Hợp đồng mua bán hàng hóa là loại hợp đồng phổ biến trong thương mại, nhưng việc thực hiện nghĩa vụ giao hàng thường phát sinh tranh chấp. Theo pháp luật Việt Nam, bên bị vi phạm có quyền hủy bỏ hoặc đình chỉ hợp đồng nếu bên kia vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng (Điều 312 Luật Thương mại 2005). Vi phạm cơ bản được định nghĩa là sự vi phạm gây thiệt hại nghiêm trọng khiến bên bị vi phạm không đạt được mục đích giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, việc áp dụng căn cứ này còn nhiều tranh cãi, do chưa có hướng dẫn cụ thể hay định nghĩa như thế nào là “vi phạm đến mức khiến bên bị vi phạm không đạ được mục đích giao kết hợp đồng” để xem là vi phạm cơ bản. Một trong những lý do dẫn đến vấn đề này là việc không hướng dẫn như thế nào là “gây thiệt hại đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng”.
Bên cạnh đó, việc huỷ bỏ hợp/đình chỉ thực hiện hợp đồng của một bên do bên kia vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng mang ý chí đơn phương của bên huỷ bỏ. Trong khi, việc xác định bên đó có căn cứ để huỷ bỏ hợp đồng phụ thuộc vào quyết định của Toà án hoặc cơ quan giải quyết tranh chấp có thẩm quyền. Trong bài viết này, tác giả sẽ nêu một số quan điểm của cơ quan giải quyết tranh chấp về các nghĩa vụ bị vi phạm có khả năng được xem là “vi phạm cơ bản” nghĩa vụ giao hàng trong hợp đồng mua bán hàng hoá dưới góc độ pháp luật thương mại.
Thứ nhất, bên bán giao hàng không đúng thời hạn.
Bản án phúc thẩm số 427/2022/KDTM-PT ngày 27/07/2022 về việc tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá của Toà án nhân dân Tp. Hồ Chí Minh: Toà án cấp phúc thẩm nhận định rằng, do Công ty U đã không thực hiện nghĩa vụ giao hàng đúng thời hạn trong hợp đồng mua bán hàng hoá là vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng làm cho nguyên đơn không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng nên căn cứ theo Khoản 13, Điều 3, Luật Thương mại, điểm b Khoản 4 Điều 312 Luật Thương mại, Toà án cấp sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về huỷ bỏ hợp đồng bà buộc Công ty U trả lại số tiền do nguyên đơn đã tạm ứng cho Công ty U là có cơ sở.
Thứ hai, bên mua hàng nhận hàng không đúng tiến độ.
Bản án số 01/2022/KDTM-PT ngày 30/03/2022 của Toà án nhân dân tỉnh Huưng Yên về việc tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá: theo Toà án cấp phúc thẩm, theo thoả thuận của hai bên theo hợp đồng mua bán hàng hoá, thì Bên B (bên mua hàng) đã vi phạm hợp đồng khi không thực hiện đúng các thoả thuận là nhận hàng đúng thời gian, tiến độ. Hợp đồng của hai bên là hợp đồng mua bán hàng hoá, Bên B đã vi phạm cơ bản nghĩa vụ hơp đồng là nhận hàng, và là điều kiện để Bên A (bên bán hàng) huỷ bỏ hợp đồng. Do Bên B vi phạm hợp đồng, không nhận hàng nên bên A đã thực hiện việc bán lô hàng 500.000 kg ngô hạt Nam Mỹ cho bên thứ ba để giảm thiểu thiệt hại là đúng quy định tại Điều 305 Luật thương mại.
Thứ ba, bên bán giao hàng hoá không đồnng bộ, không đảm bảo chất lượng như đã thoả thuận làm cho mục đích sử dụng hàng hoá không đạt được.
Bản án số 31/2018/KDTM-PT ngày 30/10/2018 về việc tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá của Toà án nhân dân tỉnh Bình Dương:
- Về thời gian giao hàng: theo nhận định của Toà án, đối tượng của ba hợp đồng mua bán là dây chuyền máy sản xuất gạch Block tự động, 6 bộ dây chuyền phễu chứa cát tự động, băng tải, tủ điện và 01 dây chuyền máy sản xuất bê tông nhẹ là các hẹ thống máy đồng bộ. Tại Điều 4 của cả ba hợp đồng mua bán đều xác định trách nhiệm của bên bán là thực hiện đầy đủ công việc lắp đặt máy, vận hành thử máy và cho ra sản phẩm của mỗi hệ thống máy đạt tiêu chuẩn tại nhà máy của bên mua. Bị đơn cũng thừa nhận chưa lắp đặt xong dây chuyền máy móc, dẫn đến máy móc không hoạt động được, chưa có dây chuyền nào tạo ra được sản phẩm. Vì vậy có thể xác định hàng hoá theo 03 hợp đồng nêu trên chưa được bên bán giao cho bên mua theo đúng thời gian đã thoả thuận tại hợp đồng.
- Vi phạm về chất lượng hàng hoá: Khi thoả thuận ký kết hợp đồng hàng hoá trong hợp đồng là hàng mới, chỉ có mô tơ là hàng đã qua sử dụng còn lại 80%. Tuy nhiên, theo chứng thư giám định do Công ty TNHH Giám Định Vina Control Tp. Hồ Chí Minh xác định hàng hoá trong ba hợp đồng nêu trên là hàng đã qua sử dụng (hệ thống thuỷ lực đã qua sử dụng, piston bị trầy xước), các thiết bị không đồng bộ để vận hành dây chuyền và không có cơ sở để xác định xuất xứ hàng hoá.
Bên bán đã vi phạm cơ bản nghĩa vụ của hợp đồng là vi phạm thoả thuận về thời gian giao hàng và vi phạm về chất lượng hàng hoá, giao hàng không đồng bộ làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của bên mua.
Bài viết liên quan:
1/ Phạt vi phạm hợp đồng đối với nhà thầu liên danh
2/ Hợp đồng mua bán hàng hóa tại Việt Nam có điều khoản giao hàng quốc tế (FOB/CIF) tại Việt Nam
3/ Làm gì khi hoàn cảnh giao kết hợp đồng thay đổi?
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Rà Soát & Soạn Thảo Hợp Đồng. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.