Thị trường mua bán, sáp nhập (“M&A” – Mergers and Acquisitions) các công ty công nghệ đang và ngày càng trở nên sôi động ở thời điểm chạy đua công nghệ, AI, Bigdata như hiện nay. Trong khi đó công ty công nghệ khá đặc thù và khác biệt so với các ngành nghề khác. Vì vậy, khi thực hiện giao dịch M&A công ty, các bên tham gia cần phải lưu ý đặc biệt đối với các vấn đề sau:
1. Lưu ý về sự khác biệt giữa mua bán sáp nhập công ty công nghệ và công ty khác
- Sản phẩm, dịch vụ của công ty công nghệ thường phức tạp, phát triển nhanh, thay đổi liên tục và tiên tiến hơn so với các ngành khác. Do đó, quá trình M&A bắt buộc phải có sự tham gia của những nhân sự hiểu biết sâu sắc về công nghệ và sản phẩm, cũng như khả năng đánh giá rủi ro và tiềm năng của công nghệ, tiềm năng của thị trường. Như vậy, nhóm thực hiện giao dịch ngoài các chuyên gia về pháp lý, tài chính, vận hành… còn phải có thêm chuyên gia về công nghệ.
- Tài sản của công ty công nghệ phần lớn là tài sản vô hình như thương hiệu, tài sản sở hữu trí tuệ (bản quyền, sáng chế, bí mật kinh doanh…) và tiềm năng đổi mới, độc quyền của công nghệ. Việc định giá và đánh giá các tài sản này đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng về ngành công nghệ và thị trường, điều mà hầu hết các công ty định giá ở Việt Nam chưa thực hiện được.
- Nhân sự chủ chốt của công ty công nghệ thường có kiến thức chuyên môn và kỹ năng đặc biệt. Họ đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành, phát triển sản phẩm, dịch vụ mà khó thể thay thế. Đặc biệt, họ có vai trò quan trọng trong việc bảo mật, không tiết lộ, đảm bảo tính độc quyền, tính cạnh tranh và tính mới nhất, nhanh nhất đặc thù của công nghệ. Việc giữ chân nhân sự chủ chốt và bảo tồn tri thức là thách thức quan trọng trong quá trình M&A công ty công nghệ.
- Trong ngành công nghệ, bảo mật thông tin và dữ liệu, thông tin cá nhân người dùng là một trong những vấn đề quan trọng nhất. Giai đoạn thẩm định, tiếp quản dữ liệu và hệ thống thông tin trong quá trình M&A đòi hỏi sự chú ý đặc biệt đến các vấn đề này. Sau khi Nghị định 13/2023/NĐ về bảo vệ dữ liệu các nhân ra đời, việc này lại càng phải cẩn trọng và lưu ý hơn.
2. Lưu ý về tài sản của công ty công nghệ
Tài của các công ty công nghệ hầu hết là các tài sản vô hình như: thương hiệu, uy tín, tài sản trí tuệ (bản quyền, sáng chế, bí mật kinh doanh…), hệ thống dữ liệu, thông tin cá nhân, các giải pháp công nghệ đang nghiên cứu và phát triển, nhân sự chủ chốt là các kỹ sư nhà phát triển, tri thức của nhân sự là những sáng tạo, đổi mới… Ngoài ra các tài sản hữu hình như hạ tầng công nghệ, máy móc thiết bị… cũng mang tính đặc thù.
Do đó, trong quá trình thẩm định phải đặc biệt lưu ý tới việc hình thành, tạo lập tài sản, đặc biệt là cơ sở xác lập quyền đối với các tài sản trí tuệ. Đảm bảo công ty có quyền sở hữu, khai thác các tài sản trí tuệ này trên cơ sở pháp luật sở hữu trí tuệ. Giai đoạn này, đội ngũ thẩm định pháp lý chuyên sâu về sở hữu trí tuệ vô cùng quan trọng. Đối với các rủi ro tiềm tàng tranh chấp về quyền sở hữu, sử dụng tài sản cần phải khắc phục ngay trước khi chuyển giao.
Thực tế, trong nhiều giao dịch M&A công ty công nghệ, khá nhiều các tài sản sở hữu trí tuệ không được hoặc không thể xác lập quyền đúng quy định pháp luật. Ví dụ: Nhãn hiệu chưa đăng ký hoặc đã đăng ký nhưng bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ; giấy chứng nhận bản quyền phần mềm thì chỉ do một mình giám đốc là tác giả trong khi phần mềm được tạo ra bởi đổi ngũ nhân sự hàng chục người; không có các cam kết bảo mật hoặc chuyển giao quyền sở hữu tài sản trí tuệ lại cho công ty từ người lao động; không thể liên hệ với tác giả là người lao động đã nghỉ việc để cung cấp hồ sơ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ,…
3. Lưu ý về nhân sự chủ chốt
Nhân sự chủ chốt thường là những người trực tiếp nắm giữ những vai trò quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới sự vận hành của công ty và công nghệ cốt lõi. Họ có thể là người có kiến thức sâu rộng, trực tiếp nghiên cứu phát triển công nghệ, họ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hoạt động kinh doanh hàng ngày của công ty… Giữ họ sẽ giúp công ty vận hành ổn định, đẩy nhanh quá trình chuyển giao, giữ nhân tài, bảo tồn tri thức của doanh nghiệp, tiết kiệm thời gian chi phí đào tạo…
Do đó, trong thoả thuận M&A cần có các điều khoản ràng buộc để đảm bảo các nhân sự này tiếp tục làm việc ở công ty. Các vị trí rời đi cũng phải có các thoả thuận bảo mật và chống cạnh tranh (NDA) đặc thù của ngành. Thông thường, bên mua sẽ yêu cầu bên bán phải ký kết một NDA có thời hạn làm việc tiếp tục với các nhân sự chủ chốt trước khi chuyển giao. Nhưng đây không phải là một việc dễ dàng với bên bán, bởi để thuyết phục các nhân sự này ký vào NDA với các điểu khoản nghiêm ngặt về việc bảo mật, làm việc tiếp tục thì họ cần có các điều kiện về quyền lợi tương xứng mà bên bán phải đồng ý.
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Mua bán và sáp nhập. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.