Tại Việt Nam, phán quyết của trọng tài nước ngoài được công nhận và cho thi thành trên cơ sở điều ước quốc tế hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.1 Tuy nhiên, việc quyết định phán quyết của trọng tài nước ngoài có được công nhận để cho thi hành tại Việt Nam còn tùy thuộc quá trình xem xét của Tòa án. Hiện nay, tỷ lệ các phán quyết trọng tài không được công nhận tại Việt Nam là tương đối cao,2 và xuất phát từ nhiều lý do khác nhau. Bài viết sau đây trình bày các trường hợp (hay lý do) phổ biến mà Tòa án Việt Nam không công nhận phán quyết của Trọng tài nước ngoài.
1. Các bên ký kết thỏa thuận trọng tài không có năng lực để ký kết thỏa thuận đó theo pháp luật được áp dụng cho mỗi bên
Việc công nhận phán quyết của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự và pháp luật khác có liên quan. Điều 459 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định rõ Tòa án không công nhận phán quyết của Trọng tài nước ngoài khi xét thấy chứng cứ do bên phải thi hành cung cấp cho Tòa án để phản đối yêu cầu công nhận là có căn cứ, hợp pháp và phán quyết trọng tài thuộc một trong các trường hợp liệt kê tại điều này. Một trong những trường hợp đó là các bên ký kết thỏa thuận trọng tài không có năng lực để ký kết thỏa thuận đó theo pháp luật được áp dụng cho mỗi bên.
Thỏa thuận trọng tài đóng vai trò là điều kiện tiên quyết để tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài.3 Do đó, việc xác định năng lực của chủ thể ký kết thỏa thuận trọng tài đóng vai trò quan trọng trong việc xác định hiệu lực của thỏa thuận trọng tài. Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 đã quy định rõ việc xác định năng lực của chủ thể tham gia ký kết thỏa thuận được xác định theo pháp luật được áp dụng cho mỗi bên. Cụ thể, để giải quyết trường hợp luật nước nào được áp dụng để xem xét người ký kết thỏa thuận trọng tài có năng lực ký kết hay không sẽ được xác định bằng cách áp dụng quy tắc xung đột pháp luật của tòa án nơi việc công nhận và cho thi hành được yêu cầu, thông thường là luật của nơi cư trú đối với cá nhân và luật của nước nơi thành lập đối với tổ chức.4 Tòa án không thể căn cứ quy định của pháp luật Việt Nam để xác định người ký kết thỏa thuận trọng tài của phía nước ngoài không có năng lực (thẩm quyền) để ký kết thỏa thuận trọng tài đó và ngược lại, không thể căn cứ quy định của pháp luật của nước ngoài để xác định người ký thỏa thuận trọng tài của phía Việt Nam không có năng lực (thẩm quyền) để ký kết thỏa thuận đó.5
Theo Quyết định số 01/2017/KDTM-ST của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình về việc tuyên xử không công nhận Phán quyết trọng tài ngày 27/11/2013 của Trọng tài của Hiệp hội bông quốc tế (ICA), Tòa án căn cứ vào việc bốn hợp đồng mua bán giữa hai bên chỉ có chữ ký mà không có tên và chức vụ của người ký nhưng trong quá trình giải quyết người được thi hành cũng không xuất trình được giấy tờ chứng minh những người ký hợp đồng là có thẩm quyền. Do đó, thỏa thuận trọng tài trong trường hợp này không có giá trị pháp lý ràng buộc. Vì vậy, tổ chức trọng tài thuộc Hiệp hội Bông quốc tế đã thụ lý giải quyết một tranh chấp không có thỏa thuận trọng tài là trái với Điều 2 Công ước New York.6
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thi hành không được thông báo kịp thời và hợp thức về việc chỉ định Trọng tài viên, về thủ tục giải quyết vụ tranh chấp tại Trọng tài nước ngoài hoặc vì nguyên nhân chính đáng khác mà không thể thực hiện được quyền tố tụng của mình
Đây là một trong những lý do phổ biến để các Tòa án Việt Nam quyết định không công nhận phán quyết trọng tài tại Việt Nam. Về nguyên tắc, tố tụng trọng tài được thực hiện với mục đích giải quyết tranh chấp giữa các bên nên các bên phải được đối xử một cách công bằng và được tạo điều kiện để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình, trong đó bao gồm việc phải có cơ hội đầy đủ để trình bày về vụ kiện.7 Do đó, trường hợp bên phải thi hành phán quyết trọng tài không được thông báo kịp thời và hợp thức về việc chỉ định Trọng tài viên, về thủ tục giải quyết vụ tranh chấp tại Trọng tài nước ngoài hoặc vì nguyên nhân chính đáng khác mà không thể thực hiện được quyền tố tụng của mình là trường hợp quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị xâm phạm một cách nghiêm trọng. Vậy phán quyết trọng tài được thực hiện trong trường hợp này không đảm bảo tính công bằng cho các bên nên không thể được công nhận để thi hành.
Theo Quyết định số 39/2021/QĐ-PT, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã tuyên xử không công nhận và cho thi hành tại Việt Nam Phán quyết số SG2019002, số tham chiếu SHIAC 2019-0606 ngày 24/7/2019 của Ủy ban Trọng tài Kinh tế và Thương mại Quốc tế Thượng H (Trung tâm Trọng tài Quốc tế Thượng H) vì người phải thi hành không thể thực hiện quyền tố tụng của mình.
Cụ thể, Tòa án cho rằng việc Ủy ban Trọng tài đã mở phiên điều trần lần thứ hai vào ngày 21/4/2019 nhưng đến ngày 18/4/2019, Ban thư ký của SHIAC mới nhận được các bằng chứng bổ sung của người yêu cầu và các tài liệu có trong hồ sơ không có thể hiện chứng cứ là Ban thư ký của SHIAC đã gửi và thời gian gửi các tài liệu nói trên cho người phải thi hành. Đồng thời, nếu theo quy trình gửi và chuyển phát nhanh các bưu phẩm của DHL thì mất ít nhất 24 giờ (từ khi nhận bưu phẩm của Ban Thư ký của SHIAC), tức là ngày 19/4 hoặc 20/4/2019 DHL mới chuyển đến thành công cho người phải thi hành. Vậy thời gian này không đủ cho người phải thi hành chuẩn bị tài liệu, thuê luật sư, phiên dịch và xin visa nhập cảnh vào Trung Quốc và kịp đến tham dự phiên điều trần lần thứ hai tại địa điểm của SHIAC tổ chức vào ngày 21/4/2019 do Ủy ban Trọng tài mở. Ngoài ra, Ủy ban trọng tài đã không tống đạt văn bản gia hạn thời hạn để đưa ra phán quyết trọng tài và không gửi văn bản nêu lý do rút ngắn thời gian đưa ra phán quyết cho người phải thi hành là đã vi phạm quyền được thông báo và do đó người phải thi hành cũng không biết để khiếu nại phán quyết này lên cấp cao hơn để bảo vệ quyền lợi cho mình.8
3. Thành phần của Trọng tài nước ngoài, thủ tục giải quyết tranh chấp của Trọng tài nước ngoài không phù hợp với thỏa thuận trọng tài hoặc với pháp luật của nước nơi phán quyết của Trọng tài nước ngoài đã được tuyên, nếu thỏa thuận trọng tài không quy định về các vấn đề đó
Khi xem xét việc công nhận phán quyết trọng tài, Toà án căn cứ vào thoả thuận trọng tài hoặc căn cứ vào pháp luật của nước nơi quyết định của Trọng tài nước ngoài được tuyên, nếu thoả thuận trọng tài không quy định về các vấn đề đó, để xác định Thành phần của Trọng tài nước ngoài, thủ tục giải quyết tranh chấp của Trọng tài nước ngoài có phù hợp với thoả thuận trọng tài hoặc với pháp luật của nước nơi quyết định của Trọng tài nước ngoài được tuyên hay không.9
Quyết định số 188/2021/QĐ-PT ngày 31/03/2021 của Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP. Hà Nội đã không công nhận phán quyết số 5171 (2016) S.Z.A.ZI ngày 15/8/2017 của Ủy ban trọng tài Quảng Châu Trung Quốc do có vi phạm thủ tục tố tụng trọng tài. Lý do không công nhận xuất phát từ việc hội đồng trọng tài trong vụ việc này đã không xem xét yêu cầu phản tố của người phải thi hành nên vi phạm Điều 19 Quy tắc trọng tài của Uỷ ban trọng tài Quảng Châu và thuộc trường hợp không được công nhận theo quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 459 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.10
4. Việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
Với lý do này, không phụ thuộc vào việc bên phải thi hành cung cấp cho Tòa án chứng cứ chứng minh việc phản đối yêu cầu công nhận của mình là hợp pháp, nếu Tòa án xét thấy việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì sẽ không công nhận phán quyết trọng tài.
Khác với việc sử dụng thuật ngữ “trật tự công cộng” theo Công ước New York năm 1958 về việc công nhận và thi hành các quyết định trọng tài nước ngoài, pháp luật Việt Nam sử dụng thuật ngữ “các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” để không công nhận phán quyết trọng tài. Việc giải thích như thế nào được xem là các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam hiện nay chưa được hướng dẫn một cách trực tiếp và rõ ràng, dẫn đến có quan điểm cho rằng quy định này dẫn đến việc thiếu sự thống nhất trong việc áp dụng.11 Trên thực tế, Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao khi hướng dẫn căn cứ “Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” để hủy phán quyết trọng tài theo quy định tại Điều 68 Luật Trọng tài thương mại là phán quyết vi phạm các nguyên tắc xử sự cơ bản có hiệu lực bao trùm đối với việc xây dựng và thực hiện pháp luật Việt Nam. Việc có hay không sự vận dụng hướng dẫn này của Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP để áp dụng tương tự cho căn cứ “trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” để không công nhận phán quyết trọng tài còn chưa rõ ràng. Nhưng về mặt quy định, cũng là hợp lý khi cho rằng không thể vận dụng quy định của Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP để áp dụng cho quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 vì vốn dĩ quy định này của Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP đã ghi rõ là hướng dẫn cho các căn cứ hủy phán quyết trọng tài theo Luật Trọng tài thương mại 2010, không bao gồm quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Mặc dù sự quan ngại nêu trên, thực tế lý do phán quyết của Trọng tài nước ngoài không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam vì trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam diễn ra tương đối phổ biến.
Quyết định giám đốc thẩm số 05/2022/KDTM-GĐT ngày 29/4/2022 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã không công nhận và cho thi hành tại Việt Nam một Phán quyết của Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore (SIAC) vì trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Các lập luận của Tòa án xoay quanh các vấn đề sau:
Thứ nhất, hợp đồng vay chuyển đổi và hợp đồng bảo lãnh giữa bên được thi hành (pháp nhân nước ngoài) và bên phải thi hành (pháp nhân và hai cá nhân Việt Nam) được ký trên lãnh thổ Việt Nam giữa công ty nước ngoài với công ty Việt Nam và người Việt Nam nhưng không có bản dịch tiếng Việt hay người phiên dịch tiếng Việt để dịch lại cho các bên. Đặc biệt là hợp đồng bảo lãnh, các bên chỉ ký kết hoàn toàn bằng tiếng Anh, không được công chứng hay chứng thực và đăng ký giao dịch bảo đảm tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Trong khi đó, tại Điều 20 Hợp đồng vay chuyển đổi và tại Điều 17.1 Hợp đồng bảo lãnh có nội dung: “Hợp đồng bảo lãnh này và các quyền và nghĩa vụ theo Hợp đồng bảo lãnh này sẽ được hiểu và điều chỉnh theo các quy định của pháp luật Việt Nam” và Phán quyết ngày 02/5/2019 của SIAC cũng ghi rõ “Pháp luật Việt Nam sẽ được áp dụng để xét xử trọng tài”.
Thứ hai, người được thi hành cho người phải thi hành vay chuyển đổi bằng USD nhưng người được thi hành không phải là tổ chức tín dụng được Nhà nước Việt Nam cho phép hoạt động tại Việt Nam theo Điều 4 và Điều 20 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 nên giao dịch cho vay chuyển đổi này vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam.12 Từ những lẽ đó, phán quyết trọng tài này không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam.
Tóm lại, phán quyết trọng tài là kết quả của quá trình giải quyết tranh chấp giữa các bên và việc thi hành phán quyết trọng tài mang ý nghĩa quan trọng trong việc giúp các bên đạt được mục đích của việc giải quyết tranh chấp. Do đó, việc đảm bảo phán quyết trọng tài không bị từ chối công nhận và cho thi hành tại Việt Nam cần được lưu tâm bởi các bên tranh chấp để có ứng xử phù hợp trong quá trình giải quyết tranh chấp.
(1) Điều 424 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
(2) Nguyễn Mạnh Dũng (2020), Báo cáo đánh giá, so sánh quy định pháp luật Việt Nam về công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài với Luật Mẫu UNCITRAL, đề xuất khả năng áp dụng Luật Mẫu tại Việt Nam, tr. 28.
(3) Khoản 1 Điều 5 Luật Trọng tài thương mại 2010.
(4) Phạm Thị Hồng Mỵ (2020), Không công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài tại Việt Nam – Nhìn nhận từ một vụ việc thực tiễn, Tạp chí Kinh tế đối ngoại số 21.
(5) Tưởng Duy Lượng, Thực tiễn giải quyết đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài.
(6) Xem: Bộ Tư Pháp, Cơ sở dữ liệu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài, STT 80.
(7) Điều 18 Luật Mẫu về trọng tài thương mại quốc tế của Ủy ban Liên Hiệp Quốc về luật thương mại quốc tế 1985.
(8) Tham khảo tại: https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta790030t1cvn/chi-tiet-ban-an.
(9) Tưởng Duy Lượng, tlđd.
(10) IDVN Lawyers (2023), Công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài.
(11) Bùi Lê Hiếu, Phạm Quỳnh Như (2023), Kinh nghiệm một số quốc gia về công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài – Gợi mở hoàn thiện cho pháp luật Việt Nam, Tạp chí điện tử Pháp Lý.
(12) Tham khảo: Nguyễn Hải An (2023), Lý do Tòa án Việt Nam không công nhận phán quyết của trọng tài nước ngoài, Tạp chí Tòa án nhân dân; Chu Minh Đức (2022), Trường hợp không đủ căn cứ công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của trọng tài nước ngoài, Tạp chí Tòa án nhân dân.
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Giải Quyết Tranh Chấp. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.