Mua bán hàng hóa là hoạt động phổ biến, thường xuyên trong giao dịch dân sự và kinh doanh thương mại. Số lượng tranh chấp phát sinh từ hoạt động này hiện chiếm đa số trong các tranh chấp mà cả tòa án, trọng tài đã và đang giải quyết. Bài viết này mong muốn chia sẻ một số vấn đề pháp lý bên bán cần lưu tâm trong quá trình giao dịch để hạn chế rủi ro, thiệt hại khi tranh chấp phát sinh
1. Chứng từ giao nhận hàng hóa, một chứng cứ quan trọng cần phải có
Trong nhiều vụ án, bên bán nhầm tưởng rằng hợp đồng và hóa đơn do bên bán xuất là đủ để chứng minh bên bán có quyền yêu cầu bên mua thanh toán tiền hàng. Tuy nhiên, không phải vậy. Hợp đồng là cam kết thực hiện nghĩa vụ và cần phải có quá trình thực hiện để ràng buộc trách nhiệm giữa các bên. Hóa đơn là do đơn phương bên bán xuất, có thể được xuất hoàn, hủy nếu bên mua không chấp nhận. Chỉ có chứng từ giao hàng, biên bản nghiệm thu hoặc một tài liệu tương tự như mới là chứng cứ thể hiện bên bán đã hoàn thành nghĩa vụ của mình và phát sinh quyền yêu cầu bên mua thanh toán. Trong nhiều vụ việc, vì thiếu chứng cứ này, bên mua không những từ chối nghĩa vụ thanh toán, thậm chí đã phản tố yêu cầu bên bán bồi thường hoặc chịu phạt vi phạm vì chưa giao hàng.
Đối với chứng từ giao hàng, bên bán cần lưu ý, bên mua có thể cử người ký trên biên bản nhận hàng là nhân viên bảo vệ hoặc nhân viên quản lý kho. Một vài trường hợp, khi tranh chấp xảy ra, luật sư của bên mua nói rằng, người nhận hàng không phải là nhân viên của bên mua hoặc không được bên mua chỉ định, bên mua không biết về việc giao hàng này. Bỏ qua vấn đề đạo đức kinh doanh, dưới góc độ pháp lý, tòa án, trọng tài sẽ yêu cầu bên bán phải chứng minh bên mua đã biết việc giao hàng của bên bán và không phản đối về thẩm quyền của người nhận (thủ kho, bảo vệ). Rất khó để bên bán chứng minh điều này.
Do đó, khi giao hàng, ai là người ký trên biên bản giao hàng cũng là điều bên bán cần lưu tâm. Nếu không thể là đại diện theo pháp luật thì cũng nên là người được chỉ định trong hợp đồng hoặc người có tên trên giấy giới thiệu nhận hàng của bên mua.
2. Mô tả chi tiết hàng hóa, điều khoản quan trọng bảo vệ bên bán khi có tranh chấp về chất lượng hàng hóa
Khi hàng hóa là đối tượng cơ bản của hợp đồng, hàng hóa càng được mô tả chi tiết bao nhiêu thì khi có tranh chấp về chất lượng hàng hóa, càng dễ giải quyết và có lợi cho bên bán bấy nhiêu.
Ví dụ: Một hợp đồng mua bán hàng hóa là một máy in màu công nghiệp, dùng để in logo hoặc các họa tiết trên sản phẩm may mặc, mô tả hàng hóa đơn giản như sau:
Tên hàng hoá | Mã hàng | Số lượng | Đơn vị tính | Đơn giá (VNĐ) | Thành tiền
(VNĐ) |
Máy in lụa
(Origin: CLT – China) |
SM92-300-82 | 01 | PCS | 5,000,000,000 | 5,000,000,000 |
CỘNG: | 5,000,000,000 | ||||
10% VAT | 500,000,000 |
Máy in oval có 2 đường ray, có thể đứng 1 người ở vị trí đuôi máy.
Bên bán đã giao hàng cho bên mua nhưng khi sử dụng, chất lượng bản in không đáp ứng kỳ vọng của bên mua và bên mua yêu cầu trả hàng với lý do máy in chất lượng kém. Bên bán cho rằng hàng đã được giao đúng theo thỏa thuận giữa các bên. Tranh chấp phát sinh.
Với điều khoản mô tả hàng hóa nêu trên, kết quả giải quyết tranh chấp sẽ là một trong hai tình huống sau:
- Tòa án/trọng tài sẽ căn cứ Điều 279 Bộ Luật Dân Sự 2015, sử dụng một hàng hóa tương đương với chất lượng trung bình trên thị trường để làm cơ sở giám định và xác định chất lượng hàng hóa. Đúng sai có thể phán quyết được;
- Nếu không có hàng hóa tương đương trên thị trường, hợp đồng có thể bị xem xét tuyên vô hiệu do đối tượng thỏa thuận trong hợp đồng không thực hiện được theo Điều 408 Bộ Luật Dân Sự 2015. Hệ quả, các bên trả lại cho nhau những gì đã nhận. Bên bán nhận lại máy và hoàn trả tiền cho bên mua.
Với các hàng hóa có tính kỹ thuật đặc định, rất khó để tìm một hàng hóa tương tự trên thị trường, khi đó, trường hợp hợp đồng vô hiệu thường sẽ được áp dụng và mục tiêu của bên mua được đáp ứng.
Do đó, nếu hàng hóa được mô tả chi tiết trong hợp đồng, bên bán chỉ cần chứng minh hàng hóa được giao đã đáp ứng đúng các nội dung được mô tả thì được coi như đã hoàn thành nghĩa vụ. Nếu hàng hóa có các tiêu chuẩn cụ thể, có thể dẫn chiếu đến các bộ tiêu chuẩn này trong quá trình soạn thảo hợp đồng. Hàng mẫu cũng là một cách để bên bán mô tả cho sản phẩm của mình.
3. Chuyển giao rủi ro đối với hàng hóa
Thời điểm chịu rủi ro đối với hàng hóa là điều bên bán và cả bên mua cũng cần lưu tâm để thỏa thuận cho phù hợp với đặc tính của mỗi loại hàng hóa.
Điều 441 Bộ Luật Dân Sự năm 2015 quy định về thời điểm chịu rủi ro đối với hàng hóa như sau:
- Bên bán chịu rủi ro đối với tài sản trước khi tài sản được giao cho bên mua, bên mua chịu rủi ro đối với tài sản kể từ thời điểm nhận tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
- Đối với hợp đồng mua bán tài sản mà pháp luật quy định tài sản đó phải đăng ký quyền sở hữu thì bên bán chịu rủi ro cho đến khi hoàn thành thủ tục đăng ký, bên mua chịu rủi ro kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Quy định trên sẽ được áp dụng nếu các bên không có thỏa thuận về thời điểm chuyển giao rủi ro đối với hàng hóa. Nếu các bên có thỏa thuận sẽ ưu tiên áp dụng thỏa thuận giữa các bên.
Chẳng hạn, các bên mua bán một xe ô tô. Đây là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu. Mặc dù bên bán đã giao tài sản cho bên mua nhưng quyền sở hữu cần một thời gian để hoàn thành thủ tục đăng ký. Trong thời gian này, chẳng may xảy ra rủi ro gây thiệt hại cho xe, chẳng hạn hỏa hoạn, lũ lụt….Theo quy định ở trên, rủi ro này bên bán vẫn phải chịu mặc dù tài sản đã giao tài sản cho bên mua.
4. Lựa chọn luật và cơ quan giải quyết tranh chấp, chọn sao cho phù hợp
Vấn đề này sẽ đặt ra đối với các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, khi bên mua và bên bán ở hai quốc gia khác nhau.
Trong nhiều trường hợp, đặc biệt là trong giai đoạn soạn thảo hợp đồng các bên có thuê luật sư tư vấn, việc chọn luật và chọn cơ quan giải quyết tranh chấp thường chiếm nhiều thời gian, và có vài trường hợp giao dịch bị gãy chỉ vì điều này.
Theo quan điểm của người viết, việc bên bán hoặc bên mua cố gắng đàm phán để lựa chọn cho được pháp luật áp dụng cho hợp đồng là pháp luật hoặc cơ quan giải quyết tranh chấp nước mình chưa hẳn đã là điều có lợi. Cùng xem ví dụ sau đây:
Bên bán ở Hàn Quốc, bên mua ở Việt Nam. Bên bán thành công trong việc đàm phán lựa chọn luật áp dụng là pháp luật Hàn Quốc và tòa án Hàn Quốc để giải quyết tranh chấp. Bên mua vi phạm nghĩa vụ thanh toán, bên bán kiện ở tòa án Hàn Quốc và thắng kiện. Để bán án của tòa án Hàn Quốc được thi hành tại Việt Nam, bên bán phải yêu cầu tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành bản án của tòa án Hàn Quốc tại Việt Nam. Tưởng chừng đơn giản nhưng không phải vậy. Các vấn đề sau sẽ phát sinh:
- Bản án không được công nhận và cho thi hành vì nguyên tắc có đi có lại
Giữa Việt Nam và Hàn Quốc không có hiệp định về việc công nhận và cho thi hành phán quyết của tòa án. Việc có công nhận và cho thi hành bản án của tòa án Hàn Quốc hay không sẽ được áp dụng theo nguyên tắc có đi, có lại quy định tại Điều 423 Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự 2015. Trên thực tế, để áp dụng được nguyên tắc này, ý kiến của Bộ Ngoại Giao và Bộ Tư Pháp sẽ được tòa án Việt Nam tham vấn trước khi xem xét có công nhận và cho thi hành hay không. Thủ tục này sẽ mất rất nhiều thời gian và đôi lúc bị vướng lại nếu Hàn Quốc chưa từng công nhận và cho thi hành phán quyết nào của tòa án Việt Nam.
- Bản án không được công nhận và cho thi hành vì vi phạm nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam
Mỗi quốc gia đều có những nguyên tắc cơ bản khi xây dựng hệ thống pháp luật để bảo vệ nền tư pháp của mình. Thực tiễn có nhiều phán quyết của tòa án, trọng tài nước ngoài không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam vì bị cho rằng đã vi phạm các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Nguyên tắc này là gì thì rõ ràng luật sư của bên bán và tòa án Hàn Quốc sẽ khó có thể biết được khi giải quyết tranh chấp ở Hàn Quốc. Đây là điều không hiếm trên thực tế ở Việt Nam.
- Bản án không được công nhận và cho thi hành vì thuộc thẩm quyền riêng biệt của tòa án Việt Nam
Bản án của tòa án Hàn Quốc sẽ không được thi hành tại Việt Nam nếu vụ án rơi vào trường hợp thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam quy định tại Điều 470 Bộ Luật Dân Sự 2015. Các trường hợp này không nhiều nhưng cũng sẽ là rủi ro nếu nội dung tranh chấp thuộc trường hợp này, chẳng hạn tranh chấp có liên quan đến bất động sản tại Việt Nam.
Với ví dụ trên, chưa hẳn chọn được luật và cơ quan giải quyết tranh chấp của nước mình đã là có lợi. Theo quan điểm của người viết, việc chọn luật nào, cơ quan nào giải quyết tranh chấp nên được xem xét với tiêu chí khả năng vi phạm hợp đồng của một bên. Nếu bên bán tự tin rằng khả năng mình vi phạm hợp đồng là thấp, việc lựa chọn luật và cơ quan giải quyết tranh chấp của nước bạn cũng không phải là vấn đề gì quá bất lợi. Như ví dụ ở trên, bên bán kiện và thắng ở Việt Nam, việc công nhận và cho thi hành không còn là vấn đề cần suy nghĩ.
Hơn nữa, hiện đã có công ước Viên năm 1980 (CISG) về mua bán hàng hóa quốc tế. Công ước này được xem là pháp luật chung của các quốc gia thành viên với mức độ tương thích với pháp luật quốc gia khá cao. Hiện đang có hơn 150 quốc gia là thành viên của công ước này. Do đó, với pháp luật điều chỉnh, các bên chỉ cần lựa chọn áp dụng công ước này thì vấn đề về luật nội dung sẽ không còn là vấn đề lớn.
Các vấn đề ở trên là các vấn đề phổ biến người viết gặp phải trong quá trình hành nghề. Mong rằng nội dung ngắn ở trên có thể hỗ trợ phần nào cho bên bán trong quá trình đàm phán, thực hiện giao dịch của mình.
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ liên của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Thương mại trong và ngoài nước. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Thương mại trong và ngoài nước và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Việt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.