Nhiều công ty được thành lập theo pháp luật Việt Nam, cá nhân người Việt Nam thực hiện đầu tư sang các nước khác như Singapore, Đài Loan, Campuchia … để mở rộng thị trường, hình thức đầu tư phổ biến là thành lập công ty hoặc chi nhánh tại nước tiếp nhận đầu tư. Khi đó, các nhà đầu tư không chỉ tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam về việc xin chấp thuận cho phép đầu tư ra nước ngoài và chuyển vốn đầu tư, mà còn tuân thủ quy định pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư về thủ tục thành lập công ty, chi nhánh và điều kiện hoạt động kinh doanh. Một số lưu ý cho các nhà đầu tư khi thành lập công ty ở nước ngoài như sau:
1. Không phải mọi trường hợp Nhà Đầu Tư Việt Nam thành lập công ty, chi nhánh ở nước ngoài đều chịu sự điều chỉnh của Luật Đầu Tư 2020
Luật Đầu Tư 2020 quy định Nhà Đầu Tư Việt Nam có chuyển vốn đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài hoặc sử dụng lợi nhuận từ việc đầu tư này để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh ở nước ngoài, thì mới tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam về việc đầu tư ra nước ngoài.
Theo đó, trường hợp Nhà Đầu Tư Việt Nam không chuyển vốn đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài do (i) không cần góp vốn, chuyển tiền vốn đầu tư; hoặc (ii) việc thành lập công ty, chi nhánh ở nước ngoài được sử dụng nguồn vốn từ chính nước tiếp nhận đầu tư hoặc một nước khác không phải Việt Nam (ví dụ như tiền lương mà cá nhân người Việt Nam nhận được khi làm việc tại nước ngoài) thì không phải xin cấp Giấy Chứng Nhận Đăng Ký Đầu Tư Ra Nước Ngoài (“GCNĐKĐT”).
2. Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần/phần vốn góp ở nước ngoài thì phải tham gia quản lý
Điều 52.1.c Luật Đầu Tư 2020 quy định Nhà Đầu Tư Việt Nam đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần/phần vốn góp của Công Ty Nước Ngoài thì phải tham gia quản lý tổ chức kinh tế đó. Hiện nay, pháp luật đầu tư chưa có quy định để xác định Nhà Đầu Tư Việt Nam có tham gia quản lý hay không khi đầu tư theo hình thức này. Tuy nhiên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thường xem xét dựa trên số vốn đầu tư, tỷ lệ sở hữu mà Nhà Đầu Tư Việt Nam sẽ giữ trong Công Ty Nước Ngoài và nội dung của Thoả thuận góp vốn, mua cổ phần/phần vốn góp hoặc tài liệu khác thể hiện việc tham gia quản lý của Nhà Đầu Tư Việt Nam.
Yêu cầu này không áp dụng đối với các hình thức đầu tư khác như thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật nước ngoài; hợp đồng ở nước ngoài … được liệt kê trong Điều 52.1 Luật Đầu Tư 2020.
3. Chênh lệch tiền vốn đầu tư đã đăng ký tại Việt Nam và Nước Ngoài
Khi thực hiện thủ tục xin cấp GCNĐKĐT, nhiều Nhà Đầu Tư Việt Nam lựa chọn ngoại tệ chuyển ra nước ngoài bằng Đô La Mỹ (USD). Tuy nhiên, Nước Tiếp Nhận Đầu Tư lại ghi nhận tiền vốn đầu tư trên giấy phép thành lập công ty là loại tiền của nước họ, ví dụ như Đài Loan sẽ là Đô La Đài Loan Mới (TWD). Do tỷ giá ngoại tệ có thể thay đổi giữa thời điểm xin cấp giấy phép và thời điểm chuyển tiền vốn đầu tư, nên số tiền vốn thực nhận ở Nước Tiếp Nhận Đầu Tư có thể chênh lệnh cao hoặc thấp hơn so với giấy phép đã được cấp ở Nước Tiếp Nhận Đầu Tư. Tuỳ thuộc vào quy định của ngân hàng của Nước Tiếp Nhận Đầu Tư, (i) nếu tiền vốn đầu tư thực nhận thấp hơn tiền vốn đã đăng ký, Ngân Hàng có thể chuyển trả lại tiền đã nhận để Nhà Đầu Tư Việt Nam chuyển lại từ đầu hoặc yêu cầu chuyển thêm vốn tương ứng số tiền còn thiếu; (ii) nếu tiền vốn đầu tư nhận được cao hơn so với tiền vốn đã đăng ký, Ngân Hàng sẽ hoàn trả lại tiền dư (nếu có yêu cầu).
Để hạn chế việc này, nhiều Nhà Đầu Tư Việt Nam đã lựa chọn ngân hàng quốc tế có cả chi nhánh ở Việt Nam và Nước Tiếp Nhận Đầu Tư. Khi đó, Nhà Đầu Tư Việt Nam có thể thương lượng với Ngân Hàng để thống nhất một tỷ giá khi chuyển tiền, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các chi nhánh nhằm đảm bảo việc góp vốn được diễn ra xuông sẻ.
4. Liên kết giữa thủ tục thành lập công ty ở nước ngoài và xin cấp GCNĐKĐT ở Việt Nam
Cần phải có sự phối hợp giữa Luật Sư Nước Ngoài khi thực hiện thủ tục thành lập công ty ở Nước Tiếp Nhận Đầu Tư và Luật Sư Việt Nam thực hiện thủ tục xin cấp GCNĐKĐT tại Việt Nam, đảm bảo thông tin của hai nơi được đồng nhất và tuân thủ đồng thời quy định pháp luật hai nước. Trường hợp các thông tin được đăng ký khác nhau, Nhà Đầu Tư Việt Nam có thể mất thêm thời gian, công sức để điều chỉnh các giấy phép.
Ngoài ra, các Nhà Đầu Tư Nước Ngoài có thể tham khảo thêm các quy định của pháp luật Việt Nam về việc đầu tư nước ngoài tại đây Q&A Đầu Tư Ra Nước Ngoài.
Bài viết liên quan:
1/ Thành lập công ty Singapore để gọi vốn đầu tư cho công ty Việt Nam
2/ Thách thức thành lập công ty bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài
3/ Thành lập công ty sản xuất tại Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ liên của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Doanh nghiệp và đầu tư. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Doanh nghiệp và đầu tư và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.