bộ nội dung của di chúc cũng được tuân thủ một cách hoàn toàn. Một trong những ngoại lệ đó là việc chia di sản thừa kế cho những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc.
1. Quy định của pháp luật về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc
Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc được hiểu là những người luôn được hưởng một phần di sản thừa kế của người để lại di sản, bất kể họ có được người để lại di sản cho hưởng di sản theo di chúc hay không. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc lần đầu tiên được quy định một cách chính thức tại Thông tư số 81/TANDTC ngày 24/7/1981 của Tòa án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn giải quyết các tranh chấp về thừa kế. Theo đó, với cách gọi “người thừa kế bắt buộc”, Thông tư quy định người lập di chúc phải dành lại một phần tài sản cho những người thừa kế bắt buộc (nếu có), bao gồm vợ góa hoặc chồng góa, con chưa thành niên hoặc tuy đã thành niên nhưng không có khả năng lao động, bố mẹ già yếu và túng thiếu. Phần di sản phải dành lại cho mỗi người thừa kế bắt buộc ít nhất là 2/3 suất của thừa kế theo luật. Nếu di chúc truất quyền thừa kế của người thừa kế bắt buộc hoặc phần dành lại cho mỗi người thừa kế bắt buộc ít hơn 2/3 suất thì phải trích chia cho đủ 2/3. Sau khi đã trích chia cho những người thừa kế bắt buộc, Tòa án vẫn chiếu theo di chúc để phân chia số di sản còn lại cho những người được chỉ định trong di chúc, theo tỷ lệ phân quyền của họ.1 Đến khi Pháp lệnh thừa kế năm 1990 ra đời, cách gọi “người thừa kế bắt buộc” được thay thế bằng “người được hưởng di sản không phụ thuộc vào nội dung của di chúc”.
Đến khi Bộ luật Dân sự đầu tiên của nước ta ra đời vào năm 1995, cách gọi “người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc” lần đầu được quy định và vẫn được giữ nguyên qua các Bộ luật Dân sự năm 2005 và Bộ luật Dân sự năm 2015.2 Theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015, những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc bao gồm con chưa thành niên hoặc con thành niên mà không có khả năng lao động cha, mẹ, vợ, chồng của người để lại di sản trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất của một người thừa kế, trừ trường hợp họ từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 Bộ luật Dân sự năm 2015 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật Dân sự năm 2015. Những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc sẽ được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật.
Pháp luật quy định về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc nhằm để bảo vệ quyền lợi của các chủ thể là cha, mẹ của người lập di chúc, vợ hoặc chồng của người lập di chúc, con của người lập di chúc mà chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng không có khả năng lao động. Bởi lẽ đây đều là những người có mối quan hệ thân thích và gần gũi nhất đối với người để lại di sản. Người để lại di sản vốn dĩ có bổn phận chăm sóc, nuôi dưỡng những người này nhưng sau khi chết, người để lại di sản không thể tiếp tục thực hiện bổn phận của mình. Do đó, pháp luật – bằng những quy định của mình – sẽ ấn định cho những người có quan hệ gần gũi với người này luôn được hưởng một phần di sản từ khối di sản của người đó để lại.3
2. Xác định người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc
Khi tiến hành khai nhận di sản thừa kế hoặc phân chia di sản thừa kế, cần phải đồng thời đảm bảo quyền lợi cho những người thừa kế theo di chúc và những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc. Do đó, việc xác định chính xác những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc là vấn đề vô cùng quan trọng. Việc xác định người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc được thực hiện như sau:
- Đối với cha, mẹ của người để lại di sản, Bộ luật Dân sự năm 2015 không có sự phân biệt giữa cha đẻ, mẹ đẻ và cha nuôi, mẹ nuôi của người để lại di sản. Do đó, cả cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của người để lại di sản đều được quyền thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc. Tương tự, cả con đẻ và con nuôi đều có quyền này.
- Đối với con chưa thành niên được hiểu là người chưa đủ mười tám tuổi theo quy định của Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015. Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự được quy định tại các Điều 22, 23 và 24 Bộ luật Dân sự năm 2015.
- Đối với con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động: Việc xác định “không có khả năng lao động” vốn dĩ tùy thuộc vào quan điểm của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khai nhận hoặc phân chia di sản thừa kế bởi pháp luật Việt Nam hiện nay không quy định cụ thể như thế nào là “không có khả năng lao động”. Tuy nhiên, để đánh giá khả năng lao động của con chưa thành niên, người đánh giá có thể tham khảo từ Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Theo đó, khi quy định về bồi thường thiệt hại trong trường hợp “mất khả năng lao động”, Nghị quyết đã xác định người mất khả năng lao động là người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc (người bị thiệt hại không còn khả năng lao động do bị liệt cột sống, mù hai mắt, liệt hai chi, bị tâm thần nặng và các trường hợp khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên). Vậy người thành niên, mà thường xuyên cần phải có người chăm sóc và rơi vào những trường hợp như Nghị quyết 03/2006 đã liệt kê ở trên thì có thể xác định họ “không còn khả năng lao động”.4 Tuy nhiên, Nghị quyết 03/2006 đã hết hiệu lực kể từ ngày 01/01/2023 và Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP ngày 06/9/2022 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thay thế Nghị quyết 03/2006 lại không quy định về vấn đề này. Do đó, việc xác định con đã thành niên nhưng “không có khả năng lao động” lại một lần nữa phụ thuộc vào quan điểm và sự đánh giá thận trọng, toàn diện và khách quan của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khai nhận hoặc phân chia di sản thừa kế.
- Cuối cùng, đối với vợ/chồng được được xác định là người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc thì phải là vợ/chồng hợp pháp theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.5
Từ những tìm hiểu về những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc nêu trên, khi thực hiện việc khai nhận di sản thừa kế hoặc phân chia di sản thừa kế, các chủ thể thực hiện cần xem xét kỹ lưỡng về việc có hay không người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc để thực hiện chính xác, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho tất cả người thừa kế và tránh rủi ro sau này.
1 Mục IV.B Thông tư hướng dẫn giải quyết các tranh chấp về thừa kế số 81/TANDTC ngày 24/7/1981 của Tòa án nhân dân tối cao.
2 Điều 672 Bộ luật Dân sự năm 1995; Điều 669 Bộ luật Dân sự năm 2005; Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015.
3 Vũ Thị Lan Hương, Mối liên hệ giữa di sản thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc với di sản thừa kế theo di chúc, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 10(171), tháng 5/2010.
4 Nguyễn Nam Hưng, Hiểu thế nào là “con đã thành niên mà không có khả năng lao động”?, Tạp chí điện tử Kiểm sát, 2018.
5 Phan Thị Hồng, Quyền hưởng di sản của người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc qua thực tiễn xét xử tại Tòa án, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật.
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Giải quyết tranh chấp. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Giải quyết tranh chấp và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Việt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.