Trong những năm gần đây, đầu tư ra nước ngoài trở thành xu hướng đầu tư của các nhà đầu tư Việt Nam. Điều này phản ánh sự hội nhập của kinh tế Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa, góp phần quan trọng trong việc nâng cao vị thế và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước. Theo thống kê của Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư, tính đến 09 tháng năm 2024, Việt Nam đã có 1.772 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư Việt Nam gần 22,11 tỷ USD với ngành nghề (khai kháng, bán buôn, bán lẻ, sản xuất và phân phối điện, …).
Một trong các hình thức phổ biến đầu tư ra nước ngoài hiện nay của các doanh nghiệp Việt Nam là hợp tác với các tổ chức, cá nhân có kinh nghiệm, hiểu biết về thị trường để thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư phù hợp theo quy định pháp luật của quốc gia đó. Trong bài viết này, tác giả sẽ đưa ra một số lưu ý liên quan đến thoả thuận hợp tác thành lập doanh nghiệp của của nhà đầu tư việt nam ở nước ngoài.
i. Về ngành nghề đầu tư ra nước ngoài:
- Tuân thủ các quy định về ngành nghề kinh doanh theo pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư.
- Ngành nghề đó không thuộc ngành nghề cấm đầu tư ra nước ngoài theo Điều 53 của Luật Đầu tư 2020.
- Trường hợp nhà đầu tư Việt Nam thực hiện đầu tư trong các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, báo chí, phát thanh, truyền hình và kinh doanh bất động sản, phải đáp ứng điều kiện được đầu tư ra nước ngoài theo quy định pháp luật Việt Nam.
ii. Về loại hình doanh nghiệp: Tuỳ thuộc pháp luật quốc gia tiếp nhận đầu tư mà các bên lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp với mục tiêu kinh doanh, ngành nghề kinh doanh và mục đích của nhà đầu tư Việt Nam. Loại hình doanh nghiệp có thể là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, …
iii. Về nguồn vốn đầu tư: Nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài gồm tiền và tài sản hợp pháp khác của nhà đầu tư, bao gồm vốn chủ sở hữu, vốn vay tại Việt Nam chuyển ra nước ngoài, lợi nhuận thu được từ dự án đầu tư ra nước ngoài được giữ lại để thực hiện hoạt động đầu tư ở nước ngoài. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý:
- thoả thuận cụ thể với các bên còn lại về tài sản góp vốn được cho phép theo quy định pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư;
- trường hợp nhà đầu tư góp vốn bằng ngoại tệ mà không phải USD hoặc đồng tiền hợp pháp của quốc gia tiếp nhận đầu tư thì cần thoả thuận rõ ràng đồng tiền quy đổi để góp vốn là đồng tiền nào, cơ sở quy đổi là gì để hạn chế cảy ra tranh chấp trong quá trình góp vốn.
- thoả thuận cách thức xác định giá trị tài sản góp vốn khi nhà đầu tư góp vốn bằng tài sản khác như máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu, hàng hóa thành phẩm, hàng hóa bán thành phẩm; giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, thương hiệu, quyền đối với tài sản … để tuân thủ quy định pháp luật của quốc gia tiếp nhận đầu tư và hạn chế xảy ra tranh chấp giữa các bên.
iv. Tỷ lệ góp vốn và nghĩa vụ góp vốn của các bên:
- Nhà đầu tư cần xác định một tỷ lệ góp vốn phù hợp với mục đích kinh doanh và có khả năng tác động, ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của doanh nghiệp nhưng đảm bảo tuân thủ quy định của nước tiếp nhận đầu tư và các điều ước quốc tế liên quan đến như tỷ lệ sở hữu vốn tối đa, yêu cầu về chuyển giao công nghệ, hoặc nghĩa vụ sử dụng lao động bản địa (nếu có).
- Phương án giải quyết và chế tài trong trường hợp bất kỳ bên góp vốn không góp đầy đủ, đúng hạn phần vốn góp theo cam kết phù hợp với pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư.
v. Các điều khoản liên quan đến quyền lợi của nhà đầu tư trong quá trình quản lý, vận hành doanh nghiệp:
- Ban Giám đốc/ Hội đồng Quản trị: việc thành lập và thành phần của các cơ quan quản lý như Hội đồng Quản trị, Ban Giám đốc, các chức vụ chủ chốt trong doanh nghiệp ảnh hưởng đến quyền lợi, lợi ích của nhà đầu tư đối với hoạt động của doanh nghiệp.
- Quyền của nhà đầu tư trong việc chỉ định thành viên hội đồng quản trị, ban giám đốc và xác định quyền hạn và trách nhiệm của cá nhân này trong hoạt động quản lý, điều hành doanh nghiệp.
- Quyền ưu tiên mua của các cổ đông hiện hữu khi một cổ đông có ý định chuyển nhượng.
- Xác định quyền biểu quyết của các bên góp vốn để đảm bảo nhà đầu tư vẫn giữ kiểm soát các quyết định lớn trong quá trình điều hành và phát triển doanh nghiệp. của doanh nghiệp như tằng/giảm vốn điều lệ, thay đổi chiến lược kinh doanh, việc phát hành cổ phần mới, hoặc quyết định đầu tư lớn, thay đổi ban giám đốc/hội đồng quản trị, phân chia lợi nhuận, các vấn đề tài chính, đầu tư….
- Quyền yêu cầu doanh nghiệp mua lại cổ phần hoặc bán cổ phần cho bên thứ ba trong các trường hợp cụ thể, như thay đổi cơ cấu quản lý hoặc doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả.
vi. Các thoả thuận khác:
- Chủ thể chịu trách nhiệm thực hiện các thủ tục thành lập doanh nghiệp tại cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận đầu tư.
- Chấm dứt thoả thuận và hậu quả khi thoả thuận chấm dứt, bao gồm: việc xử lý tài sản, thanh toán các nghĩa vụ tài chính, phân chia lợi nhuận còn lại,…
- Trách nhiệm của các bên góp vốn nếu có vi phạm nghĩa vụ theo thoả thuận.
- Pháp luật áp dụng là luật của nước tiếp nhận đầu tư.
- Cơ quan giải quyết tranh chấp do các bên lựa chọn…
Bài viết liên quan:
1/ Thành lập văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam
2/ Hoạt động đầu tư ra nước ngoài của công ty Việt Nam có vốn nước ngoài
3/ Thành lập công ty Singapore để gọi vốn đầu tư cho công ty Việt Nam
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ liên của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Doanh nghiệp và đầu tư. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Doanh nghiệp và đầu tư và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.