A. Chuyển Nhượng Vốn Trực Tiếp Tại Việt Nam
Nếu bên chuyển nhượng là một pháp nhân, lợi nhuận thu được từ việc chuyển nhượng vốn tại một công ty Việt Nam chịu thuế suất thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là 20%. Đây thường được gọi là thuế thu nhập từ chuyển nhượng vốn (TTNCNV). Khoản thu nhập chịu thuế được xác định bằng giá chuyển nhương trừ đi chi phí (hoặc giá trị vốn ban đầu ở lần chuyển nhượng đầu tiên) sau khi trừ đi các chi phí liên quan đến việc chuyển nhượng.
Trường hợp bên chuyển nhượng là pháp nhân nước ngoài thì bên nhận chuyển nhượng Việt Nam phải khấu trừ thay số thuế phải trả của bên chuyển nhượng và nộp cho cơ quan thuế. Trường hợp bên nhận chuyển nhượng cũng đồng thời là pháp nhân nước ngoài thì công ty mục tiêu tại Việt Nam (công ty có vốn được chuyển nhượng) có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ khai và nộp TTNCNV thay cho bên chuyển nhượng nước ngoài. Việc kê khai, nộp TTNCNV phải thực hiện trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền chính thức chấp thuận cho giao dịch góp vốn, mua cổ phần hoặc, trường hợp không phải xin chấp thuận từ cơ quan có thẩm quyền, thì 10 ngày kể từ ngày các bên ký hoàn tất giao dịch chuyển nhượng vốn.
Đối với các cá nhân chuyển nhượng, mức thuế đối với việc chuyển nhượng vốn sẽ khác nhau tùy thuộc vào nguyên tắc người cư trú thuế theo quy định của pháp luật.
Người cư trú thuế là cá nhân đáp ứng một trong các điều kiện sau:
- Cư trú tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam.
- Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam (gồm nơi ở thường trú ghi trong Thẻ thường trú hoặc nơi ở tạm trú khi đăng ký cấp Thẻ tạm trú do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam với thời hạn của các hợp đồng thuê từ 183 ngày trở lên trong năm) và cá nhân không chứng minh được là cá nhân cư trú của nước nào khác.
Các cá nhân không đáp ứng một trong các điều kiện trên thì được xem là cá nhân không cư trú thuế.
Theo các phân tích trên, cá nhân cư trú thực hiện giao dịch chuyển nhượng vốn sẽ tiến hành khai thuế theo từng lần chuyển nhượng. Lợi nhuận từ việc chuyển nhượng vốn được xác định bằng cách lấy giá chuyển nhượng trừ đi giá trị ban đầu của khoản vốn được chuyển nhượng và các chi phí liên quan đến việc chuyển nhượng. Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sẽ được tính theo thuế suất 20% lợi nhuận thu được. Mặt khác, người không cư trú khi chuyển nhượng vốn sẽ nộp thuế TNCN với thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng của mỗi giao dịch.
Cơ quan thuế của Việt Nam có quyền điều chỉnh giá chuyển nhượng để tính TTNCNV/TTCN nếu xét thấy giá chuyển nhượng không đảm bảo nguyên tắc thị trường hoặc nếu giá chuyển nhượng không được quy định cụ thể trong hợp đồng chuyển nhượng vốn góp.
Gần đây, cơ quan thuế của Việt Nam không chỉ lưu tâm đến các giao dịch chuyển nhượng vốn tại các công ty ở Việt Nam mà còn xem xét đến các giao dịch chuyển nhượng vốn góp tại công ty ở nước ngoài sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp vốn điều lệ của các công ty tại Việt Nam.
Bảng bên dưới tóm tắt một số mức thuế thu nhập cơ bản khi thực hiện chuyển nhượng vốn góp tại Việt Nam:
Bên chuyển nhượng | Mức thuế | |
Bên chuyển nhượng cá nhân (TNCN) | Người cư trú | 20% lợi nhuận |
Người không cư trú | 0.1% giá chuyển nhượng | |
Bên chuyển nhượng tổ chức (TNDN) | Tổ chức ở nước ngoài | 20% lợi nhuận |
Tổ chức trong nước | 20% lợi nhuận |
B. Chuyển Nhượng Vốn Gián Tiếp Ở Nước Ngoài
Hiện nay, pháp luật thuế của Việt Nam chưa có quy định cụ thể về cơ chế thuế liên quan đến việc chuyển nhượng vốn tại các công ty ở nước ngoài mà theo đó gián tiếp dẫn đến việc chuyển quyền sở hữu tại một công ty Việt Nam. Do đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia các giao dịch chuyển nhượng vốn ở nước ngoài dẫn đến gián tiếp chuyển nhượng quyền sở hữu tại doanh nghiệp Việt Nam đã không thực hiện kê khai và nộp thuế tại Việt Nam.
Đến nay, cơ chế thuế đối với các trường hợp gián tiếp chuyển nhượng quyền sở hữu tại doanh nghiệp Việt Nam thông qua chuyển nhượng vốn tại công ty mẹ ở nước ngoài được hướng dẫn không chính thức bởi công văn của cơ quan thuế. Về cơ bản, các nguyên tắc tính thuế chính vẫn tương tự với trường hợp trực tiếp chuyển nhượng vốn tại công ty ở Việt Nam, gồm:
- thu nhập có được từ chuyển nhượng vốn góp của bên chuyển nhượng sẽ chịu thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc thuế thu nhập cá nhân tương ứng;
- nếu cả hai bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng đều là người không cư trú thuế, công ty tại Việt Nam có quyền sở hữu bị chuyển nhượng gián tiếp sẽ có trách nhiệm kê khai và nộp thuế đối với giao dịch chuyển nhượng vốn tại nước ngoài thay cho các bên liên quan ở nước ngoài;
Liên quan đến việc xác định giá chuyển nhượng và lợi nhuận của giao dịch chuyển nhượng vốn để làm cơ sở tính thuế, mặc dù pháp luật chưa có quy định rõ ràng, thực tiễn cho thấy cơ quan thuế và các bên có thể áp dụng một số nguyên tắc chính sau:
- Giá chuyển nhượng có thể được phân bổ riêng cho các pháp nhân Việt Nam được chuyển nhượng gián tiếp và các công ty con khác sở hữu bởi công ty mục tiêu ở nước ngoài dựa trên (i) tỷ lệ vốn góp của công ty mục tiêu nước ngoài trong pháp nhân Việt Nam được chuyển nhượng gián tiếp; hoặc (ii) tỷ lệ tổng tài sản của pháp nhân Việt Nam được chuyển nhượng gián tiếp và các công ty con khác theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán để tính thuế chuyển nhượng vốn.
- Khoản lợi nhuận có thể được xác định dựa trên (i) chênh lệch giữa giá trị công ty và giá trị vốn góp tại công ty Việt Nam được gián tiếp chuyển nhượng; hoặc (ii) chênh lệch giữa giá chuyển nhượng và phần vốn góp.
Cần lưu ý rằng cơ quan thuế có thể tiến hành định giá lại giá chuyển nhượng để phù hợp với nguyên tắc giá thị trường khi xác định nghĩa vụ thuế ngay cả khi giao dịch chuyển nhượng gián tiếp được thực hiện mà không tạo ra lợi nhuận cho bất kỳ bên liên quan nào.